Tin tức
30/01 2024

Tin tức tổng hợp pháp luật về bất động sản tháng 01 năm 2024

  • 243
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Trong bối cảnh hệ thống pháp luật về bất động sản ngày càng phức tạp và thay đổi, tháng 01 năm 2024 đưa đến nhiều thông tin quan trọng và sự kiện quyết định trong lĩnh vực này. Đối mặt với những thách thức pháp lý và yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt, cả những nhà đầu tư, chuyên gia và người tiêu dùng đều đặt ra câu hỏi về tác động của những biến động này đến quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong giao dịch bất động sản.

Bài viết này sẽ giới thiệu độc giả đến những tin tức và thay đổi quan trọng nhất trong lĩnh vực pháp luật về bất động sản trong tháng 01 năm 2024. Chúng ta sẽ cùng nhau khám phá những điều luật mới, những vụ án nổi bật, và những thay đổi chính sách có thể ảnh hưởng đến cộng đồng bất động sản, từ đó tạo ra cái nhìn toàn diện về bối cảnh pháp lý hiện nay và những thách thức tiềm ẩn trong thời gian tới.

tin-tuc-tong-hop-phap-luat-ve-bat-dong-san-thang-01-nam-2024

1. Bổ sung nhiều thành phần vào Hội đồng định giá đất

Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép chủ tịch UBND tỉnh, huyện có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, bổ sung nhiều đơn vị, chuyên gia vào Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo khách quan, công bằng. Bên cạnh đó, Luật đưa ra nhiều quy định nhằm hạn chế quy hoạch “treo”.

Quy định 4 phương pháp định giá đất

Theo đại diện Bộ TN&MT, một trong những quan điểm của Luật Đất đai (sửa đổi) là chuyển trọng tâm từ quản lý bằng công cụ hành chính sang công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững. Việc định giá đất là một trong những nội dung quan trọng nhất của quản lý đất đai , được quan tâm, bàn thảo nhiều trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến Luật Đất đai sửa đổi.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Thanh tra Chính phủ phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng và 616ha đất 

Trong năm 2023, toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, đã phát hiện vi phạm về kinh tế 257.703 tỷ đồng và 616ha đất…

Tại Thông cáo báo chí kết quả công tác năm 2023, nhiệm vụ chủ yếu năm 2024 của Thanh tra Chính phủ (phát hành ngày 9/1), Thanh tra Chính phủ cho biết: đã kiến nghị thu hồi 188.607 tỷ đồng và 166ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 69.096 tỷ đồng và 450ha đất.

Đồng thời, đã ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 6.452 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng.

Trong công tác xử lý về thanh tra, toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó, có 5.442 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 62,6% tổng số kết luận thanh tra).

Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 2.350 tỷ đồng và 32.523ha đất; xử lý hành chính 7.972 tổ chức, 9.735 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 152 vụ, 201 đối tượng, khởi tố 18 vụ, 30 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 332 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Báo cáo Thủ tướng tiến độ về đích hơn 100 dự án nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng về việc đăng ký số lượng dự án nhà ở xã hội, số lượng đăng ký nhà ở xã hội năm nay. Theo đó, các địa phương đăng ký hoàn thành xây dựng 108 dự án nhà ở xã hội, quy mô hơn 47.500 căn hộ.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 28/12/2023 Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị đăng ký số lượng dự án, số lượng căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp hoàn thành trong năm nay

Trong số 108 dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành, TPHCM đăng ký hoàn thành 6 dự án, quy mô hơn 3.700 căn hộ, Bình Dương 20 dự án, quy mô 4.500 căn hộ, Cần Thơ 2 dự án, quy mô hơn 1.500 căn hộ, An Giang 4 dự án, quy mô hơn 1.900 căn hộ.

