Tin tức
28/04 2024

Tin tức tổng hợp chính sách pháp luật về bất động sản tháng 4 năm 2024

  • 305
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Trong một thị trường bất động sản đang chuyển động không ngừng, việc hiểu rõ và cập nhật các chính sách pháp luật mới nhất là vô cùng quan trọng đối với cả nhà đầu tư và người tiêu dùng. Tháng 4 năm 2024 đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều biến động trong lĩnh vực này, từ việc ban hành các quy định mới đến việc điều chỉnh các chính sách hiện hữu. Trước những thay đổi này, chúng ta cần đặc biệt quan tâm để có cái nhìn tổng quan và đánh giá sâu sắc về ảnh hưởng của chính sách pháp luật đối với thị trường bất động sản trong thời gian tới. Hãy cùng tìm hiểu về những diễn biến quan trọng nhất trong bài viết dưới đây.

  1. Bộ Xây dựng: Đang có hiện tượng đẩy giá chung cư
  2. Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị "loại đặc biệt" sẽ bị siết phân lô bán nền
  3. Phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục cấp ‘sổ đỏ’
  4. TP.HCM: Xác minh người mua nhà ở xã hội 15 ngày, tránh nhầm đối tượng
  5. Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đánh dấu bước chuyển biến lớn cho thị trường
  6. Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 04/2024
  7. Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý hành vi thổi giá chung cư
  8. Chủ dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Giấy cho người mua có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng
  9. TP.HCM: 85.300 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai
  10. Siết chặt hoạt động môi giới bất động sản
  11. Đề xuất cụ thể mức phạt 27 nhóm hành vi vi phạm đất đai
  12. Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai

tin-tuc-tong-hop-chinh-sach-phap-luat-ve-bat-dong-san-thang-4-nam-2024

Bộ Xây dựng: Đang có hiện tượng đẩy giá chung cư 

Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cho biết, hiện giá chung cư có hiện tượng đẩy giá. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019 .

Chung cư tăng nhưng giao dịch giảm

Tại cuộc họp báo quý I của Bộ Xây dựng sáng 26/4, ông Hoàng Hải cho biết, thiếu nguồn cung là một trong những nguyên nhân ở một số nơi,vị trí, dự án đẩy giá lên. “Bản chất cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Cán cân nhà ở phù hợp thu nhập thấp còn ít, nhà ở cho thu nhập cao vẫn còn nhiều”, ông Hải nói.

Ông Hải dẫn chứng, theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thì giá bán trung bình một số dự án tại TP Hà Nội và TP HCM dao động khoảng 50 - 70 triệu/m2.

Cụ thể, giá căn hộ chung cư rao bán tại Hà Nội ghi nhận liên tục tăng trên cả thị trường sơ cấp (bán từ chủ đầu tư) và thứ cấp (người mua của chủ đầu tư sau đó bán lại).

Theo khảo sát của một số tổ chức nghiên cứu thì trên thị trường có những dự án chung cư đã đi vào sử dụng từ 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ cũng được đẩy giá khá cao, giá căn hộ chung cư tại Hà Nội đầu năm 2024 tăng khoảng 38% so với năm 2019 .

Tuy nhiên, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ giảm và bằng 81,51% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, chỉ có khoảng 35.853 giao dịch thành công.

Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề nguồn cung của thị trường cần xác định rõ 5 điểm nghẽn từ thể chế, nguồn vốn, thông tin… Trong thời gian tới, khi các Luật sửa đổi có hiệu lực các điểm nghẽn trên sẽ tháo gỡ, thúc đẩy nguồn cung.

Chung cư hấp dẫn bởi khả năng sinh lời

Mới đây, tại cuộc toạ đàm về bất động sản , TS. Trần Xuân Lượng - Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam - đánh giá, từ trước đến nay, loại hình căn hộ chung cư người dân sử dụng với mục đích chủ yếu để ở, chỉ có khoảng 15% là để kinh doanh và cho thuê. Ở nước ngoài, loại hình căn hộ chung cư cho thuê rất phổ biến nhằm tạo ra dòng tiền.

Cũng theo ông Lượng, hành vi của người dùng thay đổi đã khiến loại hình căn hộ chung cư tăng giá cao nhất trong 20 năm trở lại đây khi không ít người cần một căn hộ để ở, để kinh doanh và để tạo ra dòng tiền. Nhà đầu tư thông minh, có thể dễ dàng tính toán được bỏ ra tiền cho thuê sẽ tạo ra dòng tiền. Cùng với đó, thời hạn sở hữu căn hộ đã có sự thay đổi theo Luật Nhà ở 2023 sẽ có lợi cho người mua nhà.

Thêm vào đó, tâm lý sợ chung cư với các vấn đề về pháp lý, sổ đỏ, phòng cháy chữa cháy... đã không còn. Thay vào đó, người tiêu dùng cũng đã nhận thấy tiện ích, vị trí thuận lợi của các căn hộ chung cư. Vì thế phân khúc này càng trở nên hấp dẫn hơn trên thị trường.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Hà Nội và TP.HCM là 2 đô thị "loại đặc biệt" sẽ bị siết phân lô bán nền

Kể từ ngày 1/1/2025, 105 thành phố, thị xã thuộc 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước sẽ không được phân lô, bán nền theo quy định mới của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định như thế nào về việc phân lô bán nền

Kể từ ngày 1/1/2025, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành và sẽ có tác động nhiều đến thị trường, nhất là với quy định về việc cấm phân lô bán nền.

Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với các khu vực còn lại, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến tháng 12/2023, toàn quốc có 902 đô thị; trong đó, có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 95 đô thị loại IV và 702 đô thị loại V.

Như vậy, quy định mới sẽ không cho phân lô, bán nền tại 105 thành phố, thị xã; tăng thêm 81 thành phố, thị xã so với quy định hiện hành.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục cấp ‘sổ đỏ’

Bộ Tài nguyên- Môi trường đang xây dựng dự thảo nghị định về điều tra cơ bản đất đai, quy định trình tự, thủ tục và kinh phí; về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tinh thần phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính.

Một trong những điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 là các văn bản hướng dẫn chi tiết.

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, đó là Nghị định quy định về điều tra cơ bản, đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng…), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Ngày 19/4, Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai đã có buổi họp tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đang “khẩn trương xây dựng” văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực ngày 1/7/2024, trong đó có Dự thảo Nghị định quy định về điều tra cơ bản, đất đai; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai.

Trong đó về điều tra cơ bản đất đai, dự thảo quy định về trình tự, thủ tục và kinh phí; về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Dự thảo quy định với tinh thần phân cấp, phân quyền, giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân, đặc biệt không phát sinh thủ tục mới và gắn liền với chuyển đổi số; về hệ thống thông tin đất đai, Dự thảo quy định liên quan tới công nghệ, khai thác cơ sở dữ liệu đất đai.

Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu sau buổi làm việc để hoàn thiện gửi hồ sơ Dự thảo Nghị định đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký dữ liệu và Thông tin đất đai, cho biết, thực hiện việc xây dựng dự thảo nghị định, ngày 2/2/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đã thành lập ban soạn thảo và tổ biên tập gồm đại diện của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương để xây dựng dự thảo nghị định.

Ngày 7/2/2024, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã đăng tải Dự thảo Nghị định trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, có công văn xin ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan.

Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức hội thảo tại các vùng để lấy ý kiến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngoài ra, Bộ đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thiện dự thảo nghị định bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ; đánh giá tác động chính sách, đánh giá thủ tục hành chính, tác động về giới theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

TP.HCM: Xác minh người mua nhà ở xã hội 15 ngày, tránh nhầm đối tượng

Theo quy chế về việc mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mới đây của TP.HCM, người đăng ký sẽ được các cơ quan chức năng kiếm tra xác định đúng đối tượng được hỗ trợ; loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở…

Quy chế này quy định nguyên tắc, phương thức phối hợp giữa Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế thành phố, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện. Quy chế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/4/2024.

Đây là nội dung phối hợp công tác cung cấp thông tin, kiểm tra, xác nhận đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Hoàn chỉnh dữ liệu về đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, công chứng (về nhà ở), quyền sử dụng đất ở và sở hữu nhà ở, dữ liệu thuế (về thuế thu nhập cá nhân); chế độ liên thông, chia sẻ dữ liệu.

Mục đích nhằm kiếm tra xác định đúng đối tượng được hỗ trợ và loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần hoặc đã có nhà ở, đất ở; đã được Nhà nước hỗ trợ về nhà ở, đất ở; có phát sinh nộp thuế thu nhập cá nhân tại địa phương và chế độ hậu kiểm để đảm bảo đối tượng đúng quy định.

Theo đó, Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm xác định rõ nội dung cần lấy ý kiến, gửi đầy đủ hồ sơ và nêu rõ chính kiến. Các cơ quan khác có trách nhiệm phải trả lời đầy đủ, có chính kiến về các nội dung được yêu cầu.

Việc lấy kiến sử dụng hình thức công văn. Nếu quá 10 ngày làm việc kể từ ngày phát hành công văn trên hệ thống thư điện tử TP.HCM, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời bằng văn bản thì xem như đồng ý và chịu trách nhiệm về các nội dung có liên quan.

Theo quy chế, Sở Xây dựng có trách nhiệm đăng tải thông tin về dự án nhà ở xã hội, danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết; đã được giải quyết; đã được hưởng các chính sách trên cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và gửi thông tin về Bộ Xây dựng, báo cáo ý kiến thống nhất việc tổ chức dữ liệu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ của người mua dự kiến từ chủ đầu tư, phải chuyển thông tin đến các sở, ngành liên quan để phối hợp xác minh.

Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến phối hợp của các sở, ngành, Sở Xây dựng phải phản hồi cho chủ đầu tư về danh sách người mua nhà ở xã hội được duyệt, cập nhật danh sách này trên cổng thông tin điện tử của đơn vị.

Trường hợp có phản ánh, tố cáo về người mua nhà ở xã hội, Sở Xây dựng phải đề nghị Sở Tư pháp, Cục thuế thành phố và các cục thuế (ngoài địa bàn TP.HCM) để xác minh.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cung cấp thông tin về việc sở hữu nhà, đất của người đăng ký mua nhà ở xã hội trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu.

UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm xác nhận hoặc chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn xác nhận người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định; có ý kiến bằng văn bản gửi Sở Xây dựng trong thời hạn 10 ngày.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đánh dấu bước chuyển biến lớn cho thị trường

Ngày 28/11/2023, tại kỳ họp thứ 6, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 chính thức được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025, thay thế cho Luật Kinh doanh bất động sản 2014 với một số điểm mới, đánh dấu bước chuyển biến lớn cho thị trường bất động sản Việt Nam…

Phân tích sâu hơn về những điều luật tác động đến thị trường bất động sản, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE, cho biết tại Điều 1, Luật mới thu hẹp phạm vi điều chỉnh so với Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Những thay đổi này giải quyết được vấn đề chồng lấn phạm vi điều chỉnh giữa các luật quan trọng khác như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật về Quản lý, sử dụng tài sản công và một số luật liên quan khác.

Với quy định mới, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thể hiện sự phân định rành mạch, độc lập của lĩnh vực chuyên ngành bất động sản trong mối quan hệ với lĩnh vực khác liên quan đến đầu tư và đất đai. Ví dụ như việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ sẽ được thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng.

TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO TỔ CHỨC CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Ngoài ra, tại điều 10.4, 10.5 về các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã điều chỉnh và làm rõ quy định, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không phải thực hiện thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư, thì được kinh doanh bất động sản như tổ chức cá nhân trong nước.

“Việc sửa đổi này giúp tạo điều kiện thuận lợi và mở rộng phạm vi hoạt động cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với các trường hợp cụ thể, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư”, chuyên gia phân tích.

Cũng theo vị này, đối với hoạt động đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 bổ sung quy định chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật.

“Đây là điểm mới đáng chú ý thể hiện đúng bản chất của việc đặt cọc, đồng thời, hạn chế rủi ro cho bên mua, thuê mua. Tuy nhiên, quy định đặt cọc không đề cập đến vấn đề phạt cọc, do đó tỉ lệ phạt cọc sẽ được áp dụng dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Vì vậy, để bảo đảm đúng tinh thần của nhà lập pháp, quy định trên cần có hướng dẫn chi tiết và áp dụng qua thời gian thực tế để đánh giá hiệu quả thi hành”, chuyên gia bình luận.

Mặt khác, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng bổ sung quy định mới, việc chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai với Nhà nước theo quy định pháp luật đối với đất gắn liền với nhà ở, công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh.

Quy định mới này tiếp tục siết chặt điều kiện đối với bất động sản đưa vào kinh doanh trong khi trước đây, việc yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính của mình chỉ triển khai riêng lẻ theo chính sách của từng địa phương.

Tuy nhiên, cách vận dụng này dẫn đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương và gây ra sự bất bình đẳng giữa các chủ đầu tư. Vì vậy, việc sửa đổi vừa qua rất hữu ích trong việc đảm bảo áp dụng thống nhất quy định pháp luật.

CHUYÊN NGHIỆP HÓA HOẠT ĐỘNG MÔI GIỚI

Quy định mới cũng giúp đơn giản hóa giấy tờ, nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, trong việc thực hiện đúng quy định và khách hàng có cơ sở rõ ràng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao dịch với chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, so với quy định hiện hành, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 còn bổ sung điều kiện bắt buộc, chủ đầu tư chuyển nhượng phải hoàn thành các nghĩa vụ tài chính về đất đối với dự án. Quy định đã siết chặt điều kiện chuyển nhượng của bên chuyển nhượng, ngăn ngừa tình trạng chuyển nhượng dự án nhằm tìm kiếm lợi nhuận, và phù hợp với nguyên tắc người bán chỉ được quyền chuyển nhượng những gì mà họ có.

Đặc biệt, theo quy định mới, cá nhân được hành nghề môi giới, miễn là có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản và đăng ký nộp thuế. Cá nhân không được hành nghề độc lập mà bắt buộc phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 04/2024

Hai quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực

Mặc dù Luật Đất đai 2024 bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025 nhưng có 2 quy định của Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2024.

Cụ thể, khoản 2 Điều 252 Luật Đất đai 2024 nêu rõ: Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024. Trong đó, hai quy định này gồm:

- Các hoạt động lấn biển: Nguyên tắc của hoạt động lấn biển, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động lấn biển…

- Các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14 về: Nguyên tắc, căn cứ giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; Điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Quy chuẩn Quốc gia về phương tiện phòng cháy và chữa cháy

Thông tư 56/2023 của Bộ Công an ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện phòng cháy chữa cháy ban hành sẽ có hiệu lực từ 1/4/2024.

Theo đó, yêu cầu chung với phương tiện phòng cháy, chữa cháy gồm:

Thứ nhất: Phải kê khai, khai báo phù hợp danh mục phương tiện tại Quy chuẩn này. Nếu chưa rõ chủng loại thì phải định danh chủng loại phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Thứ hai: Phải quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc quy định của pháp luật hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Thứ ba: Phải thực hiện kiểm định phù hợp với Quy chuẩn này cùng các quy định khác có liên quan.

Các phương tiện phòng cháy, chữa cháy phổ biến có thể kể đến: Vòi chữa cháy, lăng chữa cháy phun nước cầm tay, trụ nước chữa cháy, đầu nối chữa cháy, bình chữa cháy xách tay…

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý hành vi thổi giá chung cư

Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư, báo cáo bộ trước ngày 20/4.

Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh giá chung cư Hà Nội tăng nóng từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra những dự án, khu chung cư tăng giá bất thường. Nếu có hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm Luật kinh doanh bất động sản, Hà Nội cần chấn chỉnh, xử lý, báo cáo bộ trước ngày 20/4.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy phần lớn các phân khúc chung cư đều leo thang, nhất là những khu chung cư giá rẻ, mở bán từ 10-15 triệu đồng mỗi m2 chục năm trước. Nhiều người bán liên tục thay đổi giá theo ngày, cùng với khoản chênh 100-200 triệu đồng khi môi giới rao bán lại khiến thị trường rơi vào cảnh loạn giá.

Dữ liệu của CBRE cho biết giá bán căn hộ mới tại Hà Nội tăng 19%, đạt trung bình 56 triệu đồng mỗi m2, chưa gồm VAT và phí bảo trì. Trên thị trường thứ cấp, giá bán chung cư chuyển nhượng cũng tăng cao nhất từ trước đến nay, tăng 17% theo năm.

Đà tăng ghi nhận ở hầu hết quận, tập trung ở khu vực phía Tây. Trung bình giá chung cư cũ ở thủ đô đã đạt hơn 36 triệu đồng mỗi m2. CBRE đánh giá chung cư mới và thứ cấp ở Hà Nội đang dần tiệm cận với giá TP HCM.

Khảo sát mới đây của VnExpress với hơn 3.400 độc giả cho thấy gần một nửa người tham gia đánh giá chung cư Hà Nội đang bị "thổi cao" hơn giá trị sử dụng thật. Nhiều người mua nhà lùi hoặc không muốn mua nữa khi chung cư liên tục bị đẩy giá đầu năm nay. Một số chuyên gia trong ngành đã lên tiếng cảnh báo phân khúc chung cư nguy cơ bong bóng vì tăng giá đột biến trong thời gian ngắn.

Theo Nghị định 52, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, các chỉ số về giá, Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản quản lý và công bố. Khi thị trường diễn biến nóng về giá bán các phân khúc, cơ quan này của Bộ sẽ cùng các địa phương thực hiện giải pháp điều tiết.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Chủ dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Giấy cho người mua có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng

Tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận… thời gian từ 12 tháng trở lên có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng...

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và lấy ý kiến các tổ chức và cá nhân.

Theo Dự thảo, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 8 Điều 39 của Luật Nhà ở và khoản 3 Điều 17 của Luật kinh doanh bất động sản thì hình thức và mức xử phạt tương ứng với thời gian và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng tới 1 tỷ đồng.

Thứ nhất, trường hợp từ 50 ngày đến 6 tháng, sẽ phạt tiền từ 10- 30 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Mức phạt tiền từ 30- 50 triệu đồng với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Trường hợp trong một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau với các căn hộ, công trình, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt quy định của Nghị đinh nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng.

Trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên có thể bị phạt tiền từ 50- 100.000.000 đồng.

Thứ hai, thời gian từ trên 6 tháng đến 9 tháng có thể phạt tiền từ 30- 50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Phạt tiền từ 50- 100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất. Phạt tiền từ 100- 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Thứ ba, trường hợp từ trên 9 tháng đến 12 tháng, có thể bị phạt tiền từ 50- 100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Mức phạt sẽ tăng lên từ 100- 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.

Trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên có thể sẽ bị phạt tiền từ 300- 500 triệu đồng.

Thứ tư, trong trường hợp từ 12 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100- 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.

Phạt tiền từ 300- 500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.

Còn với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên, mức phạt cao nhất có thể từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

TP.HCM: 85.300 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai

TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai trong thời gian qua, tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng…

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa gửi Sở Xây dựng thành phố về chuẩn bị nội dung báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

ĐÃ XỬ LÝ 90% ĐƠN THƯ THUỘC THẨM QUYỀN

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM có mật độ dân cư cao, đất đai có nguồn gốc đa dạng, phức tạp và luôn biến động, do đó, khối lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai rất lớn, phức tạp và kéo dài.

Qua thống kê, số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm khoảng 75% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Các vụ việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, toàn TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 65.200 đơn; không thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 20.100 đơn.

Về công tác tiếp dân liên quan đến đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, TP.HCM đã thực hiện hơn 147.000 lượt tiếp công dân. Trong đó, tiếp thường xuyên hơn 128.000 lượt, lãnh đạo tiếp hơn 19.000 lượt.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết hàng năm, các cơ quan thuộc UBND thành phố như: Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và UBND cấp huyện đều phối hợp rà soát, ban hành và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, UBND TP.HCM có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các Đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn thành phố đã thực hiện hơn 700 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra TP.HCM đã tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai; thanh tra của các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiến hành 104 cuộc; thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiến hành 51 cuộc thanh tra và gần 500 cuộc kiểm tra chuyên ngành về quản lý sử dụng đất.

Bên cạnh đó, thanh tra Chính phủ, kiểm toán Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hàng năm đều ban hành các kế hoạch thanh tra và thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố theo kế hoạch hoặc đột xuất.

“ĐIỂM NÓNG” XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM trải qua nhiều năm chưa giải quyết xong nghĩa vụ tài chính về đất đai, gây nhiều hệ lụy, kéo dài ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển đô thị trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và người dân liên quan chưa đảm bảo kịp thời.

Việc xác định giá đất chậm trễ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp, có nguy cơ tạo ra những điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trong quá trình lập quy hoạch, chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình của các ngành và các địa phương đã đăng ký,

Theo đó, đến hết năm 2020 còn có 562 công trình, dự án đã đăng ký có nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (có 117 dự án), lĩnh vực thương mại, dịch vụ (có 18 dự án), lĩnh vực phát triển đô thị (có 73 dự án), lĩnh vực giáo dục - đào tạo (có 29 dự án), lĩnh vực công nghiệp (có 31 dự án)...

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng tiềm năng, lợi thế của TP.HCM trong lĩnh vực đất đai chưa được khai thác hiệu quả, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt của thành phố đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm. Vì vậy, cũng đã xuất hiện tâm lý mất niềm tin từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, của người dân, làm giảm việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong đầu tư phát triển.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Siết chặt hoạt động môi giới bất động sản

Việc minh bạch hoạt động môi giới bất động sản (BĐS) trong giao dịch nhà đất hiện nay nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và người mua là giải pháp đảm bảo thị trường BĐS vận hành an toàn, lành mạnh.

Thiếu chứng chỉ hành nghề

Theo thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (Hiệp hội BĐS Việt Nam - VNREA), Việt Nam hiện có khoảng 300.000 cá nhân môi giới đang hoạt động tại các tổ chức kinh doanh dịch vụ BĐS. Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, còn lại chủ yếu hoạt động với vai trò kết nối thực hiện giao dịch BĐS.

Tìm hiểu thực tế tại các sàn giao dịch BĐS, công ty môi giới nhà đất tại các địa phương, hầu hết các môi giới là cá nhân hành nghề tự do, tự phát, không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề và không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan Nhà nước nào.

Đáng chú ý, do môi giới BĐS thiếu chuyên nghiệp, thiếu trung thực, thu phí dịch vụ cao (từ 2 - 3% giá trị của BĐS của người bán và khoảng 1 - 2% của người mua), cộng với nhiều chiêu thức quảng cáo sản phẩm dễ dàng trên mạng xã hội, các trang web mua bán nhà đất nhằm tìm kiếm khách hàng như: Đăng nhà giá ảo không bán nhà thật; đăng thông tin giao bán nhà này, nhưng lại sử dụng hình ảnh nhà khác; giao bán nhà tại một dự án, nhưng tư vấn cho khách hàng mua nhà tại dự án khác… hoạt động môi giới BĐS thời gian qua đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, làm mất niềm tin nhà đầu tư, mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính.

Mặc dù đã có các quy định xử phạt các các nhân môi giới vi phạm, nhưng việc quản lý hoạt động môi giới vẫn bị “bỏ ngỏ", môi giới BĐS vẫn là ngành nghề gần như không có “rào cản” khi gia nhập hoặc rút lui. Thực tế này cho thấy cần có cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án BĐS, nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch BĐS; đặc biệt là khẳng định hoạt động môi giới BĐS là một ngành nghề trong xã hội.

Luật hóa hoạt động môi giới BĐS

Luật Kinh doanh BĐS 2023 (sửa đổi) được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới siết chặt hoạt động môi giới BĐS. Điều 61 Luật này quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới BĐS tự do như hiện nay.

Điều 48 Luật này yêu cầu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh BĐS từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, đối với môi giới hoạt động trong các công ty BĐS, thù lao, hoa hồng của môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng để kiểm soát công khai, minh bạch và giúp Nhà nước chống thất thu thuế…

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, những quy định mới sẽ loại bỏ môi giới BĐS không chuyên, tạo môi trường kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch.

Còn TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VNREA nhận định, để thích nghi với các quy định siết chặt của Luật Kinh doanh BĐS mới, môi giới BĐS cần nắm vững các quy định pháp luật mới liên quan đến thị trường BĐS để áp dụng đúng, trau dồi kiến thức đàm phán giao dịch, sử dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình làm việc, tham gia các sự kiện của ngành BĐS thông qua các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tìm kiếm cơ hội mới trong các phân khúc thị trường BĐS khác nhau…

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS năm 2023. Theo dự thảo, Bộ Xây dựng ủy quyền cho các đơn vị Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, VNREA, Hội môi giới BĐS Việt Nam tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Dự kiến, các kỳ thi này đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Xây dựng chậm nhất 2 tháng trước kỳ thi.

“Luật Kinh doanh BĐS 2023 quy định rõ việc các cá nhân không được phép hoạt động môi giới BĐS tự do, bắt buộc người hoạt động môi giới phải có đầy đủ năng lực thông qua chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định. Điều này giúp tạo điều kiện sàng lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng cho thị trường, để thị trường chỉ còn những môi giới BĐS chuyên nghiệp, có đầy đủ kỹ năng, kinh nghiệm”, TS Nguyễn Văn Đính cho biết.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Đề xuất cụ thể mức phạt 27 nhóm hành vi vi phạm đất đai 

Với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn có thể bị phạt tiền từ 200-250 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 ha trở lên. Còn hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) tại khu vực nông thôn có thể bị bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ trên 05 ha trở lên và tại đô thị mức phạt sẽ bằng 2 lần...

27 nhóm hành vi vi phạm hành chính về đất đai quy định theo dự thảo Nghị định:

(1) Sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

(2) Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

(3) Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

(4) Sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung có quy mô lớn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

(5) Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm d, đ, e, g khoản 1 Điều 121 của Luật đất đai;

(6) Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định; sử dụng đất vào mục đích khác thuộc trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định;

(7) Sử dụng đất đa mục đích không đúng quy định;

(8) Lấn đất;

(9) Chiếm đất;

(10) Hủy hoại đất;

(11) Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác;

(12) Không đăng ký đất đai;

(13) Chuyển quyền, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định;

(14) Chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong dự án bất động sản không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Đất đai;

(15) Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng đất theo quy định tại khoản 6 Điều 45 Luật Đất đai;

(16) Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa vượt quá hạn mức theo quy định tại Điều 176 Luật Đất đai mà không thành lập tổ chức kinh tế và không có phương án sử dụng đất trồng lúa;

(17) Nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất vi phạm khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai;

(18) Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp đối với đất không thuộc trường hợp được chuyển quyền, cho thuê, thế chấp theo quy định của Luật đất đai;

(19) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội không đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 127 Luật Đất đai;

(20) Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy định;

(21) Không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản;

(22) Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục;

(23) Không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 Luật Đất đai;

(24) Vi phạm quy định về quản lý chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính;

(25) Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất;

(26) Vi phạm quy định về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai;

(27) Vi phạm điều kiện về hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Khẩn trương triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai 

Luật Đất đai 2024 vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, quy định rõ mô hình hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước.

Do đó, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ tạo hiệu quả về sử dụng nguồn lực đất đai trong công tác quản lý, điều hành, tổng hợp cũng như khai thác hợp lý, bền vững cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Theo Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được thực hiện với dữ liệu đầu vào là dữ liệu địa chính (gồm bản đồ địa chính, hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận), dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Đối với cơ sở dữ liệu đất đai do Trung ương xây dựng, hiện nay đã xây dựng xong 4 dữ liệu thành phần. Đó là: Dữ liệu về hiện trạng sử dụng đất cấp vùng và cả nước; dữ liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia; dữ liệu về khung giá đất; dữ liệu về điều tra cơ bản về đất đai cấp vùng và cả nước.

Đối với cơ sở dữ liệu đất đai do địa phương xây dựng, trên cả nước, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó 455/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người dân, doanh nghiệp…

Đến nay, việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước đã đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vẫn còn chậm. Trong đó, nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do một số địa phương chưa chủ động và quyết liệt trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Việc quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai của các địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng so với yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhiều nơi chưa ý thức được vai trò tích cực của hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai đối với công tác quản lý và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hồ sơ, tài liệu đất đai được hình thành qua nhiều giai đoạn khác nhau, thông tin dữ liệu không thống nhất; dữ liệu rất lớn, phức tạp, bao gồm cả dữ liệu đồ họa và dữ liệu thuộc tính với rất nhiều trường thông tin. Nhiều thông tin biến động gây khó khăn cho công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật cán bộ xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương và địa phương còn hạn chế. Trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ về an toàn, bảo mật thông tin của các địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho việc vận hành, kết nối, chia sẻ với các hệ thống thông tin khác…

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn 3787/BTNMT-CĐKDLTTĐĐ ngày 26/5/2023 chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai, trong đó đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; rà soát đưa các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai vào quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác.

Hệ thống thông tin đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản trị, quản lý, vận hành, có thể chia sẻ cho các địa phương sử dụng để quản lý vận hành cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương; vận hành, kết nối, tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; hướng dẫn, đào tạo kỹ năng về quản trị, vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia cho người dùng theo phân cấp quản lý.

Hệ thống thông tin đất đai quốc gia cung cấp thông tin, đưa nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thông qua kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin như: dân cư, xây dựng, thuế, sàn giao dịch bất động sản, cơ sở dữ liệu công chứng... phục vụ công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo các tin tức bất động sản khác dưới đây

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 4 năm 2024

Tiêu điểm tin tức bất động sản tháng 4: giá chung cư tăng phi mã

Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 04 năm 2024

Tin tức tổng hợp chính sách pháp luật về bất động sản tháng 4 năm 2024

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 4 năm 2024

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan

360 độ các Tỉnh/TP

360 độ tỉnh Hưng Yên - nơi tiềm năng thức giấc

  • 20/12/2022

360 độ những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Quảng Ninh

  • 20/12/2022

360* những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Thái Nguyên

  • 20/12/2022