Tin tức
20/12 2022

Tin tức tổng hợp thị trường bất động sản từ 13/6-18/6/2022

  • 2525
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức tâm điểm của thị trường bất động sản trong nước Times Pro tổng hợp từ ngày 13/6 đến 18/6/2022. gồm các tin chính sau:

1, Bộ Xây dựng kiến nghị dành 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

2, 6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai

3, Bộ Xây dựng: Đã đến lúc cần thiết đưa ra quy định thời hạn sở hữu chung cư

4, Thị trường bất động sản đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng mới?

5, Không kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản

6, Hà Nội: Người tham gia đấu giá đất phải nộp trước 20% giá khởi điểm

7, Tân Uyên sẽ là thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương

8, Thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

tin-tuc-tong-hop-times-pro

I – TIN THỊ TRƯỜNG

1, Bộ Xây dựng kiến nghị dành 65.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội

Kiến nghị này nhằm góp phần thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đã đề ra là: Bảo đảm an sinh xã hội – nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp); Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp gắn với hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản; Góp phần thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023 được Chính phủ ban hành tại Nghị quyết số 75/NQ-CP ngày 14/7/2021.

Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ báo cáo của các địa phương, thì giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp là khoảng 294.600 căn, với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Cụ thể, gói tín dụng thứ nhất là 15.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong đó, cấp vốn 14.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho các đối tượng khách hàng cá nhân theo quy định của Luật Nhà ở vay để mua, thuê mua hoặc xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở theo quy định; Cấp bù lãi suất 1.000 tỷ đồng cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước chỉ định cho các Chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và cho các đối tượng cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội vay theo quy định.

Gói tín dụng thứ hai là 50.000 tỷ đồng theo hình thức Ngân hàng nhà nước tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi dành cho công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp được vay ưu đãi từ Chương trình để mua, thuê mua nhà ở xã hội; Chủ đầu tư dự án nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua cho các đối tượng theo quy định của Luật nhà ở.

CHẤT LƯỢNG NHÀ Ở XÃ HỘI NHƯ NHÀ THƯƠNG MẠI

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị thực hiện nhiều giải pháp và cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ví như, về quy hoạch, quỹ đất cho dự án nhà lưu trú cho công nhân thuê, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh, trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp, phải bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân khu công nghiệp thuê (đảm bảo đáp ứng tối thiểu 50% số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở) có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân, tuy nhiên phải bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng.

Với dự án n hà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn và chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt để bố trí đủ quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội; chỉ đạo cơ quan chức năng xác định cụ thể vị trí, địa điểm, quy mô diện tích đất của từng dự án xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Đối với các dự án nhà ở xã hội gần khu công nghiệp, Chính quyền địa phương phải có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; Các địa phương cũng phải rà soát, lựa chọn các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn đang triển khai dở dang hoặc đã có quyết định chủ trương, đã có đất sạch, có thể triển khai ngay để lập danh mục gửi Bộ Xây dựng tổng hợp.

Nói về tiêu chuẩn thiết kế, Bộ Xây dựng cho biết, các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê có chất lượng xây dựng như nhà ở thương mại.

Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê phải được quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu đưa vào sử dụng đảm bảo cân đối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian, hài hòa kiến trúc cảnh quan trong phạm vi đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành về quy hoạch, xây dựng, nhà ở, phòng cháy chữa cháy…

Đồng thời phải đảm bảo đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao… trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân thuê đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động…

Theo báo cáo, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 2.163 tỷ đồng (còn thiếu 6.837 tỷ đồng so với nhu cầu 9.000 tỷ đồng) để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở. Các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (04 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội (nhu cầu vốn 248,63 tỷ đồng). Như vậy, so với kế hoạch vốn phát triển nhà ở xã hội đến năm 2020, ngân sách cấp cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu tổng số là 7.085,63 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020.

tin-tuc-tong-hop-times-pro
Nhà ở xã hội đang rất thiết cho người thu nhập thấp

Nguồn: Bộ Xây dựng

Click để đọc chi tiết thông tin!

II – PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH 

1, 6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) mới đây đã ra dự báo 6 xu hướng của thị trường bất động sản trong tương lai.

Thứ nhất, phân khúc bất động sản nhà ở sẽ tiếp tục phát triển. Nhu cầu nhà ở trung bình và thấp, nhà ở công nhân tiếp tục là xu hướng chủ đạo của thị trường cùng với nhu cầu về không gian xanh, đa tiện ích, hạ tầng cơ sở đầy đủ. Mô hình dự án bất động sản xanh, bất động sản sinh thái ở các khu vực ngoại ô thành phố sẽ thu hút nhà đầu tư, do vừa đáp ứng nhu cầu môi trường sống trong lành, vừa đáp ứng xu hướng đầu tư căn nhà thứ hai của người dân đô thị.

Thứ hai, phân khúc bất động sản văn phòng, bán lẻ và nghỉ dưỡng sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt sau giai đoạn dịch bệnh và tác động từ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Không gian làm việc đa năng, có thể vừa làm việc, vừa hội họp.

Cụ thể, bất động sản bán lẻ sẽ chịu tác động từ xu hướng thay đổi sang phương thức bán hàng đa kênh, đa phương thức và linh hoạt hơn theo hướng tăng cường quản lý chuyên nghiệp. Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng quan tâm hơn đến yếu tố vệ sinh, an toàn sức khỏe, sử dụng đa năng, linh hoạt hơn, như vừa có thể ở, làm việc và nghỉ ngơi. Thị trường du lịch Việt Nam ngày càng rút ngắn khoảng cách với những thị trường du lịch nổi bật tại ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore và Indonesia. Ngoài ra, giá bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thứ ba, phân khúc bất động sản logistics trong tương lai theo hướng phát triển các dự án gần nguồn sản xuất, đa dạng hóa nguồn đầu vào, tăng tính tiện nghi, linh hoạt và khả năng đáp ứng nhanh, ứng dụng Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào cấu trúc vận hành của các trung tâm logistics.

Thứ tư, phân khúc bất động sản khu công nghiệp được dự báo tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Vì vậy, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp được kỳ vọng tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng nhận được nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước như miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi về thuế đối với các nhà đầu tư.

Thứ năm, nguồn cung mới trong các năm tới sẽ chủ yếu tập trung ở các vùng lân cận ngoại ô của các thành phố lớn và lân cận các đô thị vệ tinh. Thậm chí, một số nhà đầu tư đã tìm kiếm cơ hội phát triển dự án bất động sản tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên.

VNREA cũng dự báo phân khúc bất động sản nông nghiệp, lâm nghiệp sinh thái, bất động sản năng lượng sẽ phát triển khi cơ chế, chính sách hoàn thiện cho loại hình bất động sản này.

Nguồn cung bất động sản tăng trưởng

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đưa ra dự báo, nhu cầu bất động sản giai đoạn 2021 – 2030 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Dự báo này không chỉ căn cứ vào nền tảng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, xu hướng tăng cường đầu tư, thương mại, mà còn dựa trên nhu cầu thực tế của người dân.

Thứ nhất, theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, diện tích bình quân nhà ở đầu người cả nước đến năm 2025 phải đạt 27m2/người; đến năm 2030 phải đạt 30m2/người. Như vậy, trung bình mỗi năm phải xây dựng mới khoảng 60 triệu m2 nhà ở các loại. Thu nhập bình quân đầu người vào năm 2030 dự báo tăng lên 6.000 – 6.500 USD (gấp đôi so với hiện nay) sẽ tăng khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Thứ hai, tuổi thọ bình quân tiếp tục tăng lên, trong giai đoạn 2021 – 2030 đạt 75 tuổi (cao hơn bình quân hiện nay là 74 tuổi) theo Chiến lược phát triển dân số đến năm 2030.

Thứ ba, tuổi làm việc được tăng lên sẽ gia tăng quy mô lực lượng lao động, dẫn tới nhu cầu bất động sản văn phòng, khu công nghiệp cũng như bất động sản nói chung cũng tăng.

Thứ tư, tốc độ đô thị hóa, tỷ lệ đô thị hóa cũng tăng khoảng 1%/năm tương ứng với 1 triệu dân đô thị gia tăng hàng năm. Đây là cơ sở quan trọng để gia tăng nhu cầu nhà ở cho người dân đô thị.

Click để đọc thông tin chi tiết!

2, Bộ Xây dựng: Đã đến lúc cần thiết đưa ra quy định thời hạn sở hữu chung cư

Liên quan đến vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư 50-70 năm, tại họp báo thường kỳ Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2014, Quốc hội thông qua sửa luật Nhà ở. Thời điểm đó, đặt ra 2 tình huống là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn hay lâu dài.

Phương án 1, thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định theo thời hạn sử dụng công trình. Ông Khởi giải thích thêm, thời hạn sử dụng công trình không đồng nghĩa là 50 năm hay 70 năm mà phụ thuộc vào sự tính toán trên hồ sơ thiết kế và quá trình sử dụng, có thể kéo dài hơn ngần ấy năm. Quyền sở hữu nhà của người dân cũng có thể kéo dài hơn. Ông khẳng định Bộ Xây dựng chưa nói là sẽ chỉ 50-70 năm mà phụ thuộc vào nhiều cấp loại nhà.

Phương án 2 là sở hữu theo thời hạn sử dụng đất. Theo ông Khởi, mới đây Chính phủ cho biết sẽ báo cáo 2 phương án nêu trên ra Quốc hội để xem xét.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, niên hạn nhà chung cư là vấn đề lớn liên quan đến vấn đề sở hữu của người dân. Đây mới đề xuất, chính sách trong nhiều nội dung mới có nội dung này sau đó mới nghiên cứu các quy định cụ thể.

Click để đọc chi tiết!

3,Thị trường bất động sản đang chuẩn bị bước vào giai đoạn tăng trưởng mới?

Giá bất động sản neo cao, thanh khoản thấp là lo ngại được đặt ra cho kịch bản trầm lắng của thị trường địa ốc. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, diễn biến này chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn hạn, 3-6 tháng. Thị trường sau đó sẽ quay trở lại chu kỳ bắt đầu phục hồi và tăng trưởng.

Tín hiệu tích cực từ phân khúc nhà ở xã hội

Đầu tiên chính là nguồn cung nhà ở xã hội cùng với gói hỗ trợ kích cầu. Theo dự báo, nguồn cung phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập thấp sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi một loạt doanh nghiệp địa ốc công bố kế hoạch chiến lược triển khai dự án.

Đơn cử như Vinhomes công bố sẽ cung ứng 500.000 căn nhà ở xã hội tại khu vực vùng ven những đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…trong 5 năm tới.

Viglacera cũng sẽ đầu tư phát triển các dự án mới, có thể kể đến nhà ở công nhân/nhà ở xã hội thuộc khu nhà ở xã hội tại Tiên Dương – Đông Anh (theo chương trình của UBND TP. Hà Nội); khu nhà ở xã hội khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ); khu nhà ở công nhân khu công nghiệp Tiền Hải (Thái Bình).

Các doanh nghiệp trong miền Nam dự tính sẽ xây dựng khoảng 100.000 căn với giá bán dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP.HCM và dưới 20 triệu đồng/m2 tại các thị trường Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

Đặc biệt, đi cùng với nguồn cung loại hình nhà ở dành cho người thu nhập thấp, gói kích cầu được đưa ra như chính sách cấp trực tiếp 15.000 tỷ đồng cho người thuê mua nhà ở xã hội trong 2 năm, hay quy định hỗ trợ lãi suất 2% cho các đơn vị đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong gói có quy mô 40.000 tỷ đồng. Nhiều gói hỗ trợ hàng chục nghìn tỷ cũng đang được đề xuất.

Dự án giao thông được đẩy mạnh triển khai 

Một tín hiệu khác khiến giới chuyên gia kỳ vọng rằng, bất động sản bước vào thời kỳ tăng trưởng Mới đây, trong phiên họp Quốc hội, đường vành đai 4, vành đai 3 được đề xuất chủ trương đầu tư và nhận được nhiều sự tán thành. Khi 2 tuyến đường này đi vào triển khai, giá đất dọc theo các tuyến đường sẽ nhanh chóng sôi động. Đặc biệt, quy hoạch các khu đô thị ven đường Vành đai sẽ là động lực đẩy thị trường địa ốc tăng trưởng.

Dòng vốn FDI đổ mạnh

Động lực khác cho thị trường địa ốc chính là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đến với Việt Nam cũng khiến phân khúc bất động sản công nghiệp hưởng lợi.

Trong 4 tháng đầu năm nay, vốn FDI đạt 10,8 tỷ USD (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dù chỉ bẳng 88,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là một con số đầy lạc quan.

Các chuyên gia cho rằng, điều này cũng khiến phân khúc bất động sản văn phòng thêm phần sôi động và đây cũng là xu hướng chung của thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Cách đây 10 năm, dòng vốn FDI tăng mạnh cũng là nguyên nhân góp phần đẩy thị trường phát triển và tăng trưởng.

Click để đọc chi tiết!

III – CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ

1, Không kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản

tin-tuc-tong-hop-times-pro
Không kéo dài thời gian thu thuế BĐS

Để đảm bảo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính “tiền phòng, hậu kiểm”, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế, đối với trường hợp nêu trên không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 và chỉ đạo tại công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 nêu trên của Bộ Tài chính để đảm bảo thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế.

Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản như có các văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, ban hành kịp thời Quyết định điều chỉnh bổ sung bảng giá đất cụ thể đối với từng vị trí, đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường và giá bán của chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế không được gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế trong quá trình xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời, quán triệt cán bộ, công chức ngành thuế tham gia vào xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính và quy trình làm việc trực tiếp với người nộp thuế theo quy định và có cơ chế giám sát cán bộ, công chức trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản cho người nộp thuế.

Click để đọc chi tiết!

2, Hà Nội: Người tham gia đấu giá đất phải nộp trước 20% giá khởi điểm

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của bản Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND ngày 18/11/2020 của UBND TP quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 13/6/2022.

Theo đó, về điều kiện tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định này bổ sung yêu cầu người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá.

Trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá của UBND cấp có thẩm quyền, cơ quan Thuế gửi thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất bằng văn bản cho người trúng đấu giá.

Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng quy định trên, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan Thuế có văn bản gửi cơ quan Tài nguyên và Môi trường về việc người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND cũng quy định rõ hơn về quỹ đất được sử dụng để đấu giá quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn, tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý mà Nhà nước chưa giao hoặc cho thuê để sử dụng theo quy định của pháp luật tại khoản 3 Điều 5 Quyết định số 27/2020/QĐ-UBND.

Cụ thể, đối với đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích: Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức đấu giá sử dụng vào mục đích nông nghiệp với thời hạn 5 năm.

Đối với đất bãi bồi ven sông, đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, mục đích sử dụng đất xác định theo dự án đầu tư được phê duyệt và quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chuyên ngành có liên quan.

UBND TP Hà Nội cũng khuyến khích các đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Click để đọc chi tiết!

IV – QUY HOẠCH

1, Tân Uyên sẽ là thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương

TÂN UYÊN LÊN THÀNH PHỐ – LOẠT CÔNG TRÌNH TIẾP BƯỚC NÂNG TẦM

Là địa bàn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Bình Dương, Tân Uyên tiếp giáp với 4 thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Đây là lợi thế để địa phương này thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.

Sau khi đạt chuẩn đô thị loại 3 vào 2018, kinh tế Tân Uyên đã phát triển mạnh mẽ với bàn đạp là lĩnh vực công nghiệp. Nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương luôn duy trì ở mức hai con số. Năm 2020, Tân Uyên thu hút vốn FDI lên đến gần 4 tỷ USD.

Các chuyên gia đánh giá, Tân Uyên đang hội tụ đầy đủ những yếu tố tăng trưởng về kinh tế, vốn FDI, dân số, hạ tầng… để bứt phá với lộ trình lên thành phố trước năm 2025.

Tân Uyên đang được hưởng lợi mạnh mẽ từ kế hoạch lớn về giao thông của tỉnh Bình Dương. Hàng loạt các công trình hạ tầng quan trọng như Đại lộ Uyên Hưng – Thủ Dầu Một, đại lộ Nam Uyên Hưng, Vành đai 4 và một loạt tuyến tỉnh lộ như ĐT 741, ĐT 742, ĐT 745, ĐT 746, ĐT 747… đã được triển khai, nhằm tăng cường năng lực giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng giao thông tỷ đô tại Tân Uyên còn có các tuyến giao thông đối nội quan trọng, kết nối với các trục đường chính đô thị như đường Tân Phước Khánh 10, đường LKV14 cũng được đầu tư quy hoạch mở rộng lộ giới lên tới 28m.

Với “cú huých” từ hạ tầng, Tân Uyên sẽ phát huy được thế mạnh của mình, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh các khu công nghiệp như khu công nghiệp Nam Tân Uyên, khu công nghiệp Tân Lập, khu công nghiệp Uyên Hưng, khu công nghiệp Phú Chánh… Sắp tới, khu công nghiệp VSIP III sẽ được xây dựng với quy mô khoảng 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng. Hiện có khoảng 31 doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại đây, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến.

BẤT ĐỘNG SẢN TÂN UYÊN ĐÓN SÓNG THỊ TRƯỜNG

Giao thông thuận lợi, công nghiệp sầm uất là những lợi thế giúp Tân Uyên trở thành cực phát triển mới của Bình Dương, thu hút nguồn lượng lớn các chuyên gia, kỹ sư trong và ngoài nước, người lao động về địa phương an cư lạc nghiệp, tạo đà cộng hưởng cho bất động sản khu vực này gia tăng giá trị.

Đây là điều không khó dự đoán khi trước đó, bất động sản của Dĩ An và Thuận An đã thiết lập những kỷ lục tăng giá không ngờ sau khi được nâng cấp lên thành phố.

Tại Dĩ An, thời điểm cuối năm 2019, một dự án nhà phố được rao bán với giá khoảng 30 triệu đồng/m2. Tháng 4/2020, khi Dĩ An lên thành phố, giá giao dịch đã tăng lên 40 – 45 triệu đồng/m2. Tương tự, năm 2019, giá bất động sản Thuận An rơi vào khoảng 16 triệu đồng m2. Nhưng khi Thuận An chính thức lên thành phố, trong năm 2021, gần 75% giá bán các dự án mới tại thành phố Thuận An từ ngưỡng 31 triệu đồng/m2 trở lên.

Thành phố Tân Uyên trong tương lai đang sở hữu hàng loạt khu công nghiệp và hệ thống giao thông “cực khủng” để trở thành đô thị thông minh điển hình của Bình Dương.

Điều này cũng đang là yếu tố tạo sức ép cho Tân Uyên về nguồn cầu nhà ở cho hàng triệu lao động, chuyên gia, kỹ sư. Thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi không nhỏ, đòi hỏi nhà đầu tư và người có nhu cầu ở thực phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội.

Click để đọc chi tiết!

2, Thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa

tin-tuc-tong-hop-times-pro
Quốc hội thông qua chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa

Sáng nay (ngày 16/6), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với 477/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,78%.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết quy định, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ. HĐND tỉnh quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và các nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về quản lý đất đai, Nghị quyết quy định HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Nghị quyết cũng quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong như đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics,…

Về phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.

Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý,…

Ngoài ra, Nghị quyết cũng cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác phòng, chống thiên tai, phục vụ dân sinh tại huyện Trường Sa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Đọc thông tin chi tiết tại đây!

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan

360 độ các Tỉnh/TP

360 độ tỉnh Hưng Yên - nơi tiềm năng thức giấc

  • 20/12/2022

360 độ những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Quảng Ninh

  • 20/12/2022

360* những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Thái Nguyên

  • 20/12/2022