Số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành của Bắc Ninh 5 dự án, quy mô 6.000 căn hộ, Hải Phòng 8 dự án, quy mô 3.925 căn hộ, Quảng Ninh 3 dự án, quy mô 1.600 căn hộ, Hà Nội 3 dự án, quy mô 1.181 căn hộ, Bắc Giang 2 dự án, quy mô gần 2.430 căn hộ, Hà Nam 4 dự án, quy mô 1.666 căn hộ, Đà Nẵng 3 dự án quy mô 1.880 căn hộ.

Đây cũng là những địa phương có số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đăng ký hoàn thành dẫn đầu cả nước.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. 2023: Năm giải ngân đầu tư công cao kỷ lục 

Giải ngân đầu tư công là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung năm 2023. Xét về số tuyệt đối, 625.300 tỷ đồng là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Trong bối cảnh các động lực tăng trưởng xuất khẩu, tiêu dùng gặp khó khăn, đầu tư công có ý nghĩa quan trọng, là lĩnh vực Việt Nam có thể chủ động thúc đẩy để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Năm 2023, kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 711.700 tỷ đồng, là con số kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 130.000 tỷ so với 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021.

Ngay từ đầu năm, giới chuyên gia đã đề cập đến sức ép giải ngân nguồn vốn khổng lồ này đặc biệt trong bối cảnh giải ngân đầu tư công vẫn tổn tại một số nút thắt trong nhiều năm và chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu,…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương khi đó cho biết thách thức giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 còn đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô năm 2023 được dự báo nhiều bất định, đặc biệt chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, khó dự báo, bóng ma lạm phát vẫn phủ bóng trên toàn cầu.

Giải ngân vốn đầu tư công cao kỷ lục

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê phát hành sáng 29/12, giải ngân vốn đầu tư công 625.300 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Trước đó năm 2022, vốn giải ngân đầu tư công đạt 516.100 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với năm trước.

Trước đó từ đầu năm, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn. Dù chưa đạt như kỳ vọng, nhưng giải ngân đầu tư công vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung năm 2023. Xét về số tuyệt đối,   625.300 tỷ đồng là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.  

Tại hội nghị đốc thúc đầu tư công cuối tháng 11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết lý do giải ngân chưa đạt kỳ vọng chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên vật liệu tăng cao, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng số khác lại chậm trễ. Vướng mắc nữa được bộ này nêu là thể chế, chính sách và đặc thù quy mô vốn năm nay lớn, tăng 130.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2022.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của một số cơ quan, địa phương, kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Hà Nội, Hải Phòng khá nổi bật.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ GTVT ngày 28/12, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Đến tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.  

Giá trị giải ngân thời gian qua của Bộ GTVT tập trung vào các dự án cao tốc Bắc Nam - dự án có ý nghĩa kết nối vùng miền, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ GTVT cũng cho biết năm 2023, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475 km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730 km.

Đồng thời nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km đường cao tốc kết nối trục Bắc-Nam và Đông-Tây. Như vậy Việt Nam có thể đạt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc.

Ngành GTVT cũng đã đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc-Nam với tổng chiều dài 723,7 km, 3 cao tốc trục Đông-Tây, 2 đường vành đai TPHCM và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, khởi công một số dự án: Cao Lãnh-Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, Chợ Mới-Bắc Kạn, Hòa Liên-Túy Loan.

Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên, xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.

Về đường sắt, đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch 2 dự án; đã khởi công 3 dự án: Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội-TPHCM (đoạn Hà Nội-Vinh, đoạn Vinh-Nhà Trang) và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.

Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công 2 dự án là nâng cấp luồng Cái Mép-Thị Vải và nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn. Đã hoàn thành 1 dự án kênh nổi Đáy-Ninh Cơ, đang triển khai thi công dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

5. HoREA kiến nghị sớm ban hành quy định về giá đất 

HoREA vừa có loạt văn bản đề nghị gỡ vướng về định giá đất, và kiến nghị không đấu thầu dự án chưa giải phóng mặt bằng...

“CỞI TRÓI” CHO HÀNG TRĂM DỰ ÁN NHÀ Ở

Theo HoREA, Nghị định 44 còn tồn tại một số quy định bất cập về định giá đất. Điều này dẫn đến hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại trên cả nước không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước, đồng thời không cấp sổ hồng cho khách hàng.

Việc này vừa làm phát sinh khiếu kiện gây mất trật tự xã hội, vừa làm thất thu ngân sách nhà nước, vừa không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng là chủ sở hữu nhà, vừa làm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án, bị ảnh hưởng uy tín thương hiệu và không thu được số tiền 5% giá trị hợp đồng còn lại, mà việc bị chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải do lỗi của chủ đầu tư.

HoREA được biết trong khi chờ đợi Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 965 (ngày 13/10/2023) và Công điện 993 (ngày 24/10/2023) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44. Cuối tháng 10/2023, Bộ này đã trình dự thảo Nghị định trên và được các thành viên chính phủ cho ý kiến. Do đó, HoREA đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành nghị định sửa đổi để gỡ vướng cho hàng trăm dự án, đảm bảo không thất thủ ngân sách nhà nước.

Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi Nghị định 31 (điểm c khoản 7 Điều 31) áp dụng quy định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư cả dự án nhà ở thương mại trên quy mô toàn quốc.

Trước đó, tại Nghị quyết 98 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã gỡ vướng mắc thủ tục cho các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM, nhưng vẫn còn 02 điểm hạn chế, thứ nhất, chỉ áp dụng thí điểm với nhà xã hội mà không có nhà ở thương mại; thứ hai, chỉ áp dụng tại TP.HCM nên chưa giải quyết được vướng mắc chung trên phạm vi cả nước.

CHỈ ĐẤU THẦU DỰ ÁN ĐÃ GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG

Trong loạt văn bản kiến nghị, HoREA đã gửi văn bản đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, tại Điều 126 (điểm c khoản 5 và khoản 6) quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là công việc khó khăn nhất, phức tạp nhất, dễ va chạm và dễ làm mất lòng dân nhất, sau đó chậm nhất là 36 tháng kể từ ngày ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu thầu thì UBND cấp tỉnh phải giao đất sạch này cho nhà đầu tư trúng thầu.

HoREA nhận thấy, với quy định trên sẽ “biến” cơ quan nhà nước là UBND cấp tỉnh trở thành “người làm thuê” cho nhà đầu tư trúng thầu dự án có sử dụng đất, và người dân có đất bị thu hồi dễ ngộ nhận là Nhà nước thu hồi đất của mình để giao cho nhà đầu tư tư nhân và dùng tiền ứng trước của nhà đầu tư tư nhân để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà người dân không cần biết là Nhà nước đã lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu công khai, minh bạch.

Do đó, HoREA đề nghị bỏ quy định này, vì sẽ tạo ra một số bất cập khi đẩy công việc khó khăn, phức tạp nhất về phía cơ quan nhà nước. Bởi đa số chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại mong muốn đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án để có ngay quỹ đất sạch, tránh tình trạng dự án bị chôn vốn.

Ngoài ra, quy định "nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng trong 3 tháng" được đánh giá chưa đủ “độ rõ”. Bởi nhà đầu tư đề xuất chi phí này trong hồ sơ dự thầu. Trong trường hợp chi phí thực tế phát sinh cao hơn mức đề xuất sẽ gây rủi ro và thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Theo HoREA, mục đích của đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất đều nhằm mục đích lựa chọn nhà đầu tư nhưng có điểm khác biệt. Theo đó, mục đích đấu giá là để lựa chọn nhà đầu tư trả giá cao nhất còn mục đích đấu thầu là để lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực nhất, dự án có chất lượng tốt nhất và có cam kết nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cao nhất.

Do đó, Hiệp hội kiến nghị chỉ đấu thầu dự án đã giải phóng mặt bằng để tránh xung đột lợi ích giữa nhà nước và người có đất bị thu hồi. Ngoài ra, bỏ quy định UBND cấp tỉnh phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư để giao đất cho nhà đầu tư.

Về điều kiện dự án thực hiện đấu thầu cần có quy hoạch xây dựng 1/2000, HoREA cho rằng cần bổ sung điều kiện có quy hoạch xây dựng 1/500. Bởi nhà đầu tư sẽ có thêm các chỉ tiêu kỹ thuật cụ thể để lập hoàn chỉnh dự án đầu tư.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

6. Hà Nội: Thanh tra chuyển nhượng đất để tăng nguồn thu thuế 

Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, ước hết năm 2023, toàn thành phố thu được 14.650 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Trong khi đó, dự toán thu của năm 2023 là 17.000 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch, khoản thu thuế từ tiền sử dụng đất chưa đạt như dự toán.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số khoản thu không đạt dự toán do thị trường bất động sản trầm lắng. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản giảm doanh thu, số thuế phải nộp do không có thêm các dự án mới, sản phẩm mới và sản lượng tiêu thụ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, do nhà nước thực hiện các chính sách gia hạn, miễm giảm thuế, phí, tiền thuê đất… cũng khiến cho số tiền thu được từ thuế sử dụng đất giảm.

Ghi nhận tại Hà Nội, công tác tổ chức đấu giá tiếp tục gặp nhiều khó khăn do vướng mắc liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất… Nhiều địa phương đã không tổ chức thành công các cuộc đấu giá đất. Đơn cử như huyện Thanh Oai, từ đầu năm đến nay, huyện tổ chức 9 buổi đấu giá quyền sử dụng đất song chỉ có 2 cuộc đấu giá thành công. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai Nguyễn Công Quảng, do thị trường bất động sản "đóng băng", lượng người tham gia đấu giá ít hơn số thửa đất nên không thể triển khai phiên đấu giá.

Theo UBND thành phố Hà Nội, việc xác định giá đất gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về chính sách, thủ tục đấu giá đất còn phát sinh thủ tục hành chính (chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2 ha phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội)..., dẫn đến nguồn thu từ đấu giá đất đạt thấp.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

7. Quốc hội thông qua luật Đất đai sửa đổi 

Sáng 18.1, với 432/477 đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội thống nhất thông qua dự thảo luật Đất đai sửa đổi. Luật có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều; đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18 của T.Ư Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.

Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, ông Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm một lần như luật hiện hành và hằng năm biến động thì điều chỉnh hệ số K. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, trình Quốc hội thảo luận nhiều lần trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Theo ông Thanh, luật hiện hành quy định bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường. Song, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.

Do đó, thể chế hóa Nghị quyết số 18 của T.Ư Đảng và trên cơ sở thống nhất giữa các cơ quan, dự thảo luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất.

Dự thảo luật cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1.1 của năm tiếp theo hoặc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm bảng giá đất sẽ được cập nhật phù hợp với thực tế.

Không bỏ phương pháp thặng dư định giá đất

Một số ý kiến đề nghị bỏ phương pháp thặng dư trong định giá đất. Ông Thanh cho biết, định giá đất là vấn đề khó, nội dung quy định tại dự thảo luật đã được Quốc hội, Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, nghiêm túc nghiên cứu để thiết kế các phương pháp định giá vừa có tính kế thừa, vừa có tính cụ thể hóa thực tiễn, có đổi mới nhưng phải có tính bao quát để có thể áp dụng cho các trường hợp cụ thể, lâu dài.

Dự thảo luật cũng quy định mang tính nguyên tắc, xác định rõ về nội hàm và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh, các cơ quan đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất cao về việc tiếp tục quy định tại dự thảo Luật về phương pháp thặng dư.

Thí điểm thỏa thuận xây nhà ở thương mại với đất khác

Liên quan các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, ông Thanh cho biết, quá trình thảo luận, có ý kiến đề nghị mở rộng điều kiện được nhận chuyển nhượng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, bổ sung cụm từ "các loại đất khác".

Theo ông Thanh, đây là chính sách đã được Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng và biểu quyết tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất khi xem xét sửa đổi luật Nhà ở năm 2014.

Trên cơ sở chính sách đã được thống nhất và báo cáo cơ quan có thẩm quyền đối với nội dung này khi thông qua luật Nhà ở năm 2023, dự thảo luật Đất đai quy định cho phép thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở; được sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác.

Theo ông Thanh, trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của luật.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

8. Môi giới bất động sản không được hành nghề tự do, phải nhận 'hoa hồng' qua tài khoản 

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chính thức hiệu lực từ ngày 1/1/2025 có nhiều điểm mới liên quan trực tiếp đến Sàn giao dịch bất động sản và môi giới.

Đáng chú ý có quy định, môi giới bất động sản không được hành nghề tự do và thù lao, hoa hồng môi giới phải qua hình thức chuyển khoản.

Bộ Xây dựng cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã bổ sung quy định Sàn giao dịch bất động sản trước khi hoạt động phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh, nơi có trụ sở chính của Sàn giao dịch bất động sản để được cấp phép hoạt động.

Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng điều kiện phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.

Như vậy, từ ngày 1/1/2025, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản như sàn giao dịch bất động sản hoặc công ty môi giới bất động sản…

Điều này đồng nghĩa với việc, cá nhân không được hành nghề môi giới bất động sản tự do như hiện nay (khoản 2 Điều 62 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cho phép cá nhân có quyền kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập).

Còn Khoản 2 Điều 61 Luật Kinh doanh bất động sản mới nêu rõ, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện như: chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; phải hành nghề trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản bao gồm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ quản lý bất động sản.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Sớm áp thuế cao với người có nhiều nhà, đất 

Chính phủ cần khẩn trương đề xuất quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến về dự án Luật Đất đai sáng 15/1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết cần sớm áp mức thuế cao hơn với người có nhiều nhà, đất nhằm điều tiết chênh lệch địa tô có được do quy hoạch của nhà nước.

Chủ trương với những trường hợp trên cũng được Trung ương nêu trong Nghị quyết 18 giữa năm 2022. Tuy nhiên, đến nay chủ trương này vẫn chưa được thể chế hóa thành các điều luật cụ thể.

Hiện nay, thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2%. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, quyền thuê đất, thuê mặt nước và các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

Thời gian qua, nhiều cá nhân khi chuyển nhượng nhà đất thường kê khai mức giá thấp hơn nhiều so với thực tế dẫn đến ngân sách nhà nước  thất thu. Vì thế, một số ý kiến cho rằng nên đánh thuế cao hơn khi chuyển nhượng với trường hợp đầu cơ sở hữu 3, 4 bất động sản trong thời gian ngắn.

Trước đó, tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai tháng 3/2023, các chuyên gia cho rằng cần có quy định rõ về đối tượng sẽ bị áp mức thuế cao hơn, được miễn, giảm, hưởng ưu đãi thuế. Về lâu dài, chuyên gia khuyến nghị cần nghiên cứu áp dụng thuế bất động sản với nhà thứ hai trở lên.

Hiện, Singapore là một trong số quốc gia áp dụng thuế này, với mức thuế 7% với người mua nhà thứ hai và 10% với nhà thứ ba.

Nước này cũng áp thuế theo thời gian bán bất động sản, như bán nhà trong năm đầu sau khi mua sẽ bị đánh thuế 16%, bán vào năm thứ hai, mức thuế giảm về 12%, năm thứ ba là 8% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.

7 năm trước, Chính phủ từng đề xuất thí điểm đánh thuế bất động sản thứ hai tại TP HCM, nhưng sau đó không được thông qua. Lý do nhiều ý kiến phản biện, một trong số đó là thời điểm đánh thuế lúc đó còn quá sớm.

Năm 2022, khi dự thảo cơ chế đặc thù thí điểm tiếp theo cho TP HCM, thành phố cũng đề nghị được thí điểm áp thuế này. Tuy nhiên sau khi lấy ý kiến, các bộ ngành cho rằng chưa nên đánh thuế nhà, đất thứ hai tại TP HCM vì chính sách này "không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp".

Tháng 8/2022, trả lời trực tuyến VnExpress về dự án Luật Đất đai, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà (khi đó là Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường) cũng nêu ý tưởng sẽ xem xét kỹ lưỡng để thể chế chủ trương quy định mức thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất.

Hiện nay có người nhiều nhà, nhưng diện tích nhỏ, cũng có người chỉ có một nhà, nhưng diện tích hàng nghìn mét vuông. Vậy nên ông Hà cho rằng cần tính hạn mức sử dụng đất cho từng địa phương, chẳng hạn có nơi 300 m2, 500 m2, có nơi 1.000 m2. Nếu người dân dùng đất trong hạn mức cho phép, sẽ tính thuế thấp. Người sử dụng đất vượt hạn mức sẽ bị tính thuế cao hơn. Người dùng đất vượt hạn mức 3-4 lần sẽ có mức thuế cao hơn tương ứng.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

10. Bộ Xây dựng sẽ tập trung thanh tra các vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực 

Trong buổi họp báo thường kỳ chiều nay (12/1), ông Đinh Quang Tuấn, Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng đã chia sẻ về kế hoạch thanh tra trong năm 2024.

Cụ thể, thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra hành chính việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và công tác cải cách thủ tục hành chính tại đơn vị trực thuộc Bộ.

Đơn vị này cũng thanh tra chuyên ngành công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực như quản lý hoạt động xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản; thực hiện xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thanh tra Bộ cũng sẽ kiểm tra quản hoạt động đầu tư xây dựng tại một số tập đoàn, chủ đầu tư ban quản lý dự án, tổng công ty trực thuộc các Bộ, ngành.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thực hiện một số cuộc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và thực hiện kiểm tra, xác minh vụ việc khiếu nại và đôn đốc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

11. Những điểm mới nổi bật nhất trong Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua 

Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu là những chính sách nổi bật trong Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua.

Đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Luật Đất đai sửa đổi đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong đó có việc tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến.

Cùng với đó đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch, theo đó quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Theo cơ quan soạn thảo, những đổi mới trong các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao như chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất

Về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: Xây dựng công trình công cộng; xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và các trường hợp khác.

Với 31 trường hợp cụ thể Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát. Bên cạnh đó, luật cũng đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật; vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương…

Các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu

Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai sửa đổi đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định thể các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Luật quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đây cũng là một trong những nội dung được nghiên cứu, bổ sung đưa vào quy định trong Luật Đất đai sửa đổi. Luật được thông qua đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Gi ảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất

Luật được thông qua đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực. Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay.

Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất

Luật quy định theo hướng điều tra cơ bản đất đai, đánh giá tiềm năng đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất. Luật Đất đai lần này đã thể chế các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18 của Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

12. Từ 1/1/2026 các địa phương sẽ công bố bảng giá đất mới

Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường.

Sáng 18/1, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ 5 năm/lần, thay vào đó là UBND công bố định kỳ hàng năm vào đầu năm.

Cụ thể, việc định giá đất phải bảo đảm theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch.

Căn cứ xác định giá đất bao gồm: Mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất, yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất, quy định của pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá.

Theo đó, bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo.

Trường hợp Bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định.

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Bảng giá đất được quy định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp thực hiện điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng, dẫn đến bảng giá đất không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.

Để bảo đảm chất lượng bảng giá đất, các cơ quan quản lý nhà nước các cấp cần nâng cao hơn nữa năng lực trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý và sử dụng đất đai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ sẽ chỉ đạo trong quá trình thực hiện luật.

Như vậy, bảng giá đất sẽ được ban hành hằng năm từ 1/1/2026.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 01 năm 2024

Tin tức tổng hợp về phân tích nhận định của chuyên gia tháng 01 năm 2024

Tin tức tổng hợp pháp luật về bất động sản tháng 01 năm 2024

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 01 năm 2024

Tin tức bất động sản về chính sách, pháp luật  tháng 11 năm 2023

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan