Tin tức
16/09 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 11/9 đến 16/9/2023

  • 207
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 11/9 đến 16/9/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Hàng loạt dự án đầu tư được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden
  2. Tin vui cho thị trường mặt bằng bán lẻ dịp cuối năm
  3. IHG và BIM Group công bố “khu nghỉ dưỡng thung lũng” đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu InterContinental
  4. Bất động sản Việt Nam vẫn thu hút nhà đầu tư ngoại
  5. Áp lực đô thị hóa, tốc độ tăng giá nhà và giấc mơ an cư của người thu nhập thấp
  6. Hơn 10.000 nạn nhân dính chiêu lừa đảo của Tổng giám đốc BĐS Nhật Nam
  7. Loạt vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội và những 'lỗ hổng' của loại hình nhà ở này
  8. Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định và bảng giá các loại đất
  9. Quảng Ninh dự kiến thành lập thành phố Vân Đồn

ban-tin-bat-dong-san-tuan-2-thang-9.2023

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

1. Hàng loạt dự án đầu tư được ký kết nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden 

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đem lại nhiều thỏa thuận, thương vụ đầu tư trị giá hàng tỷ USD cho cả hai nước.

Theo thông cáo báo chí từ Nhà Trắng, trong chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nâng quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Để ghi nhận tầm nhìn chung trong nỗ lực tăng cường hợp tác song phương, quan hệ giữa hai nước, Hoa Kỳ và Việt Nam đã mở rộng sự hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực như đầu tư, thương mại, công nghệ, y tế, giáo dục …

Thắt chặt quan hệ kinh tế

Trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, doanh nghiệp hai nước đã ký kết một loạt các thỏa thuận, sáng kiến nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, giao thương giữa hai nước.

Với lĩnh vực du lịch, giao thông, vận tải, Boeing và Vietnam Airlines dự kiến sẽ ký thỏa thuận mua 50 máy bay Boeing 737 MAX. Thông cáo cho biết thỏa thuận sẽ thúc đẩy ngành hàng không và du lịch Việt Nam, trong khi hỗ trợ hơn 33.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp tại Hoa Kỳ.

VinFast sẽ tiếp tục quá trình xây dựng nhà máy xe điện trị giá 4 tỷ USD tại bang North Carolina. Tập đoàn 3M đã ký kết một thỏa thuận nhằm tăng cường an toàn giao thông với Bộ Giao thông vận tải Việt Nam. Ngoài ra, công ty Nobu Hospitality dự kiến sẽ công bố hợp tác với Bất động sản Bản Việt (CVRE) để đưa chuỗi khách sạn, nhà ở và nhà hàng của Nobu tới Việt Nam.

Trong lĩnh vực bán dẫn, công ty bán dẫn Amkor có trụ sở ở bang Arizona dự kiến sẽ khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh trong tháng 10/2023. Tổng mức đầu tư của dự án là 1,6 tỷ USD.

Công ty bán dẫn Synopsys có trụ sở tại bang California đang hợp tác cùng Khu Công nghệ cao TP HCM để xây dựng một trung tâm ươm mầm và thiết kế bán dẫn. Công ty bán dẫn Marvell có trụ sở tại California dự kiến sẽ công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm thiết kế bán dẫn đẳng cấp toàn cầu tại TP HCM.

Ngoài những dự án mới, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng tăng cường hợp tác về công nghệ với phía Việt Nam. Cụ thể, Microsoft và Truthing Social sẽ công bố một thỏa thuận để phát triển một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh phục vụ Việt Nam và các thị trường mới nổi.

NVIDIA đang hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai công nghệ AI cho các ngành như dịch vụ đám mây, ô tô và y tế. Meta (Facebook) và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) dự kiến sẽ công bố Thử thách Đổi mới Việt Nam - chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong lĩnh vực tài chính, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã cung cấp hai khoản vay cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lần lượt trị giá 100 triệu USD và 300 triệu USD. Quỹ Beacon Fund cũng sẽ nhận được 50 triệu USD để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ quản lý hoặc có mục tiêu khí hậu.

VNG, kỳ lân công nghệ của Việt Nam, đã nộp hồ sơ IPO trên sàng chứng khoán Nasdaq, là một trong nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tiếp cận thị trường vốn của Hoa Kỳ. United Beacon Asia Media sẽ ra mắt số đầu tiên của Bloomberg BusinessWeek Vietnam vào tháng 10/2023.

Crane Currency đã ký kết một biên bản ghi nhớ (MOU) với Q&T Hi-Tech Polymer của Việt Nam để hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thiết kế đồng tiền tương lai.

Về lĩnh vực hạ tầng cảng, công ty SSA Marine và Gemadept sẽ công bố thỏa thuận hợp tác phát triển các cảng biển chiến lược tại phía nam, bao gồm cả Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ.

Trong hoạt động phát triển bền vững, công ty Australis Aquaculture sẽ ký thỏa thuận ghi nhớ (MOU) với tỉnh Khánh Hòa để đầu tư thêm 100 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững tại Vịnh Vân Phong.

Về thương mại nông nghiệp, hai nước kỳ vọng sẽ công bố giấy phép xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng nông sản trong tương lai.

Trong lĩnh vực năng lượng, chính phủ Hoa Kỳ cùng Honeywell sẽ hợp tác AMI AC Renewables của Việt Nam để triển khai dự án thí điểm lưu trữ năng lượng tại tỉnh Khánh Hòa.

Về chuỗi cung ứng kim loại quan trọng, hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) để hỗ trợ nỗ lực xác định trữ lượng đất hiếm của Việt Nam, tiềm năng kinh tế, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này.

Hợp tác khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế

Hoa Kỳ ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn bền vững. Bản ghi nhớ về Hợp tác trong Chuỗi cung ứng Bán dẫn, Lực lượng lao động và Phát triển hệ sinh thái sẽ chính thức hóa quan hệ song phương trong lĩnh vực này giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ngoài ra, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam nhằm xây dựng hệ sinh thái bán dẫn, lực lượng lao động và nhu cầu cơ sở hạ tầng thông qua Quỹ Đổi mới Công nghệ và An ninh Toàn cầu (ITSI Fund), một phần trong Đạo Luật CHIPS.

Để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác trong chuỗi cung ứng bán dẫn, Hoa Kỳ và Việt Nam dự kiến sẽ xây dựng Mạng lưới Hợp tác Phát triển Điện tử và Công nghệ Hàng đầu (DELTA Networks).

Trong hoạt động nghiên cứu, hai nước dự kiến sẽ mở rộng hoạt động nghiên cứu chung thông qua Thỏa thuận Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hoa Kỳ (VUSTAR).

Trong lĩnh vực giáo dục, hai nước dự kiến sẽ triển khai một số chương trình mới, bao gồm: Sáng kiến Nhà vô địch STEM Việt Nam, Năng cao Kỹ năng và Thúc đẩy Tăng trưởng Kỹ thuật số.

Về hợp tác y tế, Hoa Kỳ đã công bố một loạt kế hoạch, bao gồm tăng cường năng lực cốt lõi của hệ thống y tế Việt Nam, nâng cao công suất phòng thí nghiệm, hệ thống giám sát, khả năng ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh.

Hoa Kỳ cũng dự kiến đào tạo, cố vấn cho các chuyên gia và giảng viên y khoa về chăm sóc cho bệnh nhân ung thư. Đồng thời, Cơ quan Thương mại và Phát triển hoa Kỳ có kế hoạch tổ chức hội thảo với phái đoàn từ Bộ Y tế nhằm tăng cường hoạt động chia sẻ thông tin, xây dựng khung pháp lý liên quan đến thiết bị y tế tại Việt Nam.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm nay, Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam gần 490 triệu USD. Trong đó bao gồm 74,9 triệu USD vốn đăng ký mới, 317,1 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm và 97,8 triệu USD vốn góp, mua cổ phần.

Luỹ kế từ năm 1988 đến nay, Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam 11,7 tỷ USD, đứng thứ 12 trong số các quốc gia có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.

Về thương mại, kể từ năm 1994 đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD (năm 2022).

Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Với tốc độ tăng trưởng thương mại trung bình trên 20%/năm như hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay và trong những năm tới.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Tin vui cho thị trường mặt bằng bán lẻ dịp cuối năm 

Ngành bán lẻ toàn cầu đã phải đối mặt với những thách thức to lớn trong ba năm qua. Mặc dù điều kiện thị trường đã được cải thiện khi đại dịch suy thoái, năm 2023 đang hình thành một năm khó khăn nữa do kinh tế toàn cầu suy thoái, lãi suất tăng cao và áp lực lạm phát. Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đang đặt ra câu hỏi liệu xu hướng này có làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của thị trường bán lẻ cho thuê.

Trong báo cáo mới đây của Savills về Thị trường Bán lẻ Châu Á - Thái Bình Dương (APAC Pacific Retail -Savills Research), các chuyên gia đã chỉ ra một thay đổi quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ nổi bật trong thời kỳ đại dịch là sự trỗi dậy của thương mại điện tử. Đặc biệt là các gian hàng tạp hóa trực tuyến, vốn đã trở nên thiết yếu trong thời gian đóng cửa.

Cụ thể, hiện nay, Trung Quốc và Hàn Quốc tự hào có tỷ lệ hoạt động thương mại điện tử cao nhất thế giới vào năm 2022 ở mức 27%, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 22%.

Cùng lúc đó, các thị trường ở giai đoạn khởi đầu như khu vực ASEAN đang trên đà số hóa nhanh chóng, được thúc đẩy bởi dân số trẻ trong khu vực và khả năng áp dụng công nghệ nhanh chóng của họ. Khu vực này sẽ có mức tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu, với tỷ lệ thâm nhập tăng vọt từ 21% lên 28% trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2026, phản ánh tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) 17% trong giai đoạn này.

Theo dự báo, đến năm 2026, thương mại điện tử dự kiến sẽ đóng góp tới 29% doanh số bán lẻ của châu Á và 26% trong khu vực ASEAN.

Nhiều dự án trọng điểm nằm trong kế hoạch kiểm toán năm 2024

Năm 2024, Kiểm toán nhà nước dự kiến lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được dư luận quan tâm và thuộc chương trình giám sát của Quốc hội như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1, các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai, các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng…

8 THÁNG ĐẦU NĂM KIẾN NGHỊ XỬ LÝ 10.723 TỶ ĐỒNG

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết đến ngày 31/8/2023, toàn ngành đã kết thúc kiểm toán 93 cuộc, phát hành 61 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm…

QUAN TÂM LỰA CHỌN KIỂM TOÁN ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ SAI PHẠM CAO

Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị Kiểm toán Nhà nước cần làm rõ hơn một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cũng như là những kiến nghị chuyển ra các cơ quan chức năng để xử lý. Ngoài những nội dung dự kiến trong kế hoạch kiểm toán năm 2024 về chuyên đề đầu tư mua sắm, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin tại các Bộ đã sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước lớn, kiểm toán chuyên đề về ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng công trình, tài chính, ngân hàng, quốc phòng và an ninh thì cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước cân nhắc tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như là giải ngân vốn đầu tư công, các dự án trọng điểm quốc gia, một số tồn tại của ngành điện; vấn đề về năng lượng, tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Đây là những vấn đề mà cử tri rất quan tâm nên Kiểm toán Nhà nước có thể nghiên cứu những nội dung đề xuất, cân nhắc để đưa vào nội dung kiểm toán năm 2024.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. IHG và BIM Group công bố “khu nghỉ dưỡng thung lũng” đầu tiên tại Việt Nam mang thương hiệu InterContinental

Công ty quản lý khách sạn hàng đầu thế giới IHG® Hotels & Resorts và Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên Tập đoàn BIM Group, đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển dự án InterContinental Thanh Xuan Valley Resort, thuộc Khu đô thị du lịch Thanh Xuân Valley...

Đây là mô hình khu nghỉ dưỡng trong thung lũng (valley resort) đầu tiên của thương hiệu InterContinental tại Việt Nam.

InterContinental Thanh Xuan Valley Resort nằm tại trung tâm Khu đô thị du lịch Thanh Xuân Valley, nơi được mệnh danh là “thành phố thông reo” độc đáo có tổng diện tích 170ha, bao quanh bởi những triền núi và rừng thông 50 năm tuổi, 8 hồ nước ngọt lành và dòng suối tự nhiên.

Nằm gần hồ Đại Lải và hồ Thanh Cao, cách trung tâm thành phố Hà Nội chưa đầy 60 phút lái xe, Thanh Xuân Valley được phát triển với tầm nhìn trở thành một điểm đến lý tưởng dành cho cộng đồng cư dân ưu tú và khách nghỉ dưỡng thượng lưu, đặc biệt với những ai yêu thích triết lý dịch vụ nổi tiếng của thương hiệu InterContinental - “Live the InterContinental Life”.

Dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào năm 2027, InterContinental Thanh Xuan Valley Resort có quy mô 171 phòng khách sạn và 97 căn villa riêng tư, sở hữu hệ tiện ích 5 sao theo tiêu chuẩn toàn cầu của IHG gồm: hệ thống nhà hàng cao cấp, khu spa và wellness, bể bơi vô cực, phòng hội nghị. Đặc biệt phải kể tới mô hình “tree top villa” - những phòng khách sạn cao cấp độc đáo “treo” trên cây, lần đầu tiên được giới thiệu.

Tọa lạc tại vị trí đẹp nhất nơi trái tim dự án Thanh Xuân Valley, giữa lòng thung lũng và rừng thông rợp tán, tựa lưng vào núi và hướng ra mênh mông hồ nước, tận hưởng trọn vẹn tiện ích cao cấp của “thành phố thông reo” từ nông trại, cung đường trekking 10km và tuyến zipline giữa rừng thông, tới công viên và khu mua sắm.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Bất động sản Việt Nam vẫn thu hút nhà đầu tư ngoại

Bất chấp thị trường bất động sản trên toàn thế giới nhìn chung tạm thời suy thoái, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài…

HOÀN TẤT NHIỀU THƯƠNG VỤ

Đánh giá hoạt động M&A bất động sản, Hội Môi giới bất động sản (Vars), nhận xét thực tế hoạt động này vẫn duy trì được sự quan tâm suốt 6 tháng đầu năm 2023. Càng về sau, mức độ quan tâm càng tăng dần, nhất là các dự án hoàn thiện thủ tục pháp lý thì luôn trở thành mục tiêu săn lùng của nhà đầu tư.

Đặc biệt qua khảo sát của đơn vị, khách hàng phần lớn gồm nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan. Trong đó, Keppel Land, Frasers, WHA, Central Retail... là tên tuổi ngoại đã và sẽ tìm kiếm cơ hội M&A ở phân khúc bất động sản thương mại, nhà ở hoặc công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp trong ngành, một số nhà đầu tư từ lĩnh vực khác cũng đang tìm kiếm cơ hội gia nhập, mở rộng danh mục đầu tư sang bất động sản. Phương thức chuyển nhượng chủ yếu là chuyển nhượng cổ phần doanh nghiệp; tách doanh nghiệp dự án và mua bán đứt doanh nghiệp là lựa chọn mà bên mua ưa thích.

Trong khi đó,  về phía chủ đầu tư Việt Nam, Vars đánh giá, hiện nay số lượng chủ đầu tư có nhu cầu tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, hoặc hợp tác đầu tư dự án cũng rất lớn. Bởi thay vì giữ vững “kỳ vọng được giá” như trước, các chủ đầu tư dần thể hiện thiện chí thương lượng với mong muốn đàm phán sớm đạt thành công. Song tính đến hết quý 2/2023, hầu hết những thương vụ M&A mới chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu (giai đoạn tìm kiếm và khảo sát), chứ chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.

NHIỀU CƠ HỘI CHO NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI 

Trên thực tế, JLL cho biết, trong giai đoạn tăng trưởng cao từ năm 2014 đến năm 2018, hầu hết các tài sản chất lượng cao vẫn nằm trong tay chủ đầu tư Việt Nam, nhờ năng lực phát triển đất đai, thực hiện dự án và bán hàng tốt. Điều này đã cản trở sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào việc phát triển vùng đất mới. Nhưng chính sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường hiện tại, chủ đầu tư trong nước buộc phải cơ cấu lại sản phẩm lẫn danh mục đầu tư. Từ đó, có động lực và cởi mở hơn khi xuất hiện cơ hội hợp tác cùng nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên “Giá giao dịch lại không giảm mạnh như kỳ vọng, bất chấp môi trường lãi suất tăng cùng khả năng tiếp cận nguồn vốn bị thắt chặt. Có lẽ trong thập kỷ qua, chi phí mua và nắm giữ tài sản cao khiến chủ đất không nhiều cơ hội để giảm giá đáng kể. Vì vậy, dù mối quan tâm đầu tư luôn duy trì nhờ tiềm năng tăng trưởng dài hạn của thị trường, nhưng sự thiếu linh hoạt trong đàm phán giá khiến tốc độ giao dịch thị trường chậm”, JLL nhận định.

Mặc dầu vậy, theo đơn vị này, thời gian tới có thể xuất hiện nhiều giao dịch thành công được công bố, do hạn chế tài chính từ chủ đất địa phương vẫn tồn tại. Đặc biệt với việc Việt Nam đang sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và có hiệu lực vào năm 2024; kết hợp cùng những khó khăn kinh tế trên toàn cầu, thì khó xảy ra khả năng tình hình tài chính thắt chặt của nhà phát triển địa phương được nhanh chóng giảm bớt. Từ đó tất yếu có nhiều lựa chọn cho các nhà đầu tư tiềm năng vì nhiều người bán có động lực hơn trên thị trường.

“Với nền tảng thị trường vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn của đất nước, các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài sẽ tìm thấy những lựa chọn khả thi cho kế hoạch mở rộng của họ tại Việt Nam”, JLL bình luận.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Áp lực đô thị hóa, tốc độ tăng giá nhà và giấc mơ an cư của người thu nhập thấp

Có khoảng cách rất lớn giữa giá căn hộ tại các thành phố lớn của Việt Nam và thu nhập trung bình của người dân, khiến cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở.

Theo báo cáo Chỉ số về Khả năng Chi trả Nhà ở tại Châu Á Thái Bình Dương 2023 của Viện Nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận (ULI) có trụ sở chính tại Singapore, TP HCM và Hà Nội là hai thành phố có giá nhà ở mức độ trung bình trong khu vực nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.

Cụ thể, TP HCM - trung tâm kinh tế của Việt Nam, nổi bật với giá nhà trung bình là 296.000 USD (hơn 7 tỷ đồng/căn) với thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở mức 9.120 USD/năm. Theo tính toán của ULI, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP HCM đang ở mức 32,5, cao thứ 2 trong khu vực chỉ sau Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong.

Trong khi đó, chỉ số này ở Hà Nội là 18,3 với mức thu nhập trung bình năm của hộ gia đình là 9.967 USD, cao hơn Seoul, Tokyo hay nhà ở thương mại Singapore.

Ở thị trường nhà ở cho thuê, đơn vị này cho biết giá thuê trung bình hàng tháng trên mỗi căn hộ tại TP HCM là 592 USD, tương đương khoảng hơn 14 triệu đồng. Đây là thị trường chủ yếu phù hợp với nhóm lao động trẻ có thu nhập cao hoặc nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo Savills Việt Nam, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa của Hà Nội sẽ đạt 62% vào năm 2025 và tăng lên 75% vào năm 2030. Với đà phát triển này, nguồn cầu dự kiến đạt khoảng 426.700 căn. Tuy nhiên, Chương trình Phát triển Nhà ở của Hà Nội cũng đặt mục tiêu diện tích nhà ở mới là 33,2 triệu m2 sàn từ nay tới năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người là 29,5m2/người. Các số liệu này cho thấy sự thiếu hụt nguồn cung là 95.800 nhà ở.

Thêm vào đó, nguồn cung mới hạn chế, số lượng căn hộ bàn giao giảm và giá sơ cấp trung bình neo cao tại mức 52 triệu đồng /m2 đã tạo điều kiện cho giá bán thứ cấp tăng. Từ năm 2018 đến năm 2022, giá sơ cấp trung bình của căn hộ Hà Nội đã tăng 13%/năm, trong khi nguồn cung sơ cấp giảm 14%/năm.

Trước nhu cầu mua nhà lớn, câu hỏi đặt ra là liệu thu nhập trung bình của người dân có thể chi trả để sở hữu nhà tại Hà Nội hay không? Báo cáo của Savills cũng chỉ ra việc Hà Nội đang phấn đấu có thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 150 triệu/người/năm. Xét về tương quan so với 2019, mức tăng trưởng trung bình thu nhập là 6%/năm. Trong khi đó, mức tăng trưởng giá căn hộ từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2023 là 13%/năm.

 “Rõ ràng thực tế là sự tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người tại Hà Nội đang ở mức thấp hơn so với mức tăng trưởng giá căn hộ. Đây là ví dụ để thấy việc sở hữu nhà của người dân sẽ lâu hơn nếu khoảng cách này còn được nới rộng. Nếu hai con số này không tịnh tiến lại gần nhau sẽ khiến cho việc sở hữu nhà ở của người dân nói chung, những người đang sống ở Hà Nội và những người dân ngoại tỉnh muốn có nhà ở Hà Nội để làm việc hay cho con cái sẽ lâu và khó khăn hơn”, bà Hằng nhận định.

 Lệch pha cung - cầu ngày càng rõ nét

Dưới góc nhìn của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), hiện nay, thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Đây là hai loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị. Do thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn, mà theo quy luật cung - cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.

Vị này cho rằng, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường bất động sản thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Song, muốn tăng nguồn cung nhà ở thì trước hết phải tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.

Đồng thời, muốn đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở thì phải xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội và loại nhà ở giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân trong xã hội là những người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị (bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người mới lập nghiệp, mới lập gia đình, công nhân lao động và người nhập cư).

Theo đó, muốn có nhiều nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập thì phải tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật hiện hành và bổ sung các cơ chế chính sách mới (hiện nay chưa có) để đẩy mạnh hoạt động phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập.

Trong báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023, Bộ Xây dựng đánh giá, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM là tăng cao tại một số khu vực dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại. Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như có không biến động và không có dự án mới.

Tính đến quý II, Bộ cho biết cả nước có 294 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.

Trong đó, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, có 201 dự án với khoảng 162.227 căn đang được tiếp tục triển khai xây dựng; có 6 dự án với khoảng 1.892 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, có 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ đang tiếp tục triển khai.

Hiện nay, các địa phương và các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030", theo đó hiện có khoảng 108 dự án đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai đầu tư xây dựng.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Hơn 10.000 nạn nhân dính chiêu lừa đảo của Tổng giám đốc BĐS Nhật Nam 

Nhà Đầu Tư Bằng cách thông tin quảng cáo sai dự án, cam kết trả lãi suất cao để người dân tin tưởng, bà Vũ Thị Thúy đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội ngày 8/9/2023 đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với bà Vũ Thị Thúy (SN 1983) - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (BĐS Nhật Nam).

Theo đó, tài liệu chứng cứ thu thập được bước đầu xác định bà Vũ Thị Thúy (từng có 1 tiền án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản), đã đưa ra thông tin quảng cáo sai sự thật về các dự án, cam kết trả lãi suất từ 34-46% để người dân tin tưởng nộp tiền vào BĐS Nhật Nam dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh rồi lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước. Với thủ đoạn trên, bà đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng hơn 10.000 cá nhân với tổng số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong ngày 30 và 31/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội (Phòng Cảnh sát kinh tế) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và Quyết định tạm giữ đối với Vũ Thị Thúy về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 74 Bộ luật Hình sự.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Loạt vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội và những 'lỗ hổng' của loại hình nhà ở này

Những 'lỗ hổng' cần sớm được thắt chặt

Các tòa chung cư mini này được xây dựng trên diện tích nhỏ, nhiều căn nằm sâu trong ngõ ngách với quy mô từ 5 - 10 tầng và xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư. Đáng chú ý, nhiều chủ đầu tư khi xây dựng đều đưa ra lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ. Hầu hết chủ đầu tư đều cố gắng tận dụng tối đa quỹ đất nên ít làm lối thoát hiểm, cơ sở vật chất PCCC chỉ mang tính hình thức nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Trước đó, để thắt chặt quản lý loại hình chung cư mini, đảm bảo điều kiện an toàn cháy nổ, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản, trong đó có văn bản số 3003/SXD-QLN về việc thống kê số lượng chung cư mini trên địa bàn thành phố; đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thống kê chính xác số lượng loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) trên địa bàn quản lý trong đó có bao nhiêu trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để Sở tổng hợp báo cáo thành phố.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng nêu rõ: Trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định số 99 từ năm 2015 đã quy định dạng căn hộ có diện tích tối thiểu 30m2, khép kín, đáp ứng được các yêu cầu về nhà chung cư sẽ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sở hữu cho từng căn hộ.

Nhưng thực tế, do ham lợi nhuận nên các chủ đầu tư phần lớn đều cho xây dựng chung cư mini vượt tầng cao, không đảm bảo điều kiện PCCC nên số lượng chung cư mini được cấp sổ đỏ cho từng căn hộ mới trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Mặt khác, không ít người vẫn đặt ra thắc mắc rằng tại sao hàng loạt vụ cháy chung cư mini liên tiếp xảy ra trên địa bàn nhưng tình trạng chung cư mini vẫn mọc lên “như nấm” và các vụ cháy vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về người và của nghiêm trọng?...

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Hà Nội sửa đổi, bổ sung quy định và bảng giá các loại đất

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND về việc ban hành quy định và bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố...

Cụ thể là: sửa đổi Khoản 1, Điều 1 quy định bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp: tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân.

Bảng giá đất làm căn cứ để tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai. Ngoài ra, tính giá trị quyền sử dụng đất để trả cho người tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước đối với trường hợp đất trả lại là đất Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Quyết định mới cũng sửa đổi Điểm b, Khoản 2, Điều 3 đối với thửa đất của một chủ sử dụng đất tại vị trí 2, 3 và 4 của bảng số 5, 6 (trừ thị trấn Tây Đằng huyện Ba Vì) và bảng số 7 thuộc các khu dân cư cũ (không nằm trong khu đô thị mới, khu đấu giá, cụm công nghiệp hoặc khu công nghiệp) nếu có khoảng cách theo đường hiện trạng từ mốc giới đầu tiên của thửa đất đến đường (phố) có tên trong bảng giá bằng hoặc hơn 200m thì giá đất được giảm trừ:  với khoảng cách 200-300m, giảm 5% so với giá đất quy định; khoảng cách 300-400m, giảm 10% so với giá đất quy định; khoảng cách 400-500m, giảm 15% so với giá đất quy định; khoảng cách từ 500m trở lên, giảm 20% so với giá đất quy định.

Sửa đổi Điểm c, Khoản 2, Điều 3 đối với thửa đất của một chủ sử dụng tại các vị trí 2, 3, 4 có ngõ nối thông trực tiếp với nhiều đường (phố) được quy định trong bảng giá đất thì giá đất được xác định theo vị trí của đường (phố) có giá cao nhất (có tính đến yếu tố giảm trừ tại Điểm b nếu có).

Quyết định cũng sửa đổi quy định tại Điểm a và b, Khoản 3, Điều 3 Quyết định 30/2019/QĐ-UBND. Theo đó, chỉ giới hè đường, phố nêu tại Khoản 1, 2, Điều 3 được áp dụng: Đối với trường hợp thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê đất mới thì chỉ giới hè đường (phố) tính theo chỉ giới đường hiện trạng. Đối với trường hợp thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê đất mới được thực hiện theo nhiều giai đoạn khác nhau thì chỉ giới hè đường (phố) tính theo chỉ giới đường hiện trạng của cả dự án.

Sửa đổi quy định tại Khoản 5, Điều 6 với thửa đất của chủ sử dụng tại vị trí 4 các phường: Viên Sơn, Trung Hưng, Trung Sơn Trầm (Thị xã Sơn Tây) quy định tại bảng 5 được xác định: Trong phạm vi tính từ chỉ giới hè đường (phố) có tên trong bảng giá đến 200m được xác định theo vị trí 4; ngoài 200m tính từ chỉ giới hè đường (phố) có tên trong bảng giá xác định giá theo quy định cụ thể tại bảng 9.

Bên cạnh đó, Quyết định số 20/2023/QĐ-UBND cũng bãi bỏ cột giá đất “ngoài phạm vi 200m” tại các bảng số 7; đồng thời, điều chỉnh, bổ sung, loại bỏ giá đất của một số tuyến đường, phố trong bảng giá đất.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

Quảng Ninh dự kiến thành lập thành phố Vân Đồn

Với việc đưa Vân Đồn lên thành phố, Quảng Ninh sẽ tiếp tục là tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước với 5 thành phố trực thuộc tỉnh…

Ngày 07/9/2023, UBND huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 2726/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương Đề án đề nghị công nhận khu vực dự kiến thành lập Thành phố Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đạt tiêu chí đô thị loại III.

Phạm vi lập Đề án đề nghị bao gồm toàn bộ phạm vi ranh giới diện tích huyện Vân Đồn, diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 2.171,33km2; với 12 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn Cái Rồng và 11 xã (Đông Xá, Hạ Long, Đoàn Kết, Quan Lạn, Minh Châu, Đài Xuyên, Bình Dân, Vạn Yên, Bản Sen, Thắng Lợi và Ngọc Vừng). Dân số toàn huyện là 49.046 người.

Khu vực nội thị dự kiến (đã được công nhận đô thị loại IV theo Quyết định số 973/QĐ-BXD ngày 21/8/2015 của Bộ Xây dựng) gồm Thị trấn Cái Rồng và các xã Đông Xá, Hạ Long với diện tích 51,33km2; dân số thường trú 32.278 người.

Khu vực ngoại thị gồm 9 xã (Đoàn Kết, Quan Lạn, Minh Châu, Đài Xuyên, Vạn Yên, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi và Bình Dân) với diện tích 532,6km2; dân số thường trú 16.768 người.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

tin-tuc-bat-dong-san-ve-quy-hoach-thang8.2023

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-phap-luat-thang-8.2023

Tin tức tổng hợp pháp luật về bất động sản tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-nha-o-xa-hoi-thang-8.2023

Tin tức bất động sản về nhà ở xã hội tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-gia-ca-thi-truong-thang-2.2023

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 8 năm 2023 

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan