Tin tức
24/08 2024

Tin tức bất động sản Times Pro tổng hợp từ 19/08 đến 23/08/2024

  • 721
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Tin tức bất động sản trong nước trong tuần 3 tháng 8/2024 được Times Pro tổng hợp và gửi tới quý độc giả tham khảo để định hướng thị trường nhà đất!

I - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ GIÁ CẢ & THỊ TRƯỜNG

Hà Nội: Chen chân đấu giá đất huyện Hoài Đức 

Sáng 19/8, rất đông người dân đến xếp hàng tại nhà thi đấu huyện Hoài Đức để tham gia phiên đấu giá 19 thửa đất xã Tiền Yên. Trước thời điểm đấu giá, đã có hơn 700 bộ hồ sơ tham gia đấu giá đất tại đây.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, giá khởi điểm 7,3 triệu được xác định theo quy định của Nghị định 12, nhân hệ số điều chỉnh với giá trong bảng giá đất. Giá khởi điểm là cơ sở để xác định tiền cọc. Được biết, 19 lô đất đấu giá đợt đầu đã có hơn 700 bộ hồ sơ với 400 khách hàng tham gia đấu giá.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

“Đất đấu giá vùng ven cao kỷ lục thì giá dự án thấp tầng phải 300-400 triệu đồng/m2, chung cư hơn 100 triệu đồng/m2” 

Sau 2 phiên đấu giá ở Thanh Oai và Hoài Đức với mức trúng giá cao, ông Trần Minh - Nhà tư vấn đầu tư và quản lý bất động sản cá nhân lo ngại, các phiên đấu sau lại càng thu hút hơn, giá lại các sản phẩm khác bị đẩy cao hơn nữa.

Đấu giá đất vùng ven Hà Nội đang gây "sốt" những ngày gần đây. Bởi "chảo lửa" đấu giá đất Thanh Oai chưa kịp "nguội" với mức trúng giá chưa từng có ở khu vực này 100,5 triệu đồng/m2 cho lô cao nhất. So với mức giá khởi điểm 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2, mức giá trúng cao gấp 5-8 lần. Tiếp đó,  ngày 19/8, phiên đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên (Hoài Đức, Hà Nội) còn "nóng" hơn nữa khi kéo dài hơn 18 tiếng đồng hồ, trải qua 10 vòng trả giá, lô cao nhất trúng với giá 133,3 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm, mức giá này gấp 18 lần.

Theo công cụ lịch sử giá của nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%.  Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp từ 2 đến 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Chuyện khó hiểu trên thị trường BĐS: Lúc giá tăng theo tuần thi nhau mua, giá nhà chững cả năm không mấy ai “ngó”

Từ các cuộc đấu giá đất tăng giá gấp nhiều lần và có dấu hiệu “đầu cơ” thổi giá, đến những diễn biến sốt cục bộ tại các khu vực đất nền trên cả nước trước đó có thể thấy động thái của người mua ngày càng khó hiểu. Lúc giá bất động sản tăng liên tục rất nhiều người tranh nhau mua, đến khi mặt bằng giá chững lại không mấy ai bận tâm.

Chia sẻ về lý do, ông Lê Minh Đức, Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Remaps cho rằng, do nhu cầu mua bất động sản từ trước đến nay để đầu tư là chính. Khi giá tăng là cơ hội đầu tư. Khi giá chững thì nhà đầu tư “vắng mặt”.

Vị này phân tích, có một sự thật khi thị trường sôi động, chủ đầu tư ra nhiều hàng cũng là lúc giá bất động sản tăng nhanh nhất. Còn khi chủ đầu tư bị kẹt pháp lý, không bán hàng thì giá bất động sản đi ngang hoặc giảm nhẹ. Thế nhưng, khi giá giảm hoặc chững là cơ hội để nhiều người sở hữu thì động thái người mua lại đi ngược. Có nhiều bất động sản chững giá cả năm nhưng không mấy ai ngó.

Theo ông Đức, tại Việt Nam bất động sản được xem như một "sản phẩm tài chính". Nghĩa là nhu cầu chính là đầu tư chứ không phải an cư. Với nhu cầu đầu tư thì khi thị trường có thanh khoản, giá sẽ tăng. Thanh khoản kém, giá sẽ đi ngang hoặc giảm, không liên quan nhiều đến lượng sản phẩm. “Theo thông tin thu thập thì ở Việt Nam có tới 80% nhu cầu mua bất động sản là để đầu tư”, ông Đức nhấn mạnh.

Thậm chí có thời điểm, nhiều người không biết làm gì ngoài đầu tư bất động sản. Chỉ khi thị trường bất động sản sôi động thì dòng tiền mới nhiều, còn lại nhà đầu tư sẽ gửi tiền vào ngân hàng chờ lấy lãi.

 Click để đọc chi tiết về bài viết!

Giá chung cư tiếp tục leo thang, phải đến năm 2025 trở đi giá bán mới không tăng nhanh như hiện tại

Chuyên gia Savills cho rằng, giá chung cư sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung mới trên thị trường còn hạn chế, giảm 34% theo quý và 25% theo năm với khoảng 2.700 căn vào quý 2/2024. 98% nguồn cung đến từ các dự án hiện tại, hầu như không có dự án mới.

Quan sát thị trường chung cư Hà Nội có thể thấy, đà tăng giá vẫn đang tiếp diễn và có mức tăng sốc trong khoảng 2 tháng gần đây. Đà tăng này được thiết lập sau khoảng hơn 1 tháng thị trường chung cư Hà Nội có dấu hiệu chững lại, mặt bằng giá đi ngang.

Thực tế, tại quận Thanh Xuân, căn chung cư 3 ngủ 2 vệ sinh tại Five Star Kim Giang có diện tích 100m2 đã tăng từ 5,8 tỷ đồng lên mức 6,3 tỷ đồng. Căn 2 ngủ 2 vệ sinh diện tích 88m2 cũng tăng từ 4,8 tỷ đồng lên mức 5,2 tỷ đồng. Đa số căn căn đều tăng thêm 200-500 triệu đồng/căn trong thời gian ngắn chỉ từ 1-2 tuần.

Hay như căn 3 phòng ngủ tại dự án Sudico Mỹ Đình cũng tăng từ mức 4,4-4,6 tỷ đồng/căn lên mức 4,6-4,8 tỷ đồng/căn. Các căn hộ tại các đại đô thị Vinhomes Smart City ghi nhận mức tăng trung bình từ 150-250 triệu đồng/căn so với hai tháng trước đó.

 Click để đọc chi tiết về bài viết!

II - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ PHÂN TÍCH & NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA

Chuyên gia: Ai theo "con sóng" đầu cơ đất đấu giá sẽ khó bán tiếp, chục năm sau giá mới tăng bằng giá trúng

Gần đây, các cuộc đấu giá đất tại các khu vực ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai và Hoài Đức gây sự chú ý khi mà giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Theo ông, diễn biến và kết quả của cuộc đấu giá có bất thường không?

Thông thường, các cuộc đấu giá bất động sản đều cho kết quả cao hơn nhiều so với giá khởi điểm khi nhu cầu lớn. Tuy nhiên, kết quả của 2 đợt đấu giá gần đây cho thấy giá cao rất bất thường. Giá khởi điểm quá thấp nhưng giá trúng đấu giá cao hơn 2-3 lần.

Giá thị trường thông thường được quyết định bởi cung và cầu. Do đó, một khu vực cao hơn 2-3 lần trong thời gian ngắn trong khi các yếu tố khác ảnh hưởng tới xác định giá trị của đất không thay đổi (hạ tầng, pháp lý, quy hoạch)… cần xem xét.

Những cuộc đấu giá được tổ chức sau giai đoạn luật được thông qua, nhiều địa phương bắt đầu đưa ra các dự thảo về bảng giá đất mới đẩy tâm lý người dân cho rằng đất sẽ tăng giá. Điều này tạo điều kiện để các đội, nhóm dễ dàng nâng giá lên ngưỡng bất thường.

Tuy nhiên, diễn biến này vẫn còn chờ tới thời hạn nộp tiền trúng đấu giá để xem số lượng thực tế những cá nhân đấu giá có thực sự hoàn thành nghĩa vụ hay chỉ là chiêu trò để tạo dư luận.

Dù có thực sự hoàn thành nghĩa vụ trong cuộc đấu giá thì cũng không có nghĩa thị trường sẽ có những cơn sốt đất ngay lập tức mà vẫn chỉ ở trong giai đoạn sốt cục bộ. Điều này sẽ tương đối rủi ro cho những nhà đầu tư/cá nhân tham gia thị trường trong giai đoạn này (ngoại trừ thị trường xung quanh Hà Nội có tăng trưởng tốt về tìm kiếm và giá còn lại các thị trường khác trên cả nước vẫn đang ở giai đoạn hồi phục và mức giá đi ngang).

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Chuyên gia: Sắp tới, giá chung cư sơ cấp tại Hà Nội sẽ tăng “đột biến”, thị trường thứ cấp tiếp tục tăng khoảng 5-10% 

Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2024 của Bộ Xây dựng, qua tổng hợp số liệu từ 60/63 Sở Xây dựng các địa phương, có tổng 150.876 giao dịch bất động sản thành công. Trong đó, có 25.885 giao dịch tại căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ, giảm 28% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ. Phần lớn là nằm tại phân khúc đất nền với 124.991 giao dịch, tăng 28% so với quý trước và tăng 86% so cùng kỳ.

Về giá giao dịch, giá chung cư tăng trung bình từ 5-6,5% trong quý 2 tại Hà Nội. Theo Bộ Xây dựng đánh giá, giá bán chung cư tăng nóng không chỉ ở những dự án mới mở bán mà còn ở nhiều căn hộ cũ, đã được qua sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng chỉ xảy ra trong một giai đoạn ngắn, đồng thời có dấu hiệu chững lại vào cuối quý 2 do giá đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi.

Tại Hà Nội, trong quý 2 giá rao bán một số dự án căn hộ chung cư có sự tăng cao, như tại các khu đô thị Royal City tăng 33%; The Pride 33%, Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng 32%, Vinhomes West Point tăng 28%. Một số khu đô thị đã cũ như khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, giá chung cư cũng tăng 25%; khu chung cư tái định cư tại Nam Trung Yên tăng 20%…

Bộ Xây dựng cho rằng, với giá tăng nóng như vậy, để muốn mua căn hộ có giá bán biến động tăng chậm hơn, người mua phải tìm đến các khu vực xa trung tâm như dự án Bình Minh Garden Đức Giang; Le Grand Jardin Sài Đồng... nhưng giá bán nhưng nơi này cũng không dưới 3 tỷ đồng (ở mức từ 3,2-4,5 tỷ đồng/căn hộ từ 2-3 phòng ngủ).

Với thị trường thứ cấp, giá rao bán tại một số dự án có mức độ tăng giá bình quân cao như 249A Thụy Khuê (Tây Hồ) tăng 12% (55,8 triệu đồng/m2); D'. El Dorado II (Tây Hồ) tăng gần 10% (80,6 triệu đồng/m2); Vinata Tower (Cầu Giấy) tăng 10% (hơn 53 triệu đồng/m2); Vinhomes D'Capitale (Cầu Giấy) tăng 14% (hơn 74 triệu đồng/m2), Thống Nhất Complex (Thanh Xuân) tăng 12,5% (gần 60 triệu đồng/m2), Eco Lake View (Hoàng Mai) tăng 13,5% (hơn 48 triệu đồng/m2)...

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Đất nền phân lô phía Nam có “đổi chiều” vào cuối năm, đây là dự báo bất ngờ của chuyên gia trong ngành

Đó là chia sẻ của ông Trần Khánh Quang, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản.

Theo ông Quang, trong 6 tháng đầu năm 2024, thị trường ghi nhận những tín hiệu hồi phục đáng kể so với giai đoạn 2022 - 2023 nhưng không đồng đều các phân khúc. Phần lớn giao dịch tập trung ở những dự án hoàn thiện hạ tầng, pháp lý, được triển khai bởi các chủ đầu tư có uy tín trên thị trường,…

Thị trường bất động sản nói chung, đất nền nói riêng có cú hích nhẹ nhàng, tạo hiệu ứng tâm lý kỳ vọng khi có luật mới siết lại hoạt động phân lô bán nền. Tuy nhiên, để thị trường đất nền phục hồi thì cần ít nhất 6-12 tháng nữa. Như vậy, từ sau 1/8/2024 đến hết quý 2/2025, thị trường đất nền sẽ không có nhiều biến động, giá cơ bản đi ngang.

“Phải đến quý 3/2025, có thể giá đất nền mới tăng, thanh khoản phân khúc này mới tốt hơn. Dẫu vậy, thị trường đất nền sẽ chỉ khởi sắc ở những khu vực gần trung tâm các đô thị hoặc vùng ven các đô thị. Còn những đất nền có vị trí vùng sâu, vùng xa sẽ khó hồi phục hay tạo sốt như những năm trước đây”, ông Quang cho hay.

Ông Quang cũng lưu ý nhà đầu tư tránh gom đất nền chờ tăng giá khi dự kiến nguồn cung khan hiếm. Lý do là đất nền khó tăng giá vì tính thanh khoản đang ở mức thấp, tồn kho đất nền ở nhiều tỉnh thành còn rất lớn.

Vừa qua, theo thông tin báo cáo từ Bộ xây dựng, lượng giao dịch đất nền thành công tăng mạnh trong quý 2/2024. Tổng hợp số liệu từ 60/63 Sở Xây dựng các địa phương cho thấy giao dịch đất nền vẫn có số lượng cao nhất so với căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ.

Cụ thể, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong quý 2/2024 có gần 25.900 giao dịch thành công, có xu hướng giảm so với quý 1/2024. Mức độ giảm là 28%. Ngược lại, lượng giao dịch đất nền từ quý 2 lại có xu hướng tăng, với gần 125.000 giao dịch thành công, tăng 28% so với quý 1/2024 và tăng hơn 85% so với cùng kỳ năm 2023.

Lo ngại nguồn cung đất nền khan hiếm khi Luật kinh doanh bất động sản mới quản chặt việc phân lô bán nền, nhiều nhà đầu tư đã quyết định đi gom khiến lượng giao dịch thành công tăng lên.

Tuy nhiên, khi thắc mắc, liệu có cơn sốt đất nền phía nam có xảy ra vào cuối năm nay hay không, hầu hết các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, thị trường đất nền sẽ khó có hiện tượng tăng giá hoặc sốt nóng đột biến trong ngắn hạn về nguồn cung lẫn sức cầu thị trường. Có một số lý do như:

Bất động sản vẫn bị ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô, khủng hoảng địa chính trị trên toàn cầu.

 Click để đọc chi tiết về bài viết!

III - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ CHÍNH SÁCH, QUẢN LÝ

Thủ tướng yêu cầu 4 bộ vào cuộc kiểm tra đấu giá đất có biểu hiện bất thường

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng 4 bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính, Xây dựng và lãnh đạo các địa phương khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất.

Công điện nêu rõ, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực kể từ 1/8, trong đó có quy định về việc đấu giá quyền sử dụng đất. 

Một số địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường, được cơ quan thông tin đại chúng phản ánh) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản.

Từ thực tế trên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đất đai, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch. 

 Click để đọc chi tiết về bài viết!

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh việc đấu giá đất

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan liên quan chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại Công điện ngày 21/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá một số địa phương vừa qua tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, giúp bổ sung nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng cao gấp nhiều lần khởi điểm, trong đó có trường hợp cao bất thường được phản ánh.

"Việc này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, có thể tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh và thị trường nhà ở, bất động sản", Thủ tướng cho biết.

Do đó, ông giao Chủ tịch UBND các tỉnh thành chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn. Việc này nhằm đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, công khai, minh bạch.

Chỉ đạo này diễn ra trong bối cảnh đầu tháng 8, liên tiếp các phiên đấu giá đất tại huyện ven Hà Nội thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký với giá trúng cao nhất hơn trăm triệu đồng một m2, gây xôn xao thị trường. Gần nhất, trong một phiên đấu giá đầu tuần này, hơn chục thửa đất đã trúng với mức trên 100 triệu đồng một m2, trong đó lô cao nhất là 133,3 triệu một m2. Mức này cao hơn 18 lần giá khởi điểm, được nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nhận xét vượt giá trị thực so với các lô đất cùng khu vực.

Cùng ngày, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết lập đoàn kiểm tra, nắm tình hình việc đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai. Theo đó, ngày 23/8, đoàn sẽ kiểm tra tại hai huyện về xác định giá khởi điểm, sự phù hợp giá trúng đấu giá với thực tế trên thị trường, cũng như điều kiện trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất...

 Click để đọc chi tiết về bài viết!

Các trường hợp bị từ chối nhận hồ sơ đăng ký đất đai theo Luật mới từ 

Thứ nhất , không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hoặc hồ sơ không đầy đủ thành phần hoặc không đảm bảo tính thống nhất nội dung thông tin giữa các giấy tờ hoặc kê khai nội dung không đầy đủ thông tin theo quy định.

Thứ hai, nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đã thụ lý đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất đai hoặc đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Thứ ba, nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tố tụng yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thuộc đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, nhận được văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án.

Thứ năm, nhận được văn bản của Tòa án nhân dân có thẩm quyền về việc đã thụ lý đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Thứ sáu, nhận được văn bản của Trọng tài Thương mại Việt Nam về việc thụ lý đơn giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Thứ bảy, nhận được văn bản yêu cầu dừng thực hiện thủ tục hành chính về đất đai để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ tám, trường hợp đăng ký biến động đất đai do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đang được thế chấp và đã đăng ký tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhưng hồ sơ đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho không có văn bản của bên nhận thế chấp về việc đồng ý cho bên thế chấp được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Thứ chín, trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp và đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai, dự án đầu tư xây dựng công trình không phải là nhà ở, dự án đầu tư nông nghiệp, dự án phát triển rừng, dự án khác có sử dụng đất hoặc công trình xây dựng thuộc các dự án này tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai mà chủ đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán tài sản gắn liền với đất nhưng chưa thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi để rút bớt tài sản thế chấp là tài sản đã chuyển nhượng, đã bán.

 Click để đọc chi tiết về bài viết!

Đề xuất 8 chính sách trong Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của 4 luật hiện hành, gồm: 1. Luật Quy hoạch; 2. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; 3. Luật Đầu tư; 4. Luật Đấu thầu.

Mục đích của việc xây dựng dự án Luật này nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu.

Đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 8 chính sách

Trong dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các chính sách gồm:

Chính sách 1: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia, mối quan hệ giữa các loại quy hoạch và kinh phí cho hoạt động quy hoạch để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quy hoạch.

Chính sách 2: Hoàn thiện quy định về nội dung, kế hoạch thực hiện và điều chỉnh quy hoạch bảo đảm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Chính sách 3: Tiếp tục tăng cường phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng mới; bến cảng; khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.

Chính sách 4: Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư đối với quy hoạch đô thị và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư.

Chính sách 5: Mở rộng, đa dạng hóa lĩnh vực, hình thức, phương thức thực hiện dự án PPP, hoàn thiện cơ chế tài chính đối với dự án PPP nhằm tối đa hóa nguồn lực từ khu vực tư nhân, bảo đảm phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công.

Chính sách 6: Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Chính sách 7: Xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp.

Chính sách 8: Xử lý một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn liên quan đến quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động đấu thầu và tăng cường phân cấp trong việc quyết định các nội dung về đấu thầu.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

IV - TIN TỨC BẤT ĐỘNG SẢN VỀ QUY HOẠCH TRÊN CẢ NƯỚC

Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch hàng loạt Khu đô thị tại huyện Đông Anh và quận Hoàng Mai

Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N7 ở huyện Đông Anh

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4260/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N7, tỉ lệ 1/5000 tại khu đất chức năng trường tiểu học thuộc ô quy hoạch ký hiệu VII.2.2. Đây là lô đất ký hiệu I-F2 trong khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Bắc đường 23B, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.

Theo Quyết định, khu đất điều chỉnh cục bộ quy hoạch thuộc xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Lô đất ký hiệu I-F2 trong khu đấu giá quyền sử dụng đất phía Bắc đường 23B); phía Đông, phía Nam và phía Tây giáp đường hiện có; phía Bắc giáp đường quy hoạch và khu dân cư hiện có. Tổng diện tích đất nghiên cứu khoảng 1,27ha.

Mục tiêu điều chỉnh làm cơ sở nghiên cứu lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết, thực hiện dự án đầu tư xây dựng; làm cơ sở pháp lý để các cấp chính quyền thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

Theo Quy hoạch phân khu đô thị N7 tỉ lệ 1/5000 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 25/5/2012, khu đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch thuộc ô quy hoạch VII.2.2, có quy mô diện tích khoảng 1,27ha, chức năng là đất trường tiểu học với mật độ xây dựng 14 ÷ 20%, tầng cao 01 ÷ 03 tầng. Nay điều chỉnh mật độ xây dựng lên tối đa 40% và tầng cao tối đa 05 tầng. Các nội dung khác, không điều chỉnh, được giữ nguyên theo quy hoạch phân khu đô thị N7 đã được phê duyệt.

Bố cục công trình xây dựng và tầng cao của từng hạng mục công trình trong khu đất sẽ được chính xác hóa tại giai đoạn nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 và lập dự án đầu tư, bảo đảm khớp nối đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Đất trong quy hoạch có được phép chuyển nhượng? 

Theo khoản 7, 8 Điều 49 Luật Đất đai 2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018), quy định như sau:

- Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật.

Click để đọc chi tiết về bài viết!

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan

360 độ các Tỉnh/TP

360 độ tỉnh Hưng Yên - nơi tiềm năng thức giấc

  • 20/12/2022

360 độ những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Quảng Ninh

  • 20/12/2022

360* những điều làm nên sự hấp dẫn của BĐS Thái Nguyên

  • 20/12/2022