Tin tức
06/05 2023

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 01.5 đến 06.5.2023

  • 169
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tổng hợp tin tức bất động sản tâm điểm trên địa bàn cả nước Times Pro tổng hợp từ ngày 01.5 đến 06.5.2023 gồm các tin chính sau:

  1. Những tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản
  2. Tín dụng nhà ở xã hội: Từ lý thuyết tới thực tế
  3. Nhiều vướng mắc của thị trường bất động sản đang từng bước được tháo gỡ
  4. Lợi nhuận quý I ngành BĐS tăng 116% nhờ Vinhomes và Vincom Retail, song thị trường dự báo khó có đột biến
  5. Thủ tướng ra công điện chỉ đạo nhằm đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội
  6. Hướng dẫn xác định đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
  7. Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
  8. Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn theo hướng toàn diện

 tin-tuc-bat-dong-san-times-pro-tong-hop-tuan-1-thang-5

I, TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ THỊ TRƯỜNG TRONG TUẦN QUA

Những tín hiệu đáng mừng của thị trường bất động sản

Kết thúc quý I, thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi phục trở lại khi thanh khoản gia tăng tại một số phân khúc và khu vực. Nhiều tín hiệu đáng mừng cho thấy quỹ đạo hồi phục của thị trường địa ốc đang bắt đầu quay trở lại.

Điểm sáng từ giao dịch ra tăng

Không còn bức tranh vắng vẻ tại các văn phòng công chứng đất đai như cách đây hơn 3 tháng. Tại Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM cùng nhiều địa phương khác, lượng giao dịch đã bắt đầu tăng trở lại khi một số văn phòng công chứng ghi nhận số lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gia tăng.

Tin-tuc-bat-dong-san-times-pro
Tin tức bất động sản về thị trường khởi sắc

Một báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2023 từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng dự báo rằng thị trường bất động sản trong quý 2/2023 sẽ ghi nhận những điểm sáng từ một số dự án có vị trí thuận lợi, chất lượng bàn giao tốt, được phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín.

Nhiều dự án TP.HCM đã được gỡ vướng

Tính đến thời điểm hiện tại đã có 12 dự án bất động sản tại TP.HCM được gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép được huy động vốn.

Mới đây, TP.HCM đã gỡ vướng thêm 7 dự án bất động sản của Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Hưng Thịnh. Trong đó, Tập đoàn Hưng Thịnh được tháo gỡ pháp lý cho 6 dự án, bao gồm: Moonlight Park View - phần thương mại còn lại (quận Bình Tân), Moonlight Boulevard (quận Bình Tân), 9 View Apartment (TP.Thủ Đức), 8X Đầm Sen (quận Tân Phú), dự án Moonlight Avenue, ở Tp.Thủ Đức và dự án Moonlight Centre Point (quận Bình Tân).

Một dự án của Novaland được gỡ vướng là The Grand Manhattan (quận 1, Tp.HCM) được thi công trở lại sau thời gian tạm ngưng.

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã tháo gỡ khó khăn cho 4 dự án bất động sản cho phép bán 50% lượng căn hộ trong dự án, cũng cấp ra thị trường khoảng 4.000 - 5.000 căn hộ, giảm áp lực nguồn cung.

Chính sách pháp luật đang dần được tháo vướng

Cuối quý 1/2023, Chính phủ lại tiếp tục đưa ra các giải pháp gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc. Đặc biệt, Chính phủ đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các luật liên quan trong tháng 10/2023 như Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai... Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản.

Nguồn vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản

Đến thời điểm hiện tại, gói vay 120.000 tỷ đồng đang được kỳ vọng sẽ góp phần tạo niềm tin và giải quyết một số điểm nghẽn về thanh khoản tại các dự án Nhà ở xã hội, góp phần “rã băng” thị trường địa ốc.

Đáng chú ý, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cũng đang góp phần đẩy nhanh tiến trình đảo chiều của thị trường. Việc giảm lãi suất còn tạo động lực cho các nhà đầu tư mạnh tay xuống tiền.

Các chủ đầu tư lên kế hoạch mở bán dự án

Ngay từ thời điểm tháng 3, nhiều dự án đã bắt đầu khởi động bán hàng. Đơn cử như ở Hà Nội, dự án SOHO @ Heritage West Lake của CapitaLand Development, Moonlight 1 – An Lạc Green Symphony (Hoài Đức) rục rịch mở bán, tỏng khi đó dự án Masteri Waterfront và Masteri West Heights của Masteries Homes cũng tung ra giỏ hàng mới…

Click để đọc chi tiết về bài viết!

II, TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

1. Tín dụng nhà ở xã hội: Từ lý thuyết tới thực tế

Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay để phát triển nhà ở xã hội từ 4 ngân hàng thương mại nhà nước với lãi suất từ 8,2 - 8,7%/năm trong thời điểm này là rất cần thiết được cả xã hội đón nhận.

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nơi ở của số đông người thu nhập và triển khai đồng bộ các chính sách Chính phủ đã đề ra trong đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Theo các chuyên gia, cơ chế chính sách đã có, nguồn lực cũng sẵn sàng là những thuận lợi cơ bản nhất. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là sử dụng gói tín dụng này sao cho phù hợp, thực sự phải trở thành liều “thuốc bổ” trợ lực cho phân khúc nhà ở xã hội.

tin-tuc-bat-dong-san-ve-tin-dung
Tin tức bất động sản về tín dụng

Bên cạnh giải pháp hỗ trợ vốn vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng, Chính phủ cũng đưa ra một loạt giải pháp sửa đổi thể chế, tạo lập quỹ đất, hỗ trợ thuế, tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội. Gói giải pháp tổng thể này rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay, vấn đề lúc này là các bên liên quan triển khai thế nào cho hiệu quả

Việc hướng nguồn vốn đến phân khúc, dự án khả thi, đáp ứng nhu cầu sử dụng thực của người dân là hoàn toàn hợp lý. Hiện trên thị trường đang rất thiếu dự án nhà ở giá thấp dù người dân rất cần. Vì vậy việc ưu tiên vốn cho nhà ở bình dân là rất hợp lý để tạo ra nguồn lực phát triển phân khúc này và nâng cao chất lượng an sinh xã hội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần đảm bảo những chuẩn mực về tín dụng cho vay bất động sản. Đồng thời, doanh nghiệp phải tính toán, đảm bảo về dòng tiền, chỉ số lợi nhuận, chỉ số đòn bẩy tài chính. Cùng đó là giải quyết tốt những vướng mắc về thủ tục pháp lý. Có như vậy, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội mới thực sự có hiệu quả, để thị trường kỳ vọng đón nguồn cung dồi dào từ phân khúc này.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Nhiều vướng mắc của thị trường bất động sản đang từng bước được tháo gỡ

Với hàng loạt chính sách đang được Chính phủ chỉ đạo thực hiện trong những tháng đầu năm nay, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực.

Hiện nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đang đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh.

Qua làm việc với các địa phương, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện được những vướng mắc. Tại TP.HCM, đang có tới 80% trong tổng số 180 dự án có khó khăn, vướng mắc phải dừng thi công. Tại Hà Nội có 170 dự án, Đà Nẵng có 75 dự án, Hải Phòng có 65 dự án và Cần Thơ có 79 dự án khó khăn vướng mắc.

thao-do-vuong-mac
Tin tức bất động sản về tháo gỡ khó khăn của Chính phủ

Những vướng mắc liên quan đến trách nhiệm và thẩm quyền của nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau. Trong đó, chủ yếu liên quan đến quy định về đất đai, xây dựng, quy hoạch, đầu tư và quy định của pháp luật về nhà ở. Tổ công tác đã rà soát để phân rõ thẩm quyền tháo gỡ. Nhiều địa phương cũng đã thành lập tổ công tác để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp sớm đưa các dự án vào triển khai nhằm tăng nguồn cung cho thị trường và tránh lãng phí. Những gì thuộc thẩm quyền của Tổ Công tác được giải đáp ngay, còn những gì vượt thẩm quyền thì sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Lợi nhuận quý I ngành BĐS tăng 116% nhờ Vinhomes và Vincom Retail, song thị trường dự báo khó có đột biến

Theo FiinGroup, trong quý I, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp bất động sản tăng 116% so với cùng kỳ. Song, nếu không tính 2 doanh nghiệp “họ” Vin, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp còn lại giảm 4%.

Lợi nhuận quý I tăng trưởng 116% nhờ Vinhomes và Vincom Retail

Theo báo cáo Toàn cảnh kế hoạch kinh doanh 2023 mà FiinGroup vừa công bố, tính đến ngày 26/4, đã có gần 700 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết (đại diện khoảng 70% vốn hóa toàn thị trường) công bố kế hoạch kinh doanh cho năm 2023, với tổng lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm nhẹ 3%.

Trong đó, bất động sản là một trong những ngành đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trên nền thấp của năm 2022, với mức tăng dự kiến 9,7%.

loi-nhuan-bds
Tin tức bất động sản về các doanh nghiệp 

Tăng trưởng này chủ yếu đến từ Vincom Retail (tăng 71%) với kỳ vọng tỷ lệ lấp đầy và giá cho thuê ở các trung tâm thương mại hồi phục; và Vinhomes (tăng 3,9%) nhờ bàn giao các sản phẩm ở Ocean Park 1 và 2. 

Nhóm có quy mô nhỏ hơn như Nam Long, Khang Điền đưa ra kế hoạch lợi nhuận thận trọng. 

Hoạt động phát hành huy động vốn sẽ trầm lắng trong năm nay

Đối với kế hoạch huy động vốn, tính đến ngày 26/4, đã có 108 doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết lên kế hoạch huy động vốn cổ phần với tổng giá trị dự kiến thực hiện trong năm 2023 là 126.400 tỷ đồng, cao hơn đáng kể so với 2 năm gần đây.

Trên thực tế, con số này bao gồm gần 29.300 tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của Novaland (chủ yếu phục vụ mục đích cơ cấu nợ vay) và gần 36.000 tỷ đồng kế hoạch phát hành cổ phần của VPBank (để bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài). 

Thị trường BĐS sẽ khó có đột biến trong ngắn hạn

Nhận định về tình hình thị trường bất động sản năm nay, FiinGroup cho rằng, các nút thắt pháp lý trong lĩnh vực bất động sản đang dần được tháo gỡ. Song, với nền lãi suất vay duy trì ở mức cao và các chính sách hỗ trợ cần thời gian để thẩm thấu, tình hình thị trường bất động sản sẽ khó có đột biến trong ngắn hạn. 

Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới tại TP HCM và vùng phụ cận sụt giảm 59% so với cùng kỳ trong quý I vừa qua. Trong khi đó, lượng tiêu thụ giảm 34% so với cùng kỳ, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp là 63%, thậm chí dao động từ 19% - 38% ở một số giỏ hàng mở bán. 

Click để đọc chi tiết về bài viết!

III, TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH QUẢN LÝ

1. Thủ tướng ra công điện chỉ đạo nhằm đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 360/CĐ-TTg ngày 2/5/2023 về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây dựng; Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, đến nay một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025, tập trung vào chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp, đất giao thông, đất thể dục thể thao, đất công trình năng lượng, đất khu công nghệ cao, đất trồng lúa, đất rừng 3 loại rừng, đất quốc phòng, đất an ninh.

Thủ tướng chỉ đạo hội nghị

Đồng thời, tại Điều 15 Nghị quyết số 81/2023/QH15  ngày 9/1/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 yêu cầu các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Nhằm đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy nguồn lực từ đất đai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Thứ nhất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng căn cứ Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổng hợp, đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu tổng hợp, việc đề xuất đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch và việc khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất theo quy hoạch.

Thứ hai, trên cơ sở tổng hợp báo cáo nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021-2025 tại kỳ họp tháng 10 năm 2023.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

2. Hướng dẫn xác định đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Bộ Xây dựng vừa có hướng dẫn về việc xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư…

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY GỒM 2 NHÓM

Nhóm thứ nhất là cá nhân. Đối với trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (nhà ở xã hội tại khu công nghiệp), thì đối tượng vay gồm: người có công với cách mạng theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp.

Ngoài ra còn có sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Nhóm thứ hai là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định về nhà ở.

Bên cạnh việc đảm bảo điều kiện, tiêu chí của pháp luật về tín dụng do Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, đối tượng vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thời phải đáp ứng một số tiêu chí và điều kiện nhất định.

Đối với đối tượng là cá nhân: Trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải có hợp đồng mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư; đối tượng được bố trí nhà ở tái định cư trong dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua nhà ở, công trình xây dựng bố trí tái định cư theo quy định pháp luật.

Ảnh minh họa

Nếu đối tượng là chủ đầu tư dự án: Đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật; đã có quyết định giao đất hoặc có quyền sử dụng đất và đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép theo quy định pháp luật về xây dựng;

MỖI NGƯỜI MUA NHÀ CHỈ ĐƯỢC THAM GIA VAY VỐN 1 LẦN

Liên quan đến gói tín dụng này, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản số 2308/NHNN-TD ngày 1/4/2023 về việc triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP.

Ngân hàng cho biết về nguyên tắc, mỗi người mua nhà chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 01 lần để mua 01 căn hộ tại dự án thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, mỗi dự án của chủ đầu tư chỉ được tham gia vay vốn theo quy định tại Chương trình này 01 lần.

Thời hạn giải ngân của Chương trình đến khi doanh số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng nhưng không quá ngày 31/12/2030.

Thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư: áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 3 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Còn đối với người mua nhà: áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm kể từ ngày giải ngân, nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu.

Trong thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm; lãi suất cho vay áp dụng đến hết ngày 30/6/2023 đối với người mua nhà là 8,2%/năm. Kể từ ngày 1/7/2023, định kỳ 06 tháng, NHNN thông báo lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi cho các ngân hàng thương mại tham gia Chương trình.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

3. Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP (Nghị định số 10) sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực từ ngày 20/5 tới. Nghị định đã bổ sung nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.

Nghị định bổ sung Điều 17a vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Việc tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 Luật Đất đai; đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai, khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; phải nộp tiền đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; không thuộc đối tượng bị cấm tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật; đáp ứng điều kiện quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật về kinh doanh bất động sản đối với trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở, dự án kinh doanh bất động sản khác.

Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 17a Nghị định 43/2014/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 119 Luật Đất đai; đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất; đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất. Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.

Ngoài nội dung trên, Nghị định còn bổ sung trình tự thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định về đầu tư. Nghị định cũng quy định chi tiết về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) qua mạng. Theo đó, người dân sẽ được nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện, mà không phải trực tiếp đến tận cơ quan quản lý để thực hiện như trước.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV, TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn theo hướng toàn diện

Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 là một trong những quy hoạch ngành trong hệ thống quy hoạch quốc gia và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị trong giai đoạn phát triển 2021 – 2030.

Nhiều đơn vị hành chính cấp tỉnh có xu hướng đô thị hoá toàn tỉnh (lên thành phố trực thuộc trung ương). Cùng đó, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện có xu hướng đô thị hoá toàn huyện lên thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị hành chính cấp xã đã lên đô thị... Xu hướng này tiếp tục gia tăng mạnh trong thời kỳ 2021-2030.

Hiện cả nước có 5 vùng đô thị lớn cấp quốc gia và xét trên bình diện đặc thù vùng miền là 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ. Trong số đó có 4 thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng có sức lan toả liên vùng. Riêng Cần Thơ sức lan toả còn hạn chế. Đáng chú ý, Hà Nội và Hải Phòng có xu hướng kết nối trở thành vùng đô thị lớn hợp nhất và tối ưu hoá quan hệ sản xuất.

rong vùng đô thị lớn, vùng kinh tế xã hội xuất hiện nhiều đô thị vươn lên có sức lan toả liên vùng trở thành mô hình đô thị toàn tỉnh như Bình Dương phát triển nổi bật ở nhiều góc độ tăng trưởng kinh tế, mức thu nhập bình quân đầu người đạt cao nhất cả nước, vượt Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng theo báo cáo của Viện Quy hoạch Đô thị nông thôn Quốc gia, tốc độ đô thị hóa nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng với chuỗi, chùm đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền. Hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ.

Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Bên cạnh những tin tức bất động sản trên, độc giả có thể tham khảo thêm các bài viết khác tại Times Pro: 

Thuê văn phòng làm việc Co-working Space (Timesspace)

+ Bài học - giáo dục về Bất động sản (Timesedu)

+ Thông tin hữu ích về thị trường BĐS

+ Pháp luật BĐS

+ Phong thủy BĐS

+ Bản tin bất động sản

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan