Tin tức
09/09 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 03/9 đến 09/9/2023

  • 220
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày từ 03/9 đến 09/9/2023 gồm các tin chính sau:

  1. Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Đã hoàn thành hơn 94.000 căn
  2. 'Nới điều kiện cho vay BĐS trước mắt sẽ giảm bớt rủi ro thanh khoản nhưng sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu'
  3. Bài học từ khủng hoảng bất động sản Trung Quốc
  4. Từ độ trễ của chính sách tới xu hướng hồi phục thị trường bất động sản
  5. Khảo sát Reuters: Xu hướng giảm giá nhà toàn cầu kết thúc sớm hơn dự kiến
  6. Doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng vẫn “khó gặp nhau”
  7. Giải ngân vốn đầu tư công vượt cùng kỳ, sắp cán mốc 300.000 tỷ đồng sau 8 tháng
  8. Luật Thuế bất động sản dự kiến được thông qua vào năm 2025
  9. Hà Nội sẽ có thêm 8 dự án NOXH với hơn 5.000 căn

ban-tin-bat-dong-san-tuan-1-thang-9.2023

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội: Đã hoàn thành hơn 94.000 căn

Theo Bộ Xây dựng, việc triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến nay đã hoàn thành xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, với gần 94.400 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,8 triệu m2.

Số liệu trên được Bộ Xây dựng nêu tại báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết 01 và tình hình kinh tế xã hội 8 tháng qua. 

Cùng với số căn hộ đã hoàn thành, Bộ Xây dựng cho biết, các địa phương đang tiếp tục triển khai 291 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 271.500 căn hộ, với tổng diện tích sàn khoảng 14.520.000m2.

Liên quan đến việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ cho hay, hiện có 11 địa phương công bố danh mục 24 dự án đủ điều kiện vay, với nhu cầu vay vốn khoảng 12.400 tỷ đồng.

Để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan lập tổ công tác đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. 'Nới điều kiện cho vay BĐS trước mắt sẽ giảm bớt rủi ro thanh khoản nhưng sẽ gia tăng rủi ro nợ xấu' 

Theo ước tính của VDSC, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng so với cuối năm trước, tại thời điểm tháng 6/2023 là 2,47% (gần 63.000 tỷ đồng hay 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế).

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 1/9/2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này. 

Thông tư 10 được ban hành ngay trước thời điểm Thông tư 06 có hiệu lực. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, đây có thể xem là một giải pháp tình thế khi khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài và nguồn cung ứng vốn chính cho thị trường này lại trở về kênh tín dụng. Việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định được xem là “siết” hoạt động cho vay, kinh doanh bất động sản cho thấy hệ thống (gồm cả bên cho vay và đi vay) vẫn chưa sẵn sàng để nâng cấp.

"Trước mắt, thông tư 10 sẽ giúp giảm bớt rủi ro thanh khoản tuy nhiên việc vận hành theo phương thức cũ sẽ dẫn đến gia tăng rủi ro nợ xấu, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm và yếu", nhóm phân tích nhận định.

Thực tế, theo thống kê của VDSC, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành (thống kê 27 ngân hàng niêm yết) ở mức 2,07%, tăng 0,57% so với quý II/2022. Trong đó, nợ xấu lĩnh vực bất động sản đang có chiều hướng tăng so với cuối năm trước, tại thời điểm tháng 6/2023 là 2,47% (gần 63.000 tỷ đồng hay 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế).

Do đó, nhóm phân tích cho rằng, thách thức đang đặt ra đối với NHNN là vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7), vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, là một điều khó cân đối trong bối cảnh chính sách tiền tệ không độc lập.  

Liên quan đến tín dụng bất động sản, theo số liệu của NHNN, hiện dư nợ tín dụng vào lĩnh vực này tăng thấp hơn so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 17,41%, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Ngược lại, tín dụng tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm 1,12%.

Đây cũng là năm đầu tiên dư nợ tín dụng tiêu dùng bất động sản có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây. Nhìn lại thời điểm cuối năm 2022, tín dụng lĩnh vực này tăng 31,01%.Như vậy, nếu so với con số hơn 803.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022 thì các chủ đầu tư địa ốc đã vay thêm hơn 140.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Phía NHNN cho biết, số liệu trên phản ánh nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi đó cầu tín dụng để mua bất động sản với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng của thị trường đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các thị trường vừa qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, các khó khăn về mặt pháp lý của các dự án bất động sản đã dần được tháo gỡ, góp phần tăng khả năng tiếp cận tín dụng của chủ đầu tư dự án.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Bài học từ khủng hoảng bất động sản Trung Quốc

Tại báo cáo chuyên đề tháng 8/2023: “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản từ cơ chế chính sách đến hiệu quả thực thi”, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) đã chỉ ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam dưới góc nhìn từ thị trường bất động sản Trung Quốc…

Theo Vars, bài học đầu tiên từ thị trường bất động sản Trung Quốc là giải cứu bất động sản “treo”. Cụ thể giữa năm 2020, Trung Quốc đã tung ra chính sách “Ba lằn ranh đỏ”, nhằm giảm rủi ro cho hệ thống tín dụng bằng cách hạn chế khả năng vay mới của doanh nghiệp bất động sản, làm cạn kiệt nguồn tài chính của nhiều công ty đã mắc nợ. Tuy nhiên, khi chính sách này ban hành, nhiều doanh nghiệp bắt đầu mất thanh khoản và vỡ nợ; hàng trăm dự án bất động sản dừng vô thời hạn; làn sóng người mua nhà từ chối trả tiền vay ngân hàng nổ ra tại hơn 100 thành phố của Trung Quốc…

Mặt khác theo Hội Môi giới, “Niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư” cũng là “vấn đề lớn” phải giải quyết. Chính phủ và các giới chức Trung Quốc đang nỗ lực, dốc sức nhằm giải cứu thị trường bất động sản song niềm tin vào thị trường của người dân dường như đã “sụp đổ”. Bằng chứng là dù chính sách hỗ trợ được nới lỏng, giá nhà tại Trung Quốc giảm nhiều đợt, thế nhưng doanh số bán nhà mới vẫn giảm mạnh (28% trong tháng 6; 33% trong tháng 7 so cùng kỳ năm 2022). Ngoài ra, thay vì mua bất động sản trong nước, một lượng lớn khách hàng/nhà đầu tư đã chuyển hướng sang bất động sản nước ngoài.

Về vấn đề này, Vars đánh giá, kể cả khi mọi vướng mắc được giải quyết, thị trường vẫn khó vực dậy nếu niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư chưa phục hồi. Chính vì thế, phải xác định, truyền thông đóng vai trò quan trọng để đảm bảo cơ chế, chính sách từ phía Chính phủ, bộ ban ngành được phổ biến đầy đủ, chính xác, kịp thời tới người dân. Thêm vào đó, cần lan tỏa rộng rãi tất cả các tín hiệu tích cực từ thị trường để góp phần vực dậy niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư.

Tuy nhiên, Vars cũng đề nghị nên đặt cảnh báo “mức độ cao” trước hiện tượng Domino của các doanh nghiệp lớn trong ngành. Từ năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã chứng kiến hiện tượng “sụp đổ” của hàng loạt ông lớn bất động sản. Đành rằng, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm với hoạt động của mình song rõ ràng, khi doanh nghiệp đầu ngành “sụp đổ” sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Do đó, với thị trường bất động sản Việt Nam nên có sự “quan tâm, hỗ trợ” riêng và đặc biệt cho doanh nghiệp lớn, có mức độ ảnh hưởng rộng tới thị trường bất động sản, mặc dầu vậy, cần quy định cụ thể để đảm bảo sự hỗ trợ là xứng đáng.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Từ độ trễ của chính sách tới xu hướng hồi phục thị trường bất động sản 

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế, thị trường BĐS sẽ phục hồi, phát triển lành mạnh hơn từ quý II hoặc quý III/2024. Còn từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn sẽ ở trong giai đoạn trầm lắng. Tuy vậy, phân khúc căn hộ chung cư và BĐS công nghiệp sẽ có sự hồi phục sớm hơn vào cuối năm, nhờ tác động từ các chính sách đối với thị trường và khả năng phục hồi từ giữa năm 2024.

Theo báo cáo từ Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, đối với phân khúc nhà ở chung cư giao dịch trong các tuần 2,3,4 tháng 8/2023 và báo cáo tổng hợp từ các chương trình ưu đãi trong tháng 7 “tháng Ngâu” vừa qua cho thấy, nhiều dự án mở bán mới đang được chiết khấu cao khoảng 20% so với giai đoạn trước. Ngoài chiết khấu sâu về giá, các chương trình chia nhỏ thanh toán tới vài năm cũng tạo động lực cho người mua nhà. Đây chính là cách thức “kích cầu” tiêu dùng và tác động nhẹ tới thị trường dịp cuối năm.

Báo cáo cập nhật ngành bất động sản công bố gần đây, SSI Research cho biết, cả sức cầu và lượng giao dịch những tháng đầu năm 2023 giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, giảm đến hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thời điểm này, thị trường cũng có dấu hiệu “tạo đáy” và bắt đầu có sự chuyển biến khi mặt bằng lãi suất giảm sớm hơn dự kiến.

“Chính sách đã tác động tới thị trường và độ trễ từ đầu năm. Tới nay, điểm rơi của thị trường đã chạm đáy và theo tôi, tới quý 4 này, vào khoảng tháng 11, thị trường sẽ cân bằng và tới điểm phục hồi. Giai đoạn này các chủ đầu tư có hàng sẵn sẽ điều chỉnh giá bán, sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư và người mua ở thực”, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch HĐQT Landora nhận định.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Khảo sát Reuters: Xu hướng giảm giá nhà toàn cầu kết thúc sớm hơn dự kiến 

Theo một cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích bất động sản của hãng tin Reuters, đợt giảm giá nhà toàn cầu gần đây gần như đã kết thúc khi giá nhà trung bình tại các thị trường lớn hiện được dự đoán sẽ giảm ít hơn dự đoán vào đầu năm và sẽ tăng trở lại vào năm 2024.

Mức giảm hai chữ số của thị trường bất động sản mà các nhà phân tích dự báo hồi đầu năm nay do lãi suất thế chấp tăng vẫn chưa thành hiện thực do nguồn tiền tiết kiệm của các hộ gia đình cao, nguồn cung thắt chặt và lượng nhập cư tăng đã hạn chế sự sụt giảm giá nhà.

Lãi suất thế chấp cao hơn đáng kể trong thời gian qua là hệ quả của việc các ngân hàng trung ương chủ chốt liên tục tăng lãi suất trong suốt hơn một năm. Tuy nhiên, điều này không gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người.

Nhiều chủ sở hữu nhà bị mắc kẹt trong các khoản thế chấp giá rẻ trong thời gian dài với lãi suất gần bằng 0, đặc biệt là ở Mỹ, đã quyết định “án binh bất động”. Điều đó đã hạn chế nguồn cung và sự sôi động của thị trường nhà đất.

Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters từ ngày 14-31/8 vừa qua với sự tham gia của hơn 130 nhà phân tích nhà ở các thị trường bất động sản lớn như Mỹ, Anh, Đức, Australia, New Zealand và Ấn Độ cho thấy các nhà phân tích nhìn chung đã nâng dự báo của họ về giá bất động sản trong năm nay và năm tới. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn là một ngoại lệ đáng chú ý của sự lạc quan này.

Giá nhà trung bình ở Mỹ được dự báo sẽ trì trệ trong năm nay và năm tới. Trong khi đó, các cuộc thăm dò vào tháng Năm và tháng Ba năm nay, giới phân tích cho rằng giá nhà trung bình tại Mỹ năm 2023 và 2024 sẽ giảm lần lượt 2,8% và 4,5%.

Giá nhà tại New Zealand và Canada, vốn đã tăng 40-50% trong thời kỳ đại dịch, được dự đoán sẽ giảm khoảng 5% trong năm nay và sau đó tăng lần lượt khoảng 5% và 2% vào năm 2024. Đó là những con số nâng cấp từ mức dự báo trước đó là giảm 8%-9% vào năm 2023 và mức tăng 2%-3,4% vào năm 2024.

Ở Ấn Độ, nơi thị trường bất động sản không bùng nổ trong đại dịch, giá nhà được dự báo sẽ tăng đều đặn trong những năm tới.

Cuộc thăm dò của Reuters cho thấy giá nhà trung bình tại thị trường Đức sẽ giảm 5,6% trong năm nay và không thay đổi vào năm 2024. Giá nhà ở Anh sẽ giảm khiêm tốn 4% trong năm nay và không tăng trưởng trong năm tới.

Khả năng chi trả được coi là một vấn đề toàn cầu. Nhìn chung, hơn một nửa số người được hỏi (55 trong số 103 người) nhận định rằng khả năng mua nhà của những người sở hữu nhà lần đầu sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm tới. 48 người còn lại cho rằng khả năng chi trả sẽ cải thiện.

Nhưng với nhu cầu về nhà ở vượt xa nguồn cung, giá thuê trung bình dự kiến sẽ tăng và khả năng chi trả cho việc thuê nhà sẽ trở nên tồi tệ hơn. Gần 2/3 số nhà phân tích (65 trên 101 người) cho biết khả năng chi trả đối với việc cho thuê nhà sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm tới. 36 người còn lại cho biết việc chi trả đối với nhà cho thuê sẽ cải thiện.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

5. Doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng vẫn “khó gặp nhau” 

Kết quả khảo sát của VARS với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy, nguồn vốn vẫn là khó khăn dai dẳng, đeo bám nhiều doanh nghiệp bất động sản. Với hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy tác động tới doanh nghiệp.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay, hệ thống vay của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu bất động sản và vốn tín dụng ngân hàng. Trong khi đó, dòng tiền từ các kênh này đều đang “trục trặc”.

Thị trường trái phiếu đã có một số tín hiệu phục hồi nhưng vẫn chưa giải quyết được nỗi lo áp lực đáo hạn tới năm 2026. Đó là hệ lụy của sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp với số lượng phát hành tăng đột biến vào giai đoạn 2019 - 2021.

Nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, vẫn còn tâm lý chờ đợi, chưa xuống tiền mua nhà. Trong khi điều kiện vay tín dụng ngân hàng ngày càng có xu hướng “thắt chặt" để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc khó tiếp cận dòng tiền khiến mọi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giao dịch,... trên thị trường gần như bị ngưng trệ. Ảnh hưởng trực tiếp tới các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và hơn 30 ngành nghề như vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, nội thất… Đồng thời, gián tiếp gây ra những hệ lụy về lâu dài cho nền kinh tế.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn rất lớn…

Kể từ quý 2/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ghi nhận hàng loạt thông tin tiêu cực. Việc huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nói chung, TPDN bất động sản nói riêng bị “chặn". Cùng với đó là sự kiểm soát, cảnh báo từ cơ quan chức năng, các văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường TPDN nhằm đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh và minh bạch.

Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn “khó gặp nhau”

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp vẫn đang phải “xoay xở" bán hàng, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động.

Mặc dù ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi,... doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Bởi các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường.

Một nhóm các doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận được với nguồn vốn, đủ khả năng để hấp thụ nguồn vốn lại đang bị vướng mắc về pháp lý. Một nhóm các doanh nghiệp đã sẵn sàng để tiếp cận với nguồn vốn lại gặp khó khăn do khó hấp thụ vì lãi suất vẫn đang ở ngưỡng cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Một nhóm các doanh nghiệp còn lại thậm chí chưa đủ điều kiện để có thể vượt qua vòng thẩm định hồ sơ để tiếp cận nguồn vốn do vẫn còn tồn nhiều khoản nợ đọng trước đó, có nguy cơ gây rủi ro cho ngân hàng.

Để doanh nghiệp bất động sản có thể cũng như hấp thụ các nguồn vốn mới, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc (tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp), cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản - REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

Đồng thời, các cơ quan chức năng bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, cần có những chính sách bảo vệ chính các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chân chính. Nguồn vốn cần được khơi thông cho mọi ngành nghề trong nền kinh tế, trong đó có bất động sản.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III- TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

1. Giải ngân vốn đầu tư công vượt cùng kỳ, sắp cán mốc 300.000 tỷ đồng sau 8 tháng 

Giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 8 trên toàn quốc tiếp tục tăng tốc, vượt xa cùng kỳ. Ước thanh toán từ đầu năm đến cuối tháng 8/2023 là 299.447,4 tỷ đồng, đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng giao...

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/8/2023 là 299.447,4 tỷ đồng, đạt 39,6% kế hoạch và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước là 292.186,9 tỷ đồng, đạt 40,1% kế hoạch và đạt 43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn nước ngoài là 7.260,5 tỷ đồng, đạt 25,95% kế hoạch.

GIẢI NGÂN ĐẠT TRÊN 42% KẾ HOẠCH CHÍNH PHỦ GIAO

Lũy kế thanh toán nguồn vốn các năm trước chuyển sang năm 2023 đến ngày 31/8/2023 là 20.538 tỷ đồng, đạt 37,53% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước là 20.336,3 tỷ đồng, đạt 40,06% kế hoạch; vốn nước ngoài là 201,8 tỷ đồng, đạt 5,1% kế hoạch.

Trong đó, có 11 bộ, cơ quan trung ương và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 40%.

Một số bộ, địa phương lọt top giải ngân đạt cao, đứng đầu cả nước có thể kể đến như: Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (65,38%), Ngân hàng Nhà nước (62,75%), Ngân hàng Phát triển (100%), tỉnh Tiền Giang (62,12%), tỉnh Long An (66,18%) và tỉnh Đồng Tháp (66,94%).

Tuy nhiên, vẫn còn 41 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 40% kế hoạch vốn. Trong đó có 33 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch vốn.

KỊP THỜI ĐIỀU CHUYỂN VỐN SANG DỰ ÁN GIẢI NGÂN HIỆU QUẢ

Trước những khó khăn đang kéo chậm tiến độ giải ngân của cả nước, đồng thời thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo số 328/TB-VPCP ngày 15/8/2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có hướng dẫn việc điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại khoản 5, Điều 4, Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng cần khẩn trương triển khai phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án thuộc danh mục dự án được giao theo Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 24/7/2023. Giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Luật Thuế bất động sản dự kiến được thông qua vào năm 2025

Chiều 6/9, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bất động sản.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, tháng 3/2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Về tiến độ, Bộ Tài chính dự kiến trình Luật Thuế bất động sản để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Cũng với quy trình trên, Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2026.

Còn Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tháng 5/2027 theo quy trình một kỳ họp.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết đã triển khai xây dựng các dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2023.

Dự kiến 2 dự án luật trên sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV -  TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN QUY HOẠCH  TRÊN CẢ NƯỚC

Hà Nội sẽ có thêm 8 dự án NOXH với hơn 5.000 căn

UBND TP Hà Nội vừa duyệt danh mục các dự án nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1).

Cụ thể, gồm: Khu nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng ở phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở xã hội cao tầng tại 393 Lĩnh Nam ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai; Khu nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh; Khu nhà ở Minh Đức tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh; Khu nhà ở xã hội CT4 Đông Anh (huyện Đông Anh); Khu nhà ở xã hội Đức Thượng tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức; Khu nhà ở xã hội kết hợp bãi đỗ xe tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm); Dự án xây dựng nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm.

Các dự án kể trên có tổng mức đầu tư khoảng hơn 8.100 tỷ đồng; cung cấp khoảng hơn 485.000 m2 sàn nhà ở, tương ứng gần 5.600 căn hộ.

UBND TP Hà Nội cũng cập nhật 122 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị vào kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Các dự án này dự kiến cung cấp khoảng trên 25 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương khoảng hơn 91.300 căn (gồm trên 11.600 căn hộ chung cư và trên 1.800 căn thấp tầng). Trong đó, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 là trên 3,5 triệu m2 sàn nhà và hoàn thành sau năm 2025 là khoảng trên 18,8 triệu m2 sàn.

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng cập nhật một dự án đầu tư xây dựng mới và 7 dự án đang rà soát theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội vào kế hoạch phát triển nhà ở phục vụ tái định cư.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tham khảo thêm các bài viết khác bên cạnh tin tức bất động sản nêu trên bạn có thể tham khảo các bài viết khác tại Times Pro: 

tin-tuc-bat-dong-san-ve-quy-hoach-thang8.2023

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-phap-luat-thang-8.2023

Tin tức tổng hợp pháp luật về bất động sản tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-nha-o-xa-hoi-thang-8.2023

Tin tức bất động sản về nhà ở xã hội tháng 8 năm 2023

tin-tuc-bat-dong-san-ve-gia-ca-thi-truong-thang-2.2023

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 8 năm 2023 

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan