Tin tức tổng hợp pháp luật về bất động sản tháng 10 năm 2023
- 360
Tin tức pháp luật về bất động sản luôn là chủ đề được quan tâm và theo dõi bởi cả những người hoạt động trong lĩnh vực này và những người quan tâm đến thị trường bất động sản. Bài viết tổng hợp tin tức pháp luật về bất động sản sẽ giúp bạn cập nhật những thông tin mới nhất và đáng tin cậy về các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản.
Từ đó, bạn có thể nắm rõ và hiểu rõ hơn về các quy định pháp luật mới nhất, đưa ra quyết định đầu tư và kinh doanh bất động sản một cách chính xác và hiệu quả. Hãy đọc bài viết tổng hợp tin tức pháp luật thị trường bất động sản để cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án bất động sản, nhà ở, nhất là các dự án nhà ở có mức giá phù hợp cho người lao động.
Trong Nghị quyết 164/NQ-CP (ngày 4/10/2023) phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương do Chính phủ vừa ban hành, các địa phương được yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án bất động sản, nhà ở, nhất là các dự án nhà ở có mức giá phù hợp cho người lao động .
Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" và các dự án nhà ở có giá phù hợp cho người lao động, định kỳ hằng quý báo cáo Chính phủ kết quả triển khai, các tồn tại, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phươnghướng dẫn các tổ chức tín dụng rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay để tăng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và thúc đẩy giải ngân các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiến hành rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ, chung cư, nhất là quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, quy định yêu cầu về khai thác, sử dụng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản, kịp thời khắc phục ngay các bất cập hiện nay.
Bộ Xây dựng cùng các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an khẩn trương triển khai hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Một trong những nội dung quan trọng được đề cập là Bộ Xây dựng chủ động làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến kết quả gỡ vướng các dự án bất động sản, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy đến nay cả nước có 486 dự án bất động sản đã được gỡ vướng. Trong đó, TP HCM giải quyết được 67/180 dự án, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án. Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Các tổ chức tín dụng được yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng tới những lĩnh vực rủi ro cao đặc biệt là đầu tư kinh doanh bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và việc cho vay khách hàng lớn, cổ đông, người có liên quan.
Tăng cường kiểm soát hoạt động cấp tín dụng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động cấp tín dụng, chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Trong đó, các lĩnh vực được lưu ý như cho vay tiêu dùng, bất động sản, đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết.
NHNN nhấn mạnh cần chú ý đến mức độ tập trung tín dụng vào khách hàng lớn và người có liên quan, nhóm khách hàng có liên quan, cổ đông và người có liên quan...
Các TCTD được yêu cầu nâng cao công tác thẩm định tín dụng, định giá tài sản đảm bảo, kiểm tra sử dụng vốn vay, đặc biệt với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. NHNN đề nghị các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, phòng ngừa hạn chế nợ nhóm 2 và nợ xấu, nỗ lực thu hồi xử lý nợ xấu, trong đó chú trọng đến lĩnh vực bất động sản.
NHNN nhấn mạnh cần quan tâm đến công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nâng cao hoạt động của bộ phận kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Ban Kiểm soát phải độc lập bởi Hội đồng quản trị, kịp thời phát hiện, can thiệp, ngăn chặn và báo cáo những trường hợp Hội đồng quản trị có quyết định không đúng quy định pháp luật. Thành viên Hội đồng quản trị độc lập cũng cần có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của cổ đông.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Với quan điểm coi dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, càng khai thác thì đất nước càng phát triển, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp liên quan tới giao dịch bất động sản.
Tại Chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) năm 2023, với chủ đề "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chung tay tháo gỡ những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06. Trong đó, có một số nhiệm vụ cụ thể, quan trọng cần tổ chức triển khai thực hiện ngay.
Cụ thể Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp bổ sung thông tin địa chỉ số quốc gia vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp tài khoản định danh điện tử với hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; khai báo địa chỉ số của cá nhân, tổ chức trên VNeID bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị có liên quan báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 30/11/2023
Trước đó, ngày 04/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 164/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai hệ thống sàn giao dịch bất động sản quốc gia tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Tại Nghị quyết 164/NQ-CP, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương triển khai các nhiệm vụ liên quan đến Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); rà soát, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các CSDL của các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả dữ liệu từ các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm thiểu giấy tờ, thời gian cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính.
Ngoài ra, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai nhanh các dự án bất động sản, nhà ở, nhất là các dự án nhà ở có mức giá phù hợp cho người lao động; thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai chính thức có hiệu lực. Trong đó, có một số nội dung mới liên quan đến quy định về sổ đỏ người dân cần biết.
Quy định về thẩm quyền cấp sổ đỏ
Khoản 5 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 37 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có liên quan đến thẩm quyền cấp sổ đỏ trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 95, khoản 3 Điều 105 của Luật Đất đai.
Theo đó, đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp thực hiện do các cơ quan sau thực hiện:
Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện cấp sổ đỏ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.
So với quy định cũ, Nghị định 10/2023/NĐ-CP đã sửa đổi thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận theo hướng tạo điều kiện dễ dàng, thuận tiện trong việc thực thiện các thủ tục hành chính này (được thực hiện tại Văn phòng đăng ký đất đai mà không cần lên Sở Tài nguyên và Môi trường).
Quy trình thực hiện cấp sổ đỏ online
tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi Khoản 6 Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 148/2020/NĐ-CP) về thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử (cấp sổ đỏ online).
Cụ thể, cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.
Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả giải quyết hồ sơ đúng thời hạn gửi thông báo bằng văn bản hoặc qua Cổng dịch vụ công hoặc qua tin nhắn SMS cho người yêu cầu.
Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của Cổng dịch vụ công…
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (yêu cầu cấp sổ đỏ online) chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp.
Condotel, Officetel được cấp sổ đỏ
Tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP bổ sung khoản 5 Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Theo đó, công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Tuy nhiên, chủ sở hữu công trình xây dựng phải chịu trách nhiệm về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nêu trên.
Việc chứng nhận quyền sở hữu công trình được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 32 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và các thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận phải ghi đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất.
Đây là điểm mới vì trước đó không có quy định cụ thể về chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Thêm trường hợp cấp sổ đỏ phải bổ sung giấy tờ
Theo đó, bổ sung các loại giấy tờ để cấp sổ đỏ với công trình xây dựng trong các dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở
Cụ thể, theo điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP. Đối với dự án kinh doanh bất động sản không phải là dự án phát triển nhà ở, sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ sau:
Giấy chứng nhận; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ dự án.
Trường hợp có thay đổi nghĩa vụ tài chính thì phải nộp chứng từ chứng minh việc hoàn thiện nghĩa vụ tài chính đối với sự thay đổi đó (trừ trường hợp được miễn hoặc chậm nộp theo quy định của pháp luật);
Bản vẽ thiết kế mặt bằng phù hợp với hiện trạng xây dựng và hợp đồng đã ký;
Thông báo của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho phép chủ đầu tư nghiệm thu hạng mục công trình, công trình hoặc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình đưa vào sử dụng;
Thay thế cụm từ “Tổng cục Quản lý đất đai”
Khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2023/TT-BTNMT quy định thay thế cụm từ “Tổng cục Quản lý đất đai” tại Điều 4, khoản 1 Điều 25 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT thành “Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai”.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng "giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” tại văn bản hướng dẫn về “Quy trình làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở tại Hà Nội và Hà Nam thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06/CP”...
Theo báo cáo, hiện nay tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó, có 219/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác.
Riêng với dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Dự án VILG) đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai của 231 đơn vị cấp huyện tại 28 tỉnh, thành phố (với đầy đủ 4 thành phần: địa chính, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và giá đất).
Về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường như khí tượng thủy văn, môi trường, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, viễn thám...
Ngoài ra, Bộ đang thực hiện triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1)”. Trong năm 2023-2024 ,tập trung xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS).
Đến năm 2025- 2026, cơ bản hoàn thiện các quy định kỹ thuật; các nền tảng, dịch vụ tích hợp, quản lý, chia sẻ sử dụng cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở ngành tài nguyên và môi trường dùng chung, bảo đảm dữ liệu cho công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Liên quan đến triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Bộ đã ban hành Kế hoạch năm 2023, kiện toàn Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban hành quy trình và kế hoạch làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ cũng hướng dẫn thu thập, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở phục vụ làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai kết nối, chia sẻ 18 trường thông tin dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã kết nối 63/63 tỉnh, thành phố với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã với tổng số hơn 26 triệu thửa đất.
Về xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản, Bộ đã hoàn thành “Xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” tại văn bản hướng dẫn về “Quy trình làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06/CP”.
Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn chi tiết “Thu thập, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở” (phục vụ làm điểm tại Tp.Hà Nội) và hướng dẫn, phối hợp triển khai làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (phiên bản 3.0, phục vụ làm điểm tại tỉnh Hà Nam).
Ngoài ra, Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường đã phối hợp với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư; các bộ, đơn vị liên quan và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục triển khai đồng loạt tại đơn vị cấp huyện trên địa bàn Hà Nội và Hà Nam, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Chiều 4/10, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở. Giải thích về thủ tục toàn trình và một phần, đại diện Sở Xây dựng cho biết: “toàn trình” là các thao tác thủ tục đã được tích hợp trên cổng dịch vụ trực tuyến, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện trực tuyến không cần đến Sở Xây dựng. Còn các thủ tục “một phần” là chưa tích hợp đủ các bước thao tác trên cổng.
17 THỦ TỤC CÓ THỂ “LÀM TẠI NHÀ”
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cơ quan này sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính, gồm 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và 5 thủ tục hành chính trực tuyến một phần trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thành phố, tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/
Trong đó, 17 thủ tục toàn trình sẽ được thực hiện cho các lĩnh vực: vật liệu xây dựng; hoạt động xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; 5 thủ tục một phần thuộc các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; nhà ở và công sở.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Xây dựng TPHCM đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ nộp qua cổng dịch vụ công (phần lớn theo hình thức một phần mà chưa đạt đủ các bước toàn trình, do người dân còn chưa thực hiện được nhiều thủ tục trực tuyến). Trong đó, Sở đã giải quyết 12.467 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn là 809 hồ sơ.
Hiện Sở Xây dựng đang có 54 thủ tục được áp dụng quy trình giải quyết thủ tục hành chính đạt Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Mọi thắc mắc về thủ tục, người dân có thể gọi vào đường dây nóng của Sở Xây dựng để được hướng dẫn: 028.3932.0575
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, hiện nay TP.HCM đã giải quyết được 180 dự án vướng mắc liên quan đến 30 nội dung gửi về tổ công tác và Sở Xây dựng, giải quyết được 67 dự án. Tại Hà Nội giải quyết được 419 dự án và đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Thu do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, VIRES và Reatimes tổ chức, ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, liên quan mật thiết đến nhiều ngành, nghề khác. Theo thống kê, đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành bất động sản đối với kinh tế là khoảng 14%.
Chia sẻ về đặc điểm của thị trường hiện nay, ông Hải cho rằng, thứ nhất là hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản còn những điều chưa đồng bộ; hai là các địa phương tháo gỡ đã được khoảng 70%; ba là nguồn cung giảm nhưng giá chưa hợp lý, thiếu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp; bốn là sức mua kém; năm là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Về kết quả thực hiện, Chính phủ đã dự thảo trình Quốc hội Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chính phủ đã có Nghị định 08 về chào bán trái phiếu, Nghị định 10 về sổ hồng cho condotel. Trong thẩm quyền các bộ, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành loạt văn bản, đã giảm lãi suất 4 lần, giảm từ 1,5 - 2%, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng ra Thông tư 02 liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về nguồn vốn, kiểm soát lạm phát, dư nợ kinh doanh bất động sản 6 tháng đầu năm tăng, dư nợ tiêu dùng giảm, cho thấy những giải pháp đã bắt đầu phát huy tác dụng, nhưng nhu cầu mua lại giảm.
Về hoạt động của tổ công tác, đã nhận được 130 văn bản báo cáo khó khăn liên quan đến 180 dự án trên cả nước, đã xử lý 119 văn bản và Bộ Xây dựng đã có 35 văn bản hướng dẫn. Kết quả là hiện nay, TP.HCM đã giải quyết được 180 dự án vướng mắc liên quan đến 30 nội dung gửi về tổ công tác và Sở Xây dựng, giải quyết được 67 dự án. Tại Hà Nội giải quyết được 419 dự án, tương đương 58,8% so với 712 dự án ban đầu, đang chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án. Tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Về đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, thị trường bất động sản thiếu phân khúc này, nhà ở xã hội là giải pháp quan trọng để bổ sung nguồn cung phù hợp cũng như điều tiết thị trường. Kết quả là đã hoàn thành 41 dự án với quy mô 9.416 căn, đang tiếp tục triển khai 294 dự án, quy mô 288.499 căn. Bên cạnh đó về gói giải ngân 120 ngàn tỷ, UBND tỉnh đang xem xét công bố 40 dự án, tổng nhu cầu vay 18 ngàn tỷ. Hiện nay Sở Xây dựng đã xem xét xong 24 dự án với nhu cầu 12 nghìn tỷ, còn quyết định có được vay hay không sẽ qua Ngân hàng Nhà nước xem xét thêm.
Click để đọc bài viết:Gần 670 dự án bất động sản đã được tháo gỡ khó khăn (cafef.vn)
Mới đây, hai quan chức Fed cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ thắt chặt chính sách hơn nữa vào cuối năm nay. Trong đó, một người nhấn mạnh Fed có thể tăng lãi suất không chỉ một lần.
Chia sẻ ở hai sự kiện mới đây, hai quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết trong năm nay, ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới có thể sẽ thực hiện nhiều hơn một đợt tăng lãi suất nữa.
Đồng thời, hai người hàm ý rằng chi phí đi vay có lẽ cần phải duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn để lạm phát quay trở lại mục tiêu 2%.
Cụ thể, bà Susan Collins, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, cho biết "vẫn có khả năng” ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách.
Kết thúc cuộc họp chính sách vào giữa tuần này, FOMC đã nhất trí giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm qua.
Tuy nhiên, 12 trong 19 thành viên của ủy ban bày tỏ mong muốn tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay nhằm đảm bảo lạm phát tiếp tục đi xuống.
Bloomberg cho biết ở cuộc họp đó, một nhà hoạch định chính sách nhận thấy lãi suất sẽ đạt đỉnh trên 6% vào năm tới, trong khi các quan chức khác dự kiến sẽ có ít đợt giảm lãi suất hơn so với dự báo hồi tháng
Click để đọc thêm về bài viết!
Bộ Xây dựng vừa có đề xuất bỏ điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập được nâng cao hơn so với hiện hành… với người mua nhà ở xã hội. Theo đó, nhiều người dân sẽ dễ dàng làm hồ sơ và đăng ký mua nhà ở loại này.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do bộ này chủ trì soạn thảo đã được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp 6 sắp tới. Dự thảo luật có 8 nhóm chính sách, trong đó có nhóm chính sách quan trọng về nhà ở xã hội.
Về các chính sách nhà ở xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi nhiều nội dung. Cụ thể, dự thảo luật bổ sung chính sách nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp (gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú), chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo luật sửa đổi theo hướng giảm bớt các thủ tục trong việc xác định đối tượng mua nhà ở xã hội.
"Dự thảo trước đây có 3 tiêu chí, gồm cư trú, thu nhập và nhà ở. Dự thảo lần này bỏ tiêu chí về cư trú, đã là công dân Việt Nam thì chỉ cần có đủ điều kiện về thu nhập và nhà ở là được quyền mua nhà ở xã hội", Thứ trưởng Bộ Xây dựng giải thích.
Điều kiện về thu nhập cũng được xem xét theo hướng mở rộng, nâng lên ở mức thu nhập cao hơn so với hiện hành. "Về điều kiện nhà ở, trước đây nếu có nhà ở nhưng dưới 10 m2 thì mới là đối tượng mua nhà ở xã hội, nay có thể xem xét tăng lên 15 m2/người, giống một số nước trong khu vực", ông Sinh cho hay.
Dự thảo luật cũng đề cập các chính sách cải cách thủ tục hành chính, nhất là về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản cho biết, nới lỏng một số điều kiện cho người mua nhà ở xã hội sẽ tạo thuận lợi hơn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, cần xem xét việc người mua nhà ở xã hội làm ở đâu, thu nhập thế nào thì mới được mua để thuận lợi trong việc trả nợ.
Ngoài ra, khó khăn về nhà ở xã hội lâu nay vẫn là thiếu quỹ đất. Vì vậy, nhà nước cần sớm tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp tham gia đấu giá làm nhà ở xã hội. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, sẽ gia tăng cơ hội cho người thu nhập thấp mua được nhà.
Theo báo cáo Bộ Xây dựng, hiện cả nước đã hoàn thành xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, với khoảng hơn 94.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,8 triệu m2. Bên cạnh đó, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000 m2.
Click để đọc thêm về bài viết!
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 991/CĐ-TTg ngày 22/10/2023 về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng và phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của Nhân dân.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Thông tin và truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nêu rõ:
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương về công tác quản lý trật tự xây dựng đối với công trình xây dựng nói chung, trong đó có nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, thành phố, tại khu vực đô thị, các khu dân cư gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…, việc quản lý của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, để xảy ra tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ không tuân thủ quy định của pháp luật, như: xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, nhất là tự ý thiết kế nâng tầng, bố trí nhà ở thành nhiều căn hộ hoặc ngăn phòng nhằm mục đích cho thuê, mua bán, chuyển nhượng… dẫn đến nhiều hệ lụy, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình. Để kịp thời xử lý vi phạm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, bảo đảm an toàn sử dụng, bảo vệ tài sản, sức khỏe và tính mạng của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nâng cao trách nhiệm, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 164/NQ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2023 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023 về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở riêng lẻ xây dựng nhiều tầng, nhiều căn hộ; rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở riêng lẻ, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và tài sản trong quá trình khai thác, sử dụng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả để xem xét trách nhiệm đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng:
a) Khẩn trương kiểm tra, rà soát, kịp thời đánh giá, ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, cấp phép, quản lý, sử dụng, tên gọi đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ bảo đảm tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản cho người sử dụng.
b) Tăng cường công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, trật tự xây dựng, tổ chức thanh tra toàn diện đối với hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 12 năm 2023.
c) Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để khẩn trương nghiên cứu, có giải pháp khắc phục ngay những tồn tại về PCCC đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao; ban hành tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho các công trình, cơ sở hiện hữu khác, hoàn thành trong tháng 10 năm 2023.
Bộ Công an tiếp tục rà soát, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2023; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật
Trước mắt, kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân có ngay các giải pháp, kỹ năng bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy bảo đảm hạn chế cháy nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy chuẩn, quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ.
Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra phát hiện các công trình, cơ sở, hộ gia đình không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong sử dụng điện để hướng dẫn, khuyến cáo người dân bảo đảm an toàn tuyệt đối; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sử dụng điện.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao kiến thức, nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chấp hành pháp luật về quy hoạch, cấp phép xây dựng, trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng và an toàn phòng chống cháy nổ đối với công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ để chủ động phòng ngừa, hạn chế tối đa các thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp xảy ra sự cố.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Khẩn trương rà soát, đánh giá toàn bộ các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ ở đã đưa vào sử dụng trên địa bàn để phát hiện các vi phạm về trật tự xây dựng, đặc biệt là vi phạm về chuyển đổi công năng nhà ở, vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời có biện pháp khả thi khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế, đặc biệt là về phòng cháy, chữa cháy như: tạo lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai, có giải pháp ngăn cách khu vực để xe, khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao với khu vực ở và lối thoát nạn; trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm an toàn sức khỏe và tài sản cho người dân.
Đối với các công trình xây dựng mới, các cơ quan có thẩm quyền của địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, quản lý việc cấp giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng, trật tự xây dựng theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm về trật tự xây dựng, chấm dứt tình trạng xây dựng sai phép, không phép.
b) Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy và chữa cháy về các nội dung liên quan đến quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, quản lý chất lượng công trình xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ; tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC, đặc biệt là kỹ năng PCCC và thoát nạn cho người dân khi có sự cố cháy, nổ.
c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng, phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tuyệt đối không để các vi phạm về trật tự xây dựng tồn tại, kéo dài, gây bức xúc cho dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn và đời sống nhân dân. Kiện toàn về tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của các cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công tác rà soát, đánh giá, đề cuất các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt, lâu dài với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trong Quý IV năm 2023.
Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm nhiệm vụ được giao tại Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện./.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Tại Công điện số 993/CĐ-TTg, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiên cứu, có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi và đẩy mạnh giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/CĐ-TTg ngày 24/10/2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công điện nêu: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc, phối hợp thực hiện đồng bộ các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhất là các khó khăn vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp này đã có hiệu quả, tạo được những chuyển biến tích cực, nhất là việc giảm lãi suất cho vay và tín dụng cho bất động sản.
Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng số khoảng 19.853 căn, đã có 20 tỉnh công bố danh mục 52 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn là 25.884 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc liên quan tới pháp lý, giao đất, xác định giá đất, thị trường vốn, thủ tục hành chính, việc phân cấp, phân quyền, nhất là tiếp cận tín dụng cho bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", trong đó cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo từng năm từ nay đến năm 2030 phù hợp với yêu cầu, điều kiện của từng địa phương, định kỳ hàng quý tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng nêu ý kiến cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước, nhưng cần làm rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý chuyên môn đối với từng lĩnh vực của các sở, ngành liên quan.
Trong văn bản gửi đi, Bộ Công an cho rằng, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, bổ sung một số nội dung liên quan đến thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước. Đây là đơn vị sự nghiệp công lập nên cần căn cứ quy định về thành lập, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập, cơ chế tài chính; việc thành lập trung tâm này có làm tăng số lượng đơn vị sự nghiệp công lập...
Bộ Công an đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh, nhất là nội dung quy định trung tâm này có chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân.
Lý do, nhiệm vụ này đang do văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc sở TN&MT cấp tỉnh; đồng thời, được quản lý trực tiếp, xuyên suốt về chuyên môn bởi Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT).
"Trường hợp xác định trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập của UBND cấp tỉnh, đề nghị xác định cụ thể chủ thể chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý chuyên môn đối với từng lĩnh vực của các sở, ngành có liên quan", văn bản của Bộ Công an nêu.
Theo Bộ Công an, Bộ Xây dựng dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất; việc thành lập hoặc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, đây là nội dung mới, chưa được chứng minh hiệu quả trên thực tiễn nên đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng sự cần thiết.
Về đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước, đại diện Bộ TN&MT, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, Bộ TN&MT đã có văn bản góp ý gửi Bộ Xây dựng.
Theo đó, Bộ TN&MT ủng hộ đề xuất nghiên cứu thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản của Nhà nước và có thêm một số góp ý: đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung đánh giá các nội dung liên quan đến hành lang pháp lý hiện nay đối với việc giao dịch bất động sản (qua các sàn giao dịch bất động sản) theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản; giao dịch quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Bên cạnh đó, cần đánh giá bổ sung về tình hình hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản (số lượng, mô hình, phạm vi hoạt động…); kết quả, tình hình thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất qua các năm; tình hình hoạt động của các trung tâm phục vụ hành chính công gắn với giải quyết thủ tục hành chính về đất đai…
Bộ TN&MT đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với đề xuất thành lập Trung tâm giao dịch bất động sản Nhà nước. Đồng thời, xem xét việc xây dựng theo 02 mô hình là trung tâm của Nhà nước và trung tâm của doanh nghiệp để tận dụng các sàn giao dịch bất động sản hiện nay, tránh tạo ra bất ổn xã hội. Việc đề xuất theo 02 mô hình này cần thể hiện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động, chế độ báo cáo và các giải pháp kỹ thuật (liên thông cơ sở dữ liệu, công chứng…) đối với từng mô hình.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế, với 6 nhóm chính sách…
Theo đó, 6 nhóm chính sách đề xuất gồm: chính sách về việc lập phương hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch vùng, và phương án phát triển hệ thống khu kinh tế, khu công nghiệp trong quy hoạch tỉnh; quy định điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, thành lập khu kinh tế; ưu đãi đối với khu công nghiệp, khu kinh tế tại địa bàn điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, các dự án đầu tư thực hiện liên kết ngành, cụm liên kết ngành tại khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách thúc đẩy sự phát triển của loại hình khu công nghiệp mới, khu kinh tế mới, khu chức năng mới trong khu kinh tế; ưu đãi đối với doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên, hỗ trợ; quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt, chứa đựng cơ hội và thách thức rất khác biệt so giai đoạn trước. Cạnh tranh giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư ngày càng gia tăng; dư địa để cơ quan quản lý điều tiết hoạt động hiệu quả của khu công nghiệp, khu kinh tế cũng còn hiện hữu. Vì vậy, thực tiễn đòi hỏi việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần đổi mới mạnh mẽ, nhằm thích ứng với bối cảnh thế giới lẫn trong nước, phù hợp chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển và sức cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế, việc xây dựng Luật là yêu cầu cấp thiết giúp hoàn thiện thể chế và pháp luật liên quan, tạo khung pháp lý thống nhất cho môi trường đầu tư kinh doanh thêm thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 407 khu công nghiệp thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 128.684 ha, tổng diện tích đất công nghiệp 86.208 ha. Trong đó, 292 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích cho thuê 45.323 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy gần 72% và 115 khu công nghiệp đang đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản. Cùng với đó là 26 khu kinh tế cửa khẩu thành lập tại 21 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 766.000 ha; 18 khu kinh tế ven biển thành lập tại 17 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 871.523 ha.
Ngoài ra, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, các khu công nghiệp, khu kinh tế thu hút gần 10.400 dự án đầu tư trong nước và 11.200 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư tương ứng 2,54 triệu tỷ đồng và 231 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế đạt 221,33 tỷ USD, trong đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế 9,33 tỷ USD và vốn đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế 212 tỷ USD.
Mặt khác, tỷ trọng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tăng nhanh qua các năm, từ 6% năm 1995 lên 19% năm 2005, đạt 50% năm 2015 và từ năm 2016 đến nay luôn chiếm trung bình trên 55%. Giai đoạn 1996-2000, các khu công nghiệp, khu kinh tế đóng góp trung bình khoảng 900 tỷ đồng/năm cho ngân sách nhà nước; giai đoạn 2011-2015 đóng góp 72,4 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 12,7% tổng thu ngân sách nhà nước trong nước (không kể dầu thô); giai đoạn 2016-2020 đóng góp 363.141 tỷ đồng, chiếm 11,7%. Không những thế, các khu công nghiệp, khu kinh tế còn giải quyết việc làm cho hơn 3,9 triệu lao động trực tiếp, chiếm 8,3% lực lượng lao động cả nước.
Click để đọc chi tiết về bài viết!
Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro:
Tin tức bất động sản về giá cả thị trường
Tin tức bất động sản về dự án và quy hoạch
Tin tức bất động sản về chính sách pháp luật
Tin tức bất động sản về phân tích nhận định của chuyên gia
+ Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)
+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)
Tin tức liên quan
Đánh giá bài viết!