Tin tức
07/10 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 02/10 đến 07/10/2023

  • 198
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 02/10 đến 07/10/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Keppel đầu tư lớn vào thị trường bất động sản Việt Nam
  2. Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục cắt lỗ khi du lịch phục hồi chậm
  3. Giảm 30% tiền thuê đất năm 2023
  4. Tổng giao dịch bất động sản từ đầu năm chưa bằng 1/10 thời điểm trước Covid-19
  5. Những thách thức của thị trường bất động sản trong thời gian tới
  6. Yếu tố khiến nhu cầu bất động sản logistics tăng cao
  7. Thị trường bất động sản sẽ hồi phục từ quý 2/2024 và tăng trưởng rõ rệt từ 2025
  8. Chung cư có tỷ suất lợi nhuận 12,5% trong 8 năm qua, được dự báo sẽ là phân khúc phục hồi sớm nhất thị trường
  9. Làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai và thông tin nhà ở
  10. Sở Xây dựng TP.HCM sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính
  11. TP.HCM phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025

tin-tuc-bat-dong-san-thang-tuan-1-thang-10.2023

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Keppel đầu tư lớn vào thị trường bất động sản Việt Nam

Sau ba thập kỷ hiện diện tại Việt Nam, Keppel đã trở thành một trong những nhà đầu tư bất động sản nước ngoài lớn mạnh nhất với hơn 20 dự án được cấp phép cùng tổng số vốn trên 3,5 tỷ USD.

Từ 30 năm ghi dấu ấn…

Keppel là nhà đầu tư nước ngoài tiên phong khai phá thị trường bất động sản Việt Nam từ năm 1991. Chưa đầy một năm sau, Keppel đã phát triển International Centre, toà nhà văn phòng tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội. Đến nay, Tập đoàn đã phát triển danh mục dự án dân cư chất lượng như Villa Riviera, Riviera Cove, The Estella, Estella Heights, Empire City, Riviera Point, Celesta City... và các cao ốc văn phòng hạng A, trung tâm thương mại ở khu vực trung tâm TP HCM như Saigon Centre và Estella Place.

Keppel hiện phân bổ hơn 12% tổng giá trị tài sản thuộc mảng phát triển đô thị (tương đương 1,52 tỷ USD) vào Việt Nam, chỉ sau thị trường Singapore và Trung Quốc.

Tổng diện tích sàn xây dựng thuộc tất cả phân khúc Keppel đã và đang phát triển tại Việt Nam lên đến hơn 400.000 m2, chiếm 24% tổng diện tích sàn của tập đoàn trên toàn cầu. Đây là thành quả từ tinh thần tiên phong kiến tạo không gian đô thị hiện đại của tập đoàn, đồng thời thể hiện sự hợp tác chặt chẽ với nhiều đối tác như Khang Điền, Phú Long, Tiến Phước, Trần Thái, Gaw Capital.

Đến tầm nhìn bền vững tại Việt Nam

Liên tục mở rộng danh mục đầu tư không chỉ khẳng định tiềm lực tài chính mạnh mẽ, mà còn cho thấy khát vọng đóng góp cho sự phát triển đô thị và cam kết gắn bó lâu dài của Keppel với thị trường Việt Nam.

Để đón đầu những cơ hội mới, Tập đoàn đã thực hiện nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) quy mô lớn.

Đầu năm 2022, Keppel hợp tác với Phú Long dự kiến đầu tư 2.715 tỷ đồng phát triển 3 khu đất trong dự án Mailand Hà Nội và chi 3.180 tỷ đồng mua cổ phần hai dự án của Khang Điền giữa năm 2023 để phát triển tổ hợp dân cư và đô thị bền vững. Gần nhất, Tập đoàn ký thỏa thuận trị giá 1.230 tỷ đồng đầu tư vào một khu trung tâm thương mại tại Hà Nội.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục cắt lỗ khi du lịch phục hồi chậm

Du lịch không khởi sắc như kỳ vọng, thu nhập người dân giảm sút do suy thoái kinh tế, giá vé máy bay cao, tỷ lệ lấp đầy phòng giảm… Điều này khiến một số nhà đầu tư rao bán cắt lỗ sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng…

NHIỀU BIỆT THỰ NGHỈ DƯỠNG BÁN CẮT LỖ 5-7 TỶ ĐỒNG

Nhiều môi giới về bất động sản nghỉ dưỡng cho biết thanh khoản của phân khúc này vẫn chậm. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản đang chững, du lịch không khởi sắc như kỳ vọng khi thu nhập người dân giảm sút do suy thoái kinh tế, giá vé máy bay cao, tỷ lệ lấp đầy phòng không được như trước. Điều này cũng khiến một số nhà đầu tư vẫn đang rao bán cắt lỗ.

Đối với hoạt động kinh doanh khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam, theo Savills, thị trường này cũng chậm khôi phục so với các quốc gia trong khu vực. Tính đến 8 tháng đầu năm 2023, công suất phòng trung bình của thị trường Việt Nam chỉ dao động ở mức 40%, trong khi Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia đều đã vượt mốc hơn 50%, Singapore gần đạt mức 75%.Trong 8 tháng đầu năm 2023, giá phòng bình quân trên toàn thị trường đạt khoảng 120 USD/đêm, tiệm cận mức trước đại dịch. Giá phòng bình quân tại Việt Nam đang dưới mức 100 USD/đêm.

CẢI THIỆN DU LỊCH, TĂNG THANH KHOẢN

Dự báo về diễn biến của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, DKRA Group cho rằng khi ngành du lịch chưa phục hồi như kỳ vọng, cùng với tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, dự kiến thị trường sẽ tiếp tục duy trì sự trầm lắng kéo dài trong những tháng cuối năm. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng rơi vào trạng thái “ngủ đông”, trong khi condotel nguồn cung mới thiếu vắng khi liên tiếp hơn 1 năm qua không ghi nhận dự án mở bán mới. Sức cầu chung thị trường ở mức rất thấp.

Việc nhiều chủ đầu tư tập trung tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau thời gian chịu tác động bởi những bất ổn kinh tế cũng như sức ép đáo hạn trái phiếu giai đoạn cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục gây áp lực lên thị trường trong thời gian tới.

Còn theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels của Savills, so với cùng kỳ 2019, hiện nay, tổng lượt khách châu Âu đến Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước đại dịch khoảng 38%.

Thị trường khách châu Á cũng thấp hơn mức trước đại dịch 32% trong 8 tháng đầu năm 2023. Hàn Quốc hiện là thị trường khách quốc tế lớn nhất đến Việt Nam, tuy nhiên tổng lượt khách vẫn thấp hơn mức năm 2019. Thị trường Trung Quốc đang dần khôi phục, đạt 950.000 tổng lượt khách, nhưng chỉ tương đương 28% so với cùng kỳ 2019. Thị trường khách châu Mỹ và châu Úc thấp hơn so với cùng kỳ 2019 khoảng 8%, đạt tổng 900.000 lượt khách, chủ yếu là du khách đến từ Mỹ và Úc.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023...

Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất quy định nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).

Mức giảm tiền thuê đất nêu trên được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ).

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Tổng giao dịch bất động sản từ đầu năm chưa bằng 1/10 thời điểm trước Covid-19 

Theo số liệu của VARS, từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận khoảng 10.000 giao dịch, so với cùng kỳ những năm 2018 - 2019 thì chưa bằng 1/10. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng đà phục hồi của thị trường đang dần được cải thiện.

Trong vòng một thập kỷ qua, thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng rất nóng kể từ sau giai đoạn khủng hoảng trước đó (những năm 2011 - 2013).‏

‏"Tuy nhiên hiện tại, thị trường đã dần bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết. Mặc dù chưa tới mức khủng hoảng như giai đoạn 10 năm trước, song những nút thắt từ pháp lý tới dòng vốn đang khiến thị trường bị tắc nghẽn”, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)‏ chia sẻ tại buổi làm việc mới đây với Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

‏Từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng giao dịch trong 3 quý chỉ đạt khoảng 10.000 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chưa được 10% so với cùng thời điểm các năm 2018, 2019 hay giai đoạn trước đại dịch Covid-19. ‏

‏Cũng theo ông Đính, sức khỏe các doanh nghiệp địa ốc đang suy yếu về cả quy mô, nhân sự lẫn tiềm lực tài chính.‏ Theo khảo sát của VARS, có khoảng 23% doanh nghiệp chỉ có thể “cầm cự” được hết năm nay, nếu như không có các chính sách điều hành vĩ mô đem lại tác động mạnh mẽ.‏

Mặc dù vậy, Chủ tịch VARS cũng cho rằng sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đã giúp thị trường có những chuyển biến tốt hơn. ‏

‏Minh chứng là ở quý I, nguồn cung trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng khiến lượng giao dịch chỉ đạt hơn 1.000 sản phẩm. Sang quý II, hoạt động mua bán đã dần trở lại với thị trường, lượng giao dịch tăng lên khoảng 3.700 sản phẩm. Hai tháng đầu của quý III, có khoảng 200 - 300 dự án ra hàng, ghi nhận hơn 5.000 giao dịch thành công. ‏

‏Nhìn chung, mặc dù tổng lượng giao dịch trong 9 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước dịch Covid-19 nhưng xét theo từng quý trong năm 2023, có thể thấy đà phục hồi của thị trường đã dần được cải thiện. 

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Những thách thức của thị trường bất động sản trong thời gian tới 

Thị trường bất động sản thời gian qua đã nhận được sự quyết liệt tháo gỡ của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương, theo đó những tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện. Tuy nhiên, bên cạnh đó thị trường vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và cần thời gian để tháo gỡ dứt điểm.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản, như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các luật liên quan khác vẫn còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp sự phát triển của thị trường.

Vấn đề thứ hai, nhiều dự án bất động sản tại các địa phương khó khăn trong triển khai thực hiện. Tại một số địa phương lớn, khoảng 70 - 80% các dự án tạm dừng triển khai.

Vấn đề thứ ba, nguồn cung giảm nhưng kèm theo đó là cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, thiếu nhà ở giá phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp ở đô thị, đặc biệt là thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.

Thứ tư, sức mua kém, thanh khoản thị trường suy giảm; và thứ năm là doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.

Ông: Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, đúng một năm vừa qua, thị trường bất động sản rất khó khăn. Theo dự báo của vị chuyên gia, giai đoạn 2023 - 2024 thị trường bất động sản đối mặt với 6 rủi ro, thách thức chính.

Thứ nhất, thách thức xuất phát từ bên ngoài còn rất rõ như sức cầu yếu, giảm đà tăng trưởng; lạm phát, giá năng lượng, lãi suất còn cao; rủi ro tài chính - tiền tệ cao và đang giảm dần. Những điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư và du lịch vào Việt Nam.

Thứ hai, rủi ro về tài chính liên quan đến tỷ giá, chứng khoán trở nên nhạy cảm hơn so với trước. Tín dụng tăng chậm chứng tỏ sức cầu đang yếu, không đủ khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng dẫn đến tín dụng suy giảm.

Thứ ba, đầu tư công tăng tốt nhưng rõ ràng chưa có yếu tố đột phá. Thứ tư, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt câu chuyện tái cơ cấu (pháp lý, tài chính, nhân sự, đơn hàng…). Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức.

Thứ tư, thị trường trái phiếu, bất động sản đang phục hồi nhưng không thể phục hồi nhanh mà cần thêm thời gian, đặc biệt niềm tin của nhà đầu tư hồi phục chậm trong khi đây là yếu tố quan trọng.

Cuối cùng, mặc dù tích cực triển khai nhưng quá trình cải cách thể chế vẫn còn chậm so với nhu cầu. Tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá phổ biến.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Yếu tố khiến nhu cầu bất động sản logistics tăng cao 

Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, ngành hậu cần kho bãi (logistics) của Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, các lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử.

Theo Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số công bố cho thấy, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ  tiêu dùng của cả nước.

Ước tính, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trước những bước phát triển mạnh mẽ, logistics tại Việt Nam hiện vẫn tập trung hầu hết tại các thị trường lớn. Đây là cơ hội với các nhà đầu tư đối với mảng này để mang tới nguồn cung đáp ứng nhu cầu ngày càng đi lên của logistics.

Theo ông Thomas Rooney - Quản lý cấp cao Dịch vụ Tư vấn bất động sản (Savills Hà Nội), thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có.

Phân tích về nhu cầu đối với logistics, ông Thomas cho biết, ngành thương mại điện tử cần diện tích thuê kho lớn để lưu trữ nhiều mặt hàng cũng như lắp đặt hệ thống hỗ trợ hoạt động lấy hàng, đóng gói. Thêm vào đó, các nhà sản xuất quốc tế với những mặt hàng giá trị gia tăng cao đều kỳ vọng có cả mặt bằng kho bãi để lưu trữ hàng hóa sau sản xuất.

Nhưng trên thực tế, hiện nguồn cung đối với mặt bằng nhà kho tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tại phía Bắc vẫn chưa nhiều. Do vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tới các nhà kho cao tầng hoặc kho cảng thông minh.

“Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới với môi trường đầu tư ngày một được cải thiện và các Hiệp định thương mại lớn được ký. Điều này đã tạo thêm sức hút của thị trường công nghiệp Việt Nam đối với danh mục đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế lớn và uy tín. Đầu tư về hệ thống hạ tầng và kho vận sẽ đồng thời củng cố chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất” - Ông Thomas Rooney phân tích.

Đi kèm đó, triển vọng tích cực của ngành thương mại điện tử và nhu cầu giao hàng nhanh tiếp tục tăng cao hứa hẹn sẽ là tiền đề để thị trường logistics thêm phát triển trong thời gian tới với những mô hình hoạt động hiệu quả và được tối ưu hơn.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Thị trường bất động sản sẽ hồi phục từ quý 2/2024 và tăng trưởng rõ rệt từ 2025

Đến quý 2/2024, thị trường bất động sản mới được kỳ vọng bắt đầu hồi phục và đà tăng trưởng sẽ rõ ràng hơn từ năm 2025...

GIÁ BÁN CĂN HỘ TRÊN THỊ TRƯỜNG SƠ CẤP TĂNG BÌNH QUÂN 2-3% THEO NĂM

Đối với phân khúc bất động sản Nhà ở, Quý 3/2023 ghi nhận khoảng 90% nguồn cung sơ cấp tại các thị trường trọng điểm đến từ các dự án hiện hữu. Tổng nguồn cung sơ cấp (bao gồm nguồn cung hiện hữu và nguồn cung mới) khoảng 38.000 sản phẩm, trong đó, miền Bắc có khoảng 14.000 sản phẩm, miền Trung khoảng 3.300 sản phẩm, miền Nam khoảng 17.500 sản phẩm, và miền Tây có khoảng 2.600 sản phẩm được cung ứng ra thị trường.

Tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, nguồn cung sơ cấp chủ yếu tập trung vào loại hình căn hộ tại Hà Nội, tập trung vào các dự án quy mô lớn như Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City và giỏ hàng chủ đầu tư từ các dự án hiện hữu. Miền Bắc có nguồn cung thấp tầng tương đối ổn định hơn so với miền Nam; nguồn cung hiện tại tập trung chủ yếu ở Hưng Yên, Vinhomes Golden Avenue tại Quảng Ninh. Tỉ lệ hấp thụ tính trên nguồn cung sơ cấp toàn khu vực miền Bắc Quý 3/2023 đạt khoảng 15 – 20%.

Nếu tính riêng Quý 3/2023, Hà Nội có nguồn cung mới loại hình căn hộ là khoảng 1.500 sản phẩm, giảm 66% theo năm; giá bán bình quân sơ cấp căn hộ từ 43 – 58 triệu/m2, tăng từ 3 – 5% theo năm; tỉ lệ hấp thụ khoảng 20%.

Tại khu vực miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên), nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án hiện hữu, không có dự án mới. Tại Đà Nẵng, nguồn cung mới căn hộ đạt khoảng 400 sản phẩm, tăng 100% theo năm; giá bán sơ cấp từ 53 – 62 triệu/m2, tăng 2 – 3% theo năm; tỷ lệ hấp thụ khoảng 20%.

Thị trường miền Trung ghi nhận giá bán bình quân căn hộ từ 26 – 100 triệu/m2, tăng từ 2 – 3% theo quý, giá bán nhà phố từ 38 – 120 triệu/m2, ổn định theo quý. Giá bán bình quân biệt thự từ 45 – 200 triệu/m2, ổn định theo quý. Giá bán bình quân shophouse từ 60 – 200 triệu/m2, ổn định theo quý. Giá bán bình quân đất nền từ 13 – 52 triệu/m2, ổn định theo quý. Tỉ lệ hấp thụ tính trên nguồn cung sơ cấp toàn khu vực miền Trung Quý 3/2023 đạt khoảng 10%. Tín hiệu tích cực tại miền Trung là các dự án bán mới có tỷ lệ hấp thụ cao hơn mức bình quân chung của thị trường khu vực (20%-25%).

THỊ TRƯỜNG SẼ HỒI PHỤC TỪ QUÝ 2/2024

Theo dự báo của DXS - FERI, thị trường bất động sản đã đi đến giai đoạn cuối của kỳ suy thoái, và hiện nay thị trường gần như đã chạm đáy. Tuy nhiên, DXS-FERI dự báo thận trọng, chu kỳ tăng trưởng mới của bất động sản Việt Nam sẽ không đi theo biểu đồ hình chữ V mà sẽ là hồi phục và tăng trưởng theo biểu đồ hình chữ U.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Chung cư có tỷ suất lợi nhuận 12,5% trong 8 năm qua, được dự báo sẽ là phân khúc phục hồi sớm nhất thị trường 

Giá bán chung cư ngày càng vượt xa tốc độ gia tăng thu nhập của người lao động, song đây vẫn được đánh giá là phân khúc có tỷ suất lợi nhuận cao hơn một số kênh đầu tư quen thuộc như vàng, tiền gửi tiết kiệm hay ngoại tệ. Theo dự báo của chuyên gia, chung cư sẽ hồi phục nhanh hơn các loại hình BĐS khác và hy vọng đảo chiều vào khoảng quý II/2024.

Người mua dần chấp nhận sự đắt đỏ của chung cư

‏Báo cáo về diễn biến thị trường chung cư trong quý III/2023 do ‏‏Batdongsan.com.vn‏‏ công bố mới đây cho thấy, nhờ đáp ứng nhu cầu ở thực của người dân mà chung cư đang duy trì mức độ quan tâm ổn định hơn cả so với các loại hình bất động sản khác.‏

‏Trên thị trường mua bán, trong giai đoạn từ quý I/2021 đến quý III/2023, mức độ quan tâm đến chung cư đã tăng nhẹ với 1%. Trong khi đó, các loại hình khác đều có sự sụt giảm về chỉ số này (đất nền giảm 10%, nhà riêng giảm 5%, nhà mặt phố giảm 8%, biệt thự giảm 4%, đất dự án giảm 11%).‏

‏Trên thị trường cho thuê, trong giai đoạn từ quý I/2021 đến quý III/2023, mức độ quan tâm đến chung cư cũng tăng 6% (chỉ xếp sau nhà trọ với 19%). Trong khi nhà riêng giảm 16%, nhà mặt phố giảm 13%, văn phòng giảm 14%, cửa hàng giảm 28%

Lợi nhuận trung bình khoảng 12,5%/năm

‏Dự báo về diễn biến của phân khúc chung cư trong thời gian tới, ông Long đã phân tích 4 yếu tố chính tác động trực tiếp đến đà phục hồi của thị trường này.‏

‏Thứ nhất, về giá và khả năng sinh lời. Trong quý III, giá rao bán tuy không tăng mạnh, song vẫn duy trì ở mức rất cao. ‏

‏Minh chứng là trong 9 tháng đầu năm 2023, ở Hà Nội, giá bán chung cư cao cấp đã tăng 4% (từ 66,8 lên 69,8 triệu đồng/m2), chung cư trung cấp đã tăng 5% (từ 37,3 lên 39,1 triệu đồng/m2), chung cư bình dân đã tăng 1% (từ 24,8 lên 25,2 triệu đồng/m2). ‏

‏Còn ở TP HCM, giá bán chung cư cao cấp vẫn neo ở ngưỡng 87,5 triệu đồng/m2, chung cư trung cấp vẫn duy trì ở khoảng 43,5 triệu đồng/m2, chung cư bình dân giảm nhẹ 3% (từ 29,4 xuống 28,4 triệu đồng/m2).

Thứ hai, về pháp lý và chủ đầu tư, đa số người mua nhà hiện nay bên cạnh việc lo ngại về giá bán quá cao thì họ chủ yếu quan ngại về tính pháp lý của dự án và không tin vào tiềm năng sinh lợi. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ đã rà soát và gỡ vướng cho nhiều dự án trên cả nước, gần 500 dự án đã được giải quyết ở cả Hà Nội và TP HCM.‏

‏Trong bối cảnh lãi suất đã dần được điều chỉnh giảm (dù vẫn ở mức cao hơn so với trước đây), các chính sách thanh toán cũng ngày càng trở nên hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng.‏

‏Thứ ba, về vị trí và cơ sở hạ tầng. Theo chuyên gia, hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện hỗ trợ nhiều cho xu hướng giãn dân đô thị ở cả miền Bắc và miền Nam.‏

‏Thứ tư, về tâm lý thị trường. Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy lượng giao dịch chung cư có dấu hiệu cải thiện, đây vẫn là loại hình được kỳ vọng hồi phục tốt.

Có thể đảo chiều vào quý II năm tới

‏Theo khảo sát đơn vị này thực hiện với các môi giới chung cư - những người trực tiếp hỗ trợ giao dịch trên thị trường, tỷ lệ môi giới phản hồi rằng lượng giao dịch giảm mạnh đã giảm từ 50% (quý I) xuống 40% (quý III). ‏

‏Đồng thời, tỷ lệ môi giới phản hồi lượng giao dịch ổn định đã tăng từ 15% (quý I) lên 20% (quý III). Tỷ lệ môi giới phản hồi lượng giao dịch tăng khoảng 10 - 50% đã tăng từ 6% (quý I) lên 75 (quý III).‏

‏Dự đoán về thời điểm hồi phục của thị trường chung cư, 26,9% số môi giới tham gia khảo sát lựa chọn quý IV/2023 và 24,2% lựa chọn quý I/2023. ‏

‏Song, dưới góc độ đơn vị nghiên cứu thị trường, ông Lê Bảo Long nhận định: “Dựa trên sự phân tích tổng hợp từ các yếu tố tác động đến phân khúc chung cư nêu trên, tôi cho rằng thị trường này sẽ hồi phục nhanh hơn các loại hình bất động sản khác và thời điểm “đảo chiều” rơi vào khoảng quý II/2024”‏.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai và thông tin nhà ở 

Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã xây dựng "giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” tại văn bản hướng dẫn về “Quy trình làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở tại Hà Nội và Hà Nam thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06/CP”...

Theo báo cáo, hiện nay tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó, có 219/705 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác.

Riêng với dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Dự án VILG) đã hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai của 231 đơn vị cấp huyện tại 28 tỉnh, thành phố (với đầy đủ 4 thành phần: địa chính, thống kê kiểm kê đất đai, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất và giá đất).

Về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục triển khai thực hiện các Đề án xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành về tài nguyên và môi trường như khí tượng thủy văn, môi trường, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, viễn thám...

Ngoài ra, Bộ đang thực hiện triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng, hoàn thiện Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (giai đoạn 1)”. Trong năm 2023-2024 ,tập trung xây dựng, đưa vào vận hành Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS).

Đến năm 2025- 2026, cơ bản hoàn thiện các quy định kỹ thuật; các nền tảng, dịch vụ tích hợp, quản lý, chia sẻ sử dụng cơ sở dữ liệu, dữ liệu mở ngành tài nguyên và môi trường dùng chung, bảo đảm dữ liệu cho công tác quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ và giải quyết thủ tục hành chính cho phát triển kinh tế xã hội, phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Liên quan đến triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Bộ đã ban hành Kế hoạch năm 2023, kiện toàn Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ban hành quy trình và kế hoạch làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ cũng hướng dẫn thu thập, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở phục vụ làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai kết nối, chia sẻ 18 trường thông tin dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, đã kết nối 63/63 tỉnh, thành phố với dữ liệu của 461/705 đơn vị cấp huyện, 6.198/10.599 đơn vị cấp xã với tổng số hơn 26 triệu thửa đất.

Về xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhà ở, giao dịch bất động sản, Bộ đã hoàn thành “Xây dựng giải pháp làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia” tại văn bản hướng dẫn về “Quy trình làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở tại TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam thực hiện nhiệm vụ của Đề án 06/CP”.

Bộ cũng đã ban hành hướng dẫn chi tiết “Thu thập, xác minh, cập nhật, làm sạch dữ liệu đất đai, nhà ở” (phục vụ làm điểm tại Tp.Hà Nội) và hướng dẫn, phối hợp triển khai làm điểm việc làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở trong cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (phiên bản 3.0, phục vụ làm điểm tại tỉnh Hà Nam).

Ngoài ra, Cục Chuyển đổi số và thông tin dữ liệu tài nguyên môi trường đã phối hợp với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư; các bộ, đơn vị liên quan và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục triển khai đồng loạt tại đơn vị cấp huyện trên địa bàn Hà Nội và Hà Nam, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Sở Xây dựng TP.HCM sẽ cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính

Chiều 4/10, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức họp báo công bố các thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Sở. Giải thích về thủ tục toàn trình và một phần, đại diện Sở Xây dựng cho biết: “toàn trình” là các thao tác thủ tục đã được tích hợp trên cổng dịch vụ trực tuyến, các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện trực tuyến không cần đến Sở Xây dựng. Còn các thủ tục “một phần” là chưa tích hợp đủ các bước thao tác trên cổng.

17 THỦ TỤC CÓ THỂ “LÀM TẠI NHÀ”

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, cơ quan này sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 22 thủ tục hành chính, gồm 17 thủ tục hành chính trực tuyến toàn trình và 5 thủ tục hành chính trực tuyến một phần trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính thành phố, tại địa chỉ: https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/

Trong đó, 17 thủ tục toàn trình sẽ được thực hiện cho các lĩnh vực: vật liệu xây dựng; hoạt động xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; 5 thủ tục một phần thuộc các lĩnh vực: hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; nhà ở và công sở.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở Xây dựng TPHCM đã tiếp nhận 13.276 hồ sơ nộp qua cổng dịch vụ công (phần lớn theo hình thức một phần mà chưa đạt đủ các bước toàn trình, do người dân còn chưa thực hiện được nhiều thủ tục trực tuyến). Trong đó, Sở đã giải quyết 12.467 hồ sơ, đang giải quyết trong hạn là 809 hồ sơ.

Hiện Sở Xây dựng đang có 54 thủ tục được áp dụng quy trình giải quyết thủ tục hành chính đạt Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Mọi thắc mắc về thủ tục, người dân có thể gọi vào đường dây nóng của Sở Xây dựng để được hướng dẫn: 028.3932.0575

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

1. TP.HCM phát triển 35.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội TP.HCM dự kiến khoảng 2,5 triệu m2, tương đương khoảng 35.000 căn; phấn đấu nhà ở cho thuê đạt 7.000 căn hộ, nhà ở lưu trú công nhân đạt 4.500 căn hộ…

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về việc triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2025. Giai đoạn 2016-2020, thành phố đã xây dựng, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội, quy mô 14.954 căn hộ.

Đối với nhà ở lưu trú công nhân, đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 1 dự án, quy mô 1.449 phòng. Giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội dự kiến khoảng 2,5 triệu m2, khoảng 35.000 căn nhà. Trong đó, nhà ở cho thuê phấn đấu đạt khoảng 7.000 căn hộ; nhà ở lưu trú công nhân phấn đấu đạt khoảng 4.500 căn hộ.

Kết quả đến quý 2-2023, Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 dự án, quy mô 623 căn hộ. Có 6 dự án nhà ở xã hội (với quy mô 3.956 căn hộ) và 1 dự án nhà lưu trú công nhân (1.040 căn) đang thi công. Hiện còn 82 dự án đang được theo dõi trong kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành các thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng để đưa vào đầu tư xây dựng khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội, tương ứng 2,5 triệu m2 sàn theo kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố.

Hiện, UBND TP.HCM đã báo cáo Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung các vấn đề như xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp pháp khác và việc phân bổ các chi phí này vào quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội khi chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện bàn giao quỹ đất ở 20% cho Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội; hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội khi điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; hướng dẫn xác định thành viên của hộ gia đình để xét đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.

TP.HCM đang triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (hiệu lực từ 01/8/2023). Vận dụng các cơ chế, chính sách mới từ Nghị quyết 98, các khó khăn, vướng mắc trước đó được Thành phố nỗ lực tháo gỡ, trong đó có các dự án nhà ở xã hội.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hầu hết các dự án đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Các bước thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm các thủ tục như thẩm định giá bán nhà ở xã hội, xác nhận đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức.

Một nguyên nhân nữa khiến các dự án nhà ở xã hội “bất động” sau động thổ, đó là chủ đầu tư chưa thực sự chủ động về nguồn vốn, nên tiến độ thi công kéo dài. Việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại một số dự án nhà ở xã hội rất khó khăn, tiến độ thực hiện dự án chậm, thậm chí không thực

Click để đọc chi tiết về bài viết!

 

 Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

Tin tức bất động sản về phân tích nhận định của chuyên gia thang 9/2023

Tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 9/2023

Tin tức bất động sản về pháp luật tháng 9/2023

Tin tức bất động sản về thị trường tháng 9/2023

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan