Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 04 năm 2024
- 260
Với sự biến động không ngừng của thị trường và những tác động từ các yếu tố kinh tế, chính trị, và xã hội, việc có được cái nhìn sâu sắc và nhận định từ các chuyên gia trở nên vô cùng quan trọng đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp. Trong tháng 4 năm 2024, các chuyên gia đã dành nhiều sự chú ý đến những biến động và tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hãy cùng chúng tôi đi vào tầm nhìn của họ và tìm hiểu về những nhận định quan trọng trong tháng qua.
Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) dự báo, trong quý II, giá giao dịch nhà ở và đất nền có thể tăng khoảng 2 - 7% so với quý I.
Báo báo do Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) vừa công bố cho biết, nhìn chung thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực hơn về nhu cầu và tình hình giao dịch trong quý vừa qua.
Đối với nhà ở thương mại, nguồn cung trong 3 tháng đầu năm tiếp tục hạn chế, số lượng dự án mới mở bán không nhiều, chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp. Một số dự án được ra mắt và mở bán như The Canopy Residences giá khoảng 57 - 72 triệu/m2 tại Hà Nội, Stown Tham Lương giá khoảng 27 - 30 triệu/m2 , The Aurora Phú Mỹ Hưng giá khoảng 85 triệu/m2 tại TP HCM; The Maison Bình Dương giá khoảng 29 - 34 triệu/m2 tại Bình Dương...
Nguồn cung thứ cấp nhà ở trong quý I có gia tăng so với cùng kỳ năm trước, song lại giảm so với quý IV/2023. Nguồn cung căn hộ chung cư tại Hà Nội giảm khoảng 5,6%, tại TP HCM giảm 10,6%, tại Đà Nẵng giảm 22,9%, tại Hải Phòng giảm 8,9%, tại Bình Dương giảm 2,2%. Nguồn cung thứ cấp biệt thự, nhà liền kề tại Hà Nội giảm 18,3%, TP HCM giảm 8,8%, Hải Phòng giảm 15,3%, tại Bình Dương tăng 1,4%.
Đơn vị thuộc Bộ Xây dựng nhận định, hoạt động giao dịch của thị trường bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhu cầu tìm mua nhà và tình hình giao dịch nhà ở, đất nền có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là đối với phân khúc căn hộ chung cư.
Cụ thể, lượng giao dịch căn hộ chung cư trong quý I so với cùng kỳ năm 2023 tại Hà Nội tăng khoảng 35,9%, tại TP HCM tăng 23,3%, tại Đà Nẵng tăng 27,5%, tại Bình Dương tăng 19,2%.
Tỷ lệ hấp thụ nhà ở trên thị trường thứ cấp cũng có xu hướng tăng. So với quý IV/2023, tỷ lệ hấp thụ nguồn cung thứ cấp căn hộ chung cư trong quý I tại Hà Nội tăng khoảng 16,9%, tại TP HCM tăng 15,6%, tại Đà Nẵng tăng 7,8%, tại Bình Dương tăng nhẹ 2,9%.
Giá giao dịch thứ cấp nhà ở và đất nền trong quý I gia tăng so với quý trước đó. Loại hình căn hộ chung cư có mức tăng cao hơn so với nhà ở riêng lẻ và đất nền dự án. Hà Nội là địa phương có mức tăng giá thứ cấp căn hộ chung cư cao hơn so với các địa phương khác do nguồn cung mới căn hộ tại đây rất hạn chế.
Sau Tết Nguyên đán, nhà ở riêng lẻ, đất nền tại một số khu vực có giá bán tăng nhẹ và giao dịch khá sôi động như quận Nam Từ Liêm ,Thanh Xuân, Hà Đông, Long Biên (Hà Nội); quận Tân Bình, Bình Thạnh, Tân Phú, Phú Nhuận tại TP HCM; quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu (Đà Nẵng).
Hiện tượng sốt nóng đất nền cục bộ vẫn chưa xảy ra trong quý I/2024. Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới đã được các địa phương triển khai nhiều hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Trong trung hạn, giá thuê đất công nghiệp Việt Nam được dự báo vẫn tăng từ 3-9%/năm. Giá thuê kho, xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ 1-4%/năm…
Ảnh hưởng bởi sự đình trệ của thương mại, nhưng quý đầu năm 2024, giá thuê đất công nghiệp tại Việt Nam vẫn tăng nhẹ.
GIÁ THUÊ ĐẤT CÔNG NGHIỆP TĂNG NHẸ QUÝ 1/2024
Theo báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp của CBRE Việt Nam quý 1/2024, ở phía Bắc, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương tăng 7,8% so với cùng kỳ, đạt trung bình 133 USD/m2 (khoảng 3,3 triệu đồng/m2) cho kỳ hạn còn lại. Do không có thêm nguồn cung mới, các khu công nghiệp ở những khu vực trên tiếp tục thu hút khách thuê với tỷ lệ lấp đầy đạt 83%.
Tại phía Nam, giá thuê đất công nghiệp một số thị trường như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 189 USD/m2 (khoảng 4,7 triệu đồng/m2). Do quỹ đất công nghiệp khá hạn chế, tỷ lệ lấp đầy ổn định ở mức 92%.
NHU CẦU VỀ KHO, XƯỞNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI THƯƠNG MẠI ĐÌNH TRỆ
Tại khu vực phía Bắc, trong quý đầu năm, nhiều dự án quy mô tiếp tục ra mắt tập trung ở thị trường Bắc Ninh. Điều này khiến tỷ lệ lấp đầy trung bình tại thị trường cấp 1 miền Bắc giảm 6 điểm phần trăm so với quý trước, đạt 70% đối với nhà kho xây sẵn, và đạt 87% với nhà xưởng xây sẵn, không thay đổi so với quý trước.
Về mặt bằng giá thuê, giá thuê kho xưởng xây sẵn tại thị trường cấp 1 trung bình đạt ngưỡng 4,7 và 4,9 USD/m2/tháng. Mức giá thuê kho duy trì ổn định theo năm, trong khi giá thuê xưởng tăng 3,9% theo năm khi tỷ lệ lấp đầy vẫn duy trì ở ngưỡng cao.
Về nguồn cung, bà Thanh cho biết ở miền Nam không có nguồn cung mới trong quý 1/2024. Tỷ lệ lấp đầy của kho xưởng xây sẵn tăng 2 điểm phần trăm so với quý trước, tỷ lệ lấp đầy đạt 57% đối với nhà kho và 87% đối với nhà xưởng.
Về giá thuê trung bình, giá thuê kho xưởng xây sẵn tại thị trường miền Nam vẫn giữ mức ổn định so với quý trước lần lượt đạt 4,6 và 4,9 USD/m2/tháng, với mức độ tăng trưởng đạt 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái đối với nhà kho và 3,9% đối với nhà xưởng.
Còn theo bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối Tư vấn và Nghiên cứu, JLL Việt Nam, phân khúc nhà xưởng, nhà kho xây sẵn chưa có dấu hiệu phục hồi đáng kể trong quý 1/2024, do sự đình trệ thương mại xuyên biên giới gây áp lực lên nguồn cầu phân khúc này. Số lượng các giao dịch thuê mới được ghi nhận rất ít, chủ yếu diễn ra giữa các nhà bán lẻ và khách thuê thương mại điện tử phục vụ tiêu dùng nội địa.
Sự đình trệ kéo dài của hoạt động xuất-nhập khẩu đã gây áp lực lên hiệu suất của các cơ sở kho vận. Đặc biệt là những công ty hoạt động trên thị trường quốc tế, đã phải giảm công suất nhà kho. Kết quả là tỷ lệ hấp thụ ròng trong quý 1/2024 được báo cáo ở mức khiêm tốn với gần 5.000 m2.
Về nguồn cung, khu vực phía Nam trong đầu năm 2024, chỉ có 01 dự án mới được chính thức ra mắt tại Đồng Nai, đóng góp thêm 90.000 m2 không gian nhà kho, nhà xưởng. Quy mô thị trường đạt khoảng 02 triệu m2 tính đến quý 1/2024, tăng 4,7% theo quý và 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
DỰ BÁO NGUỒN CUNG TĂNG CHẬM LẠI
Theo đó, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, dự báo trong 03 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 3-9%/năm ở miền Bắc và 3-7%/năm ở miền Nam. Giá thuê kho, nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ 1-4%/năm.
Trong 12 tháng tới, bà Trang Lê cho rằng thị trường phía Nam sẽ có hơn 270.000 m2 nhà kho, nhà xưởng hiện đại dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong quý tới. Theo sau đó, không có thêm nguồn cung mới nào được công bố cho nửa cuối năm 2024. Miền Bắc dự kiến sẽ ghi nhận một lượng nguồn cung mới đáng kể với tổng diện tích khoảng 185.000 m2 tại Bắc Ninh và Hưng Yên.
Trước nguồn cầu kho vận ảm đạm, việc chuyển đổi công năng tài sản được dự báo sẽ trở thành xu hướng trung hạn nhằm thúc đẩy dòng thu nhập. Cụ thể, một số dự án đang lên kế hoạch nâng cấp nhà kho hiện hữu để có thêm công năng sản xuất, hoặc chuyển đổi toàn bộ phần diện tích nhà kho, nhà xưởng thành không gian nhà xưởng cho thuê. Tuy nhiên, do sự phức tạp của quy trình cấp phép, sự chuyển đổi này có thể mất một khoảng thời gian đáng kể để công bố chính thức.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Nhìn lại thị trường bất động sản Việt Nam, có 5 nhóm sự kiện tiêu biểu được đánh giá là ảnh hưởng đến ngành bất động sản trong quý 1/2024…
Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng
Cụ thể, tháng 1/2024, trong kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Đất đai 2024, thay thế Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên, sẽ quy định hiệu lực sớm đối với Điều 190 và Điều 248 Luật Đất đai 2024 từ ngày 1/4/2024. Ngoài ra, vào cuối tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ còn chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024.
Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Hàng trăm dự án bất động sản khắp cả nước được tháo gỡ khó khăn
Ngày 11/3/2024, tại báo cáo phục vụ phiên họp trực tuyến toàn quốc của Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Xây dựng thông tin về kết quả làm việc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình triển khai dự án ở một số địa phương, doanh nghiệp. Theo đó, TP.HCM có 77 dự án được gỡ vướng, Hà Nội có 81 dự án, Hải Phòng 11 dự án, Bình Định 26 dự án, và Cần Thơ 17 dự án…
Việc tháo gỡ hàng loạt dự án cũng góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản, giải quyết phần nào tình trạng khan hiếm nguồn cung mới, cũng như giúp khôi phục dần niềm tin của nhà đầu tư, bước đầu tác động tích cực đến việc dần phá băng thị trường bất động sản.
Mặt bằng lãi suất điều chỉnh giảm và điều kiện cho vay được nới lỏng
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các số liệu ghi nhận vào thời điểm ngày 25/3/2024, cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay mua bất động sản trung bình giảm xuống từ 5% - 8%/năm, giảm 1% - 1,5% so với thời điểm cuối năm 2023.
Mặt khác, trong chiến lược tăng trưởng tín dụng năm nay, ngoài tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, các ngân hàng sẽ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với nhiều gói ưu đãi, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần hỗ trợ đầu ra cho sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng thương mại trong quý 1/2024 đều tung ra nhiều gói cho vay ưu đãi, đặc biệt là cho vay mua nhà với mặt bằng lãi suất của năm đầu tiên, dao động chỉ khoảng 5% - 6%/năm, biên độ lãi suất thả nổi dao động quanh mốc 3% – 3,5%, đưa mức lãi suất sau ưu đãi về trên dưới 10%, so mức 14% - 15% của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, về điều kiện cho vay cũng dần được nới lỏng để kích thích tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Ngân hàng có thể xem xét giảm bớt một số yêu cầu khắt khe trước đây, và chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản đối với doanh nghiệp, cá nhân có hồ sơ vay và lịch sử thanh toán uy tín.
Đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội
Ngày 16/3/2024, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tiếp xúc cùng chủ đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc trong công tác triển khai. Đến ngày 29/3/2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan nghiên cứu phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ phát triển phân khúc này. Bộ Xây dựng được yêu cầu nghiên cứu thêm giải pháp hỗ trợ lãi suất, đầu tư và xây dựng nhà ở xã hội.
Trước đó, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết việc đăng ký hoàn thành 108 dự án với quy mô hơn 47.500 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 tại 63 địa phương cũng là minh chứng rõ ràng cho sự nỗ lực và cam kết của chính quyền, cùng các đối tác liên quan trong việc cung cấp nhà ở cho người dân. Sự hưởng ứng tích cực từ chủ đầu tư cùng với việc khởi công nhiều dự án trên khắp cả nước là một dấu hiệu tích cực, góp phần giải quyết vấn đề nhà ở xã hội và cải thiện điều kiện sống của cộng đồng.
Thị trường căn hộ tại Hà Nội đang có sự tăng trưởng nổi bật
Thị trường căn hộ Hà Nội đang tăng trưởng nổi bật và hồi phục sớm hơn mong đợi. Sự phục hồi của thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận từ quý cuối năm 2023 và tiếp diễn xuyên suốt quý 1/2024.
Giá bán căn hộ thứ cấp tăng theo tuần với mức tăng trung bình 15% - 20% so với cùng kỳ, cá biệt một số dự án cũ chào bán lại có mức tăng giá dao động từ 30% - 50%. Đáng chú ý, thị trường căn hộ sơ cấp có mức độ hấp thụ tốt hơn so với các khu vực khác trên toàn quốc, thể hiện sự sôi động và tiềm năng phát triển đáng kể của thị trường bất động sản Thủ đô.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng đưa vào thực hiện sớm luật Đất đai 2024 từ ngày 1/7 tới sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản sẽ khởi sắc nhanh hơn.
Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm hơn
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng các bộ liên quan và Chủ tịch HĐND, UBND các tỉnh, thành phố về việc triển khai Luật Đất đai 2024 có hiệu lực sớm hơn dự kiến.
Theo đó, để có cơ sở đề xuất Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7 tới đây và sớm đưa Luật vào cuộc sống, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai ; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.
Như vậy, nếu kịp thời ban hành các nghị định và thông tư liên quan để trình và được Quốc hội chấp thuận cho phép Luật Đất đai có hiệu lực từ 1/7, dự luật quan trọng này sẽ có hiệu lực thi hành sớm nửa năm so với thời điểm đã được Quốc hội thông qua.
Trong lần sửa luật này, rất nhiều điều khoản được điều chỉnh theo hướng bảo vệ lợi ích tối đa cho người dân. Nếu việc tháo gỡ pháp lý diễn ra theo đúng như kỳ vọng, ông Bình tin tưởng rằng, các giao dịch trong dân cũng sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhằm đảm bảo giá giao dịch đúng với giá trị thực, tạo ra cơ chế giúp kiểm soát thị trường bất động sản. Hỗ trợ cho sự phát triển thị trường bất động sản theo hướng an toàn và minh bạch.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Để tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, theo ông Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.
Tại buổi tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" do báo Tiền Phong tổ chức, ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi Đại gia Đường "bia") - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Về luật, ông Đường nhận thấy không có gì vướng mắc, thậm chí rất thoáng. Tuy nhiên, vấn đề quỹ đất vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, doanh nghiệp muốn có quỹ đất thì việc đầu tiên là UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, riêng TP Hà Nội, 10 năm nay chưa có quỹ đất sạch nào để đấu thầu chủ đầu tư trong nội thành.
Ông Đường khẳng định: "Nếu không có đất, không thể làm nhà ở xã hội". Ông cho biết thêm, hiện doanh nghiệp có 2 khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội).
"Chúng tôi mua đất định làm nhà ở thương mại bởi nhà ở thương mại bán kiếm tiền dễ hơn. Thế nhưng tháng 11/2021, TP Hà Nội kêu gọi khuyến khích kêu gọi nhà ở xã hội nên tôi xin chuyển sang làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở ban ngành, lấy ý kiến Sở TN&MT xem xét đất ở đây có làm nhà ở xã hội hay không? Hiện 1 cái được cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Còn 1 dự án UBND TP Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư", Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho hay.
Ông Đường cho biết thêm, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật đất đai mới đây có nhiều thông thoáng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, ông Đường cho rằng, vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất. "Vừa rồi, tôi gửi văn bản cho Thủ tướng nêu vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất, còn tiền thì ưu tiên cho người mua vay. Chúng tôi làm nhà ở xã hội thì người dân xếp hàng mua. Chủ đầu tư vay cũng được, không vay cũng được vì làm xong móng thôi người ta đã xếp hàng mua rồi", ông Đường nói.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Thị trường bất động sản quý 2/2024 được dự báo sẽ có nguồn cung mới tăng từ 20 - 30%, giá bán tăng 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chung đạt 30% - 35%...
Theo nhận định của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), quý 2/2024, về tổng thể, dù còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đang vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bắt đầu ghi nhận những động thái tích cực hơn. Trong đó, tất cả loại hình bất động sản đều có sự cải thiện của nguồn cung mới.
Đối với văn phòng cho thuê, dự báo nguồn cung sẽ đạt mức 2,15 triệu m2 sàn ở khu vực Hà Nội, tăng 2% theo quý; và 2,7 triệu m2 sàn ở khu vực TP.HCM, tăng 4% theo quý. Giá thuê bình quân duy trì ổn định theo quý ở khu vực Hà Nội với mức 21,5 USD/m2, còn giá thuê ở khu vực TP.HCM tăng 5%, đến 34 USD/m2. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy bình quân ghi nhận sự gia tăng nhẹ ở cả 2 thị trường với 86% ở thị trường Hà Nội (tăng 1 điểm % theo quý) và 91% ở thị trường TP.HCM (tăng 1 điểm % theo quý).
Trong khi đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ duy trì mức 1,8 triệu m2 sàn ở khu vực Hà Nội và tăng lên 1,53 triệu m2 sàn ở khu vực TP.HCM, tăng 3% theo quý. Giá thuê bình quân duy trì ổn định trên hai khu vực với mức 46 USD/m2 ở thị trường Hà Nội; và 53 USD/m2 ở TP.HCM. Tỷ lệ lấp đầy bình quân có gia tăng ở thị trường Hà Nội là 86% (tăng 1 điểm % theo quý) và 90% ở thị trường TP.HCM.
Bất động sản công nghiệp cũng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, khu vực miền Bắc dự kiến có thêm 15.000 ha, tăng 3% theo quý. Khu vực miền Nam dự kiến bổ sung thêm 27.900 ha, tăng 1% theo quý. Nhu cầu thuê mới sẽ đến từ sự phục hồi của ngành sản xuất, đơn hàng phục vụ xuất khẩu tăng và sự gia nhập bởi nhiều doanh nghiệp FDI mới. Tỷ lệ lấp đầy ổn định tại khu vực miền Bắc và tăng rất nhẹ (khoảng 1 điểm %) tại khu vực miền Nam. Giá thuê ở mức cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực.
Đáng chú ý là bất động sản nhà ở trong quý 2/2024, ước tính nguồn cung mới tăng thêm 25% so với quý 1/2024, chủ yếu đến từ những dự án đã mở bán, hoặc đã khởi công vào giai đoạn trước đó. Dự kiến nguồn cung sản phẩm mới (chỉ thống kê từ các dự án đã có kế hoạch mở bán) vào khoảng 4.500 sản phẩm, đưa tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường lên 45.200 sản phẩm.
Theo các chuyên gia DXS-FERI, thị trường bất động sản hiện có nhiều dấu hiệu tích cực và được đánh giá đang trên đà phục hồi. Thị trường có thể dần phục hồi từ đáy chữ U, tuy nhiên, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào các yếu tố tác động cả vĩ mô lẫn vi mô.
Dự báo, thị trường bất động sản quý 2/2024 (phân khúc bất động sản nhà ở) có thể rơi vào một trong các kịch bản: lý tưởng, kỳ vọng hay thách thức. Trong kịch bản này, nguồn cung tăng 30% - 40%, lãi suất thả nổi từ 8% - 10%, giá bán tăng 10% - 20%, tỷ lệ hấp thụ đạt 40% - 50%. Còn kịch bản kỳ vọng, nguồn cung tăng 20% - 30%, đồng thời lãi suất thả nổi từ 9% - 11%, giá bán tăng 3% - 5%, tỷ lệ hấp thụ đạt 30% - 35%. Ở kịch bản thách thức, nguồn cung tăng 10% - 20%, lãi suất thả nổi từ 10% - 12%, giá bán đi ngang, tỷ lệ hấp thụ đạt 25% - 30%.
Nhưng căn cứ dữ liệu phân tích thị trường tính đến ngày 31/3/2024, chuyên gia DXS-FERI nghiêng về kịch bản kỳ vọng. Cụ thể, thị trường bất động sản quý 2 sẽ có nguồn cung mới tăng khoảng 20 - 30%, giá bán tăng nhẹ 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chung đạt từ 30% - 35%.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Tham khảo các tin tức bất động sản khác dưới đây
Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 4 năm 2024
Tiêu điểm tin tức bất động sản tháng 4: giá chung cư tăng phi mã
Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 04 năm 2024
Tin tức tổng hợp chính sách pháp luật về bất động sản tháng 4 năm 2024
Tin tức liên quan
Đánh giá bài viết!