Tin tức
29/12 2023

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 12 năm 2023

  • 308
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

"Trong bức tranh đầy thách thức và triển vọng của thị trường bất động sản, quy hoạch đóng vai trò quyết định, định hình hình ảnh và phát triển của các khu vực. Tháng 12 năm 2023, là thời điểm chúng ta dừng lại để nghiên cứu những tin tức nóng hổi về quy hoạch, những quyết định quan trọng đang làm thay đổi diện mạo của các dự án và khu vực bất động sản trên khắp đất nước.

Những biến động trong quy hoạch có thể tạo ra cơ hội mới, nhưng cũng đồng thời mang lại những thách thức và đối mặt với sự phản đối từ cộng đồng. Bài viết này sẽ đưa độc giả qua những thông tin quan trọng, các dự án quy hoạch đang thu hút sự chú ý và những thay đổi trong chính sách quy hoạch có thể ảnh hưởng đến giá trị và tính khả thi của bất động sản.

Hãy cùng nhau khám phá những cập nhật mới nhất về quy hoạch trong lĩnh vực bất động sản, để hiểu rõ hơn về cách những quyết định này có thể tác động đến cộng đồng và những người liên quan. Từ những dự án lớn đến những chi tiết nhỏ, tháng 12 năm 2023 hứa hẹn là một chặng đường đầy ý nghĩa trong sự phát triển và quản lý của thị trường bất động sản."

  1. Phương án lập thành phố phía tây Hà Nội: Ôm trọn hai đô thị vệ tinh, mở rộng đến sông Tích và sông Bùi
  2. Thủ tướng: Nghiên cứu xây dựng thêm một sân bay quốc tế tại đồng bằng sông Hồng
  3. Khu phi thuế quan nối cảng biển, sân bay Đà Nẵng tầm cỡ thế nào?
  4. Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển 3 trục kinh tế động lực bám cảng biển và các tuyến cao tốc
  5. Hà Nội dự kiến xây mới 36 chợ, cải tạo 76 chợ trong năm 2024
  6. Đề án xây dựng nhà xã hội mới đạt 4,7% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025
  7. Cả nước có 475 dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025
  8. Thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ gồm huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh

1. Phương án lập thành phố phía tây Hà Nội: Ôm trọn hai đô thị vệ tinh, mở rộng đến sông Tích và sông Bùi

Thành phố phía Tây Hà Nội bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, có thể nghiên cứu mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi.

Ngày 5/12, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức khai mạc kỳ họp thứ 14 (kỳ họp thường lệ) năm 2023. Dự kiến, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này.

Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 mà UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND thành phố, thành phố phía tây bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai.

Thành phố này dự kiến được nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Tổng diện tích thành phố khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người.

Cũng theo dự thảo trên, đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số khoảng 1,08 triệu người;  khu vực ngoại thị khoảng 116 km2, dân số khoảng 0,12 triệu người. Đơn vị hành chính bao gồm 16 phường và 8 xã.

Đô thị Hòa Lạc sẽ là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao. Là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, có các trường đại học, có khu công nghệ cao, trung tâm thí nghiệm, nhấn mạnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, ứng dụng và chuyển giao công nghệ...

Đô thị Xuân Mai sẽ là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, phòng thí nghiệm/ phòng nghiên cứu cộng đồng, trung tâm mô phỏng 3D, trung tâm dịch vụ thử nghiệm sản phẩm nghiên cứu... Cùng với đó, một phần thành phố dự kiến phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hóa phẩm phục vụ cho Hà Nội, khu vực Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Hình thành đô thị thông minh, là thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, tiếp thu trình độ khoa học và công nghệ quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hình thành đô thị du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm vùng phía Tây Hà Nội được xây dựng dựa trên cấu trúc địa hình tự nhiên, gắn kết với hệ thống Ba Vì - Đồng Mô và sông Tích, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia như QL 21, đường Hồ Chí Minh.

Xây dựng đô thị theo mô hình đô thị hiện đại, chất lượng cao, phát triển nhà cao tầng tại khu vực trung tâm và các khu vực đầu mối giao thông. Xây dựng các đô thị sinh thái, khu ở mới đồng bộ về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, phát triển gắn kết với địa hình đồi núi và hệ thống hồ nước hiện có của khu vực.

Hình thành các cụm không gian chức năng gồm trường Đại học; khu công nghệ cao; Khu trung tâm y tế tập trung; Khu đô thị sinh thái; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, chợ đầu mối nối kết Hà Nội với các tỉnh phía tây bắc đất nước.

Phát triển các dự án vui chơi giải trí, du lịch sinh thái phục vụ nhân dân thủ đô và vùng phụ cận. Cùng với đó, khoanh vùng bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng như Núi Thoong, sông Tích, sông Bùi, hồ Đồng Sương, hồ Văn Sơn,... kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Thủ tướng: Nghiên cứu xây dựng thêm một sân bay quốc tế tại đồng bằng sông Hồng 

Nêu thực trạng đồng bằng sông Hồng đã có 3 sân bay, Thủ tướng cho rằng có thể nghiên cứu để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực này.

Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng - đề cập khi kết luận Hội nghị lần thứ hai với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra chiều 7/12.

Thủ tướng nhấn mạnh, liên kết vùng là một trong những đột phá, động lực tăng trưởng mới, cùng với liên kết các vùng, liên kết với cả nước và liên kết quốc tế.

Do đó, cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, không địa phương nào làm thay địa phương nào, nhưng không thể không liên kết, đặc biệt là liên kết giao thông.

Liên quan đến hàng không, nêu rõ khu vực phía bắc đồng bằng đã có 3 sân bay (bao gồm Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), Thủ tướng nhìn nhận, có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực phía nam đồng bằng sông Hồng.

Về vấn đề nguồn lực, Thủ tướng cho rằng phải lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa, cơ chế, chính sách phù hợp) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Còn nguồn lực bên ngoài (FDI, vốn vay, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, tham khảo kinh nghiệm, thể chế của quốc tế) là quan trọng và đột phá.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ hơn những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi năng lượng mới, phát triển ngành công nghiệp tái tạo (nắng, gió, Hydrogen); phát triển hệ sinh thái để phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy văn minh lúa nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác hiệu quả quỹ đất, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thể nghiên cứu triển khai lấn biển để tạo không gian phát triển, quỹ đất mới.

Theo Thủ tướng, cùng với vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt, đóng góp trên 50% GDP của cả nước, do đó quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng rất khác biệt, cơ hội rất nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ của vùng.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Khu phi thuế quan nối cảng biển, sân bay Đà Nẵng tầm cỡ thế nào? 

Vị trí nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan dựa trên định hướng đất hỗn hợp của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đà Nẵng sẽ nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan nằm trên các tuyến giao thông liên khu vực kết nối khu logistics, cảng biển, sân bay.

UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo về tình hình thực hiện dự án khu phi thuế quan thành phố Đà Nẵng.

Xây dựng đường ngầm, cầu vượt ở khu phi thuế quan.

UBND TP Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đã chỉ đạo các sở ban ngành, đơn vị liên quan rà soát, xây dựng Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Vị trí nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan dựa trên định hướng đất hỗn hợp của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được đưa vào Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, nghiên cứu bố trí khu phi thuế quan nằm trên các tuyến giao thông liên khu vực kết nối khu logistics, cảng biển, sân bay.

Cụ thể: Tuyến Hoàng Văn Thái - Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành - Cảng Liên Chiểu; Hoàng Văn Thái - Nhà ga; Hoàng Văn Thái - Vành đai Tây 2 - Lê Đại Hành - Ga hàng không; Tuyến phía Nam của vị trí 3 (28,3 ha) kết nối với trung tâm logistics trong phân khu đô thị sườn đồi; Tuyến LRT trên đường Hoàng Văn Thái.

Ngoài ra, do tính chất nằm tại nút giao của đường Hoàng Văn Thái và tuyến liên khu vực nên được phân bố làm 3 vị trí liền kề với tổng diện tích khoảng hơn 132 ha.

Trong đó, có hơn 86 ha là đất thương mại dịch vụ thuần, còn lại là đất bãi đậu xe, giao thông nội bộ quy định các nút đấu nối, cây xanh... Với 3 vị trí này sẽ được thiết kế thông nhau bởi các đường ngầm dưới lòng đất hoặc cầu vượt... để đảm bảo việc xây dựng hàng rào của khu phi thuế quan.

Cần chính sách đặc thù

UBND TP Đà Nẵng cho biết , với xu hướng phát triển các mô hình khu thương mại tự do, khu phi thuế quan trên thế giới và các địa phương trong cả nước hiện nay, việc thành lập khu phi thuế quan về thương mại dịch vụ (gắn với khu đô thị sườn đồi) tại Đà Nẵng cần gắn với một số cơ chế , chính sách đặc thù để tạo động lực, bước phát triển đột phá cho kinh tế - xã hội của thành phố.

UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban ngành phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, tiếp thu, bổ sung và giải trình các nội dung. Trong đó, tập trung rà soát lại cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị, đánh giá sự cần thiết, cơ sở thực tiễn, mô hình, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xem xét, quyết định việc thành lập khu phi thuế quan tại thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, rà soát sự phù hợp của các cơ chế, chính sách được đề xuất cho khu phi thuế quan liên quan đến thuế, hải quan, tài chính, y tế… Tiến hành đánh giá tác động trên các lĩnh vực theo yêu cầu của các bộ, ngành.

UBND TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các sở ban ngành tiếp thu và đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119 của Quốc hội, để hoàn thiện các đề xuất về cơ chế chính sách đặc thù khi sơ kết việc thực hiện. Việc thành lập khu phi thuế quan TP Đà Nẵng là một trong những nội dung được đưa vào nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách áp dụng cho TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

4. Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển 3 trục kinh tế động lực bám cảng biển và các tuyến cao tốc

Quy hoạch mới công bố đặt mục tiêu đưa Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong top 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu, 10 địa phương có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, tỉnh sẽ phát triển 3 trục kinh tế động lực gắn với Cảng biển Cái Mép - Thị Vải, các tuyến cao tốc, vành đai...

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

BỀN VỮNG TRONG TOP 10 ĐỊA PHƯƠNG CÓ QUY MÔ GRDP LỚN NHẤT NƯỚC

Mục tiêu của quy hoạch nhằm xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 05 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước. Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Đồng thời, duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước. 

Tại quy hoạch nêu rõ Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển ba trục kinh tế động lực, các cực tăng trưởng.

Một, trục kinh tế động lực công nghiệp - Cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51, tập trung phát triển hệ thống cảng biển loại đặc biệt quốc gia, chức năng cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế.

Hai, trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại thành phố mới Phú Mỹ.

Ba, trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với hệ thống các đô thị du lịch ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu, các khu du lịch phức hợp khai thác tài nguyên biển, rừng.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CAO TỐC, XÂY MỚI ĐƯỜNG SẮT TỶ USD

Về phương án phát triển mạnh lưới giao thông, theo quy hoạch mới được phê duyệt, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả.

Theo đó, về phương án phát triển hạ tầng giao thông quốc gia, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc lộ 55, Quốc lộ 56, Quốc lộ 51, Quốc lộ 51C.

Đồng thời, xây dựng các đoạn tuyến quốc lộ tránh các đô thị: tuyến tránh Quốc lộ 51 qua thành phố Bà Rịa, tuyến tránh Quốc lộ 55 qua thị trấn Phước Bửu và thị trấn Đất 

Về cảng biển, Quyết định số 1629/QĐ-TTg nêu rõ sẽ phát triển hệ thống cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu với quy mô, chức năng cảng đặc biệt, bao gồm các khu bến: Cái Mép, Thị Vải, Sao Mai - Bến Đình, Bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Long Sơn, sông Dinh, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

5. Hà Nội dự kiến xây mới 36 chợ, cải tạo 76 chợ trong năm 2024 

Hà Nội vừa có kế hoạch về việc phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố năm 2024. Dự kiến, Hà Nội sẽ xây mới 36 chợ, cải tạo 76 chợ…

Hà Nội đặt mục tiêu đến hết năm 2024, 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo Quyết định phê duyệt giá mới của UBND TP; 100% các chợ phê duyệt sửa đổi nội quy hoạt động, phương án bố trí... theo quy định hiện hành. 100% xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng sẽ đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng các chợ đang hoạt động đảm bảo hiệu quả theo đúng tiêu chí, đảm bảo phát huy đầy đủ công năng và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các chợ, văn minh thương mại, 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa phải đảm bảo tiêu chuẩn chợ an toàn vệ sinh theo quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại, an ninh trật tự.

Năm 2024, Hà Nội dự kiến đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại 36 chợ. Đáng chú ý, một số chợ có quy mô lớn là: chợ đầu mối cấp vùng, xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh 300.000m2; chợ Viên Sơn, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây 51.000m2; chợ Sóc Sơn, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn 19.600m2; chợ Gióng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm 12.152m2; chợ Am Nội, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì 10.000m2; chợ dân sinh phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm 5.166 m2; chợ dân sinh phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm 2.819m2…

Ngoài ra, Thành phố cũng dự kiến nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 76 chợ. Trong đó: quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây, mỗi quận, thị xã có 1 chợ; quận Bắc Từ Liêm, quận Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ba Đình, huyện Hoài Đức, huyện Thạch Thất, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Sóc Sơn đều có 2 chợ/quận, huyện; quận Tây Hồ, huyện Đan Phượng, huyện Mê Linh có 3 chợ/quận, huyện; quận Cầu Giấy, huyện Thường Tín, Quốc Oai, Chương Mỹ có 4 chợ/quận, huyện; huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa có 6 chợ/huyện; huyện Đông Anh 7 chợ; huyện Thanh Trì 9 chợ.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, an ninh trật tự... đối với các chợ trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công dân, làm tốt công tác công khai thông tin cho nhân dân hiểu, đồng thuận ngay trước, trong và sau khi triển khai chủ trương, chính sách đối với việc phát triển, quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn;

Rà soát, bổ sung các chợ trên địa bàn quận, huyện, thị xã đảm bảo đủ điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất tổ chức đấu thầu theo quy định đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu kinh doanh mua bán của nhân dân.

Đơn vị quản lý chợ, chủ đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mình phải công khai, minh bạch thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư, xây dựng công trình trong chợ, xây dựng lại chợ.

UBND quận, huyện, thị xã rà soát lại quỹ đất để bố trí địa điểm xây dựng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt, tăng cường giải tỏa các tụ điểm kinh doanh tự phát trái quy định trên địa bàn.

UBND cấp huyện là đơn vị chủ trì chỉ đạo UBND cấp xã trên địa bàn có chợ được đầu tư xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo làm đầu mối giải quyết những khó khăn, vướng mắc, họp các hộ kinh doanh tại chợ tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận (trước, trong và sau đầu tư), không để xảy ra khiếu kiện đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tại chợ đối với các chợ đầu tư xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa…

Click để đọc chi tiết về bài viết!

6. Đề án xây dựng nhà xã hội mới đạt 4,7% kế hoạch của giai đoạn 2021-2025

Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội còn khoảng cách xa so với mục tiêu. Bởi đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, nhưng tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành vẫn thấp…

Tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành là 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành 634.200 căn.

CÒN KHOẢNG CÁCH XA SO MỤC TIÊU

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam( Vars) đánh giá Đề án đề ra mục tiêu trên nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, khi nguồn cung nhà ở xã hội đang thiếu nghiêm trọng, mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của công nhân lao động. Đồng thời cũng là giải pháp “cứu cánh” cho doanh nghiệp bất động sản giữa bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn, thị trường bất động sản gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro. Đặc biệt, việc giải quyết nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội còn là “chìa khóa” giải tỏa vấn đề lệch pha cung cầu. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Tuy nhiên, đã quá nửa thời gian của giai đoạn 2021-2025, cả nước mới hoàn thành 46 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 20.210 căn hộ, chỉ bằng 4,7% kế hoạch đề ra.

Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Vars, cho rằng mặc dù các cơ quan, Chính phủ rất quyết liệt chỉ đạo, ban hành những chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển; kịp thời giải quyết vướng mắc theo thẩm quyền để thực hiện các chính sách đạt mục tiêu, yêu cầu. Song thực tế tại một số địa phương, công tác triển khai thực còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới kết quả thực thi. Đặc biệt một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn tồn tại, gây cản trở trong quá trình triển khai, khiến nguồn cung nhà ở xã hội “nhỏ giọt”.

Đồng quan điểm, Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, nhận định việc thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp những năm qua quả thật chưa đạt kết quả mong muốn. Trong đó có nguyên nhân xuất phát từ khâu chuẩn bị đầu tư, do các dự án gặp vướng mắc về cơ sở pháp lý, điển hình là việc thực hiện quy định phương pháp định giá đất chưa thống nhất; quy hoạch sử dụng đất đã được công bố nhưng chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện… hay trong khâu thực hiện dự án cũng trở ngại, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa kịp thời, đồng bộ. Đặc biệt, cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn giá rẻ chưa cụ thể, thủ tục còn rắc rối...

KỲ VỌNG TỪ "TRỢ LỰC" CHÍNH SÁCH

Song, nhiều ý kiến cũng nhận định tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ có kết quả tích cực bởi những “trợ lực” từ chính sách. Đặc biệt, việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi mới đây, với nhiều quy định “gỡ khó” cho người mua lẫn chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội, sẽ tạo sức hấp dẫn và thu hút thêm doanh nghiệp tham gia phát triển phân khúc này, cũng như tăng khả năng tiếp cận cho người thu nhập thấp.

Cụ thể, theo Luật Nhà ở mới, chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội nhận được hàng loạt ưu đãi “thật” với cơ chế thông thoáng. Trong đó, việc đưa 20% quỹ đất nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương. Quy định này không chỉ giải quyết được bất cập về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội từ trước đến nay cho chủ đầu tư; mà còn có lợi cho người mua nhà bởi thông qua việc nắm rõ thông tin về nhu cầu của người dân, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.

Mặt khác, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án (trừ phần diện tích đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại, chiếm tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất trong dự án) mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Như vậy, thời gian thực hiện thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội rút ngắn khoảng 1 năm. Ngoài ra việc chỉ áp biên lợi nhuận với phần diện tích nhà ở xã hội cũng giúp chủ đầu tư thêm lợi nhuận, từ việc phát triển nhà ở xã hội thông qua phần diện tích thương mại, là điểm cộng, tăng sức hút đối với chủ đầu tư.

Đặc biệt, Luật Nhà ở mới còn có điểm tiến bộ, gỡ khó cho người dân, đó là bãi bỏ điều kiện cư trú với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội.

“Mặc dù còn ít nhất 1 năm nữa, quy định trong Luật Nhà ở mới chính thức “đi” vào cuộc sống, nhưng những điểm mới này đã phần nào tác động đến tâm lý của người mua nhà lẫn kế hoạch, định hướng phát triển của chủ đầu tư”, Vars nhận xét.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

7. Cả nước có 475 dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2021-2025, cả nước có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng…

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, trong đó đối với công tác quản lý, phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng cho biết, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến nay đã đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ cho vay đạt 9.800 tỷ đồng với 25.581 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Ngoài ra, giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục dự án đủ điều kiện được vay trên cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước với số lượng 24 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, tổng quy mô là 20.188 căn hộ, mức đầu tư khoảng 19.014 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương ước tính 7.516 tỷ đồng.

Hiện Bộ Xây dựng vẫn tiếp tục có văn bản đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án trên địa bàn đủ điều kiện tổng hợp và công bố ở những đợt tiếp theo.

Mặt khác, về tổ chức triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”, Bộ Xây dựng cũng ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao và báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn; chủ trì tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Đề án.

Theo báo cáo từ các địa phương, giai đoạn 2021-2025, cả nước có 475 dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp, với quy mô 432.698 căn đã hoàn thành và triển khai đầu tư xây dựng (đã hoàn thành 46 dự án, quy mô 20.210 căn; đã khởi công xây dựng 120 dự án, quy mô 120.066 căn; 309 dự án, quy mô 292.422 căn được chấp thuận chủ trương đầu tư mới).

Còn về triển khai Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, báo cáo cũng cho biết, các địa phương và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tập trung triển khai gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, hiện có 23 tỉnh công bố danh mục 54 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 25.884 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, một số dự án nhà ở xã hội tại các địa phương đã được giải ngân với số vốn 143,3 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Minh Phương tại Phú Thọ được giải ngân 26,4 tỷ đồng; Công ty Kinh Bắc ở Bắc Ninh được giải ngân 46 tỷ đồng; Liên doanh Công ty cổ phần nhà số 6 Hà Nội và Công ty cổ phần tư vấn Toàn Cầu được giải ngân 56,6 tỷ đồng; Công ty HUD ở Bình Dương 14,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư và tình hình thực hiện Nghị định.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

8. Thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ gồm huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh 

Thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2, có 45 phường và 24 xã.

UBND thành phố Hà Nội vừa trình HĐND thành phố xem xét, thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo đồ án, thành phố phía Bắc sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 385km2, khu vực ngoại thị khoảng 248km2 với 45 phường và 24 xã.

Theo định hướng, thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, đây là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.

Với ý tưởng xây dựng động lực cho một thành phố vì hòa bình, kết nối toàn cầu, thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ là trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Khi đó, sẽ hình thành các trung tâm cầu nối đa quốc gia, trung tâm đối thoại quốc tế, phát triển mô hình kinh tế MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) tận dụng tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên rừng Sóc Sơn.

Đồng thời, Hà Nội xây dựng thành phố phía Bắc là trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học 4.0. Đặc biệt, tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cao, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cho một thiết chế xã hội bền vững, sử dụng năng lượng sạch.

Thành phố phía Bắc cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm thu hút tài năng trẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nhằm có thể xuất khẩu văn hóa đến năm 2045; phát triển du lịch kết hợp phát huy, bảo tồn các không gian cảnh quan, kiến trúc lịch sử, văn hóa truyền thống trên cơ sở quần thể Cổ Loa thành, đền Sóc, chuỗi du lịch liên tỉnh trên hành lang sông Hồng.

Thành phố phía Bắc cũng sẽ phát triển trung tâm logistics có quy mô lớn tại miền Bắc, trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, phát triển cảng cạn ICD, thúc đẩy hạ tầng xuất nhập khẩu, trung tâm thương mại miễn thuế, outlet lớn tại khu vực. Ngoài ra, thành phố sẽ nghiên cứu phát triển các trung tâm giải trí và thương mại giải trí, kinh doanh, kinh tế đêm, cùng hệ thống sân golf sẽ hình thành chuỗi tổ hợp vui chơi giải trí, văn hóa, thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế.

Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ bảo tồn triệt để hệ sinh quyển rừng và hệ thực - động vật Sóc Sơn; xây dựng và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong đô thị bằng việc vận hành nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Hình thành đô thị mới cao tầng, hiện đại theo mô hình TOD, đô thị thông minh dọc hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài). Hình thành các tổ hợp công trình công cộng, dịch vụ, khách sạn, thương mại, tài chính, ngân hàng lớn.

Hà Nội cũng sẽ triển khai xây dựng hoàn thiện Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia. Đồng thời, thành phố nghiên cứu mô hình xây dựng các trung tâm dịch vụ văn hóa, khai thác lĩnh vực công nghiệp văn hóa; phát triển các không gian xanh cảnh quan, công viên vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... trên cơ sở địa hình tự nhiên vùng núi Sóc Sơn và hệ thống các sông hồ, các công trình kiến trúc có giá trị văn hoá lịch sử. Đặc biệt, tại đây sẽ hình thành khu công nghiệp kỹ thuật cao, nghiên cứu và phát triển gắn với hành lang xuyên Á phía Đông Bắc huyện Đông Anh.

Dự kiến, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 14, khóa XVI.

 

Tin tức tin tức bất động sản về quy hoạch tháng 12 năm 2023

Tin tức tổng hợp pháp luật về bất động sản tháng 12 năm 2023

Tin tức tổng hợp giá cả thị trường bất động sản tháng 12 năm 2023

Tin tức bất động sản về phân tích nhận định chuyên gia tháng 12/2023

 

Tin tức bất động sản về chính sách, pháp luật  tháng 11 năm 2023

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

 

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan

360 độ các Tỉnh/TP

360 độ tỉnh Hưng Yên - nơi tiềm năng thức giấc

  • 20/12/2022

360 độ những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Quảng Ninh

  • 20/12/2022

360* những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Thái Nguyên

  • 20/12/2022