Năm 2001, Công ty Cổ phần Tư vấn quản lý và Giám sát đầu tư (viết tắt SMiC), tiền thân của FLC ra đời.
Những năm đầu khởi nghiệp, cùng với các cộng sự trẻ tuổi giàu khát vọng tại Công ty SMiC trong vai trò tư vấn luật, quản lý đầu tư, luật sư Trịnh Văn Quyết, người sáng lập Công ty, đã tích lũy kiến thức, kinh nghiệm về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam cũng như cách thức đầu tư của các tập đoàn kinh tế nước ngoài. Cùng với đó, uy tín cá nhân luật sư Trịnh Văn Quyết và Công ty SMiC từng bước được gây dựng, ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trong lòng đối tác, bạn hàng.
Năm 2010, sự sáp nhập của các công ty thành viên đã cho ra đời Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, đánh dấu bước phát triển về chất của doanh nghiệp, đồng thời đặt nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Năm 2011, thương hiệu FLC chính thức được công nhận rộng rãi với sự kiện FLC niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cùng với đó là kỳ tích hoàn thành công trình FLC Landmark Tower vượt tiến độ 4 tháng.
Sau gần hai năm niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, tháng 8/2013, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã quyết định chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM. Sự kiện này là một bước tạo đà để FLC tăng tốc phát triển.
Thị trường chứng khoán đã giúp FLC huy động được nguồn vốn trung và dài hạn quan trọng, với trên 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2014, làm cơ sở để Tập đoàn chuyển hóa những ý tưởng đầu tư thành dự án thực tiễn, biến cơ hội thành tài sản hữu hình.
Cuối năm 2013, thị trường bất động sản bước vào chu kỳ điều chỉnh, hàng ngàn dự án phải tạm dừng thi công hoặc phải chuyển nhượng lại. Nhận thấy đây chính là cơ hội để FLC có thể mở rộng đầu tư bất động sản với chi phí thấp nhất, đồng thời rút ngắn thời gian phát triển dự án, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã quyết định đẩy mạnh hoạt động M&A dự án trên địa bàn Hà Nội.
Mở đầu cho chiến dịch M&A này là thương vụ mua lại dự án Khu đô thị Alaska Garden City tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội vào tháng 8/2013, sau đó đổi tên thành FLC Garden City. Tiếp theo đó là các dự án Iớn Complex Tower 36 Phạm Hùng, nay đổi tên là FLC Complex; The Lavender Hà Đông, nay là FLC Star Tower và tháp đôi 265 Cầu Giấy hiện là Bamboo Airways Tower, đưa tổng mức đầu tư các dự án bất động sản M&A lên xấp xỉ 10.000 tỷ đồng.
Tất cả các dự án ngay sau khi mua về đều được Tập đoàn hồi sinh bằng việc bắt tay ngay vào triển khai. Điều này một mặt khẳng định uy tín của FLC, mặt khác giúp đưa các dự án đón đầu sự hồi phục của thị trường.