Đầu tư bất động sản, nhà đầu tư cần nhận diện được giá trị vô hình của sản phẩm bên cạnh đó cần lựa chọn và đồng hành cùng chủ đầu tư có đủ độ tin cậy.
gành du lịch đang thay đổi nhanh chóng, nếu không có sự thay đổi và thích nghi cả doanh nghiệp BĐS và nhà đầu tư đều gặp khó. Để hiểu hơn về những thay đổi này chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của TS. Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo ông Khánh, giai đoạn tới với đặc trưng của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó công nghệ thông tin truyền thông được ứng dụng sâu rộng trong du lịch; khách du lịch dựa vào công nghệ sẽ có nhiều lựa chọn tiếp cận điểm đến với nhiều phương thức tiêu dùng du lịch theo nhiều xu hướng khác nhau và được tiếp cận dễ dàng, tiện lợi hơn rất nhiều.
Theo đó, 6 xu hướng ảnh hưởng đến dòng sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bao gồm:
Thứ nhất, nổi lên xu hướng khách du lịch sẽ quan tâm nhiều hơn tới chất lượng trải nghiệm tại điểm đến thay vì hình ảnh điểm đến đơn thuần; khách sẽ lưu lại dài ngày hơn nếu điểm đến có nhiều trải nghiệm thú vị và ngược lại. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư bất động sản du lịch cần cân đối quy mô, loại hình lưu trú phù hợp với tính chất và loại hình các hoạt động và trải nghiệm du lịch, ví dụ dự án bất động sản du lịch sẽ trở thành quần thể và gắn với nhiều tiện ích như casino, giải trí, thể thao, sự kiện, nghệ thuật, games và các hoạt động giao lưu văn hóa địa phương…
Thứ hai, khách du lịch thế hệ mới đến Việt Nam và khách là người Việt cũng nhờ công nghệ và kinh nghiệm đã và đang trở nên từng trải hơn, trở nên khó tính hơn với nhu cầu cá biệt hóa, đa dạng hơn. Nếu trước đây du lịch biển theo trào lưu là phổ biến thì tiếp đến sẽ thay đổi chuyển hướng sang nghỉ dưỡng núi, trải nghiệm văn hóa địa phương, du lịch sinh thái đồng quê…Khách du lịch thế hệ mới là những người yêu môi trường, tôn trọng môi trường và có trách nhiệm với môi trường, có xu hướng tìm về những giá trị văn hóa đặc sắc và sinh thái nguyên sơ, những giá trị tiện ích rất nhân văn. Như vậy đòi hỏi đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch cần có nhiều ý tưởng mới, mở rộng đa dạng địa bàn không chỉ tập trung vào các khu du lịch biển mà những điểm đến đầu tư mới ở vùng núi cao, hồ trên núi, những vùng sinh thái độc đáo, vùng văn hóa được bảo tồn nguyên vẹn.
Thứ ba, kinh nghiệm du lịch ngày càng được tích lũy, dòng khách tự túc ngày càng nhiều, nhu cầu rất khác nhau vì vậy bên cạnh du lịch đại trà theo số đông, đi theo nhóm, theo tour thì số lượng khách đi lẻ, đi tự túc nhiều lên. Đây là tín hiệu mà nhà đầu tư cần cân nhắc mở rộng nhiều loại hình lưu trú du lịch đa dạng, quy mô không lớn, đan xen với cộng đồng dân cư, hòa nhập với văn hóa bản địa.
Thứ tư, sự phát triển của ngành hàng không và ứng dụng công nghệ trong kinh tế chia sẻ làm cho khách du lịch tiếp cận điểm đến thuận lợi hơn vì vậy khách có khuynh hướng đi nhiều lần trong năm và đi ngắn ngày. Do đó đầu tư vào cơ sở lưu trú du lịch đòi hỏi phải tiện tích thông minh, vừa giá thành cạnh tranh và trong môi trường điểm đến thân thiện để khách quay trở lại nhiều lần.
Thứ năm, dòng khách du lịch MICE (meeting-incentive-convention- exhibition) là xu hướng ngày càng phổ biến sẽ rất phù hợp với các quần thể, các khu phức hợp dịch vụ gắn với hội họp, hội chợ, sự kiện…đồng thời tại trung tâm du lịch có sức hấp dẫn.
Thứ sáu, sự dao động về dòng khách trong năm theo sự kiện, thời vụ đòi hỏi nhà đầu tư cần tính toán về quy mô dự án và tính kết nối theo chuỗi giá trị gắn với tuyến hành trình của khách và nhu cầu trải nghiệm của khách.
Với sự thay đổi về xu hướng du lịch của khách, TS Nguyễn Trùng Khánh cho rằng với đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng du lịch, chủ đầu tư dự án cần làm được 3 việc:
– Cần có nghiên cứu kỹ về thị trường du lịch, thị trường bất động sản; sử dụng tư vấn chuyên nghiệp; xác định tầm nhìn dài hạn; có ý tưởng riêng biệt về sản phẩm của dự án gắn chặt với đặc điểm tài nguyên du lịch.
– Thiết kế sản phẩm dự án không chỉ dựa trên mà mà phải phát huy được những giá trị của tài nguyên du lịch về văn hóa và sinh thái; Tập trung vào những khu du lịch quốc gia xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt; xác định giá trị đặc thù, giá trị cốt lõi cho thương hiệu của dự án gắn với điểm đến để quảng bá và thiết kế sản phẩm bất động sản phù hợp;
– Lựa chọn tính chất và loại hình lưu trú phù hợp với xu hướng nhu cầu du lịch; sáng tạo và mạnh dạn chuyển hướng, chủ động khai phá những điểm đến mới có những giá trị tài nguyên đặc sắc cho đến nay vẫn chưa khai thác; đối với những trung tâm du lịch lớn cần làm mới sản phẩm bằng những dự án tầm cỡ quốc tế, những khu phức hợp đa chức năng, tiện ích thông minh kết hợp tốt giữa thụ hưởng du lịch với nhiều dạng nhu cầu của cuộc sống.
Đối với nhà đầu tư thứ cấp cần nhớ rõ hai nguyên tắc
– Cần nhận diện được giá trị vô hình của sản phẩm bất động sản gắn liền với giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc của điểm đến để đầu tư vào nhiều loại hình lơu trú khác nhau kết chuỗi theo tuyến hành trình của dòng khách du lịch.
– Lựa chọn và đồng hành cùng chủ đầu tư dự án có đủ độ tin cậy, có ý tưởng, tầm nhìn và có thương hiệu đẳng cấp cao; dự án có tính khả thi cao và chủ đầu tư có tiềm lực tài chính và lực lượng nhân lực chuyên nghiệp.”
Đánh giá bài viết!