Tin tức
17/11 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 13/11 đến 18/11/2023

  • 130
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 13/11 đến 18/11/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Vốn ngoại "rót" tỷ USD vào bất động sản thông qua M&A
  2. Hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 10 tháng
  3. Thị trường đất nền đón sóng phục hồi những tháng cuối năm
  4. Ngược dòng thị trường, giá chung cư sẽ tiếp tục đi lên
  5. Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc chưa có hồi kết: Giá nhà giảm tháng thứ tư liên tiếp
  6. Vướng mắc pháp lý, tài chính ảnh hưởng lớn đến bất động sản
  7. Sửa Luật Thủ đô: Trình Quốc hội cho Hà Nội lập 2 thành phố thuộc thành phố
  8. Lộ diện vị trí sân bay quốc tế thứ hai ở Hà Nội trên dự thảo bản đồ quy hoạch
  9. Sẽ giám sát trực tiếp thị trường bất động sản và nhà ở xã hội tại 12 địa phương
  10. 10 dự án nhà ở xã hội khởi công từ đầu năm đến nay  

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Vốn ngoại "rót" tỷ USD vào bất động sản thông qua M&A

Nhiều đại gia nước ngoài đã "rót" hàng tỷ USD vào các dự án bất động sản tại Việt Nam. Theo các chuyên gia, làn sóng M&A trong lĩnh vực bất động sản có thể sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2024. Một phần do giá đã được điều chỉnh giảm, tiệm cận mức giá phù hợp hơn so với giai đoạn trước…

NHÓM ĐẦU TƯ NGOẠI QUAN TÂM M&A BẤT ĐỘNG SẢN VẪN TĂNG MẠNH

Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu M&A dự án bất động sản vẫn tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia... Tuy nhiên, hầu hết các thương vụ mới trong quá trình thẩm định, đàm phán.

Nguyên nhân xuất phát từ việc bên mua chiếm ưu thế về dòng tiền nên thường mặc cả, chỉ muốn mua với mức giá thấp, trong khi ở phía bán, doanh nghiệp rất khó chấp nhận bán tài sản với giá rẻ sau khi đã bỏ quá nhiều công sức và chi phí cho việc tạo lập quỹ đất, dự án, thực hiện pháp lý.

VARS cho rằng, vẫn có trường hợp cá biệt, chủ dự án không thể tiếp tục gồng gánh chi phí, đối mặt với nguy cơ “chết chìm trên đống tài sản”, họ phải bán tài sản, bán dự án, bán doanh nghiệp từng phần để tái cấu nợ và bộ máy hoạt động. Theo đó, bối cảnh này là điều kiện lý tưởng để khối ngoại thực hiện M&A dự án dễ hơn và với mức giá “mềm” hơn.

Trong báo cáo đánh giá thị trường M&A mới đây, các chuyên gia của JLL Việt Nam cho biết, trong giai đoạn tăng trưởng (từ năm 2014 đến năm 2018), hầu hết tài sản chất lượng cao nằm trong tay các doanh nghiệp nội nhờ năng lực phát triển đất đai, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Nhưng cũng chính điều này cản trở sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào việc phát triển vùng đất mới.

Đại diện JLL cũng nhận định giá giao dịch đã không giảm mạnh như kỳ vọng, bất chấp môi trường lãi suất tăng và khả năng tiếp cận nguồn vốn bị thắt chặt. Trong thập kỷ qua, chi phí mua và nắm giữ tài sản cao đã khiến các chủ đất không có nhiều cơ hội để giảm giá đáng kể. Mặc dù mối quan tâm đầu tư vẫn duy trì nhờ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường, nhưng sự thiếu linh hoạt trong đàm phán giá đã khiến tốc độ giao dịch thị trường chậm lại trong thời gian gần đây.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Hơn 1.000 doanh nghiệp bất động sản giải thể trong 10 tháng 

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này.

Báo cáo tài chính quý III của nhiều doanh nghiệp bất động sản cho thấy, việc cắt giảm nhân sự tiếp tục được thực hiện “mạnh tay”, qua 9 tháng, hàng trăm nhân viên mất việc. Thậm chí, không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể.

Giảm nhân sự, ngừng hoạt động

CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng mạnh tay cắt giảm quy mô nhân sự. Tính tới ngày 30/9, số lượng nhân viên của DXG là hơn 2.480 người, giảm gần 1.300 nhân sự so với thời điểm đầu năm.

Công ty này đang làm thủ tục giải thể 8 công ty con, gồm: CTCP Đầu tư Bất động sản Miền Đông, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Đông Nam Bộ, Công ty TNHH Đất Xanh Finance, CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Phước, CTCP Đầu tư Diamond Tower, CTCP Đầu tư Ruby Tower, CTCP Đầu tư Shapphire và CTCP Đầu tư Emerald Tower.

Kết thúc 9 tháng năm, DXG báo lãi sau thuế đạt 149,5 tỷ đồng, giảm 83,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 129,2 tỷ đồng, giảm 76,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Làn sóng "ra đi" còn tiếp diễn?

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm nay, cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Bất động sản là ngành chứng kiến lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất trong kỳ này, trong khi đó số doanh nghiệp trong ngành thành lập mới đạt 3.850 đơn vị, giảm 50,2% so với cùng kỳ.

Theo đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường đã từng bước được tháo gỡ, có thêm sự trợ lực từ phía ngân hàng (liên tục hạ lãi suất, cho phép vay đảo nợ, chính sách giãn, hoãn các khoản nợ…). Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ vẫn chưa thực sự đủ lực để kéo thị trường vực dậy. Để thị trường có thể đạt được những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt cần thêm nhiều các giải pháp thật sự cụ thể, chi tiết và mạnh tay hơn nữa từ phía Chính Phủ, các bộ ngành và cả hệ thống ngân hàng.

Đưa ra dự báo về thị trường bất động sản cuối năm nay và nửa đầu năm 2024, TS Nguyễn Văn Đính cho biết, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến sự “ra đi” của một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Thị trường đất nền đón sóng phục hồi những tháng cuối năm 

Kinh tế vĩ mô dần ổn định, lãi suất cho vay thấp hơn mức trước dịch Covid-19, các dự án đầu tư công được thúc đẩy triển khai… sẽ là yếu tố thúc đẩy thị trường đất nền "ấm" trở lại những tháng cuối năm.

Tín hiệu tích cực dần xuất hiện

Sau giai đoạn khó khăn, thị trường bất động sản Việt Nam bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ quý 3-2023. Các chuyên gia cho biết thị trường bất động sản đang có dấu hiệu của hồi phục, niềm tin của nhà đầu tư tăng dần. Tổng lượng giao dịch bất động sản trên thị trường quý 1 đạt gần 3.000 giao dịch, quý 2 đạt gần 4.000 giao dịch và quý 3 đạt khoảng gần 6.000 giao dịch. Con số tăng dần qua mỗi quý cho thấy bức tranh khả quan hơn về sự phục hồi của thị trường.

Ngoài ra, phân khúc đất nền có dấu hiệu vượt đáy ở loại hình đất đấu giá tại khu vực xung quanh Hà Nội. Cụ thể, mức giá quanh 2 – 3 tỷ đồng đạt tỷ lệ hấp thụ 70-80% với giá đấu cao hơn khoảng 5% so với giá khởi điểm, có thể chuyển nhượng ngay kèm chênh lệch 30-50 triệu đồng/nền, xu hướng này được thấy rõ nhất tại các tỉnh thành Bắc Giang và Hưng Yên,…

Thực tế, thông tin ghi nhận từ Tổ công tác Nghiên cứu thị trường thuộc Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết các nhiều nhà đầu tư bắt đầu đi "săn" đất ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn. Đây là các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao với mức giá được đánh giá là khá "hời", còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai như Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên…

Mặc dù sức cầu chưa thực sự bùng nổ, nhưng việc người mua quay lại với đất nền tỉnh được kỳ vọng sẽ giúp phân khúc này hồi phục sớm hơn dự báo.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Đáng chú ý, Nghị định 35/2023 đã cho phép UBND tỉnh quyết định khu vực được phân lô, bán nền khi phù hợp các quy định pháp luật liên quan mà không phải xin ý kiến của Bộ Xây dựng. Từ đó, một loạt địa phương đã "cởi trói" việc tách thửa đất cho người dân có nhu cầu.

Nhiều kỳ vọng cho thị trường lân cận thành phố Hà Nội trong quý 4

Dự báo thị trường bất động sản thời gian tới, VARS cho rằng tiến trình phục hồi của thị trường chắc chắn sẽ tiếp tục phân hóa theo phân khúc và khu vực bởi khả năng hấp thụ khác nhau, đăc biệt tại các tỉnh thành nắm giữ lợi thế về quỹ đất, quy hoạch, hạ tầng và chính sách đầu tư như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên,…

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Ngược dòng thị trường, giá chung cư sẽ tiếp tục đi lên

Theo Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), căn hộ chung cư từ phân khúc bình dân đến trung, cao cấp sẽ tiếp tục khan hàng dẫn đến giá bán khó giảm, thậm chí sẽ tăng.

Theo báo cáo mới nhất của CBRE, trong quý cuối năm thị trường sẽ có khoảng 4.500 căn hộ dự kiến mở bán, như vậy nguồn cung căn hộ mới tại Hà Nội cả năm nay chỉ đạt 11.400 căn. Đây sẽ là năm thứ năm liên tiếp thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận sụt giảm nguồn cung mới và tổng nguồn cung năm nay dự kiến ghi nhận ở mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Một nghiên cứu khác của Savills chỉ ra con số đáng chú ý, từ năm 2023 đến năm 2025, thành phố sẽ có thêm 157.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai gồm 59.000 căn hộ (các hạng), 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 căn nhà ở xã hội dự kiến mở bán; do đó còn thiếu hụt 70.300 nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng thống kê, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm, cả nước cần phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Song, với tình hình phát triển nguồn cung hiện tại, mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 300.000 đơn vị nhà ở do phát sinh thêm các hộ gia đình thành thị mới, đặc biệt là từ nhu cầu “ra ở riêng” của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình. Sự thiếu hụt nguồn cung đang tiếp tục đẩy giá nhà tăng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt này không xảy ra ở tất cả các phân khúc, khu vực mà rơi vào loại hình nhà ở phục vụ nhu cầu thực như chung cư. Như vậy, có thể thấy trong khi nhu cầu mua nhà của người dân ngày càng tăng cao thì nguồn cung lại có xu hướng đi xuống. Điều này có thể khiến giá nhà ở chung cư tiếp tục rơi vào áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

5. Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc chưa có hồi kết: Giá nhà giảm tháng thứ tư liên tiếp

Theo một ước tính, Trung Quốc hiện có khoảng 20 triệu căn hộ đã bán trước còn chưa được khởi công hoặc nằm trong dự án bị ngừng trệ...

Giá bán nhà mới ở Trung Quốc giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 10 vừa qua, với hàng chục thành phố chứng kiến giá nhà đi xuống - con số lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 vào năm ngoái.

Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu trên diện rộng của ngành bất động sản Trung Quốc, trong cuộc khủng hoảng đang tiếp tục kéo lùi sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Phân tích của hãng tin Reuters dựa trên số liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 16/11 cho biết giá nhà mới ở nước này trong tháng 10 giảm 0,3% so với tháng 9, từ mức giảm 0,2% ghi nhận trong tháng 9.

Từng là một đầu tàu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, chiếm 1/4 sản lượng kinh tế của nước này, ngành bất động sản Trung Quốc đã trượt vào khủng hoảng kể từ khi Bắc Kinh siết chặt việc cho vay đối với hoạt động đầu tư và mua bán nhà đất vào năm 2020. Thanh khoản bị siết lại đã đặt ra rủi ro vỡ nợ đối với hàng loạt doanh nghiệp địa ốc Trung Quốc và khiến nhiều dự án rơi vào cảnh đình trệ.

Năm nay, nhằm vực dậy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bất động sản, bao gồm nới lỏng hạn chế đối với việc mua nhà và giảm lãi suất cho vay, nhưng người mua nhà vẫn giữ quan điểm thận trọng.

“Nguyên nhân quan trọng nhất khiến giá nhà ở Trung Quốc giảm sút là nhu cầu yếu. Và người mua nhà cũng không dám chắc là căn nhà bán trước mà họ mua có được giao đúng thời hạn như hứa hẹn của chủ đầu tư hay không”, nhà phân tích Ma Hong của Zhixin Investment Research Institute nhận định.

Theo ước tính của ngân hàng Nomura, Trung Quốc hiện có khoảng 20 triệu căn hộ đã bán trước còn chưa được khởi công hoặc nằm trong dự án bị ngừng trệ. Con số này lớn gấp 20 lần số căn hộ trong các dự án chưa hoàn thiện của Country Garden - công ty địa ốc khổng lồ mới rơi vào cảnh vỡ nợ - ở thời điểm cuối năm 2022.

Số liệu ảm đạm về thị trường bất động sản Trung Quốc được đưa ra sau những dữ liệu cho thấy sản lượng công nghiệp và doanh thu bán lẻ của Trung Quốc có sự cải thiện vượt kỳ vọng trong tháng 10, nhưng tăng trưởng đầu tư nói chung vẫn yếu ớt, doanh thu và đầu tư bất động sản tiếp tục giảm mạnh.

“Người dân vẫn còn cảm thấy bấp bênh về tăng trưởng thu nhập, trong khi đầu tư tài chính trong nước cũng đang mang lại lợi nhuận thấp. Họ ngại mua những thứ đắt tiền như một ngôi nhà”, ông Ma nói thêm.

Trong số 70 thành phố được khảo sát, có 56 thành phố chứng kiến giá nhà giảm trong tháng trước, con số có giá nhà giảm nhiều nhất kể từ tháng 10/2020 và tăng từ mức 54 thành phố trong tháng 9. Giá nhà tại cả ba thành phố lớn gồm Bắc Kinh, Thẩm Quyến và Quảng Châu đều giảm trong tháng 10 so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà ở Trung Quốc giảm 0,1%, bằng với mức giảm của tháng 9, tháng 8 và tháng 7.

Đối với nhà đã qua sử dụng, dữ liệu của NBS cho thấy có 67 thành phố chứng kiến giá nhà giảm trong tháng 10 so với tháng trước, từ con số 65 thành phố trong tháng 9.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Vướng mắc pháp lý, tài chính ảnh hưởng lớn đến bất động sản

Nhiều doanh nghiệp bất động sản chia sẻ họ gặp vô vàn khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Bản thân doanh nghiệp đều lường được những khó khăn và đã tính con đường để vượt qua, nhưng riêng khó khăn về chính sách như pháp lý đầu tư, pháp lý cho thị trường bất động sản thì không thể tính được…

CẦN MỘT QUY TRÌNH THỐNG NHẤT CHO DỰ ÁN

Thứ nhất, khó khăn vướng mắc về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư - lựa chọn chủ đầu tư. Theo đó, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở chưa thống nhất với nhau dẫn đến cách hiểu khác nhau. Các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư bao năm nay, đến giờ cơ quan thanh tra vào lại bắt thực hiện theo Luật Nhà ở, tức phải có đất ở. Việc này tỉnh cũng không gỡ được mà phải báo cáo lên Chính phủ.

Thứ hai, khó khăn trong giao đất cho doanh nghiệp. Công tác định giá đất cũng gặp khó. Có dự án giao rồi mà không thể tư vấn định giá vì các công ty  tư vấn không dám định giá do khó trong giải trình với cơ quan kiểm toán.

Thứ ba, khó khăn về vướng quy hoạch. Hiện quy hoạch phân khu chưa phủ kín, công tác kêu gọi đầu tư chậm.  Một số quy hoạch tỉnh đã có rồi nhưng chưa đồng bộ. Phân khu quy hoạch 1/500 trái nhau…

Thứ tư, khó khăn vướng mắc tiếp theo là điều kiện kinh doanh bất động sản. Các quy định trong luật, văn bản luật liên quan đến phân lô bán nền yêu cầu phải hoàn thành cơ sở hạ tầng, các công trình…. Với các dự án quy mô lớn hàng trăm ha, quy định này khá ngặt nghèo, gây khó khăn cho chủ đầu tư. 

Thứ năm, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Đã có nhiều dự án triển khai theo Nghị định cũ nhưng sau này điều chỉnh quy hoạch thì lại bị vướng. Điều 182 Luật Nhà ở, quy định, địa phương phải lập thẩm định lại, buộc doanh nghiệp phải dành 20% diện tích dự án làm nhà ở xã hội thì rất khó.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Sửa Luật Thủ đô: Trình Quốc hội cho Hà Nội lập 2 thành phố thuộc thành phố

Theo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù cho Hà Nội, thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường và bổ sung thành phố thuộc thành phố...

Chiều 10/11 thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô sửa đổi. Dự thảo Luật tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, quy định mới 38 điều), trong đó đề xuất nhiều cơ chế đặc thù về mô hình tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn; đầu tư, quản lý sử dụng đất đai…cho Hà Nội.

ĐỀ XUẤT NHIỀU CƠ CHẾ ĐẶC THÙ CHO HÀ NỘI

Về mô hình tổ chức, dự thảo luật thực hiện mô hình không tổ chức Hội đồng nhân dân phường ở Hà Nội theo Nghị quyết số 97 và bổ sung thành phố thuộc Tp.Hà Nội.

Tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân (từ 95 lên 125 đại biểu), tỷ lệ đại biểu chuyên trách (từ 20% lên 25%), số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (từ 2 lên tối đa 3); mở rộng thành phần Thường trực Hội đồng nhân dân so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo phương án Chính phủ đề xuất, dự kiến sẽ thành lập theo Nghị quyết số 15-NQ/TW tại khu vực phía Bắc thành phố logistics, dịch vụ gồm vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn; phía tây sẽ là thành phố về giáo dục, đào tạo, khoa học gồm vùng Hoà Lạc, Xuân Mai. Hai thành phố này sẽ có những đặc thù khác so với chính quyền quận, huyện, thị xã như tăng số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng, UBND, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, bổ sung Ban Đô thị.

ĐỀ XUẤT CHO PHÉP TÁCH DỰ ÁN GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG RA KHỎI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Dự thảo cũng mở rộng phạm vi dự án đầu tư mà khi lập quy hoạch chi tiết phải xác định đất thu hồi trong vùng phụ cận để tái thiết đô thị, tái định cư tại chỗ…, bao gồm dự án đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng đường giao thông hiện có…

Quy định một số ưu đãi cho khoa học, công nghệ khác với pháp luật hiện hành, trong đó có mở rộng đối tượng áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và công nghệ. Quy định định hướng phát triển các khu công nghệ cao ở Thủ đô và một số vấn đề chung về Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…

Cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ diện tích, điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép, loại công trình phụ trợ bán kiên cố.

Tương tự cơ chế áp dụng cho Tp.Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định giao Hội đồng nhân dân Tp.Hà Nội ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với thực tiễn; chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, đất trồng lúa dưới 500 ha sang mục đích khác.

Về đầu tư, cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho Khánh Hoà).

Phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, UBND Tp.Hà Nội. Ví dụ như Hội đồng nhân dân Tp.Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng... Cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược… nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia thực hiện các dự án ưu tiên của Thủ đô (quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng ở Khánh Hòa, Tp.Hồ Chí Minh)…

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ chiều ngày 10/11/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một.

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Quy mô kinh tế của Hà Nội ngày càng lớn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Hà Nội là đầu não, bộ mặt, trái tim, tức là tất cả những tinh túy nhất. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, là thành phố vì hòa bình.

Do đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến giữa thế kỉ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước. Xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”.

Lần sửa đổi này cũng có thuận lợi khi Quốc hội đã ban hành nghị quyết đặc thù cho Tp.Hồ Chí Minh, với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với các địa phương khác. Đây là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa những nội dung phù hợp với Thủ đô.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Lộ diện vị trí sân bay quốc tế thứ hai ở Hà Nội trên dự thảo bản đồ quy hoạch 

Với cảng hàng không quốc tế thứ hai của Thủ đô, cảng có vị trí ở huyện Ứng Hòa, phía nam đường quy hoạch cao tốc Tây Bắc Quốc lộ 5, phía tây giáp đường trục phát triển kinh tế phía Nam; chức năng hỗ trợ cho CHKQT Nội Bài, phục vụ cho vận tải khách trong vùng Thủ đô. 

Cảng đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, công suất 30 - 50 triệu hành khách/năm và một triệu tấn hàng hóa/năm; quy mô diện tích khoảng 1.500 ha. Hướng đường cất hạ cánh dự kiến theo hướng 11 - 29. Hệ thống giao thông kết nối có hai tuyến đường cao tốc, hai tuyến đường trục đô thị, một tuyến đường sắt đô thị (ít ga) và tổ chức chạy tàu nội vùng trên hướng Bắc - Nam để kết nối.

Vị trí triển khai cảng hàng không quốc tế thứ hai có ưu điểm là nằm trên trục không gian phía nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2; liên kết với đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía nam.

Nhằm triển khai cảng hàng không quốc tế thứ hai của Thủ đô, Hà Nội đưa ra một số nội dung nghiên cứu giải quyết: Cần nâng đường trục kinh tế phía nam lên đường cao tốc để phục vụ kết nối với sân bay thứ hai; cần bổ sung thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay (khoảng 32 km); khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ hai có diện tích chiếm đất khoảng 1.700 ha; cần di chuyển tuyến điện 500KV ra khỏi ranh giới sân bay.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất điều chỉnh xác định rõ Cảng hàng không Gia Lâm là cảng hàng không khai thác lưỡng dụng giữa quân sự và dân dụng, khai thác dân dụng theo mô hình hàng không chung với các tàu bay dân dụng cỡ nhỏ, tàu bay chuyên dùng.

Đối với sân bay Hòa Lạc, Miếu Môn, sân bay này phục vụ mục đích quân sự, có thể phát triển khai thác lưỡng dụng với hàng không chung phục vụ dân sự khi có yêu cầu.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Sẽ giám sát trực tiếp thị trường bất động sản và nhà ở xã hội tại 12 địa phương

Trong năm 2024, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; trong đó tập trung vấn đề điều tiết thị trường; Nguồn cung; Giao dịch bất động sản; Tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án và nguồn vốn cho thị trường bất động sản…

TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP, NGUỒN CUNG VÀ VỐN CHO THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN

Kế hoạch số 551 nêu rõ, mục đích giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện: Chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023; Chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Trong mỗi nội dung trên đánh giá, làm rõ tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi của việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung giám sát. Thực trạng, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật đối với từng nội dung giám sát. Xác định kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp xử lý những tồn tại, hạn chế. Kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Trong nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023, đoàn giám sát tập trung vào các văn bản của Đảng đã ban hành và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thị trường bất động sản. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Theo đó, tập trung vào các nội dung: Công tác chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; Nguồn cung bất động sản; Giao dịch bất động sản; Tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; Công tác quy hoạch; Việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản; Trình tự, thủ tục thực hiện dự án bất động sản;

Cùng với đó là nguồn vốn cho thị trường bất động sản; Kinh doanh dịch vụ bất động sản; Công khai, minh bạch thông tin về thị trường bất động sản; Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; điều tra, xét xử, thi hành án đối với các vụ án liên quan đến kinh doanh bất động sản.

Nội dung giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản cũng tập trung làm rõ tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, trong đó làm rõ nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nội dung đó.

QUỸ ĐẤT VÀ NGUỒN VỐN XÂY NHÀ Ở XÃ HỘI

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, Đoàn giám sát tập trung vào các văn bản của Đảng đã ban hành và việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Trong đó tập trung vào chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; Đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; Quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; Việc thực hiện dự án xây nhà ở xã hội; Loại nhà và tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà ở xã hội; Việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội;

Cùng với đó giám sát về quản lý, vận hành; Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, kiểm toán, xử lý vi phạm; Việc thực hiện các kết luận giám sát, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.

Hoạt động giám sát cũng làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan của kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, trong đó làm rõ nguyên nhân do cơ chế, chính sách hay do tổ chức thực hiện; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trách nhiệm của người đứng đầu đối với nội dung đó.

Theo kế hoạch, đoàn giám sát dự kiến tổ chức giám sát trực tiếp tại 12 địa phương. Sau khi giám sát các báo cáo, làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát sẽ hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; tổ chức làm việc, lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2024.

Sau đó, Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề; hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, gửi các đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC  BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

10 dự án nhà ở xã hội khởi công từ đầu năm đến nay 

Bộ Xây dựng cho biết, 10 tháng năm nay cả nước có 10 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công xây dựng mới, bổ sung 19.853 căn hộ dành cho công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị.

Cụ thể, có 7 dự án nhà ở xã hội đã được khởi công xây dựng gồm: 4 dự án nhà ở xã hội được khởi công tại Hải Phòng (6.707 căn hộ), 1 dự án khởi công tại Hà Nội (720 căn hộ), 1 dự án tại Lâm Đồng (303 căn hộ), 1 dự án tại Thừa Thiên Huế (1.085 căn hộ).

Bên cạnh đó có 3 dự án nhà ở công nhân được khởi công xây dựng trong 10 tháng vừa qua, gồm: 1 dự án tại Hải Phòng (2.538 căn hộ), 1 dự án tại Bình Định (1.500 căn hộ), 1 dự án tại Bắc Giang (7.000 căn hộ).

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

Tin tức bất động sản về giá cả thị trường

Tin tức bất động sản về dự án và quy hoạch

Tin tức bất động sản về chính sách pháp luật

Tin tức bất động sản về phân tích nhận định của chuyên gia

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan