Tin tức
02/03 2024

Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 02 năm 2024

  • 319
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Trải qua những thách thức và biến động không ngừng, tháng 02 năm 2024 chứng kiến sự kiện đầy ấn tượng trên khắp thế giới. Từ những biến động chính trị đến sự phát triển của công nghệ, mọi sự kiện đều được đánh giá, phân tích và nhận định một cách kỹ lưỡng bởi các chuyên gia hàng đầu. Trong bối cảnh này, việc theo dõi tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của các chuyên gia trở nên quan trọng, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những xu hướng và ảnh hưởng to lớn đang tác động đến thế giới xung quanh. Hãy cùng nhau khám phá những diễn biến quan trọng và bài phân tích sắc bén từ các chuyên gia hàng đầu trong tháng 02 năm 2024.

tin-tuc-tong-hop-ve-phan-tich-nhan-dinh-cua-chuyen-gia-thang-02-nam-2024

1. Nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Thiếu quỹ đất; khó tiếp cận nguồn vốn; thủ tục phức tạp; quy định xét duyệt đối tượng được mua nhà quá chặt chẽ… đang là những yếu tố gây khó khăn cho công tác phát triển nhà ở xã hội...

ĐẤT DÀNH CHO NHÀ Ở XÃ HỘI TĂNG THÊM 5.031HA

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề án, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tính đến nay, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031ha so với năm 2020.

Trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411.250 căn. Trong đó, đã hoàn thành 71 dự án với quy mô 37.868 căn; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107.896 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265.486 căn.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, hiện nay đã có đã có 27 địa phương công bố danh mục 63 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 27.966 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, có 05 dự án tại 05 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 416 tỷ đồng….

KHÓ THU HÚT DOANH NGHIỆP THAM GIA

Nêu rõ hơn về thực trạng này, nhiều địa phương, doanh nghiệp phản ánh họ rất thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại vị trí thuận lợi, nhất là ở các đô thị lớn; Nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất xây nhà ở cho công nhân. Hơn nữa, số lượng thủ tục thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí đầu tư.

Cùng với lợi nhuận bị khống chế ở mức 10%, thì suất vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội lại được quy định thấp hơn vốn đầu tư xây dựng công trình chung cư nhà ở thương mại khoảng 25%. Việc giảm suất vốn đầu tư khi xây dựng công trình nhà ở xã hội khiến chủ đầu tư phải giảm chi phí tối đa để phù hợp với suất vốn đầu tư theo quy định. Trong khi đó, nhiều công trình nhà ở xã hội có quy mô lớn, có tầng hầm, được đầu tư hạ tầng và áp dụng biện pháp thi công không khác gì nhà ở thương mại.

NHU CẦU LỚN, KHÔNG THỂ BỊ CẢN TRỞ BỞI VƯỚNG MẮC NHỎ

Phát biểu kết luận Hội nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ: Nhiều khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu nêu ra đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng, cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn, đưa những quy định mới trong pháp luật đất đai, nhà ở … vào cuộc sống.

Phải đơn giản hoá các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội; đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân. Các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… cần “vào cuộc” tham gia thống kê nhu cầu nhà ở của người dân để các địa phương tổng hợp. Từ đó, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ TN&MT đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, xác định nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xoá nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn…

Đồng tình với kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng bên cạnh nguồn lực Nhà nước, cần huy động được các nguồn lực khác tham gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên & Môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ tín dụng ổn định dành cho nhà ở xã hội…

UBND các tỉnh, thành phố cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương. Đồng thời, phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

“Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội mới là bước thí điểm. Chính phủ mong muốn thông quan đề án này, huy động sự hưởng ứng của toàn hệ thống chính trị ở cả Trung ương, địa phương và cả các doanh nghiệp… trong việc tạo dựng nhà ở cho người dân Việt Nam. Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, không thể bị cản trở bởi những khó khăn, vướng mắc nhỏ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Thị trường bất động sản toàn cầu có dấu hiệu ấm lên

Tại 37 nền kinh tế công nghiệp thuộc OECD, giá nhà danh nghĩa trong quý 3/2023 tăng 2,1% so với quý trước đó, từ chỗ gần như trì trệ suốt từ đầu năm ngoái…

ự sụt giảm trên diện rộng của giá bất động sản ở các nền kinh tế phát triển về cơ bản đã kết thúc - theo một phân tích của tờ báo Financial Times dựa trên dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nhiều chuyên gia kinh tế tin rằng chu kỳ giảm sâu nhất của thị trường địa ốc toàn cầu trong 1 thập kỷ trở lại đây đã đạt tới một bước ngoặt.

Tại 37 nền kinh tế công nghiệp thuộc OECD, giá nhà danh nghĩa trong quý 3/2023 tăng 2,1% so với quý trước đó, từ chỗ gần như trì trệ suốt từ đầu năm ngoái. Chỉ có khoảng 1/3 số quốc gia trong số các nước này báo cáo giá nhà giảm trong quý 3 so với quý trước, từ chỗ có hơn một nửa số quốc gia đưa ra dữ liệu như vậy ở thời điểm đầu năm.

“Dữ liệu mới nhất cho thấy giá nhà đã chạm đáy ở hầu hết các quốc gia. Tôi cho rằng chúng ta đã đi qua thời kỳ điều chỉnh của giá nhà rồi”, nhà kinh tế trưởng Andrew Wishart của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận định.

Giá nhà tại các nền kinh tế phát triển bắt đầu trượt dốc vào cuối năm 2022 sau khi các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất dồn dập nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây để chống lạm phát. Tại các nước OECD, giá nhà chỉ tăng 0,6% so với quý trước trong quý 4/2022, mức tăng danh nghĩa yếu nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, tốc độ giảm của giá nhà đã chậm lại thậm chí đã đảo ngược ở nhiều nền kinh tế, khi kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay đã giúp kéo lãi suất cho vay thế chấp nhà giảm xuống. Tình trạng khan hiếm nhà rao bán cũng giúp giá nhà khởi sắc.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Đề xuất mới về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác. Thời gian thí điểm là 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 đến ngày 01/01/2030.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ( TN&MT) vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà việc xây dựng , trình Nghị quyết của Quốc hội về " Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác".

Theo Bộ TN&MT, Dự thảo nghị quyết có 2 chính sách. Thứ nhất, là chính sách cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024 mà đủ điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Thứ hai là chính sách cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với các loại đất khác không phải là đất ở theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai 2024.

Theo dự thảo, loại đất được thực hiện là đất được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại bao gồm các loại đất theo quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024 mà đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nhà đầu tư có các loại đất quy định tại Điều 9 của Luật Đất đai năm 2024.

Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các cơ quan, tổ chức của Nhà nước đang quản lý đất chưa giao, chưa cho thuê hoặc đã được giao đất để quản lý.

Dự án được thực hiện thí điểm trong thời gian 5 năm, từ ngày 01/01/2025 đến ngày 01/01/2030.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Giá nhà đất tăng hay giảm sau Luật Đất đai 2024?

Nhiều chuyên gia nhận định bất động sản có thể tăng giá nhưng về dài hạn, nguồn cung cải thiện và thị trường sẽ không có kiểu giá "tăng vô tội vạ" như trước.

Từ 1/1/2025, đồng loạt bộ ba các luật sửa đổi quan trọng về bất động sản gồm Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản có hiệu lực.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, cho rằng chưa từng có tiền lệ luật mới được thông qua mà giá nhà đất giảm. Ngược lại, khung pháp lý mới từ Luật Đất đai 2024 sẽ khiến chi phí triển khai dự án tăng. Ông dẫn chứng 4 yếu tố làm tăng giá nhà gồm:

Một trong những điểm quan trọng nhất của Luật Đất đai 2024 là bỏ khung giá đất cũ, thay vào đó, căn cứ trên mục đích, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào, các yếu tố khác ảnh hưởng... để xác định giá. Bảng giá đất mới sát với giá thị trường kéo ngân sách liên quan đất đai như chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù thu hồi đất, thuế phí liên quan đến đất đều tăng.

"Về cơ bản những người sở hữu đất sẽ có lợi hơn, doanh nghiệp có tài chính mạnh sẽ dễ dàng hơn để giải phóng mặt bằng theo cơ chế thị trường. Nhưng theo đó, chi phí phát triển dự án cũng cao hơn trước, chủ đầu tư vì vậy phải tăng giá thành sản phẩm", ông Tuấn nhận định.

Thứ hai, quy định mới yêu cầu chủ đầu tư chỉ được thu tối đa 5% tiền cọc đến khi đủ điều kiện kinh doanh. Hiểu đơn giản là dự án phải xây xong phần diện tích sàn công trình mới được thu tiếp. Phần công trình này chiếm khoảng 20-30% chi phí xây dựng. Trước đây chủ đầu tư có thể "lách luật" huy động khoản tài chính ban đầu này từ người mua. Nhưng từ năm 2025 sẽ không còn được phép. Nếu tài chính không mạnh, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng, phát hành trái phiếu hay huy động từ chứng khoán cho khoản đầu tư ban đầu này. Hầu hết kênh huy động trên chủ đầu tư đều tốn thêm chi phí (và vẫn sẽ cộng gộp vào giá bán).

Thứ ba là Luật mới có quy định đất kết hợp sử dụng đa mục đích chuyển đổi đất nông nghiệp, cho phép doanh nghiệp có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất... Tất cả những quy định này sẽ góp phần tăng giá các loại đất từ đất nông nghiệp, đất phi thương mại và nhiều loại hình nhà đất khác cũng sẽ tăng.

Cuối cùng là lượng lớn đất chưa cấp sổ sẽ được hợp pháp hóa sau năm 2025. Đây vốn là một nguồn quỹ đất "giá rẻ" của thị trường, một khi được cấp sổ loại đất này sẽ tăng giá mạnh và tác động lớn đến mặt bằng giá đất chung.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

5. Doanh nghiệp bất động sản vững tâm vượt bão 

Các chuyên gia đánh giá, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua, thị trường cuối năm 2023 đầu năm 2024 bắt đầu có những tín hiệu tích cực. Nhưng nhìn chung, hoạt động của doanh nghiệp ở lĩnh vực này còn nhiều thách thức…

KHÓ KHĂN VỀ PHÁP LÝ VẪN HIỆN HỮU

Khó khăn liên quan đến pháp lý dự án vẫn hiện hữu, như việc thực hiện quy định về phương pháp định giá đất còn vướng mắc; quy hoạch sử dụng đất đã công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt nhưng không phù hợp quy hoạch chung…

Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ cũng gây khó cho dự án bất động sản, cụ thể là trong công tác giải phóng mặt bằng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thỏa thuận thu hồi đất, áp giá bồi hoàn với người dân; công tác xác định giá đất để tính thu tiền sử dụng đất; thực hiện các hồ sơ, thủ tục của dự án…

Đặc biệt, “khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là việc hầu như không huy động được vốn trái phiếu doanh nghiệp và vốn khác, dẫn đến thiếu nguồn lực tài chính để thực hiện dự án. Những khó khăn hiện hữu về thanh khoản, dòng tiền, trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2023 đang đè nặng lên doanh nghiệp bất động sản”, ông Khôi chia sẻ.

Bên cạnh đó, tình trạng cắt giảm nhân sự của các doanh nghiệp bất động sản diễn ra không chỉ với doanh nghiệp nhỏ, mà cả doanh nghiệp bất động sản lớn trên thị trường. Đơn cử như Tập đoàn Đất Xanh chỉ 9 tháng đầu năm 2023 đã cho nghỉ việc gần 1.300 người. Còn mới đây nhất, Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) cũng thông báo toàn bộ nhân viên nghỉ không lương từ 26/11/2023.

THỊ TRƯỜNG SẼ CÓ DẤU HIỆU ẤM LÊN

Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, để vượt qua khó khăn, trụ vững trên thị trường, doanh nghiệp bất động sản cần lên kế hoạch cụ thể, khả thi giúp thanh toán nợ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, nhất là trong năm 2024. Đồng thời, xem xét đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó ngoài tín dụng ngân hàng còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, huy động từ quỹ đầu tư, quỹ đầu tư tín thác bất động sản, thuê tài chính…

Tuy nhiên, việc huy động vốn phải gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể. Đặc biệt, doanh nghiệp cần giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải, hướng tới minh bạch, chuyên nghiệp; quan tâm đến quản trị rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá, dòng tiền; nghiên cứu các điểm chính của Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023… để có thể “vững tâm vượt bão”, hướng đến nền tảng tương lai bền vững.

Doanh nghiệp bất động sản vững tâm vượt bão - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới (vneconomy.vn)

6. Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang ngấm ra thế giới

Các nhà đầu tư Trung Quốc và chủ nợ của họ đang treo biển “bán nhà” ở khắp nơi trên thế giới, khi nhu cầu huy động tiền mặt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản trong nước khiến họ bất chấp rủi ro từ việc xả hàng đúng lúc thị trường đang đi xuống...

Mức giá mà họ thương lượng được trong những vụ bán tài sản như thế này sẽ làm sáng tỏ mức độ khó khăn mà ngành địa ốc Trung Quốc nói riêng và trên toàn cầu nói chung phải đối mặt - theo hãng tin Bloomberg.

Cú sụt của thị trường bất động sản toàn cầu dưới áp lực của lãi suất tăng đã khiến riêng thị trường bất động sản văn phòng “bốc hơi” hơn 1 nghìn tỷ USD giá trị - theo ông Barry Sternlicht, Chủ tịch công ty Starwood Capital Group. Tuy nhiên, mức tổng thiệt hại vẫn là một con số chưa thể xác định vì có quá ít giao dịch diễn ra, khiến các nhà định giá không có nhiều dữ liệu để đưa ra đánh giá chính xác. Năm 2023, số giá dịch bất động sản thương mại trên thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ, khi các chủ sở hữu đều có chung tâm lý không muốn bán đổ bán tháo.

Các cơ quan chức năng và thị trường đang có chung một mối lo ngại rằng tình trạng bế tắc này có thể che đậy những khoản thua lỗ lớn, chưa được hiện thực hoá, từ đó dẫn tới rắc rối cho các ngân hàng và các chủ sở hữu bất động sản. Trong thời kỳ tiền rẻ, các ngân hàng trên thế giới đã mạnh tay cho vay bất động sản, để rồi giờ đây đối mặt với rủi ro lớn trong môi trường lãi suất cao.

Đầu tháng này, cổ phiếu New York Community Bancorp - một ngân hàng khu vực ở Mỹ - giảm xuống mức thấp nhất 27 năm vì nhà băng này phải giảm cổ tức và tăng dự phòng do nắm một lượng lớn nợ xấu bất động sản. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lo ngại các ngân hàng ở khu vực eurozone đã quá chậm chạp trong việc bút toán giảm giá trị của các khoản vay bất động sản, trong khi cơ quan giám sát tài chính Anh đang chuẩn bị rà soát định giá tài sản trên các thị trường tư nhân, bao gồm bất động sản.

VIỆC ĐỊNH GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN SẼ TRỞ NÊN DỄ DÀNG HƠN

Giờ đây, hàng loạt bất động sản mà nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm ở nước ngoài trong 1 thập kỷ trước -  khoảng thời gian khi nền kinh tế nước này tăng trưởng mạnh và nhà đầu tư Trung Quốc ồ ạt mua tài sản ở các quốc gia khác - đang bắt đầu được đẩy ra thị trường do các chủ sở hữu muốn rút tiền về trang trải cho hoạt động ở trong nước và trả bớt nợ nần. Việc bán tài sản này diễn ra ngay cả khi chủ sở hữu bất động sản có thể thua lỗ.

Chủ trương của Chính phủ Trung Quốc về kiểm soát hoạt động vay nợ tràn lan đã khiến các doanh nghiệp bất động sản nước này rơi vào thế khó, hầu như không chủ đầu tư nào tránh được, kể cả những doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, một chi nhánh của China Aoyuan Group - một công ty bất động sản ở Quảng Châu - đang phải triển khai một kế hoạch tái cơ cấu nợ 6 tỷ USD. Cuối năm ngoái, chi nhánh này phải bán một lô đất ở Toronto, Canada với mức giá thấp hơn 45% so với mức giá đã mua vào năm 2021 - theo công ty cung cấp dữ liệu Altus Group.

“Với nhiều người muốn bán bất động sản, thị trường có thể sẽ tan băng, làm gia tăng sự minh bạch và giá cả cũng trở nên rõ ràng hơn. Giá trị của danh mục có thể giảm sâu hơn”, nhà phân tích Tolu Alamutu của Bloomberg Intelligence nhận định.

Với mỗi giao dịch diễn ra, thị trường sẽ biết rõ thêm về tỷ suất vốn hoá (capitalization rate) - một thước đo lợi nhuận mà một nhà đầu tư sẵn sàng tiến hành giao dịch. Tiếp theo, dữ liệu đó sẽ được các nhà định giá sử đụng dể đánh giá các bất động sản khác, từ đó có thể dẫn tới sự giảm giá trên diễn rộng hơn. Hệ quả là các chủ sở hữu bất động sản có thể phải bơm thêm tiền để tránh tình trạng giá trị mảnh đất hoặc căn nhà giảm dưới giá trị khoản vay, nếu không sẽ bị ngân hàng tịch biên.

Đến hiện tại, mới có một số ít nhà đầu tư Trung Quốc bán bất động sản ở châu Âu. Trong số các giao dịch như vậy có một toà nhà văn phòng ở London có liên quan đến Chủ tịch Wing Mau Hui của công ty Shimao Group được bán vào cuối năm ngoái với giá thấp hơn 15% so với mức giá theo nhất trí ban đầu vào năm 2022 - nguồn thạo tin tiết lộ nhưng không nói rõ con số cụ thể là bao nhiêu.

Click để đọc chi tiết bài viết!

7. Bất động sản kỳ vọng sang trang mới 

Lần đầu tiên trong lịch sử, 3 luật liên quan nhà đất được thông qua

Giới chuyên gia đánh giá thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với năm ngoái và đầu năm nay khi gần như cùng lúc Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai sửa đổi được thông qua. Lịch sử có thể chưa từng xảy ra điều này, khi xảy ra gần như cùng một lúc.

Ngoài việc 3 luật được thông qua, trong năm 2023, Chính phủ cũng đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường như chỉ đạo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Các gói tín dụng hỗ trợ các ngành cũng được triển khai, trong đó có lĩnh vực bất động sản như việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác của Chính phủ gỡ vướng pháp lý dự án…

Phục hồi, đảo chiều tích cực

Thị trường đã xuất hiện dấu hiệu phục hồi như các dự án bất động sản ở trung tâm TPHCM và Hà Nội tăng giá mạnh; số lượng các lô đất nền sang tay cũng tăng mạnh. Chuyên gia giải thích đất nền là một phân khúc đã trầm lắng trong nhiều tháng, do đó sự hồi phục gần đây là một dấu hiệu tốt cho thấy các nhà đầu tư đã bắt đầu chú ý đến thị trường bất động sản một lần nữa.

Trong lộ trình phục hồi của thị trường, bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield - cho rằng quý II/2024, thị trường căn hộ giá vừa túi tiền sẽ phục hồi đầu tiên và rõ nét. Thời điểm này, theo bà Trang, cũng là giai đoạn tốt nhất để mua nhà, khi chủ đầu tư triển khai nhiều giải pháp ưu đãi cho khách hàng với các chính sách khuyến mãi, chiết khấu, ưu tiên dòng tiền và lãi suất ngân hàng đã thấp.

Về phía doanh nghiệp, bà Trang nhìn nhận các chủ đầu tư đã và đang trải qua sự sàng lọc rất khắt khe của thị trường. Sau mỗi chu kỳ suy thoái, số lượng doanh nghiệp "ra đi" không ít, những doanh nghiệp còn tồn tại được chắc chắn phải suy nghĩ cẩn trọng hơn về chiến lược của mình, từ đó tập trung phát triển loại sản phẩm thỏa mãn nhu cầu ở thực nhiều hơn là nhu cầu đầu tư, tránh tình trạng mất cân đối cung - cầu như hiện nay.

Click để đọc chi tiết bài viết!

8. Tìm cách giảm giá nhà chung cư 

Giá nhà chung cư đang quá cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở không có khả năng tiếp cận. Cần kéo giảm giá nhà chung cư xuống bằng việc đa dạng hoá sản phẩm tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Theo Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TPHCM, phải cơ cấu lại phân khúc thị trường và giảm giá bán sản phẩm nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Hiệp hội nhận thấy các doanh nghiệp (DN) "đến nay chưa được triển khai tích cực" như nhận xét của Thủ tướng. Trong khi đó, từ năm 2018, hiệp hội đã có văn bản khuyến nghị các DN chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường căn hộ vừa và nhỏ có giá vừa túi tiền đáp ứng nhu cầu ở thực, có tính thanh khoản cao và bền vững.

Hiệp hội đề nghị DN BĐS thực hiện giảm giá bán sản phẩm nhà ở, giảm bớt kỳ vọng lợi nhuận, không "neo giữ giá cao".

DN cần chuyển hướng đầu tư về phân khúc nhà ở bình dân giá vừa túi tiền phù hợp với thu nhập của người dân. DN cũng tham gia thực hiện chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030 để có thể tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2% so với lãi suất thương mại thông thường.

Chung tay mới làm được

Để có thể kéo giảm giá nhà, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, cần cơ cấu lại các phân khúc và muốn làm được, cần có sự chung tay, góp sức, thống nhất quan điểm, cách thức triển khai, phối hợp của nhiều phía, từ các cơ quan quản lý nhà nước, tới các DN, ngân hàng…

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, theo ông Đính, cần nghiên cứu phương án rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính đầu tư, xây dựng; xem xét các phương án hỗ trợ DN trong khâu tính tiền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng. Đây là 2 hạng mục chiếm rất nhiều chi phí của chủ đầu tư, trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành của BĐS.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi dành riêng cho DN đầu tư, phát triển nhà ở phân khúc bình dân; có các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng để hỗ trợ các chủ đầu tư nếu muốn cơ cấu lại dự án theo hướng chuyển từ cao cấp sang bình dân, hoặc nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM nhận định, người dân có nhu cầu thực lúc nào cũng sẵn sàng “xuống tiền” để mua nhà ở, cho dù Nhà nước hay ngân hàng có chính sách hỗ trợ hay không. Do đó, vấn đề ở đây là cần làm sao để đảm bảo giá nhà phải hợp lý. Trong khi đó, các DN BĐS - chủ thể có trách nhiệm trực tiếp, cũng cần có ngay hành động cụ thể, đó là cơ cấu lại sản phẩm nhà ở hướng về nhu cầu thực và giảm giá bán nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Còn theo chia sẻ của bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, mức giá có thể giảm khi chúng ta tăng hơn nữa tỷ trọng nguồn cung căn hộ trung cấp và bình dân, giảm tỷ trọng nguồn cung căn hộ cao cấp. Đại diện CBRE Việt Nam cũng cho rằng, thời điểm này, ngoài việc giảm giá thì thúc đẩy giao dịch, thanh khoản cho thị trường thông qua công cụ lãi suất là điều cần thiết.

"Bên cạnh kéo giá nhà giảm xuống thì chúng ta làm sao có giải pháp để lãi vay mua nhà tốt hơn, có thể đến từ chính sách về lãi suất của Chính phủ trong việc giảm xuống khoảng 6-7%. Đồng thời nó có thể đến từ chính sách của các nhà đầu tư trong việc kết hợp với các ngân hàng để hai bên cùng hỗ trợ người mua nhà" - bà Dung kiến nghị.

Click để đọc chi tiết bài viết!

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 02 năm 2024

Tin tức tổng hợp chính sách pháp luật về bất động sản tháng 02 năm 2024

Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 02 năm 2024

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 02 năm 2024

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 01 năm 2024

Tin tức bất động sản về chính sách, pháp luật  tháng 11 năm 2023

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan