Tin tức
09/03 2024

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 04/3 đến 09/3/2024

  • 215
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 04/3 đến 09/3/2024 gồm các tin chính sau:

  1. Không thể cầm cự, gần 2.300 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động từ đầu năm tới nay
  2. Lý do giá căn hộ chung cư tăng mạnh
  3. Chủ tịch Quốc hội: Có TikToker phân tích luật Đất đai hàng trăm nghìn người xem
  4. Thị trường BĐS bán lẻ đang hồi phục và duy trì mức tăng trưởng tốt
  5. Nhu cầu về nhà ở ngày càng trở nên “xa xỉ”
  6. Hà Nội sẽ sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn
  7. Đề xuất quy định về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
  8. Sẽ có quy định mới về cấp sổ đỏ theo Luật đất đai 2024
  9. Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều tiết giá nhà ở
  10. Phát triển đô thị ven sông Sài Gòn: Cơ hội “chuyển mình” cho TP.HCM

tin-tuc-bat-dong-san-times-pro-tong-hop-tuan-01-thang-3.2024

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Không thể cầm cự, gần 2.300 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt động từ đầu năm tới nay

Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã có 2.280 doanh nghiệp bất động sản tạm dừng hoạt động có thời hạn.

Mới đây, Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm 2024, theo đó có 552 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, bằng 100,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản giải thể là 248, trong khi cùng kỳ con số này là 235. Đồng thời, doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động là 843 doanh nghiệp, tăng 38,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong 2 tháng vừa qua, có 2.280 doanh nghiệp bất động sản ngừng hoạt hoạt động, tăng 37,3% so với cùng kỳ.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Lý do giá căn hộ chung cư tăng mạnh 

Vì đâu giá nhà chung cư tăng mạnh?

Theo Người Lao Động , trong hơn một năm qua, dù lãi suất cho vay mua nhà xuống bằng một nửa so với thời kỳ đỉnh điểm, thị trường bất động sản nói chung gặp nhiều khó khăn nhưng giá căn hộ chung cư ở các thành phố lớn vẫn tăng cao. Nhiều người dân hiện nay gần như không thể mua được căn hộ với giá dao động từ 25-30 triệu đồng/m2 ở nội thành Hà Nội.

Theo dữ liệu tháng 1/2024 của chuyên trang Batdongsan.com.vn, căn hộ chung cư bình dân ở Hà Nội có giá trên dưới 30 triệu đồng/m2, tăng 2% so với tháng 12/2023, giá căn hộ trung cấp cũng tăng 2%, lên 30-50 triệu đồng/m2.

Cũng theo Batdongsan.com.vn, với những phân khúc đáp ứng nhu cầu thực như mua bán, cho thuê căn hộ thứ cấp hay mặt bằng bán lẻ nội đô, nhiều người môi giới bất động sản đã bắt tay vào công việc ngay sau nghỉ Tết. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu tăng khiến tình hình giao dịch thời điểm sau Tết ở những phân khúc này sôi động hơn.

Tương tự ở TP HCM, giá căn hộ chung cư bình dân tháng 1/2024 tăng tới 4%; giá chung cư trung cấp tăng 1% so với tháng 12/2023.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Công ty CP Bất động sản Toàn Cầu (GP Invest), nhận xét căn chung cư thời gian qua tăng giá một cách bất thường. Nguyên nhân là nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ rất lớn nhưng nguồn cung trên thị trường lại ít.

Ông Hiệp dẫn chứng dự án chung cư ở đường Đê La Thành, Hà Nội do công ty ông xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2012. Thời điểm đó, chủ đầu tư rao bán căn hộ với mức giá 26-28 triệu đồng/m2. Hơn 10 năm sau, giá căn hộ chung cư này đã được rao bán với mức 50 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với mức khởi điểm. Tương tự, dự án The Nice Tower, đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội, năm 2021, doanh nghiệp này rao bán với giá khởi điểm 42-46 triệu đồng/m2, sau 2 năm đã tăng lên 75-85 triệu đồng/m2.

Thu nhập của người dân không theo kịp tăng giá nhà

Theo VTV , giá một căn nhà chung cư tại nội thành Hà Nội hiện tương đương 45 năm thu nhập bình quân của người lao động. Hà Nội vì thế lọt vào nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới. Đây là công bố của NetCredit - nền tảng thuộc công ty công nghệ Enova International tại Mỹ vừa đưa ra.

Dự báo giá chung cư còn tăng cao trong năm 2024

Theo Bộ Xây dựng, với tốc độ tăng dân số và nhu cầu nhà ở hiện tại, mỗi năm, cả nước cần phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị, phục vụ các hộ gia đình thành thị mới.

Thị trường bất động sản từ đầu 2023 đến nay có nhiều phân khúc suy giảm hoặc "đóng băng", nhưng giá nhà chung cư vẫn tăng giá liên tục, hiện lên ngưỡng bình quân 53 triệu đồng/m2 tại Hà Nội.

Còn tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận sự chững lại, nhưng vẫn ở mức cao 61 triệu đồng/m2. Hiện các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất.

Để giải quyết thực trạng gía chung cư bỏ xa mức thu nhập của người dân và ngăn chặn đà tăng giá mạnh là rất khó. Bởi với các dự án bất động sản thì khâu chuẩn bị đầu tư thường kéo dài, khiến nguồn cung không thể có ngay lập tức.

Nhiều dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý; giá đất neo cao, chi phí vật liệu xây dựng tăng; chi phí thu hồi, giải phóng mặt bằng, đền bù cũng tăng... tất cả cộng vào đẩy giá thành căn hộ tiếp tục tăng cao.

Theo các chuyên gia bất động sản, nếu không cải thiện sớm nguồn cung thì áp lực gía nhà chung cư tại các đô thị lớn sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024 này. Việc tìm căn hộ sẽ càng khó khăn đối với người có thu nhập hạn chế, gia đình trẻ, gia đình từ vùng nông thôn về thành phố không chỉ trong năm nay, mà sẽ còn kéo dài qua các năm 2025 - 2026.

Sự thiếu hụt nguồn cung đang tiếp tục đẩy giá nhà tăng cao hơn nữa trong những năm tới. Rõ ràng đang rất cần những giải pháp mang tính tổng thể bởi theo thời gian các hộ gia đình thành thị mới sẽ ngày một nhiều hơn, không chỉ vì đô thị hóa mà còn từ yếu tố thay đổi văn hóa, đặc biệt là nhu cầu "ra ở riêng" của thế hệ trẻ tách từ các đại gia đình.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Chủ tịch Quốc hội: Có TikToker phân tích luật Đất đai hàng trăm nghìn người xem

Chủ tịch Quốc hội cho biết, một hiện tượng mới trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật là có sự tham gia của mạng xã hội.

Thông tin trên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu khi kết luận tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng 7/3.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, một hiện tượng mới trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật là có sự tham gia của mạng xã hội.

" Nhất là dự án Luật Đất đai, tôi theo dõi thấy mừng lắm. Có những Tiktoker, Blogger chỉ phân tích một điều luật mà một buổi lên sóng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Người ta tham gia để phân tích điểm mới của dự án luật này đối với từng đối tượng ", Chủ tịch Quốc hội nói.

Đề cập thêm vai trò của mạng xã hội trong việc truyền thông cho một số tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không có hiệu ứng mạng xã hội thì người dân cũng không biết đến phim Đào, Phở và Piano.

" Tôi thấy đây là kinh nghiệm để Bộ trưởng Tư pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cần phải nghiên cứu kỹ ", Chủ tịch Quốc hội gợi ý.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công cơ quan của Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thẩm tra kỹ lưỡng đối với báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện yêu cầu trong luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

" Tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết (gồm 29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư) và Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư ", Chủ tịch Quốc hội nói và yêu cầu công việc này phải bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với luật, nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định chi tiết không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, "giấy phép con" trái quy định trong tổ chức thực hiện.

Vẫn theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm và tính chủ động, tích cực của đội ngũ công chức, gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong thi hành pháp luật; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức.

" Chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật ", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Thị trường BĐS bán lẻ đang hồi phục và duy trì mức tăng trưởng tốt

Thị trường BĐS bán lẻ Tp.HCM đang hồi phục với sự duy trì mức tăng trưởng tốt về giá thuê nhờ sự gia nhập và mở rộng tích cực của các nhãn hàng.

Mới đây, theo báo cáo thị trường của CBRE Viet Nam, trong năm 2023, tăng trưởng doanh thu bán lẻ Việt Nam đạt 9,6%, thấp hơn mức tăng trưởng 19,8% năm trước, tuy nhiên đây vẫn là mức tăng trưởng tích cực so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Thị trường bất động sản (BĐS) bán lẻ thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, khả năng phục hồi với sự duy trì mức tăng trưởng tốt về giá thuê nhờ sự gia nhập và mở rộng tích cực của các nhãn hàng cao cấp và hạng sang. Mặt bằng bán lẻ cho thuê có chất lượng cao và vị trí đắc địa tại Việt Nam vẫn còn khan hiếm, ngay cả ở 2 thành phố lớn nhất.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá thuê trung bình khu vực trung tâm gần ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng 6% so với năm trước. Nguồn cung khan hiếm giúp mức giá thuê khu vực ngoài trung tâm tăng mạnh lên 51 USD/m2/tháng, tăng 28% so với năm trước, tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường xấp xỉ 91%, tăng 2 điểm phần trăm so với năm trước.

Một yếu tố quan trọng khác tạo nên sức hút của thị trường bán lẻ tại Việt Nam là so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra dư địa phát triển lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với các thương hiệu bán lẻ, đặc biệt bán lẻ cao cấp là về nguồn cung mặt bằng. Theo các chuyên gia, nhu cầu mở rộng và mở mới của các thương hiệu cao cấp về Việt Nam ngày càng gia tăng.

Số lượng các mặt hàng và nhãn hàng cao cấp tại Việt Nam vẫn là con số quá nhỏ nếu so với thị trường Bangkok, Singapore hay Indonesia trong khu vực. Việc thiếu nguồn cung dẫn đến cạnh tranh về giá và đẩy giá thuê mặt bằng tại một số khu vực lên cao.

Để giải quyết khó khăn này, các nhà phát triển BĐS bán lẻ trong và ngoài nước đang không ngừng nỗ lực nhằm gia tăng nguồn cung mặt bằng bán lẻ cho thị trường.

Theo đó, với 6 TTTM mới sẽ khai trương trong năm 2024, trong đó có hai đại dự án Vincom Mega Mall Grand Park tại thành phố Hồ Chí Minh và Vincom Mega Mall Ocean Park 2 tại khu vực Hà Nội, Vincom Retail sẽ cung cấp cho thị trường hàng trăm ngàn m2 mặt bằng bán lẻ, giúp giải tỏa nhu cầu nguồn cung mặt bằng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo Bộ Tài chính, doanh thu bán lẻ của Việt Nam năm 2024 dự kiến sẽ tăng 8% trong bối cảnh mục tiêu chỉ số giá tiêu dùng thấp dưới 3,5%. Để thúc đẩy sức mua, chính sách giảm thuế VAT 2% vẫn đang được duy trì đến tháng 6/2024.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Nhu cầu về nhà ở ngày càng trở nên “xa xỉ”

Khi giá mua, giá thuê, cùng chi phí liên quan đến nhà ở có xu hướng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập của người dân đô thị, thì nhu cầu nhà ở vốn là nhu cầu thiết yếu lại dần trở nên “xa xỉ”…

CHÊNH LỆCH GIỮA GIÁ NHÀ VÀ THU NHẬP

Số liệu từ Tổng cục Thống kê tháng 2/2024 cho biết, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng Việt Nam đã tăng 0,43%. Trong đó, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,48%, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,71%, giá điện sinh hoạt tăng 0,78%, nước sinh hoạt tăng 1,73%. Như vậy, khi giá mua, giá thuê, chi phí sinh hoạt cùng những chi phí liên quan có xu hướng tăng và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu nhập của người dân đô thị, thì nhu cầu nhà ở vốn là nhu cầu thiết yếu lại dần trở nên “xa xỉ”.

Trong khi đó, thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết ở Việt Nam, theo kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, dự báo nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng bởi ước tính sẽ có 50% dân số sống tại các đô thị.

Từ kết quả khảo sát thực tế, Savill Việt Nam cũng nhận xét nguồn cầu nhà ở dài hạn vẫn duy trì ở mức cao. Riêng Hà Nội, dự báo đến năm 2025, thành phố có thêm khoảng 157.000 hộ gia đình. Tuy nhiên, nguồn cung tương lai chỉ bao gồm 59.000 căn hộ các hạng, 9.000 nhà ở thấp tầng và 18.700 nhà ở xã hội dự kiến mở bán. Do đó, sẽ thiếu hụt 70.300 nhà ở. Ngoài ra, trong năm 2023, Hà Nội đã phấn đấu có thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu/người/năm. Xét về tương quan so với 2019, mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6%/năm. Nhưng mức tăng trưởng giá căn hộ từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 là 13%/năm.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Hà Nội sẽ sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của Tp.Hà Nội, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn và giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường...

PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP, SÁP NHẬP CÁC XÃ PHƯỜNG CỦA HÀ NỘI

Trao đổi với báo chí, Sở Nội vụ Hà Nội cho biết sau khi có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và Nghị quyết số 117/NQ-CP, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn Tp.Hà Nội giai đoạn 2023-2025, xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện, hướng dẫn, chỉ đạo Ban Thường vụ, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các phương án, tiêu chí để đề xuất phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã đã tiến hành nghiên cứu, rà soát. Đặc biệt, với Hà Nội còn dựa vào các tiêu chí của chính quyền đô thị, yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa, trình độ phát triển kinh tế, dân số, tốc độ phát triển đô thị..., các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án cụ thể. 26/26 quận, huyện, thị xã có địa giới hành chính thuộc diện sắp xếp đã xây dựng phương án trình UBND thành phố.

Sau khi các địa phương hoàn thành phương án, báo cáo Ban Chỉ đạo thành phố, Sở Nội vụ đã tham mưu Ban Cán sự đảng UBND thành phố rà soát, tiến hành xem xét các phương án các đơn vị đề xuất. Trong đó, có 5 quận, huyện khi xây dựng phương án chưa bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Ban Chỉ đạo thành phố đã thành lập tổ công tác trực tiếp làm việc với Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy để thống nhất điều chỉnh, thay đổi lại phương án.

UBND thành phố đã ban hành Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội, trình Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Với phương án này, dự kiến tác động đến khoảng 156 xã, phường, thị trấn; giảm khoảng 70 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn.

Bộ Nội vụ đã có văn bản, cơ bản thống nhất với phương án do Ban Chỉ đạo Tp.Hà Nội trình, có điều chỉnh, bổ sung một số điểm. Bộ cũng yêu cầu đến ngày 31/5/2024, Hà Nội phải hoàn thành đề án, gửi báo cáo Bộ Nội vụ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua, hoàn thành sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập các đơn vị hành chính này trong quý 3/2024.

Theo phương án của UBND Tp.Hà Nội, dự kiến sau khi sắp xếp, thành phố có 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và có 509 đơn vị hành chính cấp xã (nếu tính cả số lượng các đơn vị hành chính giảm của 3 huyện dự kiến thành lập quận: Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức) trong đó có 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn); giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã (54 xã, 15 phường và một thị trấn).

Về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành đơn vị hành chính đô thị cùng cấp hoặc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị cấp xã: sẽ nhập 48 xã, phường, thị trấn (40 xã, phường, thị trấn thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023- 2025 và 8 xã, phường, thị trấn liền kề) thành 27 xã, phường, thị trấn; giảm 21 xã, phường, thị trấn.

Theo đó, tại quận Cầu Giấy, sẽ điều chỉnh một phần diện tích của phường Yên Hòa và một phần diện tích phường Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; Nhập một phần diện tích của phường Nghĩa Đô, một phần diện tích phường Dịch Vọng và một phần diện tích phường Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân.

Tại Quận Đống Đa, sẽ nhập 6 phường thành 4 phường, giảm 2 phường. Theo đó, nhập phường Khâm Thiên và Trung Phụng thành đơn vị hành chính mới; nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Khương Thượng; nhập một phần phường Ngã Tư Sở vào phường Thịnh Quang; nhập một phần phường Trung Tự và phường Phương Liên; nhập một phần phường Trung Tự vào phường Kim Liên.

Quận Hà Đông sẽ nhập 3 phường thành 1 phường, giảm 2 phường. Theo đó, nhập phường Yết Kiêu, phường Nguyễn Trãi và phường Quang Trung thành đơn vị hành chính mới.

Quận Hai Bà Trưng sẽ nhập 7 phường thành 4 phường, giảm 3 phường sau khi nhập Đồng Nhân và Đống Mác, Quỳnh Lôi và Bạch Mai, Cầu Dền vào Bách Khoa và Thanh Nhàn.

Quận Long Biên giảm 1 phường khi nhập Sài Đồng vào Phúc Đồng và Phúc Lợi. Quận Thanh Xuân giảm 2 phường do sáp nhập Thanh Xuân Bắc và Thanh Xuân Nam, Hạ Đình và Kim Giang.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Đề xuất quy định về cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Trong đó có nội dung đề xuất về trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch, và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.…

Theo dự thảo lần 2, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định của Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Dự kiến kế hoạch tổ chức kỳ thi được Bộ Xây dựng thông báo cho các Sở Xây dựng, đồng thời đăng tải trên cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng chậm nhất là 02 tháng trước ngày tổ chức kỳ thi. Sở Xây dựng có trách nhiệm thông báo để người có nguyện vọng nộp hồ sơ đăng ký tham dự thi theo quy định của Nghị định này và dự kiến kế hoạch của Bộ Xây dựng; lập danh sách và có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho tham dự thi đối với những trường hợp đủ điều kiện, kèm theo hồ sơ đăng ký tham dự thi của người được đề nghị.

Về phương thức tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, Bộ Xây dựng giao hoặc ủy quyền cho một hoặc một số đơn vị tổ chức kỳ thi (đơn vị tổ chức kỳ thi). Đó là Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Cơ sở đào tạo có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản theo quy định tại Điều 69 Luật Kinh doanh bất động sản 2023; Hiệp hội bất động sản Việt Nam; Hiệp hội bất động sản các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Hội môi giới bất động sản Việt Nam.

Căn cứ quyết định phê duyệt danh sách các cá nhân được cấp chứng chỉ, đơn vị tổ chức kỳ thi sát hạch có trách nhiệm chuyển bản phô tô bài thi và hồ sơ của các cá nhân đó về Bộ Xây dựng để cấp chứng chỉ. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Xây dựng tổ chức in và ký phát hành chứng chỉ. Bộ Xây dựng có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ của người được cấp chứng chỉ theo quy định.

Theo dữ liệu từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trước đây, vào thời điểm thị trường bất động sản phát triển ổn định, có khoảng 300.000 môi giới hoạt động. Trong đó, chỉ 30.000 - 40.000 môi giới có chứng chỉ hành nghề. Những cá nhân còn lại, không ít người hành nghề tay ngang, họ có thể là bất cứ ai, bao gồm từ xe ôm, người bán hàng rong cho tới công chức Nhà nước. Đặc biệt hơn, nhiều môi giới còn lừa đảo khách hàng bằng “dự án ma”, bằng thông tin thất thiệt. Từ đó gây hậu quả nặng nề cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín của các chủ đầu tư chân chính.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết Luật Kinh doanh bất động sản sắp tới có hiệu lực sẽ quy định chặt chẽ việc hoạt động môi giới, sàn giao dịch. Họ phải có đầy đủ năng lực thông qua chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định. Do đó, vô hình chung, đây là điều kiện sàng lọc tự nhiên, tạo ra sự công bằng cho thị trường, để thị trường sẽ chỉ còn những môi giới đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Sẽ có quy định mới về cấp sổ đỏ theo Luật đất đai 2024 

Đây là một trong những nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chia sẻ tại Hội nghị triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, diễn ra sáng 7/3.

Cụ thể, ông Vũ Hồng Thanh cho biết Luật Đất đai năm 2024 có 97 nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, 9 nội dung giao các Bộ hướng dẫn thi hành. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành

Trong đó, năm nay sẽ ban hành các Nghị định thi hành Luật Đất đai về các nội dung: quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật; quy định về điều tra cơ bản đất đai; quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quy định về giá đất; quy định chi tiết về đất trồng lúa; quy định về lấn biển; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Bên cạnh đó, quy định về việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; và quy định về quỹ phát triển đất cũng sẽ được ban hành Nghị định hướng dẫn trong năm nay.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong phạm vi lĩnh vực phụ trách sẽ thực hiện giám sát việc ban hành các Nghị định, Thông tư quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật Đất đai, bảo đảm các văn bản dưới Luật này phải quy định chi tiết đầy đủ, thống nhất với nội dung chính sách đã được quy định tại Luật.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết Luật Đất đai 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai một số đề án thí điểm liên quan Luật này.

Hiện Bộ đang khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng 2 đề án thí điểm gồm: Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác (thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội) và Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy...

Ngoài ra, trong năm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023. Trong đó, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề: chỉ đạo, tổ chức thi hành, quản lý điều hành, điều tiết thị trường bất động sản; nguồn cung bất động sản; giao dịch bất động sản; tình hình hoạt động của doanh nghiệp bất động sản; công tác quy hoạch; việc sử dụng đất để thực hiện dự án bất động sản.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Đề nghị Chính phủ có giải pháp điều tiết giá nhà ở

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp

Sáng 7-3, tại Nhà Quốc hội Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phối hợp với Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan, tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các địa phương trong cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Hội nghị nghe 2 báo cáo quan trọng, gồm: Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm, chủ yếu trong việc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV; Báo cáo của Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Hội nghị cũng sẽ nghe một số báo cáo tham luận

Báo cáo những nội dung trọng tâm, yêu cầu và nhiệm vụ chủ yếu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua 9 luật, 10 nghị quyết, quy định những nội dung rất quan trọng.

UBTVQH đề nghị Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật, nghị quyết; bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, tiếp tục ban hành và triển khai các kế hoạch cụ thể để sớm đưa chính sách, quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, nhất là các chính sách, quy định mới, đặc thù, các chính sách, quy định có hiệu lực sớm hơn so với hiệu lực chung của luật.

Chính phủ khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với gần 400 nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội. Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, thực hiện phân cấp, phân quyền theo đúng quy định; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cả về nguồn nhân lực, điều kiện bảo đảm.

Sắp trình dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam

Thay mặt Chính phủ báo cáo việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phân công cơ quan soạn thảo ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 5 quyết định, 22 thông tư) để quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết vừa được QH thông qua.

Điều tiết thị trường đất đai, bất động sản

Tham luận tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở như tập trung phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp.

Cùng với đó đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng "nóng", "sốt ảo"; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về bất động sản, nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường đất đai, bất động sản, hướng tới công khai, minh bạch và chuyên nghiệp hơn.

Khẩn trương nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt Đề án thí điểm cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác (không phải là đất ở). Theo ông Tùng, việc thí điểm nên được triển khai tại một số tỉnh, thành phố lớn... để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các dự án bất động sản, giải phóng nguồn lực về đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách, quy định mới về nhà ở xã hội để tăng cường thu hút nguồn lực phát triển phân khúc này, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền với người dân.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

1. Phát triển đô thị ven sông Sài Gòn: Cơ hội “chuyển mình” cho TP.HCM

TP.HCM định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm “mặt tiền” cho đô thị, phát triển dải đô thị 02 bên sông…

Sau chuyến tham quan sông Sein của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Paris vào tháng 6/2023, hội thảo “Phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Sein”, đã được tổ chức vào chiều 02/3/2024. Tại đây, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố đang khẩn trương thực hiện 3 quy hoạch quan trọng cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Đó là: Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Rà soát điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060; Xây dựng quy hoạch chung TP. Thủ Đức.

Thành phố cũng xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TP.HCM thời kỳ mới và là điểm nhấn trong việc rà soát quy hoạch chung lần này. Vì vậy, việc thành phố phối hợp với Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) xây dựng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn là việc kịp thời và có ý nghĩa.

Ông Mãi cho rằng sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế- xã hội của một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ. Bản thân lãnh đạo thành phố cũng khẳng định mong muốn khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp của con sông này.

“Mục tiêu của việc phát triển sông Sài Gòn là định hướng lấy không gian ven sông Sài Gòn làm “mặt tiền” cho đô thị, phát triển dải đô thị 02 bên sông, tổ chức các dải công viên công cộng ven sông nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông. Làm sao để dòng sông thực sự đóng góp cho sự phát triển của TP.HCM”, ông Mãi nói.

CHIA THÀNH 4 PHÂN KHU

Trên cơ sở chuyến khảo sát sông Sein tại Pháp của đoàn lãnh đạo TP.HCM vừa qua, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đã cùng với liên danh tư vấn AVSE Global và IPR xây dựng ý tưởng, định hướng phát triển dọc hành lang sông Sài Gòn.

Theo đại diện liên danh tư vấn, nếu so sánh với những dòng sông trong đô thị nổi tiếng khác trên thế giới, sông Sài Gòn có 5 đặc trưng độc đáo. Đây chính là “xương sống tinh thần” và thiên nhiên của TP.HCM.

Thứ nhất, đó là giá trị lịch sử đặc biệt đối với Việt Nam, biểu tượng là Bến cảng Nhà Rồng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước.

Thứ hai là bản sắc sông nước gắn kết tình cảm vùng Nam Bộ.

Thứ ba là đường ranh giới vật lý kết nối các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương.

Thứ tư là vị thế, là tài sản độc đáo với hệ sinh thái đa dạng sinh học đẳng cấp thế giới (rừng ngập mặn Cần Giờ).

Thứ năm, là thách thức lũ lụt khiến TP.HCM nằm trong số 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Với những đặc trưng đó, liên danh tư vấn đề xuất chia sông Sài Gòn thành 04 phân khu để tháo gỡ những khúc mắc mang tính bao quát và toàn diện của TP.HCM từ quan điểm về mặt không gian.

Phân khu 1 (Phân khu Bắc kết nối bản sắc): dài 48 km, từ TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) đến ranh giới TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Khu vực chủ yếu là nông thôn này kéo dài từ trung tâm lịch sử Thủ Dầu Một đến Khu tưởng niệm địa đạo Củ Chi. Khu này được đề xuất phát triển theo hình thức công viên tự nhiên mới để bảo tồn và nâng cao nền nông nghiệp, cảnh quan và di sản của khu vực ngoại ô… từ kinh nghiệm thành công của Công viên vùng tự nhiên tại Pháp.

Phân khu 2 (Giao diện trù phú): dài 25 km, từ cầu đường sắt đến cầu Thủ Dầu Một. Khu vực này sẽ tạo ra không gian mới giao thoa giữa thành thị và nông thôn, bằng cách xác định ranh giới rõ ràng hơn giữa 02 khu vực này. Đồng thời, chuyển đổi các khu đất trồng trọt rộng lớn còn lại thành các công viên nông nghiệp - giải trí, sinh thái và sản phẩm thủ công được du khách ưa thích.

Phân khu 3 (Thanh Đa trải nghiệm về nguồn): dài 13,5 km, bao gồm bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) và vùng phụ cận từ Quốc lộ 52 đến đường sắt TP.HCM - Hà Nội. Khu vực này được đề xuất phát triển khu đô thị hỗn hợp mật độ cao TOD và công viên nông nghiệp - giải trí ngập nước rộng 300 ha; Tái phát triển cảng Phước Long.

Phân khu 4 (Khu trung tâm cánh cửa tương lai): dài 16 km, chạy từ ngã ba sông Đồng Nai/Nhà Bè đến Quốc lộ 52. Giống với vùng hợp lưu của sông Hudson và sông Đông ở TP. New York, Docklands ở London hay vịnh Marina ở Singapore. Đây là cửa ngõ nổi bật vào TP.HCM, là nơi thể hiện hình ảnh đẹp nhất của đô thị, đồng thời, trưng bày những công trình tuyệt vời nhất của đô thị. Khu vực này được đề xuất phát triển khu phức hợp đa chức năng. Trong đó, Bến Bạch Đằng, Khánh Hội và đô thị Thủ Thiêm sẽ nổi lên như những địa điểm hàng đầu cho khu vực này.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 02 năm 2024

Tin tức tổng hợp chính sách pháp luật về bất động sản tháng 02 năm 2024

Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 02 năm 2024

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 02 năm 2024

Tin tức bất động sản về chính sách, pháp luật  tháng 11 năm 2023

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

 

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan