Tin tức
29/05 2024

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 5 năm 2024

  • 249
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Trải qua một thời gian dài của biến động và ổn định xen kẽ, thị trường bất động sản đang tiếp tục là một trong những lĩnh vực thu hút sự chú ý của cả nhà đầu tư và người mua nhà. Vào tháng 5 năm 2024, khi nền kinh tế đang trên đà phục hồi sau những thách thức từ đợt suy thoái trước đó, việc theo dõi giá cả và các xu hướng trong thị trường bất động sản trở nên càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Hãy cùng chúng tôi điểm qua những diễn biến quan trọng và đáng chú ý trong tháng qua. 

Bất động sản 4 tháng đầu năm: Nhiều tín hiệu tích cực 

Thị trường bất động sản 4 tháng đầu năm ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan khi lượng căn hộ tung ra thị trường tăng mạnh hơn, thanh khoản tăng dù giá liên tục lập đỉnh mới…

DÒNG TIỀN QUAY LẠI, THANH KHOẢN CẢI THIỆN

Theo báo cáo quý 1/2024 của Tổng Cục thống kê, hoạt động kinh doanh bất động sản ghi nhận những tín hiệu tích cực về tình hình thu hút vốn đầu tư và số doanh nghiệp bất động sản quay trở lại thị trường.

Theo đó, có hơn 900 doanh nghiệp bất động sản thành lập mới. Vốn đăng ký cấp mới cho bất động sản đạt 1,49 tỷ USD, xếp thứ hai trên tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Bên cạnh đó, khối ngoại cũng rót hơn 460 triệu USD vào thị trường địa ốc. Điều này cho thấy bất động sản vẫn là một kênh đầu tư tiềm năng, đủ sức hấp dẫn giới đầu tư.

Nghiên cứu thị trường của nhiều đơn vị khác cũng chỉ ra rằng so với đầu năm 2023, thị trường bất động sản đầu năm 2024 có nhiều dấu hiệu tích cực.

Theo báo cáo chỉ số về tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) của Batdongsan.com.vn, các bên mua - bán bất động sản hiện không quá dè chừng như năm 2023. Chỉ số tâm lý thị trường bất động sản nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023, nhờ sự cải thiện mức độ hài lòng của người tiêu dùng về tiềm năng tăng giá bất động sản, về lãi suất vay mua nhà và chính sách, tình hình thị trường.

Cũng theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản của người tiêu dùng đã tăng trưởng trở lại trong quý 1/2024, 62% số người tham gia khảo sát sẵn sàng tận dụng cơ hội để mua bất động sản giảm giá hoặc có chính sách tốt.

CÒN NHIỀU ĐỘNG LỰC TRONG DÀI HẠN

Tín hiệu khả quan đầu năm đang mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới cho thị trường bất động sản. Giới chuyên gia nhận định, kết quả này có được nhờ đòn bẩy tổng lực đến từ nhiều yếu tố như lãi suất giảm, pháp lý thông thoáng và chính sách kích cầu chưa từng có tiền lệ của các chủ đầu tư bất động sản lớn.

Lãi suất huy động liên tục hạ về quanh ngưỡng 5%/năm, theo đó lãi suất cho vay mua nhà cũng giảm còn 5-10,5%/năm. Điều này giúp người dân dễ dàng tiếp cận đòn bẩy tài chính.

Bên cạnh lãi suất vay hấp dẫn, khung pháp lý dành cho thị trường bất động sản cũng đang dần trở nên thông thoáng. Vướng mắc pháp lý được tháo gỡ giúp thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, khơi thông dòng vốn cũng như tạo hành lang pháp lý để thị trường phát triển.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là nội tại thị trường vẫn hấp dẫn. Nền kinh tế Việt Nam khá tiềm năng và lĩnh vực bất động sản tại đây đang ở giai đoạn đầu của tăng trưởng. Chỉ dấu tích cực là tốc độ đô thị hóa tại các thành phố lớn. Tỷ lệ này đạt khoảng 38-40%, tương tự mức ghi nhận ở Trung Quốc vào những năm 2000.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

 

Bất động sản thu hút 1,58 tỷ USD vốn ngoại trong 3 tháng đầu năm 

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, FDI đăng ký đạt mức 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2023, FDI giải ngân tăng 7,1% lên 4,63 tỷ USD. Trong đó, nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai khi nhận được hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký…

Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2024, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời những chính sách, giải pháp phù hợp, để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp FDI dần ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư. Theo đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, trong đó dòng vốn ngoại tiếp tục rót vào lĩnh vực bất động sản.  

Cụ thể, tháng 1/2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt mức 2,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,6% lên 1,48 tỷ USD. Theo đó, nhóm ngành bất động sản nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký.

Sang tháng 2/2024, FDI đăng ký ở mức 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,8% lên 2,8 tỷ USD. Bất động sản là nhóm ngành đứng thứ hai, đạt gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đăng ký.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, FDI đăng ký ở mức 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2023, FDI giải ngân tăng 7,1% lên 4,63 tỷ USD. Nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký.

Theo Bộ Xây dựng, kết quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý khẳng định niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của Việt Nam, để tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án hiện hữu, nhất là với bất động sản.

Thực tế, nhận định từ chuyên gia của Công ty Savill Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại rất hấp dẫn bởi những lợi thế riêng biệt. Đó là sự ổn định không chỉ về tình hình chính trị mà giữa bối cảnh vĩ mô, kinh tế có phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được Nhà nước kiểm soát ổn định hơn, trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực. Do vậy với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý, của nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài tại vị trí và phân khúc mà dư địa phát triển tốt.

Click để đọc chi tiết về tin tức!

 

Giao dịch nhà phố, biệt thự TPHCM thấp nhất trong 5 năm qua

Thị trường nhà phố, biệt thự đang ghi nhận mức hoạt động thấp nhất trong 5 năm trở lại đây với tổng nguồn cung sơ cấp chỉ đạt 993 căn trong năm 2023. Tỷ lệ hấp thụ và lượng bán cũng thấp nhất với 286 căn, tương đương 29%.

Báo cáo thị trường bất động sản của Savills Việt Nam cho thấy, dòng sản phẩm biệt thự, nhà phố tại TPHCM đang hoạt động yếu nhất kể từ năm 2019 đến nay với lượng giao dịch và tỷ lệ hấp thụ sụt giảm liên tiếp. Cụ thể, trong năm 2023, nguồn cung sơ cấp giảm 40% theo năm, xuống 993 căn, thấp nhất trong 5 năm vừa qua và chủ yếu đến từ hàng tồn kho giá cao.

Tương tự, lượng bán và tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong 5 năm qua, giảm xuống còn 29% và lượng bán chỉ đạt 286 căn, giảm 73% theo năm. Do nguồn cung giá cả phải chăng vẫn còn hạn chế, lượng căn giá cao tiếp tục chiếm lĩnh thị trường khi các căn giá trị trên 30 tỷ đồng chiếm 67% tổng lượng bán.

Lý giải về tình trạng này, bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu và S22M cho biết, nguyên nhân khách quan đến từ việc quá trình huy động nguồn vốn bị ảnh hưởng bởi công cuộc thanh tra phát hành trái phiếu bất động sản. Ngoài ra, ảnh hưởng của diễn biến kinh tế và chính trị thế giới lên kinh tế trong nước gây nhiều khó khăn, khiến thu nhập và dòng tiền của doanh nghiệp và người dân bị tắc nghẽn.

Mặt khác, về nguyên nhân chủ quan, sự khan hiếm của quỹ đất tại khu vực nội thành của TPHCM đã thúc đẩy giá nhà tăng cao, dẫn đến khả năng chi trả giảm. Vì nguồn cung có giới hạn và chủ đầu tư dần hướng đến phân khúc nhà cao cấp, đối tượng người mua bị thu hẹp, làm tốc độ hấp thụ chậm đi đáng kể.

“Thực tế, mức hoạt động sụt giảm này phản ánh sự phát triển đúng chu kỳ của phân khúc nhà thấp tầng, dần dần sẽ ngày càng ít nguồn cung cho các sản phẩm này tại khu vực nội thành. Do tính khan hiếm, các sản phẩm sẽ tập trung vào phân khúc cao cấp và người mua giàu có. Quan trọng hơn, theo định hướng phát triển đô thị đến năm 2030, TPHCM sẽ tập trung phát triển phân khúc nhà cao tầng để tối ưu quỹ đất cũng như đáp ứng nhu cầu nhà ở lớn tại thành phố”, bà Giang nói.

Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, trong năm 2024, nguồn cung mới dự kiến sẽ có 1.400 căn gia nhập thị trường, trong đó sản phẩm từ 20 - 30 tỷ đồng chiếm khoảng 65%. Tình hình hoạt động suy giảm và giá bán tiếp tục đắt đỏ tại TPHCM là các thách thức lớn lên tốc độ hấp thụ.

Click để đọc chi tiết về tin tức!

Chung cư Hà Nội bớt “ngáo” giá

Khảo sát thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận, giá rao bán chung cư mấy tuần trở lại đây có xu hướng giảm. Đơn cử, một căn hộ 3 ngủ ở Mỹ Đình Pearl, trước lễ 2 tuần, môi giới rao giá 5,3 tỷ đồng. Sau khi có khách hỏi mua, môi giới báo lại chủ nhà tăng giá lên 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau lễ, môi giới báo lại căn hộ đó giảm còn 5,1 tỷ đồng.

Hay một căn chung cư 75m2 ở Nguyễn Xiển, 6 tháng trước, chủ rao bán 2,8 tỷ đồng (tương đương mức giá tầm 37 triệu đồng/m2), bao thuế phí. Đầu năm nay, căn 75m2 rao bán với giá 3,8 tỷ đồng (tương đương mức giá 50 triệu đồng/m2), không bao thuế phí. Như vậy, sau nửa năm, tăng tới 13 giá, tương đương tăng 35%. Sau khi giá rao bán tăng mạnh, hiện tại, giá rao bán ở dự án này “hạ nhiệt” quay về mức 45 triệu đồng/m2.

Chị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hơn 3 tháng tìm mua căn hộ, đến hiện nay chị thấy giá chung cư đã bớt “ngáo” so với tầm tháng 2, tháng 3 vừa rồi.

“Tầm 2 tháng trước, giá rao của các môi giới/chủ cao vống lên, rồi không bán được. Đến nay, nhiều môi giới mà trước đó tôi làm việc quay lại báo đúng giá mà trước đó tôi chốt mua nhưng chủ nhà “quay xe”. May thời điểm đó tôi không mua, giờ tôi chờ hẳn đến hết quý 2 xem tình hình giá chung cư như thế nào. Tôi nghĩ rằng, lãi suất đang rục rịch tăng, Bộ Xây dựng có chỉ đạo kiểm tra, rà soát chung cư thổi giá… xem giá chung cư còn tăng đến bao giờ”, chị Thanh chia sẻ.

Anh Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) đang tìm mua chung cư từ đầu năm đến nay cũng cho rằng: “Hiện mấy dự án mà tôi quan tâm giá rao bán đã hạ tầm 3-5 giá, không thấy rao ngáo như mấy tháng trước. Mấy căn tháng trước chủ nhà liên tục “quay xe” chờ giá tăng nữa, giờ thì giảm 100-300 triệu đồng/căn”.

Nhiều người có nhu cầu mua căn hộ chung cư cũng xác nhận, sau khi giá chung cư tăng nóng, giá thay đổi theo từng ngày thì hiện tại đã “hạ nhiệt”, bắt đầu giảm 5-10%.

Ông Lê Bảo Long, Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn đưa ra nhận định, mức độ quan tâm chung cư Hà Nội mấy tuần trở lại đây giảm.

“Cá nhân tôi cảm nhận chính xác từ khi tháng 3 có thông tin nói về lượng hồ sơ tại một văn phòng công chứng ở 1 quận lớn ở Hà Nội đi ngang. Lúc này, người tìm kiếm nhà bắt đầu nhận ra "thì ra giá rao bán không phải là giá khớp". Lượng người quan tâm giảm chắc chắn sẽ là một điều cả người bán và môi giới phải để ý”, ông Long cho biết.

Click để đọc chi tiết về tin tức!

Áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản rất lớn, hơn 100 nghìn tỷ từ nay đến cuối năm

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 4/2024 ghi nhận giá trị phát hành lớn nhất từ đầu năm. Ghi nhận đến ngày 02/05/2024, trong tháng 4 thị trường đón nhận 13 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, tăng 29,1% so với tháng trước và tương đương 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh nhóm ngành Bất động sản vẫn chiếm ưu thế, các ngân hàng cũng tăng mạnh hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu. 2 ngành này chiếm lần lượt 56% và 43% tổng giá trị phát hành trong tháng 4.

Các lô trái phiếu có giá trị phát hành lớn bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC) phát hành 2 lô trái phiếu tổng giá trị 4 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12,5%; CTPC Vinhomes (VHM) phát hành 1 lô trái phiếu giá trị 2 nghìn tỷ đồng, có kỳ hạn 2 năm và lãi suất 12%; Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) phát hành 1 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 3 nghìn tỷ VNĐ, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,7%.

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) phát hành 2 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2,8 nghìn tỷ VNĐ, có kỳ hạn 3 năm và lãi suất 3,9%; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị đạt 2 nghìn tỷ VNĐ, đều có kỳ hạn trên 5 năm và lãi suất từ 6,2% đến 6,8%.

Các ngân hàng đẩy mạnh phát hành trái phiếu trong bối cảnh thanh khoản thị trường có dấu hiệu giảm dư thừa, thể hiện ở lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã nhảy vọt lên mức trên 4% trong tháng 4. Đây là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút thanh khoản qua kênh nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thời gian vừa qua; đồng thời huy động tiền gửi từ dân cư của các tổ chức tín dụng cũng giảm tốc trong Quý 1/2024, ghi nhận mức giảm 0,76% so với cuối năm 2023, số liệu của Tổng cục thống kê.

Các ngân hàng cũng tăng cường huy động qua kênh trái phiếu để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, khi quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn bị siết chặt đồng thời để cân đối nguồn vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng hồi phục trở lại trong năm nay.

Click để đọc chi tiết về tin tức!

Túi tiền người dân 'thua xa' giá nhà 

Theo Bộ Tài chính, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên lượng giao dịch trên thị trường sụt giảm dẫn tới số thu về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản năm 2023 giảm mạnh.

Khó xác minh giá trị thực bất động sản

Bộ Tài chính vừa có báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Liên quan đến chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính chỉ ra tình trạng người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng để tính thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.

Cụ thể, bên mua bán sử dụng hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp tại Tòa.

“Do đó, rất khó để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác minh giá trị thực của giao dịch chuyển nhượng bất động sản, đặc biệt là cơ quan thuế hiện nay chưa có chức năng điều tra”, Bộ Tài chính neu.

Với hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà ở, công trình xây dựng trong tương lai của bên thứ 2 cho bên thứ 3 cũng chỉ ngang bằng giá đã mua của chủ đầu tư hoặc khi đã được cấp sổ thì người nộp thuế sẵn sàng khai báo thấp hơn giá của chủ đầu tư. Điều này cũng dẫn đến thất thu trong tính thu nộp ngân sách.

Một số “chiêu” trốn thuế bằng các phương thức mua bán bất động sản, dự án bất động sản cũng được Bộ Tài chính chỉ ra. Cụ thể, chủ đầu tư chấp thuận cho người mua ký lại hợp đồng nhà hình thành trong tương lai với người mua mới nhằm tránh thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từ chuyển nhượng bất động sản.

Không chỉ vậy, chủ đầu tư còn lách quy định của Luật Nhà ở về giới hạn số lượng nhà ở cho phép người nước ngoài sở hữu bằng cách ký hợp đồng dài hạn và bên thuê có đầy đủ các quyền như chủ sở hữu nhà ở.

Giao dịch thực tế mua bán bất động sản nhưng hợp thức hóa bằng cách mua cổ phần, sau đó chia tách doanh nghiệp.

Click để đọc chi tiết về tin tức!

Chung cư ngừng sốt nhưng giá chưa giảm

Hiện tượng giảm giá chung cư gần đây, theo môi giới Lê Cường, xuất hiện cá biệt ở một số tòa chung cư tăng bất thường hồi đầu năm dù không có sổ và phần lớn xa trung tâm. Khi lượng người quan tâm giảm đột ngột, chủ nhà cần tiền gấp sẽ "gia lộc" 100-300 triệu đồng hay tặng nội thất để hàng trôi nhanh hơn.

Giá bán chung cư thậm chí tăng nhẹ tại những dự án có vị trí thuận tiện tại quận trung tâm như Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Báo cáo mới đây của kênh rao tin Batdongsan chỉ ra mức độ quan tâm chung cư trong tháng qua đã giảm 23% so với đỉnh tháng 3, sau hơn một quý tăng liên tục. Tuy nhiên, giá rao bán không có dấu hiệu đi xuống mà duy trì đà tăng nhẹ. Nhiều tòa chung cư bình dân dưới 30 triệu đồng mỗi m2 tăng 12% so với tháng trước. Còn căn hộ trung và cao cấp tăng ít hơn, khoảng 3-5%.

Tương tự, dữ liệu của trang rao tin bất động sản Nhà tốt cũng cho thấy giá chung cư Hà Nội vẫn tăng nhẹ 4% theo tháng, đạt trung bình 52 triệu đồng mỗi m2 trong tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, mức này đã tăng gần 26%. Trang này ghi nhận giá chung cư leo thang từ tháng 12 đến đầu tháng 3 và có xu hướng tăng chậm lại.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản (VARS) cho biết mức độ quan tâm chung cư hạ nhiệt do người dân đã bớt FOMO (sợ bị bỏ lỡ) hơn. Tuy nhiên, sau khi đã lập mặt bằng mới, giá bán rất khó giảm, nhất là khi thị trường Hà Nội chưa giải quyết được tình trạng lệch pha cung - cầu. Hiện phân khúc này đã tăng 21 quý liên tiếp, đạt gần 60 triệu đồng một m2.

Click vào để đọc chi tiết về tin tức !

Nhà ở TP.HCM ‘vừa thừa, vừa thiếu’, giá đất đang quá cao

Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ cho rằng, nhà ở TP.HCM hiện có tình trạng ‘vừa thừa, vừa thiếu’, trong khi đó doanh nghiệp địa ốc chi phối thị trường.

Sáng 14/5, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Thành uỷ TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM: Thực trạng và giải pháp”. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, nguồn sống của nhân dân. 

Nhận thức về tầm quan trọng của đất đai, trong suốt quá trình đổi mới, Đảng và Nhà nước không ngừng hoàn thiện công tác quản lý và sử dụng đất hiệu quả. Chính sách, pháp luật đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của thực tiễn.

Tuy vậy, thực tế phát triển đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng cho thấy, những năm qua, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp. Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực gia tăng. Số vụ khiếu nại liên quan đến đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Thị trường bất động sản thiếu lành mạnh, chưa bền vững. 

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, hội thảo này nhằm góp phần triển khai Nghị quyết 18/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 và Luật Đất đai 2024. 

Nói về thực trạng quản lý đất đai, ông Phạm Chánh Trực – nguyên Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM, cho hay dù diện tích không lớn nhưng đất nông nghiệp tại nhiều nơi đang bị bỏ hoang, rất lãng phí. 

Về thị trường nhà ở TP.HCM, ông Trực cho rằng “đây là nỗi bất bình của người dân và bất cập của Nhà nước, trong khi doanh nghiệp bất động sản chi phối thị trường”. 

Nhà ở TP.HCM hiện nay có tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” bởi theo thống kê thành phố hiện có hơn 9.400 căn hộ và 2.500 nền đất bỏ trống. Tuy nhiên, nhà ở cho người thu nhập thấp lại chưa đáp ứng nhu cầu. 

Số liệu vào đầu năm 2023 cho thấy, khoảng 244.000 người thu nhập thấp chưa có nhà và TP.HCM có kế hoạch sẽ xây dựng 30.500 căn nhà. Như vậy, nếu không tính phát sinh, thành phố mất 40 năm mới giải quyết nhu cầu nhà ở cho nhóm đối tượng này. 

Đối với đất dành cho các công trình hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất phục vụ phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội, theo ông Trực, khâu đền bù giải phóng mặt bằng là vấn đề gây căng thẳng. Cần phân định như thế nào là công trình quốc gia, công cộng, phục vụ cộng đồng hay công trình kinh doanh, từ đó mới có cơ sở xử lý. 

Ngoài các dự án kinh doanh có sử dụng đất, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM cho rằng, thành phố cần nghiên cứu thay đổi từ đấu giá quyền sử dụng đất sang đấu thầu từng dự án. Như vậy sẽ đảm bảo tính khả thi, chi phí hợp lý, chất lượng công trình.

Click vào để đọc chi tiết về tin tức !

Giới đầu tư 'bắt đáy' cho vay bất động sản thương mại

Đặt cược vào cho vay bất động sản thương mại không dành cho người yếu tim, theo Reuters. Thị trường này, nhất là phân khúc văn phòng, đang trong thời kỳ suy thoái lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009.

Tuy nhiên, một số quỹ đầu tư tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua và thị trường hồi phục đem lại cơ hội lợi nhuận hấp dẫn. "Theo lịch sử, những khoản vay ở đáy chu kỳ thường có tỷ lệ nợ xấu thấp và lợi nhuận cao nhất", Jack Gay, Giám đốc tín dụng toàn cầu tại Nuveen nói.

Giới ngân hàng rút lui cũng tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư nhảy vào. Theo đó, các nhà băng bị siết quy định cho vay theo tiêu chuẩn Basel III, cùng sự sụp đổ của một số ngân hàng nhỏ ở Mỹ đã mở ra cơ hội cho các quỹ.

"Thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt dẫn đến giảm cho vay trực tiếp với bất động sản thương mại", Nailah Flake, chuyên gia của Brookfield's Real Estate Group cho biết.

Các công ty cổ phần tư nhân cũng đang cân nhắc tham gia. Apollo Global Management ra mắt quỹ chuyên cho vay bất động sản châu Âu, mục tiêu giải ngân một tỷ euro trong năm nay.

Ở Anh, chủ nợ phi ngân hàng chiếm 41% các khoản cho vay bất động sản vào năm ngoái, tăng hơn gấp đôi so với mức 19% của 9 năm trước đó. Tại châu Âu, tỷ lệ này cũng tăng lên 20-30%, theo dữ liệu của Trường Kinh doanh Bayes.

Việc các quỹ đầu tư tăng cho vay bất động sản khiến cơ quan quản lý lo ngại về rủi ro vỡ nợ. Bởi, các quỹ tư nhân có nghĩa vụ báo cáo đơn giản hơn so với ngân hàng, nghĩa là có thể kém minh bạch hơn.

Phó chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Luis de Guindos cho biết vào tháng 3, rằng việc các tổ chức phi ngân hàng rót vốn vào bất động sản thương mại là một trong những rủi ro chính với ổn định tài chính của khu vực.

Nicole Lux, nhà nghiên cứu cấp cao của Bayes, nói các quỹ có thể dùng tiền huy động được vào bất cứ điều gì họ muốn mà không bị chú ý. "Tôi thấy khá lo lắng về tiền lương hưu đầu tư vào các quỹ sẽ bị ảnh hưởng", ông nói.

Click vào để đọc chi tiết về tin tức !

Đất nền đang bước vào chu kỳ tăng giá mới, “sốt đất” sẽ xảy ra?

Ngày 17/5 vừa qua, Chính phủ đồng ý với đề xuất về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Đất đai 2024 theo hướng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 thay vì ngày 1/1/2025. Việc Luật Đất đai sớm có hiệu lực được kỳ vọng sẽ “thổi luồng gió mới” giúp thị trường bất động sản khởi sắc trở lại.

Ông Lê Bảo Long - Giám đốc Chiến lược của Batdongsan.com.vn khẳng định, khả năng giá bất động sản sẽ tăng là rất cao sau khi luật có hiệu lực. Những điều khoản mới từ 3 bộ luật giúp thúc đẩy mức độ chính xác trong việc cập nhật giá đất tăng lên cao hơn. Như điều 159 Luật Đất đai 2024 quy định bỏ khung giá đất và yêu cầu bảng giá đất cập nhật hàng năm (thay vì 05 năm/lần).

Thứ nhất, Chính phủ quy định việc xác định Bảng giá đất do UBND tỉnh (so với trước là phải tham khảo Khung giá đất) được cập nhật hàng năm, trao quyền và trách nhiệm xuống địa phương. Như vậy sẽ giúp giá đất được định hướng theo sát với tình hình thực tế của từng địa phương hơn trước đây.

Thứ hai là về phương pháp định giá mới. Trước đây thị trường có 5 phương pháp định giá đất, còn theo luật mới thì loại bỏ phương pháp chiết trừ và 4 phương pháp còn lại như so sánh, thu nhập, thặng dư và theo hệ số giá đất cũng đã có quy định chi tiết hơn rất nhiều về việc thực hiện cụ thể. Những quy định cụ thể hơn sẽ giúp việc định giá đất minh bạch, rõ ràng, bám sát với thực tế.

Thứ ba là Luật mới sửa đổi có bổ sung chi tiết về các điều kiện để cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho các lô đất đang sử dụng chưa có sổ, không vướng tranh chấp. Số lượng sản phẩm đất thuộc diện này trên thị trường hiện tồn đọng rất nhiều và một khi được khơi thông pháp lý, chắc chắn cũng mang đến cơ hội thanh khoản và tăng giá tốt hơn không chỉ cho chính bản thân những sản phẩm đất thuộc diện này mà cả các loại hình bất động sản khác ở cùng khu vực.

Từ ba điểm trên, ông Lê Bảo Long dự báo, giá bất động sản sẽ tăng sau năm 2025. Đất nền sẽ là loại hình bị tác động mạnh nhất vì còn chịu thêm ảnh hưởng từ quy định cấm phân lô bán nền tại 105 thành phố và thị xã.

Liên quan tới quy định siết phân lô, bán nền này, nhiều chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng, trong hơn một năm tới thị trường đất nền sẽ có nhiều biến động mạnh. Việc siết phân lô bán nền sẽ khiến nguồn cung trở nên khan hiếm và giá có thể bị đẩy lên cao.

Click để đọc chi tiết bài viết!

Người mua nhà, đất ở đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ

Sáng 20-5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, diễn biến tình hình KT-XH những tháng đầu năm 2024 cũng bộc lộ những khó khăn, thách thức.

Tốc độ tăng trưởng GDP Quý I-2024 dù cải thiện nhưng chưa quay lại quỹ đạo cần thiết, chưa đủ để tạo ra những bước đột phá cho phát triển bền vững và chưa thể giúp nước ta thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Các cực tăng trưởng chưa thực sự phát huy được vai trò liên kết và thúc đẩy các vùng, đồng thời, cũng chịu tác động từ sự suy giảm chung của kinh tế trong nước và thế giới.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Chi phí vận tải tăng khá mạnh, nhất là đường biển, tỉ giá biến động bất thường trong những tháng đầu năm cũng là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp.

Thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng. Tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đã giảm cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn hạn chế; tín dụng xanh cho phát triển bền vững còn gặp nhiều thách thức.

Quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đánh giá thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn, nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng "lách luật" để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 ngàn tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra. Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền.

Click để đọc chi tiết bài viết!

Nhà ở xã hội tại Hà Nội: Nơi xếp hàng từ 2h sáng nộp hồ sơ, nơi mở bán 26 lần vẫn ế

Mỗi ngày, hàng chục người xếp hàng từ 2h trước văn phòng chủ đầu tư để nộp hồ sơ để mua nhà ở xã hội NHS Trung Văn. Sau đó, họ lại tiếp tục xếp hàng từ 4h sáng để bốc thăm với tỷ lệ 1 chọi 9. Trong khi đó, Tổ hợp Nhà ở xã hội và Dịch vụ thương mại AZ Thăng Long mở bán lần thứ 26 vẫn ế.

Click để đọc chi tiết bài viết!

 

Hà Nội: Nhu cầu về nhà ở của người lao động đang vượt xa khả năng cung ứng

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thông tin trên tại cuộc đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2024, sáng 23/5. 

VẪN CÒN VƯỚNG MẮC TRONG THỦ TỤC ĐẦU TƯ XÂY NHÀ Ở XÃ HỘI

Nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân tiếp tục là một trong những vấn đề “nóng” được người lao động quan tâm tại hội nghị.

Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á (Gia Lâm, Hà Nội), cho biết sau dự án nhà ở xã hội Khu đô thị Đặng Xá thì huyện Gia Lâm không còn dự án nhà ở xã hội nào được xây dựng.

Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp có đông công nhân lao động, vợ chồng trẻ phải đi thuê nhà trọ. Vì thế, ông đề nghị thành phố xem xét có thêm các dự án nhà ở xã hội và các chính sách hỗ trợ vay mua nhà ở xã hội.

Tương tự, công nhân Phan Chí Thành, Công ty TNHH Canon Việt Nam (thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội) cũng đề nghị thành phố ban hành các cơ chế, chính sách giải quyết vướng mắc xoay quanh câu chuyện thủ tục đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân lao động.

Cũng quan tâm đến vấn đề nhà ở, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Trung học cơ sở Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) nêu thực tế hiện nay, Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội đã có quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên nguồn vốn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của đoàn viên, người lao động.

Click để đọc chi tiết bài viết!

https://timespro.com.vn/tin-tuc-tong-hop-gia-ca-thi-truong-bat-dong-san-thang-5-nam-2024

https://timespro.com.vn/tin-tuc-tong-hop-gia-ca-thi-truong-bat-dong-san-thang-5-nam-2024

https://timespro.com.vn/tin-tuc-tong-hop-ve-phan-tich-nhan-dinh-cua-chuyen-gia-thang-05-nam-2024

https://timespro.com.vn/tin-tuc-tong-hop-chinh-sach-phap-luat-ve-bat-dong-san-thang-nam-2024

https://timespro.com.vn/tin-tuc-tin-tuc-bat-dong-san-ve-quy-hoach-thang-5-nam-2024

 

 

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan