Tin tức
26/11 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 20/11 đến 25/11/2023

  • 144
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 20/11 đến 25/11/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Đầu tư từ Trung Quốc gia tăng, bất động sản công nghiệp phía Bắc được “săn tìm”
  2. Tiền mặt 30 “ông lớn” bất động sản giảm mạnh, khả năng trả nợ tiếp tục suy yếu
  3.  Trung Quốc gấp rút lên kế hoạch mới để giải cứu những doanh nghiệp bất động sản “nguy kịch” nhất
  4. Khi nào bất động sản hồi phục?
  5. Chủ tịch Quốc hội: Quy định rõ định giá đất để bên dưới dám làm, bảo vệ cán bộ
  6. Đơn thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan lĩnh vực đất đai, quản lý vận hành chung cư
  7. Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vi phạm trong đầu tư xây dựng dự án ở 4 địa phương
  8. Đề xuất gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng, lãi suất dưới 5%/năm để xây nhà ở xã hội
  9. Thủ tướng chỉ đạo NHNN xử lý nghiêm những ngân hàng cố tình “gây khó” doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà vay vốn

tin-tuc-bat-dong-san-times-pro-tong-hop-tuan-03-thang-11.2023

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Đầu tư từ Trung Quốc gia tăng, bất động sản công nghiệp phía Bắc được “săn tìm” 

Gần đây, các khu công nghiệp phía Bắc được các nhà đầu tư Trung Quốc tìm thuê cho hoạt động sản xuất thiết bị điện và năng lượng mặt trời…

Tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

VỐN ĐẦU TƯ TĂNG 94,9%

Trong vòng 05 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong top 5 quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 2,92 tỷ USD vào Việt Nam, và là quốc gia đứng thứ hai sau Singapore (3,98 tỷ USD) về khối lượng đầu tư.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2023, đã có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc chiếm 14,5% tổng lượng vốn đầu tư, tăng 94,9% theo năm.

Về số lượng dự án đăng ký mới, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với 21,2%. Cùng kỳ, Trung Quốc cũng là quốc gia đứng thứ nhất về vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chiếm 22% tổng số lượng đầu tư sản xuất. Singapore và Hong Kong đứng thứ hai và thứ ba với lần lượt 21% và 17% thị phần.

Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. Trong 10 tháng đầu năm 2023, kim ngach xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD.

Theo Savills Việt Nam, trong những năm gần đây, các công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam, không chỉ nhằm thâm nhập thị trường Đông Nam Á mà còn lấy đó làm bàn đạp để tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng hơn.

DUY TRÌ LỢI THẾ VỊ TRÍ

Nhu cầu ghi nhận từ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử và năng lượng mặt trời là rất lớn. Theo đó, việc tìm kiếm mặt bằng trống và phù hợp là một thách thức với các doanh nghiệp sản xuất.

Trong khi đó, các khu công nghiệp trên toàn Việt Nam có tỷ lệ lấp đầy cao trên 80%, tỷ lệ lấp đầy ở các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 83% và 91% ở các tỉnh trọng điểm phía Nam. Các nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy ở mức 83% trên cả nước, ông John Campbell cho biết.

Tận dụng cơ hội này, các tỉnh thành phía Bắc như Nghệ An, Thái Bình hay Phú Thọ cũng đã quy hoạch các khu công nghiệp lớn nhằm thu hút dòng vốn tìm về những khu vực mới nhưng nhiều tiềm năng này. Trong đó, Phú Thọ dự kiến phát triển 7 khu công nghiệp với diện tích 2.256 ha và 28 cụm công nghiệp với 1.470 ha. Các khu, cụm công nghiệp đều được bố trí ở những nơi có giao thông thuận tiện cả về đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, dễ thông thương với Hà Nội, cảng Hải Phòng, các tỉnh tây Bắc và tỉnh Vân Nam – Trung Quốc.

Hiện Phú Thọ có bốn khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 193 dự án đầu tư thứ cấp, trong đó có 100 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 22.000 tỷ đồng và 93 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký hơn 1,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông John Campbell, bối cảnh thị trường công nghiệp đang thay đổi với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư hơn. Khi ngành sản xuất và hậu cần phát triển, các sản phẩm ngày càng đa dạng như nhà máy xây sẵn, nhà kho, cơ sở đa tầng, cơ sở kết hợp, tòa nhà được kiểm soát nhiệt độ và xây dựng phù hợp nhu cầu.

Chỉ trong 5 năm, người thuê đất đã có nhiều lựa chọn hơn và không còn bị ràng buộc với thời hạn thuê đất 50 năm như thông lệ. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà đầu tư, với việc nhiều dự án xây sẵn được tung ra thị trường ở các tỉnh trọng điểm.

Để thu hút các doanh nghiệp tốt nhất, các khu công nghiệp và nhà phát triển bất động sản xây sẵn nên tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng cao và các ưu đãi ngoài giá thuê. Ví dụ như dịch vụ gia nhập thị trường, hỗ trợ nhân sự và pháp lý, dịch vụ quản lý, sáng kiến bền vững…

“Cùng với đó, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của Việt Nam để nâng cao năng suất và hiệu quả. Đồng thời, thời thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chuỗi cung ứng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và sử dụng đất, cũng như áp dụng số hóa đều là những lĩnh vực trọng tâm của ngành công nghiệp Việt Nam”, ông John nhận định.

CBRE dự báo trong hai năm tới, giá thuê đất công nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng ở ngưỡng 6-10%/năm tại cả phía Bắc và phía Nam. Nhu cầu khả quan tới từ nhiều nhóm ngành và nhiều quốc tịch thuê giúp thúc đẩy giá thuê tăng trưởng tại nhiều địa phương. Cùng với đó, giá thuê kho xưởng xây sẵn dự báo tăng nhẹ từ 2-4%/năm trong 2 năm tới.

Nhờ vào các lợi thế về nền kinh tế định hướng xuất khẩu với nhiều chính sách hỗ trợ, vị trí địa lý chiến lược cùng với chi phí vận hành ưu đãi…, thị trường Việt Nam được các chuyên gia đánh giá vẫn là điểm đến được cân nhắc lựa chọn đầu tư.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Tiền mặt 30 “ông lớn” bất động sản giảm mạnh, khả năng trả nợ tiếp tục suy yếu 

Khả năng trả nợ sẽ tiếp tục yếu do triển vọng lợi nhuận kém tích cực và nguồn tiền mặt sẽ vẫn ở mức thấp do căng thẳng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh...

TIỀN MẶT GIẢM MẠNH, KHẢ NĂNG TRẢ NỢ YẾU

Nguồn tiền mặt (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn) tính đến tháng 9-2023 khoảng 15.824 tỷ đồng. Số liệu trên được tính toán từ top 30 công ty phát triển bất động sản niêm yết về doanh thu (ngoại trừ Vinhomes). Trong khi thống kê giai đoạn từ 2018-2022, con số này dao động khoảng 18.000 - 22.000 tỷ đồng. Có thể thấy nguồn tiền mặt có xu hướng giảm mạnh kể từ năm 2022, sau đó tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất tính tới tháng 9/2023.

"Chúng tôi cho rằng khả năng trả nợ sẽ tiếp tục yếu do triển vọng lợi nhuận kém tích cực và nguồn tiền mặt sẽ vẫn ở mức thấp do căng thẳng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh", VIS Ratings nhìn nhận. 

Sau khi trải qua sự suy giảm nguồn tiền mặt từ năm 2022, tình trạng thanh khoản của các chủ đầu tư đã cải thiện đôi chút trong Q3/2023 do sự thiếu hụt dòng tiền hoạt động đã được bù đắp bởi sự gia tăng đáng kể trong dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI) và tài chính (CFF).

CFI tăng lên cho thấy nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc cơ cấu lại danh mục dự án bất động sản thông qua M&A hoặc chuyển nhượng cổ phần, điều này tạm thời giúp các công ty khắc phục tình trạng thiếu thanh khoản.

Các ngân hàng tư nhân cũng đang cung cấp vốn để hỗ trợ các chủ đầu tư tái cơ cấu dự án và nợ, dẫn đến tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 22% trong 9T2023. Mặt khác, tín dụng tiêu dùng bất động sản vẫn còn yếu.

VIS Rating kỳ vọng việc sửa đổi các bộ luật sắp tới sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt dự án và cho phép các công ty tiếp cận nguồn vốn mới. Phát hành trái phiếu bất động sản cũng tăng đáng kể 237% yoy trong Q3/2023, từ mức đáy của quý trước đó. 78% lượng trái phiếu này được phát hành bởi VinGroup, Nam Long và Masterise. Các chủ đầu tư này đang triển khai các dự án tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu người mua nhà lớn.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Trung Quốc gấp rút lên kế hoạch mới để giải cứu những doanh nghiệp bất động sản “nguy kịch” nhất 

Đây được xem là một tín hiệu xoay trục của Bắc Kinh, từ chỗ không muốn giúp sang sẵn sàng hỗ trợ những chủ đầu tư địa ốc đang nhích dần tới bờ vực sụp đổ...

Thông tin ngày 23/11 từ Bloomberg cho biết Trung Quốc có thể cho phép ngân hàng thương mại cung cấp các khoản vay ngắn hạn không có đảm bảo cho các doanh nghiệp bất động sản được đưa vào danh sách hỗ trợ. Động thái này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc chìa tay ra đối với các doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn nhất trong cuộc khủng hoảng bất động sản đang diễn ra ở nước này.

Việc cung cấp các khoản vay như vậy là một phần trong một gói gồm các biện pháp mới nhằm vực dậy ngành bất động sản Trung Quốc, qua đó hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nguồn thạo tin tiết lộ rằng các khoản vay hỗ trợ này sẽ được cấp bằng vốn lưu động của ngân hàng thương mại. Không giống như các khoản vay khác mà doanh nghiệp bất động sản được vay - thường đòi hỏi tài sản thế chấp là đất đai hoặc tài sản khác của doanh nghiệp - chương trình cho vay mới sẽ là cho vay không thế chấp và vốn vay phải được sử dụng cho mục đích hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp được vay sẽ giải phóng được vốn phục vụ cho việc trả nợ - theo nguồn tin.

Nguồn tin cũng cho biết giới chức Trung Quốc đang cân nhắc một cơ chế cho phép một ngân hàng giữ vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ một doanh nghiệp bất động sản gặp khó cụ thể. Việc hỗ trợ đó sẽ được ngân hàng này thực hiện bằng cách phối hợp với các chủ nợ khác về kế hoạch cấp vốn cho doanh nghiệp. Thực thi cơ chế như vậy sẽ đòi hỏi nhà chức trách miễn trừ lãnh đạo ngân hàng khỏi trách nhiệm đối với những khoản nợ xấu có thể phát sinh vì mức độ rủi ro là lớn, theo nguồn tin.

Nếu được thông qua, gói hỗ trợ này sẽ là nỗ lực mạnh mẽ nhất của Trung Quốc từ trước đến nay nhằm lấp đầy khoảng trống 446 tỷ USD tiền vốn được cho là cần thiết để bình ổn thị trường bất động sản, hoàn thiện các dự án dang dở với hàng triệu căn hộ đã bán nhưng chưa xây xong. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang đẩy mạnh việc hỗ trợ nền kinh tế nói chung, phát đi những tín hiệu cho thấy tính cấp bách ngày càng lớn của việc không để cho khủng hoảng bất động sản tiếp tục gây trệch hướng tăng trưởng kinh tế và đe doạ ổn định tài chính.

Một chỉ số của Bloomberg đo giá cổ phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc tăng tới 8,2% trong phiên ngày 23/11. Giá trái phiếu USD của một số doanh nghiệp cũng tăng vọt trong tuần này do giới đầu tư đặt cược nhà chức trách sẽ có hành động.

Nguồn tin cho biết nhà chức trách đang hoàn tất danh sách 50 chủ đầu tư bất động sản để hỗ trợ tài chính, trong đó có Country Garden - công ty đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế mới đây. Trong một tuyên bố ngày 22/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc kêu gọi các ngân hàng tăng cường cấp vốn cho doanh nghiệp bất động sản để giảm rủi ro xảy ra thêm các vụ vỡ nợ và đảm bảo các dự án được hoàn thiện để bàn giao nhà cho người mua.

Kế hoạch cho vay không cần thế chấp đối với doanh nghiệp bất động sản bằng vốn lưu động của các ngân hàng thương mại có thể giúp giải toả bớt các thách thức về vốn đối với các chủ đầu tư địa ốc trong ngắn hạn, nhưng hiện chưa rõ biện pháp này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến khả năng và mức độ sẵn sàng của các chủ đầu tư trong việc trả nợ, nhất là đối với các chủ nợ trái phiếu nước ngoài vốn đang gánh thua lỗ hàng tỷ USD vì trái phiếu bất động sản Trung Quốc.

Ngoài ra, việc cứu doanh nghiệp nghiệp bất động sản cũng làm gia tăng gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Ngành ngân hàng với quy mô 57 nghìn tỷ USD của Trung Quốc vốn đang trầy trật vì tỷ suất lợi nhuận giảm và khối nợ xấu lớn kỷ lục, trong khi Chính phủ nước này liên tục gia tăng sức ép đòi các ngân hàng tham gia vực dậy nền kinh tế và thị trường bất động sản. Biên lãi suất ròng của các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy 1,73% vào cuối tháng 9 vừa qua, thấp hơn so với ngưỡng 1,8% được cho là cần thiết để duy trì mức lợi nhuận vừa phải.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Khi nào bất động sản hồi phục?

Đánh giá về khả năng tăng trưởng của thị trường, HoREA cho biết dấu hiệu phục hồi sẽ rõ nét từ nửa cuối năm 2024 trở đi. Bởi vấn đề pháp lý, vướng mắc lớn nhất, đang được cơ quan nhà nước tháo gỡ…

Thị trường bất động sản phát triển với tốc độ rất nhanh những năm qua, một phần do nhu cầu đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này đang nguội lạnh do bị đẩy giá quá cao, vướng pháp lý… khiến niềm tin của nhà đầu tư chững lại.

CẦN KHẮC PHỤC BẤT CẬP CỦA THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay cũng nằm ngay ở bản thân thị trường bất động sản và doanh nghiệp bất động sản đang có rất nhiều tồn tại.

Thống kê từ các đơn vị chức năng Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cho thấy, những căn hộ có giá dưới 25 triệu đồng/m2 rất ít, gần như thiếu vắng. Hiện thị trường đang rơi vào tình trạng mất cân đối cung cầu lớn, nguồn cung chủ yếu là phân khúc cao cấp và trung cấp. Phân khúc cấp thấp phục vụ cho người dân thu nhập thấp còn hạn chế.

Trong khi đó, giá nhà vẫn tăng liên tục từ năm 2017 đến nay, vượt qua khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình thấp. Ông Châu ví dụ nhóm người thu nhập trung bình thấp nếu để dành được 100 triệu đồng một năm phải mất khoảng 25 năm mới có thể mua được một căn hộ bình dân giá 2-3 tỷ đồng. Với nhà xã hội, nếu không thay đổi chính sách, người nộp thuế thu nhập cá nhân bậc 1 (quy định dưới 60 triệu đồng một năm) cũng không mua được, trong khi nhà thương mại giá bình dân quá tầm với.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 993/CĐ-Ttg (ngày 24/10/2023) của Thủ tướng Chính phủ, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng thời gian qua, giá nhà giảm rất chậm, thậm chí còn tăng, trong khi lãi suất cho vay đã giảm. Doanh nghiệp bất động sản cần thống nhất trong “cuộc chơi” về giá nhà. Hiện nay, giá nhà rất cao, doanh nghiệp phải cân nhắc mới có thể giải quyết được vấn đề sức mua của thị trường.

KHI NÀO HỒI PHỤC?

Đánh giá về khả năng tăng trưởng của thị trường, HoREA cho biết dấu hiệu phục hồi sẽ rõ nét từ nửa cuối năm 2024 trở đi. Bởi vấn đề pháp lý, vướng mắc lớn nhất đang được cơ quan nhà nước tháo gỡ bằng các dự thảo luật sửa đổi gồm: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Hàng trăm dự án cũng đang được gỡ khó, cùng với việc các chủ đầu tư tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm và giảm giá nhà sẽ cùng giúp thị trường có triển vọng hồi phục.

So sánh với năm 2017 là “đỉnh” của thị trường bất động sản (sau giai đoạn khủng hoảng “đóng băng” 2011-2013 và phục hồi và tăng trưởng trở lại từ năm 2014) đã cho thấy rõ là thị trường bất động sản TP.HCM kể từ sau năm 2017 đã liên tục bị sụt giảm nguồn cung và kể từ năm 2020 còn bị “lệch pha” sản phẩm nhà ở, “lệch” về phân khúc nhà ở cao cấp dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục cho đến nay.

Mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn nhưng hoàn toàn có căn cứ để khẳng định chắc chắn về triển vọng phục hồi trở lại và tiếp tục tăng trưởng theo định hướng phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững từ các động lực: Quốc hội đang xem xét các dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), dự thảo Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi), mà nếu các luật này được ban hành bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi, sát với thực tế.

Hơn nữa, nhu cầu thực về nhà ở vẫn rất lớn, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội… 

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Chủ tịch Quốc hội: Quy định rõ định giá đất để bên dưới dám làm, bảo vệ cán bộ

“Không quy định tại Luật Đất đai về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp thì bên dưới lại sợ sai, không dám làm đâu, phải quy định trong luật để bảo vệ cán bộ”, ông Vương Đình Huệ nói.

Sáng 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng, Ủy ban Kinh tế cho biết dự thảo luật hiện đang thiết kế 02 phương án. Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn Phương án 2 khi cho ý kiến về dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Trên cơ sở các ý kiến, dự thảo tiếp tục thiết kế 2 phương án:

Phương án 1: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Ý kiến của Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.

Phương án 2: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ áp dụng.

Trong phiên làm việc hôm nay, Thường trực Ủy ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn Phương án 2; trên cơ sở đó cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình sẽ đề nghị Chính phủ đề xuất nội dung về điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất.

Nhấn mạnh nội dung này càng công khai, minh bạch càng tốt, không có lý do gì mà không quy định trong luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ủng hộ phương án 2.

“Không quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp thì bên dưới lại sợ sai, không dám làm đâu, phải quy định trong Luật để bảo vệ cán bộ”, ông Vương Đình Huệ nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu không luật hóa trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp mà lại để tận 4 phương pháp thì cơ quan kiểm toán, thanh tra lại hỏi sao anh không chọn phương pháp kia mà lại chọn phương pháp này.

“Không luật hóa thì ai dám làm. Dự thảo trình Quốc hội tới đây chỉ còn 1 phương án thôi”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu nghiêm túc, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó có ý kiến góp ý của Ban Kinh tế Trung ương về việc khắc phục tình trạng đất lãng phí, đất suy thoái, về những hành vi bị nghiêm cấm, quyền chung của người sử dụng đất, điều tra đánh giá đất đai, bảo vệ cải tạo phục hồi đất…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật hệ trọng nên cần đặt sự ưu tiên chất lượng lên hàng đầu.

Lưu ý thời gian của kỳ họp thứ 6 không còn nhiều, trong khi Quốc hội có tiến hành thêm kỳ họp bất thường cũng chỉ trong mấy ngày, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý tối đa các nội dung đã được gút lại tại phiên họp hôm nay. Ủy ban Kinh tế tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản xin ý kiến Chính phủ đối với vấn đề đặt ra hôm nay.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Đơn thư khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan lĩnh vực đất đai, quản lý vận hành chung cư 

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, đơn thư công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp sổ đỏ; tranh chấp đất đai, quản lý và vận hành nhà chung cư;...

SỐ LƯỢNG ĐƠN THƯ GỬI ĐẾN CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI TĂNG

Trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tăng 2.040 lượt người, tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội, số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.

Qua nghiên cứu, Trưởng ban Dân nguyện thông tin, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tranh chấp đất đai; về đòi lại đất cũ;

Bên cạnh đó là các vấn đề về quản lý và vận hành nhà chung cư; về việc đầu tư, xây dựng và hoạt động của khu xử lý rác thải, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường...

Nội dung đơn thư thuộc lĩnh vực giải quyết của các cơ quan tư pháp chủ yếu là đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…

Về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, ông Bình cho biết các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp 6.125 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 5.751 vụ việc, trong đó có 291 lượt đoàn đông người. Qua tiếp công dân, các cơ quan đã chuyển 1.139 vụ việc đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn bằng văn bản đối với 321 vụ việc; trực tiếp giải thích, thuyết phục, vận động 4.291 lượt công dân chấp hành các bản án, kết luận, quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan nhận được tổng số 31.179 đơn thư của công dân gửi đến, tăng 4.568 đơn so với năm 2022, trong đó có 15.904 đơn khiếu nại; 4.191 đơn tố cáo; 11.084 đơn kiến nghị phản ánh. Qua phân loại, có 13.551 đơn đủ điều kiện xử lý; 17.628 đơn không đủ điều kiện xử lý.

Đối với 13.551 đơn đủ điều kiện xử lý, qua nghiên cứu các cơ quan đã chuyển 5.204 đơn đến các cơ quan hữu quan, cơ quan có thẩm quyền giải quyết (tăng 879 đơn so với năm 2022); ban hành văn bản hướng dẫn, trả lời đối với 1.448 đơn; đang nghiên cứu, xử lý 1.186 đơn và tiếp tục lưu theo dõi đối với 5.713 đơn đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hết thẩm quyền, nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh không có căn cứ.

TẬP TRUNG XỬ LÝ NHỮNG VỤ VIỆC VỀ ĐẤT ĐAI CÓ NGUỒN GỐC ĐẤT NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

Về rà soát lại việc giải quyết đối với 1.003 vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài, ông Bình cho hay, căn cứ tiêu chí vụ việc cần được rà soát được ban hành theo Kế hoạch số 363 của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã lập danh sách 1.003 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài có tính chất rất bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự để thực hiện rà soát lại việc giải quyết.

Trong số 1.003 vụ việc được lập danh sách để rà soát, đến nay có 856 vụ việc đã được rà soát, đạt tỷ lệ 85,3%, trong đó Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan Trung ương rà soát xong 62/62 vụ việc, hiện còn 147 vụ việc thuộc trách nhiệm của các địa phương và các địa phương này đang tiếp tục rà soát theo Kế hoạch.

Về việc giải quyết đối với các vụ việc cụ thể tại Báo cáo kỳ trước, tại các Báo cáo năm 2022 về kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc rà soát lại việc giải quyết đối với 150 vụ việc. Đến nay, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã xem xét, giải quyết và trả lời 76 vụ việc, còn 74 vụ việc đang tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định, ông Bình thông tin.

Về việc giải quyết đối với các vụ việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã giám sát, kiến nghị trong năm 2023, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã tổ chức nghiên cứu, giám sát và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với 257 vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Trong số 257 vụ việc giám sát, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đã thống nhất kết quả giải quyết đối với 102 vụ việc; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét, giải quyết đối với 155 vụ việc. Trong số 155 vụ việc đã kiến nghị, đến nay các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã xem xét, giải quyết và trả lời được 52 vụ việc, đang tiếp tục xem xét, giải quyết 103 vụ việc.

Trưởng ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 7/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, trong đó cần quan tâm đến việc triển khai, tổ chức thực hiện các kiến nghị hoàn thiện thể chế đã được đề cập cụ thể trong Nghị quyết.

Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động trong nắm tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý.

Theo ông Bình, “trước mắt cần tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý những vụ việc liên quan đến đất đai có nguồn gốc đất nông, lâm trường quốc doanh tại một số tỉnh Tây Nguyên".

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm và phát sinh khiếu nại, tố cáo. Qua thanh tra cần kiến nghị xử lý nghiêm đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Chủ tịch UBND các cấp thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng…

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vi phạm trong đầu tư xây dựng dự án ở 4 địa phương

Nhiều dự án chưa phù hợp với quy hoạch, hàng loạt dự án vi phạm quy định pháp luật và hàng chục dự án chậm tiến độ đã được Kiểm toán Nhà nước phát hiện thông qua kiểm toán Chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với Khu kinh tế Vân Phong và các khu công nghiệp cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Phú Yên, Ninh Thuận giai đoạn 2020-2022...

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra nhiều đánh giá liên quan đến việc chấp hành pháp luật, chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án tại 04 tỉnh. Đồng thời kiến nghị các địa phương này phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

HÀNG CHỤC DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ NHIỀU NĂM

Cụ thể, tại tỉnh Khánh Hòa, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch ở 02 dự án; 28 dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm và 03 dự án chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Đáng chú ý, có tới 55 trường hợp vị trí đất trong khu kinh tế giai đoạn 2020-2022 chưa ra thông báo tiền thuê đất, dẫn đến chậm huy động vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, còn có 02 doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và 01 trường hợp ưu đãi tiền thuê đất chưa đúng quy định; 05 dự án tại khu kinh tế Vân Phong, khu công nghiệp và 02 dự án tại cụm công nghiệp chậm quyết toán dự án hoàn thành nhiều năm. Có 04 dự án khu tái định cư chưa phát huy hiệu quả theo mục tiêu đầu tư dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Kiểm toán Nhà nước cho biết Lâm Đồng, Phú Yên đã sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại một số khu công nghiệp. Điều này chưa được quy định ở Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. 

Với Lâm Đồng, Kiểm toán Nhà nước cho biết tỉnh này đã thành lập 02 cụm công nghiệp khi chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là vi phạm quy định trong Nghị định 68/2017/NĐ-CP. Trong khi đó lại có 01 cụm công nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật trước khi thành lập cũng là vi phạm Nghị định trên; UBND tỉnh đã cho thuê đất khu công nghiệp Lộc Sơn vượt 11,58 ha so với diện tích quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

Bên cạnh đó, còn có 23 dự án đầu tư trong khu công nghiệp được chấp thuận vị trí thực hiện dự án và cho thuê lại đất không phù hợp giữa ngành nghề sản xuất, kinh doanh với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt; 12 dự án chưa đưa hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; 01 doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp và 01 trường hợp ưu đãi tiền thuê đất chưa đúng quy định; 09 dự án chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt dự án; 03 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành công tác quyết toán dự án, hạng mục công trình hoàn thành….

Tại tỉnh Phú Yên, Kiểm toán Nhà nước nhận định: UBND tỉnh cũng cho phép Công ty TNHH CCIPY Việt Nam được ổn định mức giá thuê lại đất hàng năm và tiền sử dụng hạ tầng trong suốt thời gian thuê đất, không có trong quy định của pháp luật. Việc Phú Yên sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp Hòa Hiệp, An Phú, Đông Bắc Sông Cầu cũng chưa được quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và Nghị định số 82/2018/NĐ-CP.

HÀNG LOẠT DỰ ÁN CHO THUÊ LẠI ĐẤT KHÔNG ĐÚNG QUY HOẠCH

Tại tỉnh Phú Yên, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có 01 dự án đã cho thuê đất khi chưa thực hiện xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và 01 dự án đã cho thuê đất khi chưa đủ điều kiện để thành lập khu công nghiệp; 01 dự án chưa được cho thuê lại đất, chưa được cấp giấy phép xây dựng đã triển khai xây dựng và đi vào hoạt động; 29 dự án trong các khu công nghiệp được chấp thuận vị trí thực hiện dự án và cho thuê lại đất không phù hợp giữa ngành nghề sản xuất, kinh doanh với quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.

Tỉnh cũng chưa điều chỉnh giá cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sau khi hết thời hạn ổn định 05 năm và mức thu tiền sử dụng cơ sở hạ tầng sau khi hết thời hạn quy định 03 năm; giá cho thuê lại đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và thu tiền sử dụng cơ sở hạ tầng tính bằng đồng ngoại tệ (USD) là không đúng quy định.

Tỉnh này cũng có 02 dự án chậm tiến độ so với quyết định phê duyệt dự án, chủ trương đầu tư, 01 dự án chậm lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, 03 công trình, hạng mục công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đã bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa hoàn thành quyết toán dự án và 02 dự án còn nợ đọng xây dựng cơ bản; 01 doanh nghiệp kê khai thuế chưa đúng quy định...

Tại tỉnh Ninh Thuận, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Ban Quản lý các khu công nghiệp chưa trình UBND tỉnh ban hành quy định về mức giá cho thuê cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Thành Hải khi đến thời hạn phải điều chỉnh giá, chưa thực hiện nội dung kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; kiểm tra chưa đầy đủ các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư.

Trên địa bàn tỉnh, có 01 khu công nghiệp chưa thực hiện đăng ký giá cho thuê cơ sở hạ tầng theo quy định và 01 khu công nghiệp chưa xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung; 01 doanh nghiệp kê khai ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp không đúng quy định; 01 dự án giá trị giải ngân công tác phóng mặt bằng vượt giá trị giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư được duyệt làm vượt tổng mức đầu tư dự án nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh và còn nợ đọng xây dựng cơ bản...

Ngoài kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập nêu trên, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu UBND của 04 tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định của pháp luật…

Kiểm toán Nhà nước vừa thực hiện kiểm toán chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng dự án đối với   khu kinh tế Vân Phong và đã phát hiện nhiều sai sót, bất cập. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính thông qua tăng thu ngân sách nhà nước 2.222 triệu đồng, thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản chi sai quy định 617,6 triệu đồng, giảm giá trị thanh toán 1.088 triệu đồng, thu hồi kinh phí thừa 1.090,5 triệu đồng; xử lý số liệu khác 2.080 triệu đồng.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Đề xuất gói hỗ trợ 110.000 tỷ đồng, lãi suất dưới 5%/năm để xây nhà ở xã hội

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất lại gói 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8 - 5%/năm để phát triển nhà ở xã hội.

Theo HoREA, căn cứ của đề xuất trên xuất phát từ việc lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện tại chưa thực sự ưu đãi.

Cụ thể, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại, đang triển khai cho vay chủ đầu tư nhà ở xã hội và người dân. Gói này lãi suất ưu đãi khoảng 7,7%/năm (với người mua, thuê mua nhà) và 8,2%/năm với chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Do đó, để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021-2030, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng.

Trong thực tế, gói 110.000 tỷ này từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng 2. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5% một năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ trước đây).

Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ý tưởng ban đầu là, gói này sẽ lấy từ nguồn tái cấp vốn, cấp cho các ngân hàng thương mại cho vay nhưng sau đó, Bộ Xây dựng cho biết thôi không đề xuất phương án này.

Liên quan đến các chính sách hỗ trợ tín dụng cho người mua cũng như chủ đầu tư nhà ở xã hội, theo HoREA, hiện vẫn còn tồn tại hàng loạt vướng mắc khiến chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và người mua, thuê mua nhà ở xã hội trong nhiều năm qua, chưa được hưởng các chính sách vay ưu đãi theo chủ trương phát triển nhà ở xã hội vốn áp dụng từ năm 2015.

Với khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, HoREA cho biết hầu hết phải vay thương mại với lãi suất khoảng 9-10% một năm.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Thủ tướng chỉ đạo NHNN xử lý nghiêm những ngân hàng cố tình “gây khó” doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà vay vốn 

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện 1177 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, thời gian qua tuy thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản đã được cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng; tăng trưởng tín dụng thấp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024.

Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường.

Yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Có các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, tăng cường và khôi phục niềm tin nhà đầu tư, thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh, bền vững.

Khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Đánh giá rõ sự cần thiết, đề xuất cụ thể phương án, cơ chế, chính sách phù hợp, kịp thời theo quy định của pháp luật theo đúng chỉ đạo, báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ, không để chậm trễ ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC  BẤT ĐỘNG SẢN QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

1. Vinhomes có động thái mới tại “siêu” dự án Vịnh Cam Ranh gần 1.300ha, tổng vốn đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa 

Công ty Cổ phần Vinhomes (đại diện Liên danh CTCP Đầu tư Cam Ranh - CTCP Vinhomes - CTCP Giải pháp năng lượng VinES) có văn bản đề nghị tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, thành phố Cam Ranh.

UBND thành phố Cam Ranh vừa báo cáo tiến độ triển khai dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh, tính đến ngày 10/11. Theo đó, thành phố Cam Ranh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác triển khai dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh. Ban chỉ đạo triển khai dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo.

Thành phố Cam Ranh đã lập chuyên trang Khu đô thị ven Vịnh Cam Ranh trên Cổng thông tin điện tử thành phố. Chuyên trang này đăng tải các nội dung văn bản của Trung ương, Tỉnh, Thành phố và các ngành chức năng liên quan đến dự án. Chuyên trang có các chuyên mục tin tức hàng tuần, hàng tháng về tiến độ dự án, khái quát về dự án.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND thành phố Cam Ranh đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc triển khai thực hiện dự án; kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm để thực hiện dự án; thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án; thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh;…

Được biết, quy mô dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh hơn 1.254ha, thuộc địa bàn 10 xã, phường ven biển và đầm Thủy Triều của TP. Cam Ranh. Dân số khoảng 230.779 người.

Mục tiêu dự án là xây dựng mới khu đô thị hoàn chỉnh, đồng bộ ven vịnh Cam Ranh, thời gian hoạt động 50 năm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, sơ bộ tổng chi phí đầu tư thực hiện dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh khoảng 85.293 tỷ đồng.

Về cơ cấu sản phẩm, có khu nhà ở thương mại gồm 10.732 nhà biệt thự, 8.474 căn liền kề. Còn nhà ở xã hội khoảng 19.816 căn (gồm 18.450 căn chung cư và 1.366 căn nhà liền kề).

Tiến độ thực hiện dự án khu đô thị ven vịnh Cam Ranh với quy mô trên là 5 năm (từ năm 2023 đến hết năm 2027).

Click để đọc chi tiết về bài viết!2. 

2. Trình thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch Thủ đô Hà Nội 

Nội dung đồ án được nêu tại Tờ trình gồm thời hạn quy hoạch, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch; mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội và định hướng phân bổ đất đai và dân số.

Quá trình triển khai đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các sở, ban ngành phối hợp, góp ý, hoàn thiện, đã tổ chức lấy ý kiến chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư các quận, huyện, thị xã trên toàn TP. Đặc biệt có sự tham gia góp ý, hướng dẫn của Tổ công tác của Bộ Xây dựng (hỗ trợ lập Quy hoạch chung cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).

Theo Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, đến nay đồ án đã đủ điều kiện báo cáo, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy trình, quy định.

 Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, góp ý của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND TP đã chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, trình Ban chấp hành Đảng bộ TP xem xét, thông qua đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Tờ trình đã nêu rõ về cơ sở pháp lý, thẩm quyền xem xét thông qua chủ trương và phê duyệt; trình tự thực hiện theo quy định và trình tự đã thực hiện.

Nội dung đồ án được nêu tại Tờ trình gồm thời hạn quy hoạch, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch; mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội và định hướng phân bổ đất đai và dân số.

Ban cán sự Đảng UBND TP đồng thời làm rõ về việc tiếp thu các ý kiến góp ý chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ về bổ sung các yếu tố quan hệ quốc tế, liên kết vùng; về quy hoạch phát triển các trục không gian chính đô thị; cụ thể hoá các nội dung về phát huy, bảo tồn, xây dựng văn hoá, gắn kết hài hoà giữa đô thị và nông thôn; bổ sung các chức năng trung tâm hội chợ, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, triển lãm; bổ sung chức năng giáo dục đại học tại thành phố phía Tây; nghiên cứu, xem xét các điều kiện để xây dựng, phát triển các huyện thành quận. Đồng thời, đề xuất giải pháp thực hiện và tổ chức thực hiện quy hoạch bảo đảm tính khả thi.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

 

Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

Tin tức bất động sản về giá cả thị trường

Tin tức bất động sản về dự án và quy hoạch

Tin tức bất động sản về chính sách pháp luật

Tin tức bất động sản về phân tích nhận định của chuyên gia

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan