Tin tức
19/04 2024

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 15/4 đến 20/4/2024

  • 61
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 15/4 đến 20/4/2024 gồm các tin chính sau:

  1. Căn hộ giá bình dân thiếu hụt, nhà biệt thự liền kề vẫn tăng nguồn cung
  2. Người dân vay mua nhà đất thấp nhất 5 năm
  3. Thị trường bất động sản phục hồi rõ nét trong quý 1/2024
  4. Giá nhà tăng chóng mặt, vượt xa thu nhập, người nghèo cả đời không mua nổi
  5. Đại gia Đường "bia": "Làm nhà ở xã hội phải phù hợp... chứ không thể người có nhu cầu ở trung tâm Hà Nội mà lại làm tại Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở"
  6. Phát triển nhà xã hội - bài 2: Thủ tục đè nặng nhà đầu tư
  7. Chuyên gia lo thị trường chung cư có bong bóng
  8. Kịch bản nào cho thị trường bất động sản quý 2/2024?
  9. Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý hành vi thổi giá chung cư
  10. Chủ dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Giấy cho người mua có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng
  11. TP.HCM: 85.300 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai
  12. Hà Nội đầu tư cải tạo, xây mới 38 chợ trong giai đoạn 2024-2025 

tin-tuc-bat-dong-san-tuan-3-thang-4.2024

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Căn hộ giá bình dân thiếu hụt, nhà biệt thự liền kề vẫn tăng nguồn cung 

Trong khi nhà biệt thự liền kề ở Hà Nội vẫn tăng nguồn cung thì những căn hộ giá bình dân với nhu cầu ở thực rất lớn vẫn thiếu hụt, đặc biệt căn hộ có giá dưới 30 triệu đồng/m2.

Thị trường Hà Nội thiếu hụt căn hộ giá bình dân

Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp Cao, Bộ Phận Nghiên Cứu và Tư Vấn, Savills Hà Nội loại hình nhà ở bình dân có sự thiếu hụt về sản phẩm dưới 30 triệu VNĐ/m2, các sản phẩm này chỉ chiếm 4% nguồn cung mới và được bán hết.

Các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng chiếm 47% thị phần. Các căn hộ có giá trên 4 tỷ VNĐ chiếm 49% thị phần.

Giá sơ cấp tăng cùng với nguồn cung sơ cấp giảm tạo điều kiện cho giá thứ cấp tăng. Các sản phẩm thứ cấp phần lớn đã sẵn sàng để ở, có pháp lý đầy đủ và có giá cả phải chăng hơn.

Trong năm 2024, 12 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 2 dự án sẽ cung cấp 12.300 căn. Hạng B sẽ chiếm 87% thị phần; các quận/huyện Nam Từ Liêm, Hà Đông và Đông Anh sẽ cung cấp 82% thị phần.

Các luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển. Từ năm 2025 trở đi, sẽ có khoảng 84.400 căn hộ từ 101 dự án sẽ được mở bán.

Sản phẩm tại các tỉnh lân cận sẽ ngày càng đáp ứng nhu cầu nhà ở của Hà Nội. Hưng Yên và Bắc Ninh sẽ cung cấp khoảng 203.000 căn hộ từ năm 2024 đến sau 2026. Cải thiện cơ sở hạ tầng, sản phẩm giá cả phải chăng và tiện ích đa dạng là những yếu tố thành công then chốt.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Người dân vay mua nhà đất thấp nhất 5 năm

Dư nợ cho vay tiêu dùng - tự sử dụng bất động sản chỉ tăng hơn 1% năm 2023, mức thấp nhất 5 năm qua, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tin này nêu tại báo cáo Ngân hàng Nhà nước gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội 2015-2023.

Tín dụng bất động sản, gồm cho vay tiêu dùng và kinh doanh, chiếm khoảng 15-21% tổng dư nợ nền kinh tế.

Thông thường, vay kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 30% và tiêu dùng là 70% tổng dư nợ tín dụng rót vào địa ốc. Nhưng năm ngoái tỷ trọng này lần lượt là 38% và 62%. Tức, nhu cầu vay mua nhà đất giảm.

Việc này cũng được thể hiện qua con số tăng trưởng tín dụng giữa nhu cầu vay kinh doanh và tiêu dùng. Cụ thể, năm ngoái, tín dụng vay kinh doanh tăng hơn 35%, còn tiêu dùng chỉ thêm 1% - mức thấp nhất 5 năm qua.

Diễn biến này cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi đó, người dân không có nhu cầu vay mua nhà đất.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng nêu thị trường bất động sản chưa có nguồn vốn dài hạn ổn định dành cho các doanh nghiệp, dự án. Bởi, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lĩnh vực này tăng nhanh, từ 24% lên 34% sau 8 năm.

Điều này khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro kỳ hạn khi cho vay. Lý do, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn. "Chênh lệch kỳ hạn có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi người vay không trả nợ đúng hạn", báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu.

Để có thêm nguồn lực, kênh huy động vốn dài hạn cho bất động sản, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính rà soát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Các chủ đầu tư cũng cần có giải pháp chủ động về dòng tiền, nâng cao năng lực tài chính để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vay ngân hàng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản có xu hướng tăng nhanh trong 8 năm qua. Đơn cử, dư nợ này đạt 400.000 tỷ đồng vào 2015-2016. Sau đó một năm, mức này lên 529.000 tỷ, tương đương tăng trên 9,2%

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát (2020 - 2021), tín dụng lĩnh vực này vẫn thêm lần lượt trên 12% và 15,7%. Đến cuối năm ngoái, tăng trưởng tín dụng bất động sản đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 11,8%.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Thị trường bất động sản phục hồi rõ nét trong quý 1/2024

Đối với phân khúc nhà ở, nguồn cung quý 1/2024 đạt 20.541 sản phẩm, trong đó có 4.300 sản phẩm mới hoàn toàn. Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận 6.200 giao dịch, tăng 8% so quý 4/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ tiếp tục cải thiện, đạt 31%, tăng 5% so quý 4/2023 và 19% so với cùng kỳ năm 2023…

Tại hội nghị công bố Báo cáo thị trường bất động sản Việt Nam quý 1/2024 và dự báo quý 2/2024, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) đánh giá, thị trường bất động sản Việt Nam đã có chuyển biến tích cực hơn.

THÊM 4.300 SẢN PHẨM NHÀ Ở MỚI 

Mặt khác, quý này cũng ghi nhận 6.200 giao dịch, tăng 8% so quý 4/2023 và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hấp thụ tiếp tục cải thiện, đạt gần 31%, tăng 5% so quý 4/2023 và 19% so với cùng kỳ năm 2023. Những dự án căn hộ chung cư giá dưới 50 triệu đồng/m2 gần như “ra là hết”. Đặc biệt, tại Hà Nội, phân khúc căn hộ chung cư giao dịch rất nhộn nhịp.

Về giá bán, bà Miền nhận định giá sơ cấp duy trì xu hướng ổn định, mức tăng khoảng 2-3% so quý trước. Trong đó, dự án thấp tầng mới ra có mức giá hợp lý, riêng phân khúc căn hộ giữ xu hướng tăng.

Tương tự, ở phân khúc đất nền, nhiều khu vực ghi nhận lượng giao dịch tăng “đột biến”, nhất là các lô đất đã tách thửa. Thị trường xuất hiện nhiều nhà đầu tư đi “săn” tại khu vực vùng ven của những thành phố lớn, địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao. Tuy mức giá giao dịch thành công giảm 20-30 so với đỉnh sốt, nhưng đã đi vào ổn định và không có dấu hiệu giảm giá. So với quý 4/2023, giá đã tăng 5%, cá biệt thị trường ven Hà Nội và gắn liền với khu công nghiệp ghi nhận mức tăng 10-20%.

 QUÁ TRÌNH PHỤC HỒI SẼ DIỄN TIẾN TÍCH CỰC

Theo lãnh đạo Vars, thời gian tới, Chính phủ cùng các cơ quan, Bộ ngành liên quan sẽ  nỗ lực hoàn thiện để ban hành Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản sớm nhất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc tháo gỡ khó khăn, phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Các động thái mới dự báo ngày càng sâu sát hơn.

Ngoài ra, để hỗ trợ thị trường, lãi suất ngân hàng vẫn duy trì ổn định ở mức thấp, tạo cơ sở cho dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng tìm đến các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, nhất là sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao, tiềm năng sinh lời lớn; Tiếp tục thúc đẩy quy hoạch địa phương, chú trọng giải ngân đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, so với giai đoạn trước, nhà đầu tư có thể dành nhiều thời gian hơn để cân nhắc quyết định xuống tiền đầu tư “đón sóng” hạ tầng.

Đại diện Vars cũng cho rằng quá trình phục hồi của thị trường bất động sản sẽ diễn tiến theo chiều hướng tích cực. Mọi sự chuyển biến diễn ra từ từ, ổn định dựa trên đà phục hồi và tích lũy trước đó, cùng sự hậu thuẫn từ tăng trưởng kinh tế, lẫn sự phát triển của đô thị hóa. Tuy nhiên, kết quả phục hồi có sự phân hóa theo phân khúc và khu vực.

Bên cạnh đó, sau khi trải qua “trận ốm thập tử nhất sinh”, chủ thể tham gia thị trường còn tồn tại sẽ có “kháng thể”. Số lượng chủ thể sẵn sàng “tái nhập cuộc” tiếp tục tăng mạnh, nhiều dự án được kickoff, giới thiệu, mở bán ra thị trường. Số lượng sàn giao dịch, môi giới bất động sản quay trở lại hoạt động dự kiến tăng thêm 30-40%; khách hàng/nhà đầu tư tìm về kênh bất động sản cũng tăng theo; ngân hàng cũng rục rịch nhập cuộc để chuẩn bị cho giai đoạn chạy đua cùng các chính sách cho vay. Dòng tiền từ một số kênh khác sẽ “mạnh dạn” tìm về thị trường bất động sản với số lượng nhiều hơn cùng khả năng tiếp cận “thuận lợi” hơn.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Giá nhà tăng chóng mặt, vượt xa thu nhập, người nghèo cả đời không mua nổi 

Giá nhà ở các thành phố lớn ngày càng vượt xa thu nhập người dân, khiến giấc mơ có chốn an cư của người nghèo ngày càng xa vời, khó thành hiện thực.

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 của Công ty PropertyGuru Việt Nam, sau 6 năm, tốc độ tăng giá trung bình của chung cư ở Hà Nội lên đến 70%. Cụ thể, chung cư ở Hà Nội có giá trung bình 46 triệu đồng/m2, trong khi giá chung cư TP.HCM là 48 triệu đồng/m2.

Thời điểm đầu năm 2018, giá rao bán chung cư Hà Nội và TP.HCM mới chỉ là 27 và 31 triệu đồng/m2. 

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Đại gia Đường "bia": "Làm nhà ở xã hội phải phù hợp... chứ không thể người có nhu cầu ở trung tâm Hà Nội mà lại làm tại Hoài Đức, Sóc Sơn thì không ai ở"

Để tháo gỡ khó khăn về phát triển nhà ở xã hội, theo ông Đường, điều quan trọng nhất phải thực hiện nghiêm túc Luật Nhà ở, công bố quỹ đất. Nếu có quỹ đất, doanh nghiệp có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng.

Tại buổi tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội" do báo Tiền Phong tổ chức, ông Nguyễn Hữu Đường (hay còn gọi Đại gia Đường "bia") - Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình cho biết, bản thân doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa là chủ xây dựng. Về luật, ông Đường nhận thấy không có gì vướng mắc, thậm chí rất thoáng. Tuy nhiên, vấn đề quỹ đất vẫn còn nhiều khó khăn.

Cụ thể, doanh nghiệp muốn có quỹ đất thì việc đầu tiên là UBND tỉnh, thành phố phải có quỹ đất được giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, riêng TP Hà Nội, 10 năm nay chưa có quỹ đất sạch nào để đấu thầu chủ đầu tư trong nội thành.

Ông Đường khẳng định: "Nếu không có đất, không thể làm nhà ở xã hội". Ông cho biết thêm, hiện doanh nghiệp có 2 khu đất tại Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội). 

"Chúng tôi mua đất định làm nhà ở thương mại bởi nhà ở thương mại bán kiếm tiền dễ hơn. Thế nhưng tháng 11/2021, TP Hà Nội kêu gọi khuyến khích kêu gọi nhà ở xã hội nên tôi xin chuyển sang làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, dự án đã trải qua nhiều lần lấy ý kiến các sở ban ngành, lấy ý kiến Sở TN&MT xem xét đất ở đây có làm nhà ở xã hội hay không? Hiện 1 cái được cấp chủ trương từ 24/4/2023 nhưng thủ tục vẫn chưa xong. Còn 1 dự án UBND TP Hà Nội vẫn chưa cấp chủ trương đầu tư", Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình cho hay.

Ông Đường cho biết thêm, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật đất đai mới đây có nhiều thông thoáng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ông Đường cho rằng, vốn vay chưa quan trọng bằng quỹ đất. "Vừa rồi, tôi gửi văn bản cho Thủ tướng nêu vấn đề quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là phải có đất, còn tiền thì ưu tiên cho người mua vay. Chúng tôi làm nhà ở xã hội thì người dân xếp hàng mua. Chủ đầu tư vay cũng được, không vay cũng được vì làm xong móng thôi người ta đã xếp hàng mua rồi", ông Đường nói. 

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Phát triển nhà xã hội - bài 2: Thủ tục đè nặng nhà đầu tư

Gần 2 năm mới xong đấu thầu 1 dự án

Ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng, phải giảm bớt trình tự thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH. Hiện một dự án đầu tư xây dựng NƠXH phải đấu thầu theo quy định của Luật Nhà ở 2023 mất đến hơn 600 ngày. Như vậy là quá dài, chưa kể trước đó phải qua các bước đề xuất chủ trương đầu tư, lập quy hoạch... "Nếu thực hiện thủ tục từ đầu phải mất 3-5 năm, tùy thuộc quy mô dự án", đại diện Sở Xây dựng nói.

Ngoài ra còn có vướng mắc về sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển NƠXH có quy mô sử dụng dưới 10 ha. Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, pháp luật hiện hành chưa quy định, hướng dẫn sử dụng khoản tiền thu được từ chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại nộp tương đương quỹ đất ở tại dự án để đầu tư xây dựng NƠXH.

Theo ông Thành, về cơ chế, ưu đãi xây dựng NƠXH, trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 49/2021/NĐ-CP quy định chủ đầu tư dự án NƠXH được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 không còn nội dung nêu trên, chỉ quy định được UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực.

Về chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay NƠXH, nhà ở công nhân, đại diện Sở Xây dựng thống kê, Hà Nội mới chỉ có 5 dự án NƠXH đủ điều kiện vay; các chủ đầu tư dự án phải đảm bảo 4 điều kiện, cộng thêm thời gian cho vay đối với chủ đầu tư ngắn (trong 3 năm), mức lãi suất cho vay còn cao (khoảng 9%/năm) nên không hấp dẫn...

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Chuyên gia lo thị trường chung cư có bong bóng

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa lo ngại giá chung cư tăng nóng trong khi nhà ở xã hội triển khai chậm có thể khiến thị trường nhà ở gặp khủng hoảng.

Tọa đàm đầu tư bất động sản do Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức sáng 12/4 đề cập tình trạng phân khúc chung cư vẫn tăng trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa hết khó khăn. TS Lê Xuân Nghĩa gọi đây là hiện tượng "chung cư một mình một ngựa".

Ông dẫn chứng, nhiều khu vực tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh hơn 30%, thấp nhất cũng tăng 15%. Ví dụ, chung cư tại Khu đô thị Ciputra, quận Hồ Tây giờ hơn trăm triệu đồng mỗi m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City, quận Nam Từ Liêm cũng trên 60 triệu đồng mỗi m2, thậm chí hơn 80 triệu đồng một m2.

Ông Nghĩa nói đây là "tốc độ đáng sợ" và "không tưởng tượng được ai sẽ mua được" khi giá liên tục leo thang. Lý do chung cư tăng nóng thời gian qua, theo ông, do cung cầu không còn cân đối, thậm chí đi ngược hướng vì cung liên tục giảm. Rổ hàng mới duy trì khan hiếm thời gian qua khiến nhu cầu dồn nén. Kết quả là giá nhà liên tục tăng.

Nguồn hàng sơ cấp hạn chế cũng kéo nguồn cung trên thị trường thứ cấp sụt giảm bởi nhóm người có nhà không muốn bán. "Ai cũng nghĩ giá nhà còn lên nữa nên không bán làm nguồn cung ách tắc khiến thị trường nguy cơ bong bóng", ông Nghĩa nói.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Kịch bản nào cho thị trường bất động sản quý 2/2024?

Thị trường bất động sản quý 2/2024 được dự báo sẽ có nguồn cung mới tăng từ 20 - 30%, giá bán tăng 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chung đạt 30% - 35%...

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (DXS - FERI), quý 2/2024, về tổng thể, dù còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đang vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, bắt đầu ghi nhận những động thái tích cực hơn. Trong đó, tất cả loại hình bất động sản đều có sự cải thiện của nguồn cung mới.

Đối với văn phòng cho thuê, dự báo nguồn cung sẽ đạt mức 2,15 triệu m2 sàn ở khu vực Hà Nội, tăng 2% theo quý; và 2,7 triệu m2 sàn ở khu vực TP.HCM, tăng 4% theo quý. Giá thuê bình quân duy trì ổn định theo quý ở khu vực Hà Nội với mức 21,5 USD/m2, còn giá thuê ở khu vực TP.HCM tăng 5%, đến 34 USD/m2. Tương tự, tỷ lệ lấp đầy bình quân ghi nhận sự gia tăng nhẹ ở cả 2 thị trường với 86% ở thị trường Hà Nội (tăng 1 điểm % theo quý) và 91% ở thị trường TP.HCM (tăng 1 điểm % theo quý).

Trong khi đó, nguồn cung mặt bằng bán lẻ duy trì mức 1,8 triệu m2 sàn ở khu vực Hà Nội và tăng lên 1,53 triệu m2 sàn ở khu vực TP.HCM, tăng 3% theo quý. Giá thuê bình quân duy trì ổn định trên hai khu vực với mức 46 USD/m2 ở thị trường Hà Nội; và 53 USD/m2 ở TP.HCM. Tỷ lệ lấp đầy bình quân có gia tăng ở thị trường Hà Nội là 86% (tăng 1 điểm % theo quý) và 90% ở thị trường TP.HCM.

Bất động sản công nghiệp cũng tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, khu vực miền Bắc dự kiến có thêm 15.000 ha, tăng 3% theo quý. Khu vực miền Nam dự kiến bổ sung thêm 27.900 ha, tăng 1% theo quý. Nhu cầu thuê mới sẽ đến từ sự phục hồi của ngành sản xuất, đơn hàng phục vụ xuất khẩu tăng và sự gia nhập bởi nhiều doanh nghiệp FDI mới. Tỷ lệ lấp đầy ổn định tại khu vực miền Bắc và tăng rất nhẹ  (khoảng 1 điểm %) tại khu vực miền Nam. Giá thuê ở mức cạnh tranh so với các thị trường trong khu vực.

Đáng chú ý là bất động sản nhà ở trong quý 2/2024, ước tính nguồn cung mới tăng thêm 25% so với quý 1/2024, chủ yếu đến từ những dự án đã mở bán, hoặc đã khởi công vào giai đoạn trước đó. Dự kiến nguồn cung sản phẩm mới (chỉ thống kê từ các dự án đã có kế hoạch mở bán) vào khoảng 4.500 sản phẩm, đưa tổng nguồn cung tích lũy toàn thị trường lên 45.200 sản phẩm.

Theo các chuyên gia DXS-FERI, thị trường bất động sản hiện có nhiều dấu hiệu tích cực và được đánh giá đang trên đà phục hồi. Thị trường có thể dần phục hồi từ đáy chữ U, tuy nhiên, thời gian phục hồi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào các yếu tố tác động cả vĩ mô lẫn vi mô.

Dự báo, thị trường bất động sản quý 2/2024 (phân khúc bất động sản nhà ở) có thể rơi vào một trong các kịch bản: lý tưởng, kỳ vọng hay thách thức. Trong kịch bản này, nguồn cung tăng 30% - 40%, lãi suất thả nổi từ 8% - 10%, giá bán tăng 10% - 20%, tỷ lệ hấp thụ đạt 40% - 50%. Còn kịch bản kỳ vọng, nguồn cung tăng 20% - 30%, đồng thời lãi suất thả nổi từ 9% - 11%, giá bán tăng 3% - 5%, tỷ lệ hấp thụ đạt 30% - 35%. Ở kịch bản thách thức, nguồn cung tăng 10% - 20%, lãi suất thả nổi từ 10% - 12%, giá bán đi ngang, tỷ lệ hấp thụ đạt 25% - 30%.

Nhưng căn cứ dữ liệu phân tích thị trường tính đến ngày 31/3/2024, chuyên gia DXS-FERI nghiêng về kịch bản kỳ vọng. Cụ thể, thị trường bất động sản quý 2 sẽ có nguồn cung mới tăng khoảng 20 - 30%, giá bán tăng nhẹ 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chung đạt từ 30% - 35%.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Bộ Xây dựng yêu cầu xử lý hành vi thổi giá chung cư

Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội chấn chỉnh, xử lý hành vi đầu cơ, thổi giá chung cư, báo cáo bộ trước ngày 20/4.

Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh giá chung cư Hà Nội tăng nóng từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Bộ Xây dựng yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra những dự án, khu chung cư tăng giá bất thường. Nếu có hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm Luật kinh doanh bất động sản, Hà Nội cần chấn chỉnh, xử lý, báo cáo bộ trước ngày 20/4.

Ghi nhận của VnExpress cho thấy phần lớn các phân khúc chung cư đều leo thang, nhất là những khu chung cư giá rẻ, mở bán từ 10-15 triệu đồng mỗi m2 chục năm trước. Nhiều người bán liên tục thay đổi giá theo ngày, cùng với khoản chênh 100-200 triệu đồng khi môi giới rao bán lại khiến thị trường rơi vào cảnh loạn giá.

Dữ liệu của CBRE cho biết giá bán căn hộ mới tại Hà Nội tăng 19%, đạt trung bình 56 triệu đồng mỗi m2, chưa gồm VAT và phí bảo trì. Trên thị trường thứ cấp, giá bán chung cư chuyển nhượng cũng tăng cao nhất từ trước đến nay, tăng 17% theo năm.

Đà tăng ghi nhận ở hầu hết quận, tập trung ở khu vực phía Tây. Trung bình giá chung cư cũ ở thủ đô đã đạt hơn 36 triệu đồng mỗi m2. CBRE đánh giá chung cư mới và thứ cấp ở Hà Nội đang dần tiệm cận với giá TP HCM.

Khảo sát mới đây của VnExpress với hơn 3.400 độc giả cho thấy gần một nửa người tham gia đánh giá chung cư Hà Nội đang bị "thổi cao" hơn giá trị sử dụng thật. Nhiều người mua nhà lùi hoặc không muốn mua nữa khi chung cư liên tục bị đẩy giá đầu năm nay. Một số chuyên gia trong ngành đã lên tiếng cảnh báo phân khúc chung cư nguy cơ bong bóng vì tăng giá đột biến trong thời gian ngắn.

Theo Nghị định 52, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, các chỉ số về giá, Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản quản lý và công bố. Khi thị trường diễn biến nóng về giá bán các phân khúc, cơ quan này của Bộ sẽ cùng các địa phương thực hiện giải pháp điều tiết.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Chủ dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ làm thủ tục cấp Giấy cho người mua có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng

Tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận… thời gian từ 12 tháng trở lên có thể bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng...

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và lấy ý kiến các tổ chức và cá nhân.

Theo Dự thảo, tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 8 Điều 39 của Luật Nhà ở và khoản 3 Điều 17 của Luật kinh doanh bất động sản thì hình thức và mức xử phạt tương ứng với thời gian và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng tới 1 tỷ đồng.

Thứ nhất, trường hợp từ 50 ngày đến 6 tháng, sẽ phạt tiền từ 10- 30 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Mức phạt tiền từ 30- 50 triệu đồng với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Trường hợp trong một dự án mà chủ đầu tư vi phạm ở nhiều mức thời gian khác nhau với các căn hộ, công trình, thửa đất khác nhau thì tính tiền phạt theo từng mức phạt quy định của Nghị đinh nhưng tổng số tiền phạt không được vượt quá 1 tỷ đồng.

Trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên có thể bị phạt tiền từ 50- 100.000.000 đồng.

Thứ hai, thời gian từ trên 6 tháng đến 9 tháng có thể phạt tiền từ 30- 50 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Phạt tiền từ 50- 100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất. Phạt tiền từ 100- 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

Thứ ba, trường hợp từ trên 9 tháng đến 12 tháng, có thể bị phạt tiền từ 50- 100 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

Mức phạt sẽ tăng lên từ 100- 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.

Trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên có thể sẽ bị phạt tiền từ 300- 500 triệu đồng.

Thứ tư, trong trường hợp từ 12 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100- 300 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.

Phạt tiền từ 300- 500 triệu đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất.

Còn với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên, mức phạt cao nhất có thể từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. TP.HCM: 85.300 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai

TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai trong thời gian qua, tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng…

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa gửi Sở Xây dựng thành phố về chuẩn bị nội dung báo cáo Đoàn Giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

ĐÃ XỬ LÝ 90% ĐƠN THƯ THUỘC THẨM QUYỀN

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM có mật độ dân cư cao, đất đai có nguồn gốc đa dạng, phức tạp và luôn biến động, do đó, khối lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai rất lớn, phức tạp và kéo dài.

Qua thống kê, số lượng đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm khoảng 75% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Các vụ việc kiến nghị, khiếu nại, tố cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, toàn TP.HCM đã tiếp nhận và xử lý khoảng 85.300 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 65.200 đơn; không thuộc thẩm quyền giải quyết khoảng 20.100 đơn.

Về công tác tiếp dân liên quan đến đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, TP.HCM đã thực hiện hơn 147.000 lượt tiếp công dân. Trong đó, tiếp thường xuyên hơn 128.000 lượt, lãnh đạo tiếp hơn 19.000 lượt.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết hàng năm, các cơ quan thuộc UBND thành phố như: Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố và UBND cấp huyện đều phối hợp rà soát, ban hành và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, UBND TP.HCM có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các Đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn thành phố đã thực hiện hơn 700 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra TP.HCM đã tiến hành 46 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai; thanh tra của các quận, huyện và TP.Thủ Đức tiến hành 104 cuộc; thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố tiến hành 51 cuộc thanh tra và gần 500 cuộc kiểm tra chuyên ngành về quản lý sử dụng đất.

Bên cạnh đó, thanh tra Chính phủ, kiểm toán Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường hàng năm đều ban hành các kế hoạch thanh tra và thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố theo kế hoạch hoặc đột xuất.

“ĐIỂM NÓNG” XÁC ĐỊNH GIÁ ĐẤT

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiều dự án trên địa bàn TP.HCM trải qua nhiều năm chưa giải quyết xong nghĩa vụ tài chính về đất đai, gây nhiều hệ lụy, kéo dài ảnh hưởng nhiều mặt đến sự phát triển đô thị trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và người dân liên quan chưa đảm bảo kịp thời.

Việc xác định giá đất chậm trễ là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bức xúc của người dân, doanh nghiệp, có nguy cơ tạo ra những điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết trong quá trình lập quy hoạch, chưa xác định được thời gian, tiến độ xây dựng các công trình của các ngành và các địa phương đã đăng ký,

Theo đó, đến hết năm 2020 còn có 562 công trình, dự án đã đăng ký có nhu cầu sử dụng đất nhưng chưa thực hiện. Trong đó, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (có 117 dự án), lĩnh vực thương mại, dịch vụ (có 18 dự án), lĩnh vực phát triển đô thị (có 73 dự án), lĩnh vực giáo dục - đào tạo (có 29 dự án), lĩnh vực công nghiệp (có 31 dự án)...

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng tiềm năng, lợi thế của TP.HCM trong lĩnh vực đất đai chưa được khai thác hiệu quả, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực dẫn dắt của thành phố đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm. Vì vậy, cũng đã xuất hiện tâm lý mất niềm tin từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, của người dân, làm giảm việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai trong đầu tư phát triển.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

Hà Nội đầu tư cải tạo, xây mới 38 chợ trong giai đoạn 2024-2025

Giai đoạn 2024 - 2025, TP.Hà Nội sẽ đầu tư xây mới 17 chợ (năm 2024 hoàn thành 5 chợ, năm 2025 hoàn thành 12 chợ). Ngoài ra còn cải tạo, sửa chữa và nâng cấp 21 chợ…

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 110 thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025.

Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư cải tạo hệ thống chợ thuộc khu vực đô thị trên địa bàn thành phố, thực hiện tốt Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 6/2/2023 của Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy có hiệu quả thiết thực, phù hợp định hướng chung phát triển hạ tầng thương mại; từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ, góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ trên địa bàn thành phố một cách tổng thể, đồng bộ.

Theo đó, giai đoạn 2024-2025, thành phố đầu tư xây mới 17 chợ (năm 2024 hoàn thành 5 chợ, năm 2025 hoàn thành 12 chợ). Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm dự kiến  có 4 chợ; huyện Thanh Trì 3 chợ; quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông 2 chợ; quận Tây Hồ, huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng và thị xã Sơn Tây đều có 1 chợ.

Ngoài ra, Hà Nội còn đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lại 21 chợ (năm 2024 hoàn thành 10 chợ, năm 2025 hoàn thành 11 chợ). Các chợ chủ yếu tập trung tại quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên…

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo các tin tức bài viết liên quan

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 03 năm 2024

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 03 năm 2024

Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 03 năm 2024

Tin tức tổng hợp chính sách pháp luật về bất động sản tháng 03 năm 2024

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan