Tin tức
20/10 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 16/10 đến 21/10/2023

  • 122
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 16/10 đến 21/10/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 6-10%/năm
  2. Giá chung cư và nhà ở riêng lẻ tiếp tục tăng
  3. Bộ Xây dựng: “Số lượng doanh nghiệp BĐS gia nhập và tái gia nhập quý 3/2023 cao nhất từ trước đến nay”
  4. Hà Nội: Chấm dứt tình trạng trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm về hành chính
  5. Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai
  6. Đề xuất tích hợp sàn giao dịch bất động sản ở các tỉnh thành
  7. Đề xuất mới của Bộ Xây dựng có thể giúp cấp sổ đỏ chỉ trong 2 ngày
  8. KTNN kiến nghị Quốc hội bổ sung cách tính thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản
  9. Thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam
  10. Ngân hàng ráo riết xử lý nợ xấu bất động sản

tin-tuc-bat-dong-san-times-pro-tong-hop-tuan-3-thang-10.2023

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 6-10%/năm

Giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng ở ngưỡng 6-10%/năm tại khu vực phía Bắc và 4-8%/năm tại khu vực phía Nam. Nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy giá thuê tăng trưởng ở các địa phương…

TỶ LỆ HẤP THỤ ĐẤT CÔNG NGHIỆP CAO

Thông tin từ CBRE Việt Nam cho biết, mặc dù ở khu vực phía Bắc, tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp tại thị trường cấp 1 đạt 80,2% trong quý 3/2023, đã giảm 2,4 điểm phần trăm so với quý 2 và tăng 0,4 điểm phần trăm theo năm. Nhưng diễn biến giảm tỷ lệ lấp đầy theo quý này là đến từ việc nhiều khu công nghiệp mới đi vào hoạt động ở thị trường Bắc Ninh và Hưng Yên khiến tổng nguồn cung đất công nghiệp tăng thêm 597ha.

Về nguồn cầu, thị trường ghi nhận nhiều giao dịch lớn bởi khách thuê của ngành sản xuất nhựa, dệt may, kính áp tròng. Theo đó, tỷ lệ hấp thụ đất công nghiệp thị trường cấp 1 đạt 251ha trong quý. Như vậy, tổng cộng 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hấp thụ đạt hơn 700ha, cao hơn 18% so mức hấp thụ của cả năm 2022. Ngoài ra, giá thuê đất công nghiệp tiếp tục tăng do nhu cầu khả quan. Cụ thể trong quý 3 vừa qua, giá thuê trung bình cho thị trường cấp 1 ở miền Bắc đạt 131 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tăng 2% theo quý và 12% theo năm. 

Tương tự, thị trường công nghiệp miền Nam có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp trung bình đạt 81,9%. Tỷ lệ hấp thụ đất công nghiệp quý 3 đạt hơn 190 ha, tăng 5,9% so quý trước, tính chung 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 770 ha, gần bằng mức hấp thụ cả năm 2022. Về giá thuê đất công nghiệp trung bình thị trường cấp 1 đạt 189 USD/m2/kỳ hạn còn lại, tiếp tục tăng nhẹ 1% so với quý trước và cao hơn 13% cùng kỳ năm ngoái. Thị trường ghi nhận các giao dịch lớn đến từ doanh nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản với đa dạng các ngành công nghiệp như: cơ khí, hóa chất, nhựa, cao su, điện tử.

Thống kê của CBRE cũng cho thấy 9 tháng đầu năm, thị trường miền Bắc và miền Nam lần lượt ghi nhận 752.000 m2 kho và 450.000 m2 xưởng xây sẵn mới đi vào hoạt động. Đối với thị trường phía Bắc, giá thuê kho trung bình ở ngưỡng 4,6 USD/m2/tháng và xưởng đạt 4,8 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy của những dự án xưởng xây sẵn tại thị trường cấp 1 đạt 82,9%, tăng 4,7 điểm phần trăm so quý trước.

Còn thị trường phía Nam, với lượng nguồn cung mới dồi dào, giá thuê kho và xưởng xây sẵn tương đối ổn định, giá thuê trung bình đạt mức 4,5 USD/m2/tháng đối với nhà kho và 4,9 USD/m2/tháng đối với nhà xưởng. Tỷ lệ lấp đầy nhà kho xây sẵn đạt 56%, giảm 15 điểm phần trăm so quý 2 và 13 điểm phần trăm so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó tỷ lệ lấp đầy nhà xưởng xây sẵn luôn duy trì ở mức tốt, đạt 91% tăng 1 điểm phần trăm so quý 2.

NHU CẦU THUÊ TỚI TỪ NHIỀU NHÓM NGÀNH

Dự báo về phân khúc bất động sản trong hai năm tới, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao, CBRE Việt Nam, Chi nhánh Hà Nội, cho rằng giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng ở ngưỡng 6-10%/năm tại khu vực phía Bắc và 4-8%/năm tại khu vực phía Nam. Nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy giá thuê tăng trưởng tại nhiều địa phương. Trong khi đó, giá thuê kho xưởng xây sẵn dự báo tăng nhẹ từ 2-4%/năm trong hai năm tới, do các dự án mới với thông số kĩ thuật tốt và vị trí thuận tiện sẽ có mức giá thuê cao hơn trung bình thị trường.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, các khách thuê tới từ Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu là nhà đầu tư tích cực tìm kiếm đất công nghiệp và kho xưởng tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ hợp tác lên mức chiến lược toàn diện với đối tác lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc gần đây, càng khiến dòng vốn đầu tư đến từ các quốc gia này sẽ dẫn dắt nguồn cầu thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam thời gian tới.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

2. Giá chung cư và nhà ở riêng lẻ tiếp tục tăng 

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, trong quý 3/2023, mức độ qua tâm đối với nhà ở đang có dấu hiệu phục hồi, đồng thời, giá căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ tiếp tục tăng cả ở Hà Nội và TP.HCM...

Theo đó, tại Hà Nội, trên thị trường sơ cấp, mức giá bán trung bình của các căn hộ mở bán mới trong quý tăng gần 7% theo quý, 14% theo năm và đạt khoảng 50,8 triệu đồng/m2. Việc giá bán có sự điều chỉnh theo xu hướng tăng là do lượng nguồn cung mới thuộc phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng áp đảo (trên 90%). Cùng với đó, một số chủ đầu tư có sự điều chỉnh tăng giá và mở bán thêm quỹ hàng ở các tầng cao hơn.

Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình vẫn duy trì đà tăng từ quý trước, đạt khoảng 32 triệu đồng/m2, tăng 2,7% theo quý và 0,8% theo năm. Tất cả các quận trên địa bàn Hà Nội đều ghi nhận giá bán thứ cấp tăng so với quý 2; trong đó, Đống Đa, Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và Gia Lâm tăng trên 3%.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng căn hộ mở bán mới đa phần đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Khoảng 60% nguồn cung mới trong 9 tháng đầu năm 2023 đến từ một dự án khu đô thị ở phía Đông. Khoảng 96% nguồn cung mới của quý 3 đến từ phân khúc cao cấp và 4% nguồn cung mới còn lại thuộc phân khúc hạng sang, từ giai đoạn tiếp theo của một dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Giá bán sơ cấp của thị trường căn hộ TP.HCM trong quý 3/2023 đạt hơn 60 triệu đồng/m2.

Cũng tại TP.Hồ Chí Minh, trên thị trường thứ cấp, giá trung bình đạt 45 triệu đồng/m2, tăng 3% so với quý trước. Trong khi giá thứ cấp ở phân khúc hạng sang và bình dân gần như giữ nguyên so với quý 2. Mức tăng theo quý chủ yếu là do tăng giá thứ cấp ở phân khúc cao cấp và trung cấp, đặc biệt là đối với các dự án kề cận trung tâm như quận Bình Thạnh, Tp.Thủ Đức.

TÌNH HÌNH GIAO DỊCH ĐẤT NỀN DỰ ÁN CHƯA CẢI THIỆN

Với nhà ở riêng lẻ, đất nền trong dự án, nhu cầu tìm kiếm, sự quan tâm của các nhà đầu tư tới các sản phẩm cũng tăng so với quý 2. Tuy nhiên, tình hình giao dịch nhìn chung chưa có nhiều cải thiện. Tín hiệu lạc quan là đà giảm giá của phân khúc biệt thự liền kề, nhà ở riêng lẻ và đất nền dự án ở nhiều địa phương đã có sự chững lại. Tại các Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá giao dịch tại khu vực trung tâm cơ bản ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ trong khi các quận/huyện ven đô và khu vực ngoại thành có mức độ giảm nhiều hơn. 

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

3. Hàng loạt “ông lớn” ngành bán lẻ tăng tốc mở rộng quy mô

Lotte vừa khai trương Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hà Nội với diện tích cho thuê tới 72.000 m2. Bên cạnh đó, tại TP.HCM, Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza cũng trở lại cùng diện mạo mới. Không những thế còn hàng loạt “ông lớn” của ngành bán lẻ như Central Group, Aeon Mall đang đẩy mạnh việc mở rộng ở nhiều tỉnh thành khác…

Tại buổi họp báo quý 3/2023 về thị trường bất động sản và dự báo thời gian tới, CBRE Việt Nam đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam dần trở nên sôi động hơn vào quý 3 với nhiều dự án mở mới trên khắp cả nước.

Đưa ra dẫn chứng, đơn vị cho biết vừa qua, Lotte đã khai trương Trung tâm thương mại Lotte Mall West Lake Hà Nội nằm tại quận Tây Hồ với diện tích cho thuê lên đến 72.000 m2. Tính đến hiện tại, đây là dự án trung tâm thương mại quy mô lớn nhất ở Hà Nội. Trong khi đó, tại TP.HCM, Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza trở lại với diện mạo mới sau thời gian đóng cửa sửa chữa và đổi chủ. Cả hai trung tâm thương mại này đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy gần như 100% với ngành hàng đa dạng và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Không những thế, mới đây các “ông lớn” của ngành bán lẻ như Central Group và Aeon Mall cũng đẩy mạnh việc mở rộng tại nhiều tỉnh thành ngoài TP.HCM và Hà Nội. Điển hình là Central Retail tung ra thị trường thương hiệu nội thất Come Home, Mini Go! Mở tại huyện Nhơn Trạch, (tỉnh Đồng Nai) và thị xã Điện Bàn, (tỉnh Quảng Nam); tương tự, Aeon khai trương mô hình mới “siêu thị linh hoạt” tại thành phố mới Bình Dương. Thêm nữa, Thiso Retail (thuộc tập đoàn Thaco) đang ráo riết hoàn thiện dự án Emart thứ 3 của mình tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Ngoài ra, trong năm 2024, dự kiến Aeon Mall Huế đưa vào hoạt động với gần 138.000m2 diện tích sàn. Đây sẽ là trung tâm thương mại đầu tiên ở miền Trung của Aeon tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo CBRE, thị trường bất động sản bán lẻ tại Hà Nội và TP.HCM nhờ vào nguồn cầu ổn định và nguồn cung mới hạn chế, nên tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tốt về giá thuê. Đặc biệt, cả Hà Nội và TP.HCM đều thuộc danh sách những thành phố dẫn đầu về mức tăng trưởng giá thuê tại khu vực trung tâm trong toàn châu Á-TBD.

Theo thống kê của đơn vị này, quý 3/2023, giá thuê khu vực trung tâm tầng trệt Hà Nội ở mức 162 USD/m2/tháng, trong khi đó, giá thuê trung bình khu vực trung tâm cho tầng trệt TP.HCM đạt hơn 200-350 USD/m2/tháng. Hầu như không có diện tích bán lẻ trống tại khu vực trung tâm ở cả hai thành phố. Còn khu vực ngoài trung tâm, Hà Nội ghi nhận mức giá thuê hơn 28 USD/m2/tháng, tăng 4% so với quý trước và 5% so với cùng kỳ năm trước. Tại TP.HCM, giá thuê khu ngoài trung tâm đạt 48,5 USD/m2, tăng gần 4% so với quý trước và hơn 20% so cùng kỳ

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Bộ Xây dựng: “Số lượng doanh nghiệp BĐS gia nhập và tái gia nhập quý 3/2023 cao nhất từ trước đến nay” 

Theo báo cáo thị trường bất động sản 9 tháng đầu năm của Bộ Xây dựng, tính riêng trong quý III/2023, số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 59.559 doanh nghiệp, mức cao nhấ trong giai đoạn quý III kể từ trước đến nay, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có 6/17 ngành ghi nhận số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022. Theo đó, ngành kinh doanh bất động sản giảm 52,4%, nhóm ngành công nghiệp và xây dựng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Mức độ biến động chỉ số giá bất động sản tháng 9/2023 so với tháng 8/2023 tại 2 thành phố lớn có sự thay đổi rõ rệt. Tại TP.HCM, giá bán chung cư để bán tăng 0,2%, nhà ở riêng lẻ tăng 0,02% đất nền cho xây dựng nhà ở giữ nguyên không thay đổi, văn phòng cho thuê tăng 0.74%, chung cư cho thuê giảm 0.36%.

Tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư để bán tăng 0,36%, nhà ở riêng lẻ giảm 0,01% đấ nền cho xây dựng nhà ở giảm 0,08%, văn phòng cho thuê giảm 0,01%, chung cư cho thuê 1,09%.

Cũng theo báo cáo, hiện, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án. Ngày 19/5/2023, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án. Trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng 20.210 căn. Đã cấp phép và đang triển khai xây dựng 110 dự án với quy mô 100.213 căn, ngoài ra đã được chấp thuận chủ trương đầu tư 309 dự án với quy mô 292.422 căn.

Bên cạnh đó, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, theo đó hiện nay đã có đã có 19 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng. Trong đó, có 49 dự án nhà ở xã hội với nhu cầu vay là 24.655 tỷ đồng và 03 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ với nhu cầu vay là 1.229 tỷ đồng.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Hà Nội: Chấm dứt tình trạng trả lời chung chung, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm về hành chính 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính. Đồng thời, chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm về quy định hành chính.

Theo đó, thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), cung cấp dịch vụ công trên địa bàn thành phố đã có một số chuyển biến. Bên cạnh đó, việc thực hiện còn một số "điểm nghẽn" ảnh hưởng tới chất lượng phục vụ và mức độ đánh giá hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 theo lộ trình.

Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, xác định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về cải cách TTHC, cung cấp dịch vụ công là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cơ quan, đơn vị hàng tháng, hàng năm.

Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bảo đảm 100% TTHC được công khai đầy đủ, đúng hạn.

Ngoài ra, cần thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, chấm dứt tình trạng không trả lời hoặc trả lời chung chung, không cụ thể, rõ ràng, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ, yêu cầu điều kiện không đúng quy định.

Chủ tịch UBND thành phố giao giám đốc, thủ trưởng các Sở và cơ quan tương đương sở tập trung lực lượng, nguồn lực triển khai có hiệu quả “Thi đua nước rút 60 ngày, đêm” thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc quy trình TTHC. Đồng thời, đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến của thành phố được tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thực hiện nghiêm túc, kịp thời việc trình Chủ tịch UBND thành phố các Quyết định công bố TTHC theo đúng thời hạn quy định. Kiên quyết không để xảy ra chậm muộn trong việc công bố TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.

Ngoài ra, cần kịp thời xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của UBND các cấp về các vấn đề liên quan đến TTHC thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiến nghị đề xuất việc kết nối, tích hợp, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố đối với các dịch vụ công, TTHC thuộc thẩm quyền.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

2. Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai các công tác này vẫn còn chậm…

KHÔNG ĐỂ THAM NHŨNG, SỢ SAI, KHÔNG DÁM LÀM

Tại công điện, Thủ tướng nhận xét: thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, qua phản ánh trực tiếp của người dân, doanh nghiệp, dư luận báo chí và trao đổi với địa phương, việc tổ chức triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn chậm trễ, chưa quyết liệt.

 Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, phát huy nguồn lực đất đai, thúc đẩy triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, tại công điện số 965/CĐ-TTg (ngày 13/10), Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng lãnh đạo các Bộ, ngành… liên quan.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu khẩn trương lắng nghe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và cá nhân tham gia ý kiến trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, để quy định của Luật Đất đai sửa đổi khi ban hành đi vào cuộc sống; quy định phải rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; tăng cường phân cấp, phân quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, dứt khoát không gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn;Trước ngày 25/10/ 2023, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP theo hướng khoa học, sát thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục, giảm tối đa các khâu trung gian, quy định rõ ràng, dễ hiểu, thuận lợi cho người thực hiện và không gây thất thoát ngân sách nhà nước khi thực hiện định giá đất, quyết định giá đất, không để tham nhũng tiêu cực và không để sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm;

Trước ngày 31/ 10/ 2023, trình Thủ tướng Chính phủ việc nghiên cứu điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025 đã được phân bổ cho các địa phương tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2022 để đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của địa phương triển khai dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội, khơi thông nguồn lực, phục hồi kinh tế trong thời gian tới;

 Hướng dẫn các địa phương triển khai công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo nguyên tắc đơn giản thủ tục, không gây phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện;

Xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất thuộc thẩm quyền để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục những sai phạm liên quan đến đất đai ở các Bộ, ngành, các địa phương.

KHÔNG GÂY KHÓ KHĂN, CHẬM TRỄ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tập trung chỉ đạo công tác định giá đất, quyết định giá đất theo thẩm quyền, không gây khó khăn, chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

Chỉ đạo cơ quan tài nguyên và môi trường của tỉnh thực hiện thủ tục hành chính việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho tổ chức, người dân phải nhanh, đúng quy định; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai; Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu sử dụng đất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; đề xuất nhu cầu sử dụng đất phải đảm bảo việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định; không gây lãng phí về nguồn lực đất đai.

Thủ tướng cũng giao Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, định giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo chức năng, thẩm quyền được giao và các quy định hiện hành.

Theo công điện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được phân công trực tiếp chỉ đạo các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, thực hiện, đôn đốc, kiểm tra xử lý kịp thời các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp được các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phản ánh, đề xuất theo Công điện này; Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ theo dõi, tham mưu đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện, hiệu quả Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

3. Đề xuất tích hợp sàn giao dịch bất động sản ở các tỉnh thành

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản thành trung tâm dịch vụ công trực thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố.

Dự kiến, trung tâm này có 3 nhiệm vụ chính: Quản lý giao dịch bất động sản, quản lý thu thuế, và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở.

Trung tâm sẽ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thành phố hoặc Sở Xây dựng, có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động của UBND tỉnh, thành phố và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tương ứng.

Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông, tăng cường sử dụng hệ thống công nghệ 4.0, tạo điều kiện tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh sẽ tích hợp hệ thống dữ liệu bất động sản đồng bộ bao gồm thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản, dữ liệu đất đai, dữ liệu về thuế. Trung tâm cũng là đầu mối tiếp nhận, phối hợp để thực hiện công tác quản lý các giao dịch bất động sản, thuê mua bất động sản, giao dịch quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tư vấn xuyên suốt toàn bộ quá trình giao dịch.

Sau khi bên bán và bên mua đạt được thỏa thuận mua bán và làm thủ tục lập hồ sơ ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật, hai bên truy cập website cổng thông tin điện tử của trung tâm, điền vào thông tin mua nhà liên quan, nộp đơn xin yêu cầu làm thủ tục sang tên trực tuyến, ba cơ quan thẩm quyền thụ lý trực tuyến, xét duyệt theo chức năng của từng cơ quan.

Sau 2 ngày làm việc hoàn tất xét duyệt và bên mua nhận được tin nhắn đã thông qua xét duyệt, có thể đặt lịch hẹn đến trung tâm để được cấp giấy chứng nhận sở hữu bất động sản.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

4. Đề xuất mới của Bộ Xây dựng có thể giúp cấp sổ đỏ chỉ trong 2 ngày

Trong văn bản gửi lấy ý kiến Văn phòng Chính phủ, các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Tư pháp, Công an về chủ trương tích hợp sàn giao dịch quyền sử dụng đất với sàn giao dịch bất động sản thành trung tâm dịch vụ công trực thuộc UBND cấp tỉnh, Bộ Xây dựng cho biết việc tích hợp này sẽ giúp quá trình giao dịch và cấp quyền sử dụng đất, nhà ở được tiến hành đồng thời, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh có ba nhiệm vụ chính là quản lý giao dịch bất động sản, quản lý thu thuế, và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở.

Trung tâm sẽ là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, thành phố hoặc Sở Xây dựng, có con dấu riêng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, hoạt động của UBND tỉnh, thành phố và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tương ứng.

Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh hoạt động theo cơ chế một cửa liên thông, tăng cường sử dụng hệ thống công nghệ 4.0, tạo điều kiện tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Sau khi bên bán và bên mua đạt được thỏa thuận mua bán và làm thủ tục lập hồ sơ ký hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật, hai bên truy cập website cổng thông tin điện tử của trung tâm, điền vào thông tin mua nhà liên quan, nộp đơn xin yêu cầu làm thủ tục sang tên trực tuyến, ba cơ quan thẩm quyền thụ lý trực tuyến, xét duyệt theo chức năng của từng cơ quan.

Sau hai ngày làm việc hoàn tất xét duyệt và khi bên mua nhận được tin nhắn đã thông qua xét duyệt, có thể đặt lịch hẹn đến trung tâm để được cấp giấy chứng nhận sở hữu bất động sản.

Cũng theo Bộ Xây dựng, việc lập trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý sẽ là giải pháp hiệu quả để đổi mới cách thức vận hành của thị trường bất động sản.

Đồng thời là cơ sở để phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động giao dịch bất động sản phù hợp với thực tiễn, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện và chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển hệ thống công nghiệp số, đáp ứng yêu cầu bổ sung, hoàn thiện quy định nhằm đảm bảo công khai, minh bạch thị trường.

Các trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh sẽ tích hợp hệ thống dữ liệu bất động sản đồng bộ bao gồm thông tin về nhà ở, thị trường bất động sản, dữ liệu đất đai, dữ liệu về thuế, tạo cơ sở để đề xuất hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.

Đây cũng là đầu mối tiếp nhận, phối hợp để thực hiện công tác quản lý các giao dịch bất động sản, thuê mua bất động sản, giao dịch quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tư vấn xuyên suốt toàn bộ quá trình giao dịch.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

5. KTNN kiến nghị Quốc hội bổ sung cách tính thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản 

Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII mới đây đã có tham luận về công tác quản lý đất đai và xác định giá đất, những bất cập qua thực tiễn hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.

Tham luận nêu rõ những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý đất đai và xác định giá đất thông qua hoạt động kiểm toán. 

Qua thực tiễn công tác kiểm toán trong thời gian qua, KTNN nhận thấy nhiều địa phương chấp thuận chủ trương (chỉ định nhà đầu tư) không thông qua đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dựng đất, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể để xác định tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và làm giá khởi điểm, điều chỉnh giá khởi điểm chưa phù hợp quy định. Từ đó dẫn đến việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp NSNN không đúng quy định của pháp luật, giá trúng đấu giá chưa phải là giá thị trường.

Để ngăn chặn tình trạng người mua, người bán ký hợp đồng công chứng với giá thấp hơn nhiều mức giá giao dịch thực tế, gây thất thu lớn NSNN, đồng thời làm biến dạng kết quả thẩm định giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai hoặc làm giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, KTNN có một số kiến nghị.

Cụ thể, đơn vị này kiến nghị Quốc hội cần bổ sung thêm cách tính thu nhập chịu thuế TNCN hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, nội dung liên quan đến thuế TNCN đối với thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo là mức chênh lệch giá chuyển nhượng bất động sản sang từng lần chuyển nhượng trừ giá mua bất động sản và các chi phí liên quan vào Luật thuế TNCN hiện hành.

Trường hợp các hồ sơ, tài liệu có liên quan có thể giá mua bất động sản, thì thu nhập chịu thuế tính theo giá chuyển nhượng bất động sản. 

Lý do theo đơn vị này là khoảng 20 năm gần đây hoạt động chuyển nhượng bất động sản trên thị trường đã thông qua ký hợp đồng công chứng, người mua, người bán đều có hồ sơ kê khai thuế TNCN, lệ phí trước bạ, nên quy định sẽ có tính khả thi. 

Với quy định này, người mua sẽ không chấp nhận ghi giá thấp hơn giá mua thực tế trong các hợp đồng công chứng, vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ khi họ có nhu cầu chuyển nhượng lại bất động sản này. Khi giá bất động sản trên thị trường đã minh bạch, thì hoạt động thẩm định giá đất cụ thể sẽ khách quan, minh bạch hơn.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn tình trạng thao túng giá đất cụ thể để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai hoặc làm giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, KTNN kiến nghị Chính phủ cần giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về giá đất phổ biến trên thị trường của các loại đất.

Cụ thể, bao gồm: cơ sở dữ liệu về giá rao bán, rao mua, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh; giá chuyển nhượng thành công trên thị trường; giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giá đền bù giải phóng mặt bằng đã phê duyệt và thực hiện,… theo từng tuyến đường, đoạn đường trên từng địa bàn và công bố công khai trên các wesite chuyên ngành làm cơ sở cho công tác quản lý nhà nước về giá đất và công tác thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể.

Đồng thời quy định hàng tháng các sàn giao dịch bất động sản, các trung tâm đấu giá tài sản, các công ty kinh doanh, môi giới về bất động sản,… trên địa bàn phải gửi các báo cáo, thống kê về giá đất rao chuyển nhượng, giá giao dịch thành công, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất về Sở Tài nguyên và Môi trường để rà soát, cập nhật dữ liệu.

Ngoài ra, theo KTNN, cơ sở dữ liệu về đất đai phải được xây dựng đồng bộ, thống nhất không chỉ về số lượng, chất lượng, diện tích mà cả về giá trị, lịch sử giao dịch. Khi cơ sở dữ liệu về đất đai được số hóa sẽ dễ dàng theo dõi được sự thay đổi, bao gồm cả sự thay đổi về giá trị và sự chuyển dịch về đất đai giữa các bên liên quan. Mọi giao dịch về đất đai sẽ trở nên minh bạch, cụ thể và trực quan. 

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

6. Thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam 

Thực tế, quy định về sàn giao dịch bất động sản và giao dịch qua sàn bất động sản là một trong các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn trong giao dịch bất động sản…

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đã nêu giải pháp: “Công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt”. Từ cơ sở này, để thị trường bất động sản hoạt động công khai, minh bạch, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. 

SÀN GIAO DỊCH SẼ NHƯ MỘT TỔ CHỨC DỊCH VỤ CÔNG

Thực tế, quy định về sàn giao dịch bất động sản và giao dịch qua sàn bất động sản là một trong các quy định của Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn trong giao dịch bất động sản. 

Theo quy định pháp luật hiện hành, sàn giao dịch bất động sản do doanh nghiệp thành lập với nội dung hoạt động là: thực hiện việc giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; tổ chức việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; giới thiệu, niêm yết, cung cấp công khai thông tin về bất động sản cho các bên tham gia có nhu cầu giao dịch; kiểm tra giấy tờ về bất động sản bảo đảm đủ điều kiện được giao dịch; làm trung gian cho các bên trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Theo Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015, bất động sản bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất; tài sản khác gắn liền với đất, nhà, công trình xây dựng. Như vậy, nội dung hoạt động của sàn giao dịch bất động sản đã bao gồm các dịch vụ liên quan tới giao dịch về quyền sử dụng đất. Giao dịch qua sàn giao dịch không phải là quy định bắt buộc mà theo lựa chọn của bên mua, bên bán. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Chủ trương này thể hiện quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ với phát triển kinh tế, thu hút sự quan tâm của xã hội. Hiện tại, mô hình sàn giao dịch quyền sử dụng đất vẫn đang được bàn thảo. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng hai phương án về sàn giao dịch quyền sử dụng đất để trình Thủ tướng quyết định.

Phương án 1: Phát triển nâng cấp mô hình sàn giao dịch bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng chuyên nghiệp, có sự giám sát của Nhà nước. 

Phương án 2: Xây dựng sàn chuyên giao dịch về quyền sử dụng đất.

Định hướng chung là quy định nguyên tắc sàn giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý, không giao cho doanh nghiệp, đồng thời, phải mở rộng phạm vi cho đầy đủ các loại đất được đưa vào giao dịch. Sàn giao dịch đó phải được liên thông với Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng để cập nhật đồng bộ lên hệ thống.

Như vậy, sàn giao dịch quyền sử dụng đất nếu được thành lập theo các phương án nêu trên dù cùng tính chất với sàn giao dịch bất động sản nhưng sẽ có rất nhiều khác biệt về tổ chức và hoạt động. Theo đó, sàn giao dịch quyền sử dụng đất sẽ hoạt động “như một tổ chức dịch vụ công của Nhà nước để quản lý”.

Nhằm có thêm cơ sở đánh giá, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới về sàn giao dịch quyền sử dụng đất và các giải pháp đảm bảo minh bạch, an toàn trong giao dịch bất động sản. Qua trao đổi với các đồng nghiệp ở Hiệp hội Bất động sản các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia,... chúng tôi thấy rằng các nước này đều không có sàn giao dịch quyền sử dụng đất riêng. 

Tại Mỹ, thông tin về bất động sản (cả nhà và đất) được công khai trên Cổng thông tin bất động sản Mỹ qua Dịch vụ sàn đa năng MLS (Multiple Listing Service Listings). Sàn này niêm yết thông tin nhà, đất, bất động sản phát mại, bất động sản mới, bất động sản cũ, bất động sản thương mại, bất động sản đầu tư... để phục vụ hoạt động mua bán của các nhà môi giới. MLS.com hay các MLS các bang không thuộc Chính phủ Mỹ.

Trang này được vận hành tư nhân trên cơ sở thu phí của người bán trong quy trình mua bán bất động sản ở Mỹ. Mọi bất động sản muốn giao dịch trên thị trường đều phải được công khai trên MLS. Hoạt động mua bán phải thông qua các nhà môi giới được cấp phép (Licensed broker). Phí môi giới bao gồm trong giá bán, khoảng từ 1 - 10%, tùy thuộc vào đàm phán, vị trí và loại bất động sản. Mức phí này khác nhau ở từng bang, hay thậm chí trong một bang, một thành phố. Phí này được chia sẻ cho nhà môi giới và các bên liên quan trong quy trình mua bán tại thời điểm giao dịch hoàn thành. 

HOÀN THIỆN MÔ HÌNH SÀN GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN

Ở một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) không có sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Ở Thái Lan thì có Ngân hàng Đất (Land & Housing Bank hay gọi là Land Bank) có chức năng mua, bán đất nhưng thiên về mua bán để điều tiết đất, hỗ trợ người dân không có đất nông, lâm nghiệp. 

Đài Loan (Trung Quốc) thành lập Land Bank từ năm 1945, thuộc Ngân hàng Đài Loan (Trung Quốc). Dịch vụ chính gồm: deposits (nhận tiền gửi), cho vay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng để mua bất động sản, mua đất, các quỹ ủy thác, dịch vụ quản lý tài sản, ngoại hối... Ngân hàng đất Đài Loan (Trung Quốc) không có nhiều khác biệt so với ngân hàng thương mại cho vay mua nhà, đất.

Như vậy, xu hướng của quốc tế là minh bạch hóa thông tin về bất động sản nói chung và đất nói riêng trên một sàn, sử dụng ứng dụng công nghệ để quản lý, nắm bắt thông tin về bất động sản và giao dịch bất động sản, đồng thời khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu chung nhằm đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch, sang tên bất động sản.

Mỗi quốc gia có chế độ sở hữu đất đai riêng. Tuy vậy, các quốc gia đều vận hành thị trường trên nguyên tắc đảm bảo minh bạch thông tin. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của các nước về cơ sở dữ liệu bất động sản, việc bắt buộc công khai thông tin trên cơ sở dữ liệu bất động sản. 

Các nước đều có hệ thống thông tin về nhà ở, đất đai và thị trường bất động sản đầy đủ. Đến nay, Việt Nam làm việc này chưa tốt, chưa đạt kết quả như ý muốn; bởi vậy, cần tổng kết, đánh giá chính sách và khâu tổ chức thực thi này thì mới có trung tâm dữ liệu để vận hành thị trường minh bạch. Điều này phù hợp và khả thi trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ ở nước ta hiện nay....

Với việc kiểm soát dòng tiền, quy định và kiểm tra việc giao dịch qua ngân hàng sẽ giúp thực hiện được mục tiêu đề ra. Bởi lẽ, thông tin thị trường đầy đủ, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ mang lại tính minh bạch; khi sàn minh bạch thì không bắt buộc người dân cũng theo.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của thị trường dịch vụ pháp lý, việc người dân tăng cường sử dụng các dịch vụ công chứng, luật sư… khi giao dịch bất động sản cũng sẽ góp phần minh bạch thị trường, giảm thiểu rủi ro trong giao dịch. 

Hiện nay, mô hình sàn giao dịch bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản đã được luật hóa và đã có thực tiễn triển khai đối với các giao dịch bất động sản, gồm cả quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Sàn giao dịch bất động sản cung cấp dịch vụ đối với giao dịch bất động sản vì mục đích kinh doanh giữa chủ đầu tư với người dân và hoàn toàn có thể cung cấp dịch vụ giao dịch bất động sản không vì mục đích kinh doanh giữa người dân với nhau nếu người dân có nhu cầu. Đây cũng là điều mà các nhà quản lý quan tâm và coi là một trong những lý do cho sự cần thiết nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất. 

Vì thế, chúng tôi kiến nghị thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất theo phương án hoàn thiện mô hình sàn giao dịch bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng chuyên nghiệp có sự giám sát của Nhà nước. Phương án này vừa phù hợp với chủ trương của Đảng, vừa có sự quản lý của Nhà nước, tránh chồng chéo chức năng, vừa có dữ liệu thông tin phục vụ quản trị, vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường, quyền tự do kinh doanh, tự do lựa chọn của người dân, doanh nghiệp và đạt hiệu quả khi không làm phát sinh bộ máy, không tăng thủ tục hành chính, thời gian và chi phí tuân thủ…

Chúng tôi kiến nghị thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất theo phương án hoàn thiện mô hình sàn giao dịch bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng chuyên nghiệp có sự giám sát của Nhà nước. Phương án này vừa phù hợp với chủ trương của Đảng, vừa có sự quản lý của Nhà nước, tránh chồng chéo chức năng, vừa có dữ liệu thông tin phục vụ quản trị, vừa đảm bảo nguyên tắc thị trường.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

7. Ngân hàng ráo riết xử lý nợ xấu bất động sản

Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%, tăng mạnh so với mức 1,8% vào cuối tháng 7 năm ngoái.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay bất động sản tính tới cuối tháng 7 đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Số dư nợ này chiếm tỷ trọng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế.

Trong khi tín dụng vào bất động sản có xu hướng tăng chậm lại thì nợ xấu của lĩnh vực này lại có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%, tăng 0,11 điểm % so với cuối tháng 6 và tăng mạnh so với mức 1,8% vào cuối tháng 7 năm ngoái.

Nguy cơ nợ xấu bất động sản “phình to” đã được cảnh báo từ năm ngoái khi giai đoạn 2023 - 2024 là điểm rơi đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp. Việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng được đánh giá sẽ không dễ trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường địa ốc ảm đạm khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản càng gặp khó.

“Nợ xấu ngân hàng tăng so với thời điểm cuối năm 2022 là điều dễ hiểu. Khi đến hạn trả nợ mà các chủ đầu tư bất động sản và người vay mua bất động sản không trả được nợ do bán không được dẫn đến quá kỳ hạn, nợ xấu mới từ từ tăng”, một vị chuyên gia nói với người viết.

Vị này cho hay, vào giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, tại Mỹ, có những bất động sản ở bang California giảm từ 1 triệu USD xuống còn vài trăm nghìn USD là bình thường. Việc xử lý nợ ở Mỹ rất nhanh, đến hạn không trở được nợ họ sẽ phát mãi tài sản. Họ sẽ đấu giá công khai, nếu người mua không mua thì họ sẽ giảm tiếp đến khi nào có người mua thì thôi. Kéo theo đó giá bất động sản giảm.

Còn tại Việt Nam, theo chuyên gia, thủ tục phát mãi dài hơn, phải mất đâu đó khoảng gần 1 năm. Trong khi phát mãi lần một không được thì phải có lần 2, 3, 4,… Điều này khiến cho các ngân hàng xử lý nợ khó hơn ở Mỹ và do đó, giá bất động sản sẽ khó bị “down” mạnh. Tuy vậy, ngân hàng cũng phải giảm giá bất động sản để xử lý nợ, nếu không nợ xấu sẽ tăng.

Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng bày tỏ: “Tôi rất mừng khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 bởi tôi đồng ý rằng cần phải siết lại tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản và phải siết lại trong sự hợp lý. Tôi mong muốn nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản nhiều hơn nhưng nguồn vốn đó phải được kiểm soát và đi đúng nơi, đúng chỗ. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng dòng tiền chảy ồ ạt vào bất động sản giống như hơn 10 năm trước”, vị này nói.

Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số khoản của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).

Theo đó, nhà điều hành tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại cho vay để đảo nợ, cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh (chưa thể ký hợp đồng mua bán với khách hàng).

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

Tin tức bất động sản về phân tích nhận định của chuyên gia thang 9/2023

Tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 9/2023

Tin tức bất động sản về pháp luật tháng 9/2023

Tin tức bất động sản về thị trường tháng 9/2023

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan