Trong giai đoạn khó khăn của thị trường, nhiều nhà đầu tư vốn mỏng phải cắt lỗ để thu hồi vốn, trong khi đó một số nhà đầu tư khác lại tích cực “bắt đáy” để ôm đất, kiếm lời.
Trong tháng 3/2020, do ảnh hưởng của của dịch Covid-19, thị trường BĐS chững lại, khối lượng giao dịch giảm mạnh,nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa. Trước khó khăn chung của thị trường đã đẩy nhiều nhà đầu tư vốn mỏng phải cắt lỗ ở nhiều phân khúc BĐS để vớt vát lại chút vốn.
Cắt lỗ “sâu” để thanh lý BĐS thời Covid-19
Theo khảo sát của PV báo Dân trí, trong giai đoạn hiện nay, phân khúc nhà đất tại Hà Nội đang giảm nhẹ dưới 10%. Tuy nhiên, nếu người mua biết đàm phán, mức giảm có thể dao động từ 10 – 15%.
Trao đổi với PV, chị Yến Linh, chủ của một ngôi nhà cấp 4 có diện tích 67 m2, tại Phú Đô (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hiện đang rao bán ngôi nhà với giá khoảng 2,9 tỷ đồng (khoảng 44 triệu đồng/ m2).
Chị Yến Linh cho biết, vào cùng thời điểm này năm ngoái, mảnh đất nhà chị được định giá từ 3,2 – 3,3 tỷ đồng, tức là khoảng gần 50 triệu đồng/ m2, nhưng nay do thị trường đang “chững”, giao dịch giảm nên buộc phải “hạ giá để nhanh sang tay”.
Trong khi đó, trên nhiều hội nhóm mua bán BĐS, nhiều môi giới cũng đua nhau cắt lỗ đất nền tại Hà Nội, mức giảm là 15% so với giai đoạn cuối năm 2019.
Cụ thể, một khu đất có diện tích 90 m2, tại phường Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội), mặt tiền 6 m, sâu 15 m đang rao bán 3,15 tỷ đồng (khoảng 35 triệu đồng/ m2). Tuy nhiên, gia chủ chấp nhận bán nhanh với mức giá 3 tỷ đồng.
Chủ nhân khu đất này cho biết, vào tháng 10/2019, mảnh đất này có người trả giá 3,5 tỷ đồng. Thời điểm đó, do không được giá nên chủ đất không muốn bán: “Với mức giá bán 3 tỷ đồng là bằng với thời điểm tôi mua vào cuối năm 2018. Như vậy, mua đi bán lại, tôi không lời được đồng nào. Biết là lỗ nhưng vẫn phải chấp nhận mức giá đó nếu muốn bán nhanh.”, chủ nhân mảnh đất này nói.
Đối với phân khúc căn hộ chung cư, mức giảm tương đối thấp và chỉ tập trung ở phân khúc chung cư cao cấp. Các căn hộ tầm trung và giá rẻ gần như ít thay đổi giá bán.
Trên trang Batdongsan.com.vn, một chủ nhà sở hữu căn hộ cao cấp, đầy đủ nội thất có diện tích 70 m2 tại Cầu Giấy đang rao bán 2,5 tỷ đồng. Mức giá này bằng với thời điểm gia chủ mới nhận nhà, chưa có nội thất.
Giải thích chỉ có căn hộ cao cấp đang giảm nhẹ thời Covid-19, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS cho rằng, nguồn cung căn hộ nói chung đang thiếu hụt so với nhu cầu thực tế của người dân, vì vậy, bất chấp dịch Covid-19 làm giảm khối lượng giao dịch, song giá bán căn hộ chung cư vẫn tương đối giữ giá.
“Cá lớn” tích cực “bắt đáy” thị trường
Giới chuyên gia BĐS nhận định, chỉ một số ít nhà đầu tư có vốn mỏng mới chấp nhận cắt lỗ để “đẩy” đi nhanh. Trong khi đó, rất nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào đang “bắt đáy” thị trường, tích cực “ôm” đất ở những khu vực có vị trí đẹp.
Ông Đỗ Huệ Năm, một nhà đầu tư có tiếng Hà Nội khoe vừa mua được căn nhà mặt phố tại quận Cầu Giấy rẻ hơn 15% so với cuối năm 2019. Ông Năm cho biết, thời điểm đạt “đỉnh”, ngôi nhà của của ông trị giá 15 tỷ đồng. Thế nhưng, trong cuối tháng 3/2020, ông Năm chỉ mất 13,7 tỷ đồng để trở thành chủ sở hữu mới.
Ông Trịnh Thanh Tuấn, giám đốc của một sàn giao dịch BĐS Hà Nội nhận định, thị trường luôn có quy luật “nóng sốt bán ra, trầm lắng mua vào”, nên thời điểm này “cá lớn nuốt cá bé là điều đương nhiên”.
Theo ông Tuấn, dịch Covid-19 đã khiến thị trường bị thiệt hại rất nặng, tuy nhiên, dịch bệnh cũng có điểm tích cực giúp sàng lọc thị trường, loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng có tâm lý giàu xổi, thích “lướt sóng”.
“Bởi vì, các nhà đầu tư vốn mỏng, thường thích “lướt sóng”, thích đẩy giá trị BĐS lên cao xong rút lui. Điều này có thể tạo ra lợi nhuận trước mắt, nhưng về lâu dài không hề tốt cho thị trường, có thể tạo ra bong bóng BĐS hoặc đẩy giá trị đất lên cao vượt qua tầm với của người có nhu cầu thật. Vì vậy, rất nhiều chuyên gia khuyên nên đầu tư dài hạn, giúp cho thị trường ổn định và bền vững”, ông Tuấn nói.
Đánh giá bài viết!