Phong thủy
20/12 2022

TỔNG QUAN: PHONG THỦY VÀ ỨNG DỤNG VÀO ĐỜI SỐNG (PHẦN II)

  • 390
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Ứng dụng phong thủy trong cuộc sống

Những ai đã từng quan tâm và thử nghiên cứu văn hóa thần bí Trung Hoa, hẳn biết rõ con người sinh ra đều chịu sự ràng buộc tất yếu của “vận, mệnh”. Vận mệnh con người lại được lý giải thông qua nhiều thông điệp vừa có tính trải nghiệm, vừa mang màu sắc huyền bí, khó lý giải thấu đáo. Tham gia vào đề tài này có hàng trăm pho sách cổ kim, Đông Tây. Mỗi pho sách đều có những giá trị riêng về mặt nghiên cứu hoặc tham chiếu. Có thể kể ra một vài cuốn đã từng xuất bản ở Việt Nam như: “Trạch vận tân án” của Thẩm Trúc Nhung; “Bí ẩn của bát quái” của Vương Ngọc Đức, Diêu Vĩ Quân, Trịnh Văn Tường; “Trạch cát thần bí” của Lưu Đạo Siêu, Chu Vĩnh Ích; “Đàm thiên, thuyết Địa, luận Nhân” của Ngô Bạch; “Chu dịch và dự đoán học” của Thiệu Vĩ Hoa; “Dự đoán theo tứ trụ” của Thiệu Vĩ Hoa; “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” của Bạch Huyết; “Phong thổ học” của Mộng Bình Sơn…

Như vậy đủ biết, phong thủy chỉ đóng một vai trò nhất định nào đó trong vận mệnh con người. Ở đây, người viết muốn nói đến loại phong thủy có bài bản, học vấn và sự hiểu biết sâu rộng của các thầy. Tuy nhiên, ai cũng cũng hiểu, không phải bao giờ làm việc gì cũng nhất thiết phải có sự chỉ bảo của các thầy phong thủy, bởi nhiều người không có điều kiện kinh tế, thời gian hay những lý do nào đó ngoài mong muốn. Việc mua bán các ngôi nhà, thửa đất diễn ra thường xuyên do nhiều nguyên nhân, nhiều cảnh ngộ, khó theo ý muốn bản thân về trạch cát, phương hướng, địa hình địa mạo, hay cảnh quan thiên nhiên, mà ta thường an ủi là do sự xếp đặt của số phận. Cảnh ngộ này xảy ra với hầu hết chúng ta trong đời sống thường nhật. Đặc biệt, với những người mua nhà ống đô thị hay các chung cư, cao thấp, phương hướng, điều kiện ăn ở đã được quy hoạch định sẵn.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng, các kiến trúc sư, các nhà tư vấn thiết kế đều được trang bị kiến thức, sự hiểu biết nhất định về cách tổ chức các không gian sử dụng thích ứng với đời sống, sinh hoạt, làm việc của con người. Đặc biệt, việc khai thác triệt để các yếu tố thiên nhiên như gió, ánh sáng, tầm nhìn cùng các thói quen, tập quán sinh hoạt của con người.

Khi xây dựng các khu đô thị hay nhà ở cá nhân, việc thẩm định đất cát, mồ mả hầu hết đều chu đáo, có trách nhiệm để có “địa khí” lành mạnh, ổn định. Qua đó, có thể thấy, khi quy hoạch định hướng, thiết kế không gian kiến trúc vĩ mô hoặc vi mô, các nhà tư vấn, các kiến trúc sư đã ý thức công việc của mình bằng sự sắp xếp hợp lý, khoa học, phù hợp với cảnh quan, môi trường, sinh hoạt tập quán của con người trên nền tảng đất cát đã được thẩm định chu đáo. Phải chăng, đó chính là yếu tố hòa hợp, gắn bó tương hỗ của Thiên – Địa – Nhân như phong thủy từng đề cập? Sự tương đồng, hài hòa này mang đến nhiều lợi ích cho con người, trong đó có sức khỏe, sự ổn định phát triển (hay tài lộc) với nhiều thúc đẩy may mắn (hanh thông) mà thuật ngữ ngày nay thường gọi là chất lượng sống.

Tất cả mọi sự xếp đặt trong gia đình như không gian phòng khách, phòng ngủ, nơi thờ tự, bếp, vệ sinh, các phòng chức năng khác như phòng con cái, phòng làm việc, phòng thể thao (nếu có)… đều tuân theo tính độc lập, không gây trở ngại lẫn nhau, tính giao thông hợp lý, tôn trọng tính năng hoạt động hay chức năng sử dụng đều góp phần làm cho nền tảng phong thủy ổn định với xu hướng phát triển.

Nếu sự xếp đặt không hợp lý, thiếu khoa học, tất nhiên đều gây nên sự bức xúc, bực bội, bất ổn về tinh thần dẫn đến tình cảm trong gia đình bất lợi, buồn phiền, thiếu đồng thuận, phong thủy có vấn đề. Do vậy, phải tìm cách điều chỉnh hoặc loại bỏ, sửa chữa. Ví dụ như khi xây dựng do quá coi trọng việc này, việc khác mà ta xếp đặt trước bếp (đối diện) là phòng vệ sinh, cửa mở ra chỗ nấu nướng chẳng hạn.

Rõ ràng, sơ đẳng cũng biết bếp (hỏa), phòng vệ sinh (thủy) lại đối diện thì sự tương khắc là tất yếu và hậu quả thì cái này hoàn toàn cản trở cái kia gây ra xung lực xấu cho người sử dụng tùy mức độ tương khắc. Rồi bàn thờ không đúng vị trí (biểu hiện trang trọng, thiêng liêng), giường ngủ ở vị trí thiếu “an toàn” (dễ bị quấy nhiễu), thiếu ánh sáng, thiếu không khí… làm suy giảm thể lực, mệt mỏi tinh thần.

Tóm lại, để cải thiện điều kiện phong thủy, nhà ở gia đình phải có ý thức về tổ chức sắp xếp, bố cục sao cho có được tiếng nói chung với thiên nhiên (thiên khí), coi trọng gốc gác sinh tồn (địa khí), cửa đi, cửa sổ thông thoáng, hợp lý quy tắc sinh hoạt, dưỡng sinh… Sự đồng thuận đó chắc chắn làm cho sức khỏe con người tốt hơn, tinh thần phấn chấn, thoải mái hơn và dĩ nhiên, chất lượng sống của con người trong môi trường đó được nâng cao hơn.

Chúng ta nhất thiết coi trọng phong thủy với những giá trị tinh thần nhân văn và tri thức khoa học. Tuy nhiên, cũng không thần thánh hóa, mê tín dị đoan, không biến nó thành cứu cánh tinh thần hay cưỡng bức về đời sống. Bởi một lẽ đơn giản, phong thủy là sự hòa thuận của chính chúng ta với thiên nhiên vũ trụ, là tâm sáng của chúng ta khi nhìn nhận con người, sự vật của tạo hóa, là biểu hiện trí tuệ, coi trọng những giá trị đích thực của văn hóa truyền thống, nền tảng của văn minh loài người.

Xem thêm các bài viết khác về phong thủy tại bất động sản.

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan