Tin tức
23/09 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 18/9 đến 23/9/2023

  • 197
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 18/9 đến 23/9/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Bất cập quy định về nhà ở làm nở rộ "chung cư mini"
  2. Chuyên gia: Chưa tạo được một mặt bằng giá nhà ở phù hợp thì chưa giải quyết được khủng hoảng bất động sản
  3. 'Khơi thông nguồn cung nhà ở giá rẻ để nhiều người dân được tiếp cận'
  4. Hoàn thiện pháp lý cho kinh doanh, phát triển bất động sản du lịch
  5. Hà Nội được phạt vi phạm PCCC cao gấp đôi cả nước?
  6. Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở
  7. Hà Nội xem xét chủ trương thành lập quận Gia Lâm với 16 phường
  8. Khu đô thị 1,5 tỷ USD của nhà Vingroup được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất huyện Đông Anh
  9. Hải Phòng sẽ lấy Thuỷ Nguyên làm trung tâm hành chính - chính trị mới, phát triển thêm 3 đô thị trung tâm

tin-tuc-bat-dong-san-tuan-3-thang-9.2023

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

Bất cập quy định về nhà ở làm nở rộ "chung cư mini"

Trước tình trạng nở rộ “chung cư mini”, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng có nguyên nhân bắt nguồn từ những bất cập của quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”…

HÀ NỘI CÓ 2.000 "CHUNG CƯ MINI"

Thực tế về vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến triển khai Công điện 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cho biết theo rà soát của đơn vị, toàn thành phố có 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ… Còn TP.HCM hiện có 42.256 cơ sở là nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, dạng nhà kiểu "chung cư mini".

Lý giải tình trạng nở rộ “chung cư mini”, HoREA cho rằng có nguyên nhân xuất phát từ những bất cập của quy định pháp luật về “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân”. Cụ thể, Luật Nhà ở 2005 và Nghị định 90/2006/NĐ-CP không có bất kỳ quy phạm pháp luật nào cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân” được thiết kế theo kiểu "chung cư mini", có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị. Việc phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân phải phù hợp quy hoạch; có giấy phép xây dựng; bảo đảm yêu cầu kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của đô thị.

Chỉ đến năm 2010, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP thay thế Nghị định 90/2006/NĐ-CP, mới cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân” được thiết kế kiểu "chung cư mini", có nhiều tầng, nhiều căn hộ nhỏ tại các đô thị. Hiệp hội đã đánh giá quy định này không phù hợp và trái với Luật Nhà ở 2005. Vì vậy, khi Nghị định 71/2010/NĐ-CP còn là Dự thảo, Hiệp hội và UBND TP.HCM đưa ra góp ý, đề nghị không cho phép “phát triển nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân” được thiết kế kiểu chung cư mini, có nhiều tầng, nhiều căn hộ tại các đô thị; với quan ngại sẽ làm phát sinh tình trạng xây dựng không phép, sai phép, làm phá vỡ quy hoạch, gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện để được cấp “sổ đỏ” cho người mua, làm phát sinh tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Tuy nhiên không được chấp thuận.

QUY HOẠCH ĐƯỢC DUYỆT PHẢI LÀ NHÂN TỐ NỀN TẢNG

Căn cứ tình hình trên, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi bổ sung theo hướng sử dụng công cụ quy hoạch, nhằm hạn chế phát triển loại nhà ở riêng lẻ kiểu nhà “chung cư mini”, “chung cư hộp diêm” có nhiều phòng tại khu vực đô thị, quận nội thành. Loại căn hộ mini này chỉ nên dùng để cho thuê.

“Quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải là nhân tố nền tảng, nhằm đảm bảo phát triển các khu nhà ở, khu đô thị, khu dân cư theo hướng bền vững, thân thiện môi trường. Trong đó, ngoài chỉ tiêu quy hoạch về hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, còn phải có chỉ tiêu quy hoạch quan trọng như: hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao, nhất là chỉ tiêu dân số của dự án... Mặt khác, thiết kế nhà chung cư và “căn hộ nhỏ” cần khoa học và hợp lý, giữ vai trò nền tảng, đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực lên hệ thống hạ tầng và nguy cơ “ổ chuột” trên cao.

Tương tự, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), cho rằng nên có thêm quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về đầu tư, xây dựng "chung cư mini". Tuyệt đối tránh phê duyệt "chung cư mini" có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận. Các dự án nhà ở khác "chung cư mini" thì phải có quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh. Và “năng lực, trách nhiệm” của người chủ "chung cư mini" cũng cần được quy định rõ, không thể cứ có đất, có tiền là có thể xây để bán hay cho thuê. Đặc biệt, việc kiểm soát xây dựng, vận hành "chung cư mini" phải thực hiện chặt chẽ, thường xuyên; đảm bảo hoàn thành đúng tiêu chuẩn như phê duyệt. Trong quá trình vận hành, thường xuyên được bảo trì, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy… 

Đồng thời Vars nhấn mạnh, người dân trước khi quyết định mua chung cư mini lưu ý xem xét kỹ hồ sơ pháp lý: có giấy phép xây dựng do quận/huyện cấp, xây dựng đúng theo bản vẽ thiết kế, đúng số tầng và mật độ xây dựng như trên bản vẽ đã cấp, có phê duyệt an toàn phòng cháy chữa cháy do cơ quan Công an thẩm định, cấp phép. Đây là vấn đề pháp lý cốt lõi mà người mua chung cư mini nên nằm lòng giúp đảm bảo quyền lợi của mình. 

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

Chuyên gia: Chưa tạo được một mặt bằng giá nhà ở phù hợp thì chưa giải quyết được khủng hoảng bất động sản

Cũng tại diễn đàn, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia nêu quan điểm, khủng hoảng của thị trường bất động sản đã được dự báo từ trước nhưng không thể tránh được. Theo đó, bất động sản là sản phẩm thiết yếu dài hạn, do đó khi mất cân bằng cung cầu sẽ xảy ra khủng hoảng. 

“Thời gian vừa qua chúng tôi đã theo dõi xem niềm tin thị trường địa ốc có phục hồi khi các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu hay không. Mới đây nhất, một Tập đoàn lớn nhất cả nước phát hành trái phiếu khi không hề có nợ đọng ngân hàng. Chúng tôi nín thở theo dõi nhưng kết quả cho thấy thị trường chỉ đang mon men, rón rén phục hồi khoảng 30% so với kỳ vọng”, vị này nhận định.

Bên cạnh đó, dấu hiệu phục hồi của thị trường được thể hiện qua chỉ số mua hàng đang lẹt đẹt, cho thấy nền kinh tế đang ở hình chữ U thay vì chữ V.

Ông Nghĩa dự báo thị trường bất động sản có thể còn khó khăn kéo dài đến quý II và quý III sang năm. Để phục hồi thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ với các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và cả các doanh nghiệp. Đây là nỗ lực chưa từng có, tuy nhiên theo vị này, kết quả chưa cao.

“Chúng ta chưa vào tâm bão, chúng ta chưa đẩy được nguồn cung nhà ở giá rẻ ra thị trường thì chưa giải quyết được vấn đề. Làm sao để các doanh nghiệp đi vào phân khúc nhà ở giá rẻ được tự do? Cần thiết Chính phủ quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ như ở Trung Quốc, tránh làm các nhà đầu tư nhà ở giá rẻ nản lòng. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở phù hợp thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường bất động sản”, chuyên gia nhấn mạnh.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. 'Khơi thông nguồn cung nhà ở giá rẻ để nhiều người dân được tiếp cận'

Theo chuyên gia, nhìn từ vụ cháy chung cư mini nghiêm trọng xảy ra mới đây, vấn đề mấu chốt là phải khơi thông nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân.

Hiện nay, khái niệm “chung cư mini” không có trong danh mục công trình xây dựng. Những công trình này được cấp phép đa số đều là nhà ở của hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng cho công nhân, người lao động thuê.

Thực tế, loại hình căn hộ có diện tích nhỏ này tại các thành phố lớn lại được rất nhiều người ưa chuộng. Những người tìm đến để mua đa phần là những cá nhân, hộ gia đình trẻ mới đi làm, người ở tỉnh lẻ, điều kiện kinh tế chưa đủ để mua căn hộ chung cư hoặc bố mẹ ở quê mua tạm cho con cái đi học Đại học.

Những đối tượng mua loại hình nhà ở này đa phần không phải dân lao động chân tay mà hầu hết đều là lao động có trình độ. Rất nhiều người trong số họ trước khi xuống tiền mua chung cư mini đều lờ mờ, thậm chí là thấy rõ các nguy cơ từ pháp lý đến nguy cơ mất an toàn khi vào ở nhưng vẫn chấp nhận “nhắm mắt đưa chân”.

Nguyên nhân theo các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) là do thị trường bất động sản ngày càng thiếu trầm trọng các sản phẩm nhà ở giá bình dân, phù hợp với túi tiền của phần đông người dân. Chưa kể đến nhiều dự án nhà ở hình thành trong tương lai, không những giá cao mà pháp lý cũng có nhiều sai phạm.

“Bần cùng bất đắc dĩ”, đứng trước mong muốn cần ổn định chỗ ở, trong khi tài chính có hạn nên nhiều người không dám “mơ” mua được những căn hộ chung cư đảm bảo chất lượng. Khi đó, chung cư mini là lựa chọn phù hợp nhằm thỏa mãn đồng thời nhu cầu về nơi ở như vị trí trung tâm, ổn định, giá rẻ.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thiết kế căn hộ mini cho thuê giá rẻ cũng đang trở thành hình thức đầu tư sinh lời và bùng nổ mạnh mẽ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Theo quan điểm của Hội Môi giới, để đảm bảo việc vận hành, khai thác các chung cư mini đảm bảo an toàn, cần những lưu ý một số điểm.

Thứ nhất, cần có thêm các quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về việc đầu tư, xây dựng. Tuyệt đối tránh phê duyệt các dự án có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận. Tương tự, các dự án nhà ở khác, chung cư mini cũng cần có những quy định tối thiểu về hạ tầng xung quanh. Năng lực, trách nhiệm của người chủ chung cư mini cũng phải được quy định rõ, không phải, cứ có đất, có tiền là có thể xây để bán hay cho thuê.

Thứ hai, việc kiểm soát xây dựng, vận hành chung cư mini phải được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên. Đảm bảo chung cư hoàn thành đúng với tiêu chuẩn như phê duyệt. Trong quá trình vận hành, thường xuyên được bảo trì, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy,…

Cuối cùng, theo VARs, chung cư mini chỉ là một “phát súng”. Ngoài loại hình này ra, rất có thể còn có nhiều “phát súng” khác sẵn sàng phát nổ khi gặp điều kiện thích hợp. Chính vì vậy, thay vì đi vào xử lý khi việc đã rồi, ở một góc độ rộng hơn, sâu xa hơn thì việc giải quyết vấn đề về chốn ở cho phần đông người dân chính là vấn đề mấu chốt.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

2. Hoàn thiện pháp lý cho kinh doanh, phát triển bất động sản du lịch

Các chuyên gia cho rằng cần rà soát, nghiên cứu bổ sung quy định điều chỉnh với bất động sản du lịch tại các dự án Luật sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ; thống nhất về khái niệm, bản chất, hình thức bất động sản du lịch…

Tại Hội thảo "Bất động sản du lịch- Lý luận và thực tiễn" do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) vừa tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận, cho ý kiến những vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc phát triển, kinh doanh bất động sản và căn hộ du lịch, cũng như việc hoàn thiện quy định về bất động sản căn hộ du lịch (Condotel) ở Việt Nam hiện nay để thúc đẩy phát triển,…

Có cùng quan điểm này, các chuyên gia cho rằng trong thời gian qua, nhiều luật mới điều chỉnh thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,… và một số luật đang được tiếp tục sửa đổi. Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành chủ yếu điều chỉnh đối với kinh doanh bất động sản nói chung, chưa có quy định điều chỉnh trực tiếp đối với bất động sản du lịch.

Điều này khiến chính quyền tại nhiều địa phương cũng các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong quản lý, đầu tư, thực hiện các dự án bất động sản du lịch.

Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng đang phát triển rất nhanh cả về quy mô, sản phẩm, phạm vi, giá trị, đòi hỏi quy định của pháp luật phải liên tục cập nhật. Giải quyết vướng mắc về bất động sản du lịch hiện nay cần rà soát để điều chỉnh về quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cùng với đó, một số ý kiến kiến nghị cần hoàn thiện cơ chế nhằm tháo gỡ những vướng mắc, phải hoàn tất xây dựng các điều kiện được cấp giấy chứng nhận hoàn thiện sử dụng đất. Đối với các dự án Condotel đã hoàn thiện mà chưa có điều kiện cấp giấy chứng nhận thì cơ quan nhà nước cần nhanh chóng cấp giấy chứng nhận nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư cũng như người mua. Với quy định rõ ràng như vậy, các nhà đầu tư sẽ yên tâm khi quyết định đầu tư với những dự án này.

Thị trường bất động sản du lịch là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Do đó, để thị trường bất động sản du lịch Việt Nam phát triển, trở thành thế mạnh của nhiều địa phương trong cả nước, phải có sự nhận định đúng đắn về vai trò của bất động sản du lịch. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch trong và ngoài nước, các nhà đầu tư bất động sản nên xây dựng một số loại hình du lịch phù hợp với xu hướng phát triển du lịch hiện nay...

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

3. Hà Nội được phạt vi phạm PCCC cao gấp đôi cả nước?

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, thực tiễn cho thấy tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất phức tạp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo ở Thủ đô, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp để tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Do vậy, Điều 34 dự thảo Luật đã bổ sung 3 lĩnh vực mà HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, Điều 35 còn quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật hiện hành quy định là ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng quy định này là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

4. Chủ tịch Quốc hội: Dứt khoát không hợp thức hoá chung cư mini trong Luật Nhà ở

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại phiên họp 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 20/9, Chủ tịch Quốc hội  cho rằng, luật chỉ có 7 chương với 59 điều nhưng rất khó và đặc biệt quan trọng với phát triển Thủ đô Hà Nội. Ông đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu để thể chế hoá đầy đủ, cụ thể các chủ trương để Thủ đô Hà Nội phát triển như mục tiêu đề ra trong nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị.

Đồng ý rằng đây là đạo luật về phân cấp và phân quyền, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải toàn diện chứ không chỉ ở lĩnh vực kinh tế; cùng với đó phải có trọng tâm, trọng điểm chứ không rải mành mành. Do đó, ông đề nghị nội dugn nào phân cấp cho cấp thành phố cần thể hiện rõ, ngoài ra nghiên cứu quy định để thành phố có thể phân quyền cho cấp dưới như quận, huyện, sở.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý, cần rà soát lại dự án Luật Nhà ở, dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini đai trong Luật Nhà ở; rà soát quy định về bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng đất đai; thu hút đầu tư, tài chính – ngân sách;…

Nhắc lại vụ cháy chung cư mini tại Khương Hạ vừa qua là rất đau xót, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu giao cho thành phố Hà Nội có thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn khác biệt liên quan đến một số lĩnh vực như phòng cháy chữa cháy, giao thông...,

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong luật này, không để biến tướng thành một điều khác trong Luật Nhà ở chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

1. Hà Nội xem xét chủ trương thành lập quận Gia Lâm với 16 phường

Theo chương trình Kỳ họp thứ 13 khoá XI, HĐND thành phố Hà Nội ngày 22/9, dự kiến thành phố Hà Nội trình HĐND thành phố xem xét tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường.

Theo đó, phương án thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số huyện Gia Lâm.

Sau khi thành lập quận Gia Lâm có diện tích tự nhiên 116,64 km2, quy mô dân số hơn 300.000 người, có 16 phường trực thuộc, bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.

Huyện Gia Lâm, có 22 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thị trấn và 20 xã. Nằm ở cửa ngõ phía Đông của thành phố. Địa bàn huyện có nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm, kết nối các tỉnh, thành trung tâm kinh tế lớn như: quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, quốc lộ 3 mới (Hà Nội- Thái Nguyên), quốc lộ 5 B kết nối với Hưng Yên, thành phố Hải Phòng… Ngoài ra hệ thống đường thuỷ qua con các sông Hồng, sông Đuống và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc.

Việc thành lập quận Gia Lâm sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh; khai thác tối đa lợi thế kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của nhân dân.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

2. Khu đô thị 1,5 tỷ USD của nhà Vingroup được bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất huyện Đông Anh

Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm do VEFAC - công ty con Vingroup làm chủ đầu tư vừa được cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Đông Anh.

Ngày 14/9 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2023 huyện Đông Anh. Tại quyết định này, Hà Nội bổ sung 62 dự án với tổng diện tích khoảng 1.043 ha.

Trong danh mục 62 dự án được bổ sung, có sự xuất hiện của Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm do CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (VEFAC, mã chứng khoán: VEF) làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án này có tổng diện tích hơn 265 ha, trong đó diện tích cần thu hồi năm 2023 là gần 48 ha.

Văn bản cho biết, dự án này được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào tháng 6/2020, được UBND TP Hà Nội duyệt chủ trương đầu tư thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025.

VEFAC là công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup. Tính đến ngày 30/6/2023, tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại VEFAC là 87,97%. 

Tại báo cáo thường niên năm 2023, VEFAC cho biết, tại Đông Anh doanh nghiệp đang triển khai 2 dự án là Khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, Đông Hội, Mai Lâm (tổng vốn đầu tư khoảng 34.879 tỷ đồng) và Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia (hơn 7.336 tỷ đồng). Hai dự án này có tổng diện tích hơn 300 ha, giáp tuyến đường quy hoạch nối từ cầu Tứ Liên đi vành đai 3.

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

3. Hải Phòng sẽ lấy Thuỷ Nguyên làm trung tâm hành chính - chính trị mới, phát triển thêm 3 đô thị trung tâm

Trong tương lai, TP Hải Phòng được quy hoạch phát triển theo mô hình “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”. Nhu cầu về bất động sản ở Hải Phòng cũng được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhờ việc phát triển các khu công nghiệp.

Báo cáo về thị trường bất động sản Hải Phòng do Savills Việt Nam công bố mới đây cho hay, Quy hoạch chung xây dựng TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn 2050 có mục tiêu đưa địa phương này trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hóa. Đồng thời, trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung. ‏

Theo quy hoạch, dân số Hải Phòng đến năm 2030 đạt khoảng 2,8 - 3 triệu người, dân số đô thị khoảng 2 - 2,2 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 74 - 76%. Đến năm 2040, dân số đô thị khoảng 3,2 - 4 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 80 - 86%. Những số liệu trên đã cho thấy bức tranh tiềm năng về nguồn cầu bất động sản nhà ở tại thành phố này. 

Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Thủy Nguyên sẽ trở thành thành phố vào năm 2025 và trở thành trung tâm hành chính, chính trị mới của Hải Phòng. ‏

‏Savills Việt Nam đánh giá việc quy hoạch “đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh” sẽ góp phần tạo ra không gian phát triển cho thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng các sản phẩm bất động sản. Hơn nữa, đội ngũ chuyên gia của đơn vị này cũng cho rằng khi TP Hải Phòng được mở rộng, nguồn cầu cho thị trường thương mại và lưu trú sẽ gia tăng. ‏

‏“Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các chủ đầu tư khai thác thị trường tại Hải Phòng. Với lợi thế có sẵn từ hạ tầng giao thông cùng những nỗ lực của thành phố trong việc phát triển không gian đô thị, thị trường Hải Phòng được kỳ vọng sẽ phát triển đồng loạt các phân khúc.

Các lĩnh vực đầu tư rất đa dạng và thu hút, trải rộng từ phát triển dịch vụ hậu cần, bến cảng cho tới những dự án nhà ở tìm kiếm các phân khúc mới nổi như nhà ở công nhân”, bà Đỗ Thu Hằng nhận định. 

Click vào đây để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

tin-tuc-bat-dong-san-ve-quy-hoach-thang8.2023

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-phap-luat-thang-8.2023

Tin tức tổng hợp pháp luật về bất động sản tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-nha-o-xa-hoi-thang-8.2023

Tin tức bất động sản về nhà ở xã hội tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-gia-ca-thi-truong-thang-2.2023

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 8 năm 2023 

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

 

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan