Tin tức
27/10 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 23/10 đến 28/10/2023

  • 160
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 23/10 đến 28/10/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Dư nợ tín dụng BĐS đạt gần 1 triệu tỷ đồng
  2. Vingroup ghi nhận doanh thu kỷ lục sau 9 tháng đầu năm, đạt gần 5,5 tỷ USD 
  3. Dự báo vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ tăng mạnh mẽ trong thời gian tới
  4. Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy nhà ở riêng lẻ nhiều tầng
  5. Thủ tướng yêu cầu có chính sách “khuyến mại tín dụng” đặc biệt cho dự án bất động sản khả thi
  6. Bộ Công an: Cần nghiên cứu về quyền được cấp “sổ đỏ” của Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước
  7. 6 nhóm chính sách xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế
  8. Hải Phòng bổ sung 2 cụm công nghiệp gần 120 ha vào quy hoạch
  9. Hà Nội xác định 5 trục không gian chính trong quy hoạch, trục sông Hồng được đặc biệt quan tâm

tin-tuc-bat-dong-san-times-pro-tong-hop-tuan-4-thang-10.2023

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Dư nợ tín dụng BĐS đạt gần 1 triệu tỷ đồng 

Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đã đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7.

Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến ngày cuối cùng của tháng 8, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với ngày 30/7.

Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở là 266.248 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng là 40.622 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, chế xuất là 56.571 tỷ đồng; dư nợ đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng là 53.860 tỷ đồng.

Còn dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa, nhà để bán cho thuê là 132.165 tỷ đồng; dư nợ đối với đầu tư kinh doanh BĐS khác là 310.099 tỷ đồng;…

Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực BĐS, lũy kế tính đến 31/8, có 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 12,4% tổng giá trị phát hành) và 101 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 115.882 tỷ đồng (chiếm 87,6% tổng số). Trong đó, nhóm BĐS với 46.765 tỷ đồng (chiếm 35,3%).

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Vingroup ghi nhận doanh thu kỷ lục sau 9 tháng đầu năm, đạt gần 5,5 tỷ USD

Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính với doanh thu thuần hợp nhất quý III đạt 47.948 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 30.281 tỷ đồng, tăng gần 82% so với cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, doanh thu từ các hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư, cung cấp các dịch vụ liên quan và từ hoạt động cung cấp dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan cũng lần lượt tăng 8,2% và 9,7% so với cùng kỳ. 

Khoản lãi khác cũng công ty cũng tăng mạnh so với cùng kỳ lên mức 6.620 tỷ đồng, chủ yếu đến từ thu nhập từ nhận tài trợ. 

Sau khi trừ các chi phí, giá vốn, Vingroup báo lãi sau thuế quý III đạt 567 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. 

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Dự báo vốn đổ vào thị trường bất động sản sẽ tăng mạnh mẽ trong thời gian tới

Theo Viện nghiên cứu thị trường Bất động sản Việt Nam, giai đoạn 2021 – 2030, các nguồn vốn trợ cho thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhờ sự phát triển của thị trường tài chính và chứng khoán trong thời gian tới.

Theo Viện nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, nguồn vốn cho thị trường bất động sản thời gian qua đã đóng góp vai trò quan trọng cho sự ổn định và phát triển của thị trường bất động sản. Trong đó có 6 nguồn vốn chính gồm: vốn tín dụng, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bất động sản bao gồm vốn từ thị trường chứng khoán, vốn FDI, vốn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vốn từ các quỹ đầu tư, vốn từ ngân sách.

Dự báo giai đoạn 2021 – 2030, các nguồn vốn hỗ trợ cho thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng và phát triển ổn định, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nhờ sự phát triển của thị trường tài chính và chứng khoán trong thời gian tới.

Cụ thể, nguồn vốn tín dụng được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 10 – 12%/năm để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong khoảng 6,8 – 7,2%; trong đó tăng trưởng tín dụng bất động sản (bao gồm cả cho vay nhà ở và kinh doanh bất động sản) tiếp tục duy trì ở mức tương đương tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 10 – 12%/năm). Quy mô nguồn vốn tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản ước tính sẽ đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng (khoảng 86 tỷ USD) và tín dụng nhà ở sẽ vào khoảng 3-3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 147 tỷ USD) vào năm 2030.

Nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết và doanh nghiệp bất động sản nói chung được dự báo tiếp tục tăng mạnh nhờ sự phát triển của thị trường chứng khoán, nhất là sau khi Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi (năm 2022 – 2023).

Tốc độ tăng trưởng nguồn vốn chủ sở hữu doanh nghiệp bất động sản cũng được dự báo ở mức 20% giai đoạn 2021 – 2025, tương đương mức tăng giai đoạn 2010 – 2020; tuy nhiên có thể sẽ chậm lại, còn khoảng 10% vào giai đoạn 2025 – 2030. Dự báo quy mô nguồn vốn doanh nghiệp bất động sản niêm yết sẽ đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng (khoảng 76 tỷ USD) vào năm 2030.

Nguồn vốn trái phiếu được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng khoảng 20 – 25%/năm. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể đạt mức khu vực hiện nay, tức vào khoảng 20 – 25% GDP vào năm 2030. Với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm thì đến năm 2030, GDP Việt Nam đạt khoảng 12 triệu tỷ đồng. Khi đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể đạt khoảng 2,4 triệu tỷ đồng; trong đó, riêng trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 25 – 30%, tương đương khoảng 600 đến 720 nghìn tỷ đồng.

Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn tới được dự báo duy trì ổn định, tăng trưởng bình quân khoảng 5 – 7%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Quy mô nguồn vốn FDI bất động sản đăng ký sẽ đạt khoảng 175 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,5 tỷ USD) vào năm 2030 và chiếm tỷ trọng khoảng 10-12% tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Bên cạnh nguồn vốn FDI, kiều hối cũng là một nguồn vốn quan trọng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản khi Việt Nam luôn nằm trong top 11 nước có nguồn kiều hối lớn nhất thế giới từ năm 2015 đến nay. Mặc dù phải chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2020 và 2021 vẫn tăng lần lượt 3% và 4,6% so với năm trước.

Năm 2022, theo World Bank và KNOMAD, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6-4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021. Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD. Như vậy, với con số ấn tượng này, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, mặc dù hoạt động các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) hiện nay khá mờ nhạt; tuy nhiên trong tương lai, cùng với sự phát triển nâng hạng của thị trường, triển khai luật chứng khoán và sự phát triển của nền kinh tế sẽ từng bước hình thành các mẫu hình quỹ đầu tư bất động sản mới phù hợp với thị trường, từ đó sẽ có thể phát triển mạnh mẽ hơn so với giai đoạn hiện nay, đóng vai trò tích cực hơn trong cơ cấu vốn tài trợ cho thị trường bất động sản. Từ kinh nghiệm quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam cho thấy, nguồn vốn đầu tư bất động sản thông qua REIT được dự báo có triển vọng tốt trong giai đoạn 2020 – 2030 với điều kiện cần sự nghiên cứu và thúc đẩy chính sách từ cơ quan quản lý Nhà nước.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Thủ tướng chỉ đạo tăng cường quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy nhà ở riêng lẻ nhiều tầng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023 về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ:

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý trật tự xây dựng đối với công trình xây dựng nói chung, trong đó có nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố, tại khu vực đô thị, các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…, việc quản lý của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật, như: xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tự ý thiết kế nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ hoặc ngăn phòng nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng… dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình. Để kịp thời xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn sử dụng, bảo vệ tài sản, sức khỏe và tính mạng của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nâng cao trách nhiệm, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở riêng lẻ xây dựng nhiều tầng, nhiều căn hộ; rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản trong quá trình khai thác, sử dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả để xem xét trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng:

  1. Khẩn trương kiểm tra, rà soát, kịp thời đánh giá, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, cấp phép, quản lý, sử dụng, tên gọi đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho người sử dụng.
  2. Tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, tổ chức thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12 năm 2023.
  3. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp khắc phục ngay những tồn tại về PCCC đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; ban hành tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho các công trình, cơ sở hiện hữu khác, hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.

Bộ Công an tiếp tục rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật

Trước mắt, kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có ngay các giải pháp, kỹ năng bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bảo đảm hạn chế cháy nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn, quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ.

Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra phát hiện các công trình, cơ sở, hộ gia đình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện để hướng dẫn, khuyến cáo người dân bảo đảm an toàn tuyệt đối; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sử dụng điện.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao kiến thức, nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành pháp luật về quy hoạch, cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng và an toàn phòng chống cháy nổ đối với công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp xảy ra sự cố.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

  1. Khẩn trương rà soát, đánh giá toàn bộ các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đã đưa vào sử dụng trên địa bàn để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm về chuyển đổi công năng nhà ở, vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời có biện pháp khả thi khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là về phòng cháy, chữa cháy như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm an toàn sức khỏe và tài sản cho người dân. Đối với các công trình xây dựng mới, các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, trật tự xây dựng theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép.
  2. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy và chữa cháy về các nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ; tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC, đặc biệt là kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ.
  3. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tuyệt đối không để các vi phạm về trật tự xây dựng tồn tại, kéo dài, gây bức xúc cho dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và đời sống nhân dân. Kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của các cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, đề cuất các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, lâu dài với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong Quý IV năm 2023.

Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao tại Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện./.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Thủ tướng yêu cầu có chính sách “khuyến mại tín dụng” đặc biệt cho dự án bất động sản khả thi

Tại Công điện số 993/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu, có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi và đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công điện nêu: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này đã có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là việc giảm lãi suất cho vay và tín dụng cho bất động sản.

Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn, đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền, nhất là tiếp cận tín dụng cho bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", trong đó cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo từng năm từ nay đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng địa phương, định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. 

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Bộ Công an: Cần nghiên cứu về quyền được cấp “sổ đỏ” của Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước

Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng nêu ý kiến cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước, nhưng cần làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý chuyên môn đối với từng lĩnh vực của các sở, ngành liên quan.

Trong văn bản gửi đi, Bộ Công an cho rằng, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, bổ sung một số nội dung liên quan đến thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập nên cần căn cứ quy định về thành lập, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế tài chính; việc thành lập trung tâm này có làm tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập...

Bộ Công an đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh, nhất là nội dung quy định trung tâm này có chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân.

Lý do, nhiệm vụ này đang do văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc sở TN&MT cấp tỉnh; đồng thời, được quản lý trực tiếp, xuyên suốt về chuyên môn bởi Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT).

"Trường hợp xác định trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập của UBND cấp tỉnh, đề nghị xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý chuyên môn đối với từng lĩnh vực của các sở, ngành có liên quan", văn bản của Bộ Công an nêu.

Theo Bộ Công an, Bộ Xây dựng dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất; việc thành lập hoặc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, chưa được chứng minh hiệu quả trên thực tiễn nên đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng sự cần thiết.

Về đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước, đại diện Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Bộ TN&MT đã có văn bản góp ý gửi Bộ Xây dựng.

Theo đó, Bộ TN&MT ủng hộ đề xuất nghiên cứu thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản của Nhà nước và có thêm một số góp ý: đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung đánh giá các nội dung liên quan đến hành lang pháp lý hiện nay đối với việc giao dịch bất động sản (qua các sàn giao dịch bất động sản) theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; giao dịch quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bên cạnh đó, cần đánh giá bổ sung về tình hình hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản (số lượng, mô hình, phạm vi hoạt động…); kết quả, tình hình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất qua các năm; tình hình hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công gắn với giải quyết thủ tục hành chính về đất đai…

Bộ TN&MT đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước. Đồng thời, xem xét việc xây dựng theo 02 mô hình là trung tâm của Nhà nước và trung tâm của doanh nghiệp để tận dụng các sàn giao dịch bất động sản hiện nay, tránh tạo ra bất ổn xã hội. Việc đề xuất theo 02 mô hình này cần thể hiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, chế độ báo cáo và các giải pháp kỹ thuật (liên thông cơ sở dữ liệu, công chứng…) đối với từng mô hình.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. 6 nhóm chính sách xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, với 6 nhóm chính sách…

Theo đó, 6 nhóm chính sách đề xuất gồm: chính sách về việc lập phương hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch vùng, và phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh; quy định điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thành lập khu kinh tế; ưu đãi đối với khu công nghiệp, khu kinh tế tại địa bàn điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư thực hiện liên kết ngành, cụm liên kết ngành tại khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách thúc đẩy sự phát triển của loại hình khu công nghiệp mới, khu kinh tế mới, khu chức năng mới trong khu kinh tế; ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ; quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng cơ hội và thách thức rất khác biệt so giai đoạn trước. Cạnh tranh giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư ngày càng gia tăng; dư địa để cơ quan quản lý điều tiết hoạt động hiệu quả của khu công nghiệp, khu kinh tế cũng còn hiện hữu. Vì vậy, thực tiễn đòi hỏi việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần đổi mới mạnh mẽ, nhằm thích ứng với bối cảnh thế giới lẫn trong nước, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế, việc xây dựng Luật là yêu cầu cấp thiết giúp hoàn thiện thể chế và pháp luật liên quan, tạo khung pháp lý thống nhất cho môi trường đầu tư kinh doanh thêm thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 407 khu công nghiệp thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha. Trong đó, 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 khu công nghiệp đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Cùng với đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 khu kinh tế ven biển thành lập tại 17 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.

Ngoài ra, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế 212 tỷ USD.

Mặt khác, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến nay luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996-2000, các khu công nghiệp, khu kinh tế đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước; giai đoạn 2011-2015 đóng góp 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong nước (không kể dầu thô); giai đoạn 2016-2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%. Không những thế, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động cả nước.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC  BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

1. Hải Phòng bổ sung 2 cụm công nghiệp gần 120 ha vào quy hoạch

Đó là Cụm công nghiệp phụ trợ Tràng Duệ tại xã Hồng Phong và xã An Hòa, huyện An Dương, có diện tích khoảng 58,8ha; Cụm công nghiệp Lê Thiện-Đại Bản tại xã Lê Thiện và xã Đại Bản, huyện An Dương, diện tích  59,33ha. Cả hai cụm công nghiệp đều có tính chất là cụm công nghiệp công nghiệp cao, công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử-tin học; công nghiệp hỗ trợ (phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử-tin học cơ khí, điện tử-tin học).

UBND TP giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND huyện An Dương, cùng cơ quan liên quan thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, thành lập cụm công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp theo quy định tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP; Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ và  quy định của pháp luật khác có liên quan.

Trước đó, Hải Phòng đã bổ sung Cụm công nghiệp Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng vào Quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp TP.Hải Phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Cụm công nghiệp Quyết Tiến có diện tích 50 ha, với tính chất quy hoạch là: công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp nhẹ (thực phẩm, may mặc, giầy dép, văn phòng phẩm, chế biến nông sản); công nghiệp hỗ trợ (phục vụ các ngành cơ khí, điện tử, đóng tàu, may mặc, giày dép...).

Theo UBND TP, việc hình thành và phát triển các cụm công nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ.

Hiện trên địa bàn thành phố có 5 cụm công nghiệp, gồm Vĩnh Niệm, An Lão, Tân Liên, Tàu thủy An Hồng và Quán Trữ đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 86% và cụm công nghiệp thị trấn Tiên Lãng đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, còn có 6 cụm công nghiệp (tính đến tháng 6/2023) có Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định thành lập cụm công nghiệp đang triển khai. Cụ thể là Cụm công nghiệp Tiên Cường II, huyện Tiên Lãng, được UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 202/QĐ-UBND ngày 18/01/2022; thành lập cụm công nghiệp tại Quyết định số 607/QĐ-UBND ngày 23/2/2022, với quy mô 47,8 ha, chủ đầu tư Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tiến Phát.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Hà Nội xác định 5 trục không gian chính trong quy hoạch, trục sông Hồng được đặc biệt quan tâm

Theo các chuyên gia, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tập trung vào hai thành phố trực thuộc Thủ đô, ba tuyến hành lang kinh tế, 4 không gian chú trọng phát triển và 5 trục phát triển để phát huy.

Trong đó, có việc hình thành 5 trục không gian cảnh quan chính quan trọng, bảo đảm cho Hà Nội phát triển hài hòa, bền vững nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống.

Các trục được định hướng nghiên cứu là trục sông Hồng - trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối trung tâm với vùng văn hóa xứ Đoài; trục Nhật Tân - Nội Bài là trục đô thị thông minh; trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa là trục kết nối di sản đô thị.

Cuối cùng là trục liên kết phía Nam, gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính, kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư, gắn với vùng di tích Hương Sơn - Tam Chúc.

Theo các chuyên gia, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần tập trung vào hai thành phố trực thuộc Thủ đô, ba tuyến hành lang kinh tế, 4 không gian chú trọng phát triển và 5 trục phát triển để phát huy.

Đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 trình HĐND thành phố xem xét thông qua lần này có một số điểm mới so với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011.

Cụ thể, quy hoạch cũ có ba trục không gian gồm sông Hồng, Hồ Tây - Ba Vì và Hồ Tây - Cổ Loa. Tờ trình lần này bổ sung hai trục Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp lên sân bay Nội Bài) và phía Nam nối trung tâm Hà Nội.

Trục Nhật Tân - Nội Bài đã hình thành nhưng không gian hai bên đường chưa phát triển nhiều, thời gian tới sẽ có các đô thị thông minh, công trình lớn như Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, không gian xanh.

Trục không gian phía nam thành phố hình thành trong tương lai gắn với trục văn hóa Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính; kết nối di sản Thăng Long - Hoa Lư gắn với di tích Hương Sơn - Tam Chúc.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

Tin tức bất động sản về phân tích nhận định của chuyên gia thang 9/2023

Tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 9/2023

Tin tức bất động sản về pháp luật tháng 9/2023

Tin tức bất động sản về thị trường tháng 9/2023

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

 

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan