Tổng hợp tin tức tâm điểm của thị trường bất động sản trong nước Times Pro tổng hợp từ ngày 30/5 đến 03/6/2022. gồm các tin chính sau:
1, Giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục “leo thang”, nguyên nhân do đâu?
2, Các dự án xa trung tâm đang là nguồn cung chính cho thị trường bất động sản
3, 8 điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam
4, Sức hút của lĩnh vực bất động sản
5, Bộ Tài chính quyết chặn khai gian giá chuyển nhượng nhà đất
6, 10 kiến nghị cấp bách gỡ khó cho thị trường bất động sản
7, Đất sân bay từng sốt từ Bắc vào Nam như thế nào?
I – TIN THỊ TRƯỜNG
1, Giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục “leo thang”, nguyên nhân do đâu?
Trong tháng 5, giá chung cư tại Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng 6-9% so với tháng trước. Việc tăng giá trên thị trường bất động sản được cho là do yếu tố cung cầu, nguồn cung của thị trường chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, dẫn đến giá nhà tăng.
Căn hộ thiết lập mặt bằng giá mới
Thời gian qua, mức độ quan tâm phân khúc căn hộ tăng vọt. Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ trong quý 1 đều ghi nhận sụt giảm tại thị trường Hà Nội và TP.HCM.
Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ mới trong kỳ ước đạt 2.800 căn, giảm 38% so với cùng kỳ 2021.
Tại TP.HCM, nguồn cung căn hộ mới ước đạt gần 2.200 căn, giảm hơn 60% so với cùng kỳ 2021. Tương tự Hà Nội, toàn bộ nguồn cung căn hộ mới đến từ các dự án hiện hữu.
Tại báo cáo tháng 5 của Viện Nghiên cứu thị trường Đất Xanh Services, tại thị trường Hà Nội, nguồn cung mới đạt xấp xỉ 400 sản phẩm, chỉ có sản phẩm căn hộ, không có sản phẩm nhà thấp tầng.
Trong tháng 5, căn hộ vẫn là sản phẩm chủ đạo với giá bán bình quân tăng 6-9% so với tháng trước. Tỷ lệ hấp thụ nguồn cung căn hộ mới xấp xỉ 40%, nhà thấp tầng trên 80%.
Tại TP.HCM, nguồn cung mới khu Đông chiếm ưu thế và tỷ lệ hấp thụ cao, đạt 80% – 90%. Giá bán căn hộ của một dự án ở mức 58 – 70 triệu/m2, giá những căn tầm nhìn đẹp có thể chênh nhau 20%.
Nguồn cung tương lai dự kiến khả quan trong tháng 6 và quý 3/2022 với các dự án tại khu Đông. Giá bán dự kiến tăng khoảng 5% – 7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, tại thị trường Bình Dương, giá căn hộ cũng tăng nhẹ 5% so với giai đoạn trước. Căn hộ mở bán mới trong tháng có giá bán từ 35 – 44 triệu đồng/m2.
Chuyên gia của VARS đưa ra nhận định, thị trường bất động sản căn hộ đang hình thành mặt bằng giá mới khi nguồn cung tiếp tục chưa thích ứng kịp với nhu cầu của nhà đầu tư, cư dân – đặc biệt trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt như hiện nay.
Phần lớn các dự án sắp ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM đều nằm ở các quận/huyện cách xa trung tâm, nơi quỹ đất vẫn dồi dào. Cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá các dự án này lên cao hơn nữa trong tương lai.
2, Các dự án xa trung tâm đang là nguồn cung chính cho thị trường bất động sản
Tại bản tin thông tin tuần về thị trường bất động sản, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đã đưa ra nhận định: “Các dự án đại đô thị với diện tích từ 100 ha trở lên được triển khai tại các quận, huyện xa trung tâm đang là nguồn cung chủ yếu cho thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản căn hộ”.
“Đây cũng là chiến lược kinh doanh của các chủ đầu tư trong tình hình quỹ đất tại các khu trung tâm thành phố ngày càng khan hiếm. Với hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, nhu cầu sống rộng rãi, thoáng đãng, đang khiến cư dân các thành phố lớn có xu hướng dịch chuyển ra ngoài trung tâm. Tác động của dịch bệnh Covid-19 càng thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu này. Căn hộ đủ rộng rãi, tiện nghi với các dịch vụ hoàn chỉnh không quá xa đang trở thành hình mẫu của một căn nhà điển hình cho các hộ gia đình”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết.
Khác với khái niệm cố hữu về một không gian sống rộng rãi, khoáng đạt, các đại đô thị mới được quy hoạch bằng cách “nén” cư dân trong một không gian đô thị phong phú, nhường diện tích cho các tiện ích khác như trường học, bệnh viện, bể bơi, thậm chí biển nhân tạo, khu vui chơi, đường giao thông…
“Đại đô thị đang tái định hình không gian đô thị tại Việt Nam, nơi các dự án cũ bị hạn chế về diện tích, áp lực lợi nhuận của chủ đầu tư nên thiếu dịch vụ và vận hành thiếu hiệu quả. Nếu hình dung các luồng giao thông là các bình thông nhau, thì việc hình thành các khu đại đô thị là cách tạo thêm những nhánh rẽ mới, giảm áp lực đến các đường ống chính. Sống trong một khu đô thị đông đúc không phải là mơ ước của phần lớn mọi người. Họ hướng ước mơ ra các không gian sống rộng rãi, thoáng mát ở khu vực ngoại thành. Với sự tiện lợi cho đời sống hàng ngày, các khu đại đô thị với đầy đủ các chức năng vẫn là sự lựa chọn của phần lớn gia đình”, ông Nguyễn Anh Tú, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản nhìn nhận.
II – PHÂN TÍCH NHẬN ĐỊNH
1, 8 điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam
Phát biểu tại Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sáng 9/6, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV đã nêu 8 điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam. Không tháo gỡ những điểm nghẽn này thì thị trường khó phát triển bền vững, lành mạnh.
Theo TS Cấn Văn Lực, hiện hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, rõ ràng và còn phức tạp, sửa đổi không kịp thời, như quy định về condotel (căn hộ và khách sạn), officetel (văn phòng và khách sạn) đã nhắc đến 5 năm rồi nhưng đến này chưa có gì cả.
Thứ hai, chính sách về phát triển thị trường bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt là tính công khai, minh bạch của thị trường rất thiếu và yếu. Nếu thông tin còn mù mờ thì thị trường không thể phát triển lành mạnh, công tác quản lý cũng gặp khó khăn.
Thứ ba, công tác quy hoạch cần chú trọng hơn, nhất là tại những khu đô thị mới.
Thứ tư là tài chính bất động sản, bao gồm thuế, phí, các kênh dẫn vốn khác nhau còn bất cập. Như chính sách thuế, đề xuất đánh thuế từ bất động sản thứ hai bàn cãi rất nhiều nhưng cũng chưa có phương án, lộ trình thực hiện khả thi.
Thứ năm là năng lực, tư duy của các chủ thể tham gia thị trường, tính bài bản, chuyên nghiệp, dài hơi còn có vấn đề.
Thứ sáu, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp, cần có giải pháp để khơi thông những điểm nghẽn này trong thời gian tới.
Thứ bảy, những thị trường hỗ trợ thị trường bất động sản cũng phát triển chưa tốt, như thị trường tài chính, lao động, vật liệu xây dựng.
Thứ tám là thông tin dữ liệu, chuyển đổi số trong ngành bất động sản còn chậm so với các ngành khác.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần bám sát Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 được Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 của Chính phủ, Chương trình hành động và nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng để xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hiệp hội phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể: Góp ý về giải pháp phát triển đô thị gắn với sự vận hành và phát triển minh bạch của thị trường bất động sản, nhất là các đô thị vệ tinh của một số đô thị lớn; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân.
2, Sức hút của lĩnh vực bất động sản
5 tháng, TP.HCM cấp phép cho 1.213 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, với vốn đăng ký đạt 64.792 tỷ đồng, tăng 14,8%. Điều này cho thấy sức hút của lĩnh vực này vẫn rất lớn khi nhu cầu nhà đất tăng cao.
Theo loại hình kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có số lượng doanh nghiệp cấp phép là 67 đơn vị, vốn đăng ký đạt 778 tỷ đồng, giảm 58,4% về vốn so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp, xây dựng cấp phép cho 1.936 doanh nghiệp, tăng 18% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 35.894 tỷ đồng, giảm 43,6%. Trong đó, ngành xây dựng có 1.519 doanh nghiệp, vốn đạt 14.784 tỷ đồng, giảm 33,4% về vốn; nhóm ngành công nghiệp có 1.936 đơn vị với số vốn đăng ký đạt 35.894 tỷ đồng, giảm 43,6% về vốn so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, khu vực thương mại, dịch vụ cấp phép 13.737 doanh nghiệp, tăng 12,7% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, vốn đăng ký giảm 8,5%, đạt 175.392 tỷ đồng. Trong đó, thương nghiệp dẫn đầu số doanh nghiệp thành lập với 6.641 đơn vị, vốn đăng ký 62.023 tỷ đồng, tăng 24,3% về vốn… Kinh doanh bất động sản vẫn là lĩnh vực ưa thích khi có 1.213 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 64.792 tỷ đồng, tăng 14,8%.
Hơn 2 năm qua, dù có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến nền kinh tế nhưng bất động sản vẫn phát triển. Giá nhà ở vẫn không ngừng tăng, điển hình như phân khúc nhà ở vừa túi tiền ở TP.HCM đã gần như biến mất hoàn toàn. Đồng thời, một yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp vẫn lao vào bất động sản đó là nhu cầu về nhà đất vẫn rất cao.
Nhấp để đọc chi tiết về tin bài!
III – CHÍNH SÁCH
1, Bộ Tài chính quyết chặn khai gian giá chuyển nhượng nhà đất
Chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ Tài chính dự kiến xây dựng dữ liệu về giá giao dịch và kê khai thuế khi mua bán nhà đất. Đồng thời, bổ sung quy định phải thanh toán qua ngân hàng, chặn đứng hành vi khai “gian”…
Để khắc phục những bất cập trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản như: lúng túng “xác định giá đúng”, người dân khai “gian” giá chuyển nhượng dẫn đến thất thu thuế, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, thời gian tới sẽ chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích trong việc thực hiện nộp thuế chuyển nhượng bất động sản; những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng.
Đồng thời, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về giá giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Về lâu dài, Bộ Tài chính kiến nghị cấp có thẩm quyền tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội tuần vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhìn nhận, thời gian qua có sự trốn thuế, trục lợi về thuế chuyển nhượng bất động sản.
Bộ trưởng dẫn chứng, có những trường hợp ban đầu kê khai 500 triệu đồng, sau khi được giải thích thì kê khai lại là 10 tỷ đồng, có trường hợp kê khai lại gấp đến 40 lần.
Để chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ Tài chính sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều hành, dữ liệu về mua bán bất động sản để tăng cường minh bạch trong thu thuế chuyển nhượng bất động sản.
Về đề xuất ban hành quy trình hướng dẫn cụ thể trình tự, cách xử lý, trách nhiệm của cơ quan thuế, Tổng cục Thuế cho biết, tại các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý thuế và quy trình về quản lý thuế hiện hành có hướng dẫn liên quan về trình tự cách xử lý, trách nhiệm của cơ quan thuế.
Do đó, Tổng cục Thuế cho rằng, không cần phải ban hành quy trình riêng để hướng dẫn cụ thể trong trường hợp người nộp thuế kê khai giá chuyển nhượng bất động sản thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế.
Nhấp để đọc chi tiết về tin bài!
2, 10 kiến nghị cấp bách gỡ khó cho thị trường bất động sản
Lệch pha cung – cầu, lệch pha phân khúc thị trường, giá nhà tăng cao và phân lô bán nền tràn lan, sốt ảo giá đất… là một trong những vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay khiến thị trường này vẫn chưa phát triển ổn định, bền vững.
Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ tư diễn ra vào sáng 5/6, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có bài tham luận về việc phát triển thị trường bất động sản.
5 vấn đề tồn tại hiện nay
Ông Châu cho biết, thị trường bất động sản đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế và góp phần đảm bảo “an sinh xã hội về nhà ở”, đã làm thay đổi bộ mặt nhiều khu vực đô thị và nông thôn và đã đóng góp trên dưới 10% nguồn thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản vẫn chưa phát triển ổn định, bền vững biểu hiện rất rõ nét qua 5 vấn đề tồn tại sau đây:
Tình trạng “lệch pha cung-cầu” dẫn đến rất thiếu nguồn cung dự án, rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội;
Tình trạng “lệch pha phân khúc thị trường” về phân khúc nhà ở cao cấp, như tại TP.HCM thì nhà ở có giá vừa túi tiền năm 2020 chỉ chiếm 1% tổng số nhà ở và năm 2021 thì không còn loại nhà ở có giá vừa túi tiền (0%), trong khi 74% sản phẩm nhà ở thuộc phân khúc cao cấp, còn lại 26% thuộc phân khúc trung cấp;
Tình trạng khan hiếm nhà ở đã đẩy giá nhà tăng cao liên tục trong 5 năm qua vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân và đã xuất hiện tình trạng “phân lô bán nền” tràn lan, “sốt ảo” giá đất tại nhiều địa phương;
Môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa thực sự minh bạch, công bằng, lành mạnh; Có không ít doanh nghiệp bất động sản yếu kém năng lực và thiếu tính chuyên nghiệp.
Theo ông Châu, vấn đề nổi lên là cần phải kiểm soát và xử lý hiệu quả mối quan hệ hữu cơ giữa thị trường bất động sản và thị trường vốn để cả hai thị trường này phát triển lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau, do hiện nay vẫn đang tiềm ẩn một số rủi ro, nguy cơ gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Bởi lẽ, thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định sẽ kéo theo sự phát triển của thị trường vốn và nền kinh tế; nhưng ngược lại thị trường bất động sản bất ổn sẽ kéo theo sự bất ổn của thị trường vốn và nền kinh tế.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng tình hình trên đây do dịch Covid-19 hoặc do xung đột địa chính trị hoặc do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; nhưng chủ yếu là do các nguyên nhân chủ quan, trước hết là “vướng mắc” về “thể chế pháp luật” và công tác “thực thi pháp luật” của một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền….
Nhấp để đọc chi tiết về tin bài!
IV – QUY HOẠCH
1, Đất sân bay từng sốt từ Bắc vào Nam như thế nào?
Vừa qua, Hội đồng thẩm định Nhà nước đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án quy hoạch mạng cảng hàng không – sân bay cấp quốc gia, trong đó định hướng quy hoạch vị trí xây dựng sân bay thứ hai của Hà Nội ở huyện Thường Tín.
Không chỉ ở Thường Tín, những năm gần đây nhiều địa phương trên cả nước cũng liên tục đề xuất xây dựng sân bay như Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Ninh Bình, Bình Phước, Bắc Giang hay Hà Giang.
Đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã có buổi khảo sát vị trí làm sân bay lưỡng dụng Técníc 500 ha tại Hớn Quản. Ngay sau khi thông tin này được công bố, từ cuối tháng 2, giới đầu cơ từ khắp nơi đổ về khu vực này để thổi giá, chèo kéo người dân.
Thời điểm đó, giá đất khu vực đã tăng gấp hai, gấp ba lần trong vòng một tuần, ghi nhận 300 – 400 triệu đồng/mét ngang, thậm chí có nơi 500 triệu đồng.
Đơn cử một lô đất 10×55 m tại thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản có giá 500 triệu đồng đối với đất chưa lên thổ cư, còn đất thổ cư giá khoảng 660 triệu đồng cho lô 10x40m. Trong khi đó, việc xây dựng sân bay chỉ mới trong quá trình xin chủ trương, vẫn chưa được duyệt và chưa xác định vị trí cụ thể.
Tương tự Bình Phước, thị trường bất động sản (BĐS) Bình Thuận cũng từng chứng kiến những đợt sốt đất lớn ăn theo sân bay Phan Thiết.
Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2018, với sự kiện khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết lần đầu tiên với quy mô sân bay cấp tỉnh, Bình Thuận đã có hai lần sốt đất quy mô nhỏ ở khu vực Hàm Tiến, Mũi Né và Thiện Nghiệp.
Đến năm 2019 – 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển Khu du lịch Mũi Né thành khu du lịch quốc gia đến năm 2025. Cùng với đó, dự án sân bay Phan Thiết được tăng vốn lên thành 10.000 tỷ đồng, trở thành sân bay lớn thứ 3 miền Trung (sau Cam Ranh và Đà Nẵng). Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng kéo về đây làm dự án. Những yếu tố đó đã tạo nên cơn sốt đất đỉnh điểm vào tháng 3/2019.
Ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh của CTCP Đầu tư Hải Phát từng chia sẻ, thời điểm sốt đất sân bay Phan Thiết, ở xã Thiện Nghiệp (khu vực xây sân bay), trục đường chính vào sân bay và trục đường 75 là sôi động nhất.
Đơn cử đường 75, vào năm 2017 giá đất nông nghiệp 1 – 1,5 triệu đồng/m2, đến năm 2019 tăng lên 3 – 4 triệu/m2, đến năm 2021 là 5 – 6 triệu đồng/m2. Trục đường 79 qua UBND xã Thiện Nghiệp đi vào vài trăm mét, giá năm đất 2017 là 700.000 – 800.000 đồng/m2, đến 2019 là 1 – 2 triệu/m2, năm 2021 là 3 triệu/m2.
Theo ông Duy, thị trường khu Thiện Nghiệp chủ yếu ăn theo sân bay, khi có tin tức mới sẽ sốt khoảng 1 – 1,5 tháng rồi lại lắng xuống.
Cũng ở giai đoạn năm 2015, thông tin triển khai dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai) đã tạo nên cơn sốt giá đất.
Thời điểm chưa được phê duyệt, theo phản ánh, đất đai xung quanh dự án có giá chỉ khoảng 300 nghìn đồng/m2, tương đương khoảng 300 triệu đồng/sào. Ngay sau khi thông tin dự án được Quốc hội phê duyệt, giá đất tại khu vực này đã tăng 10 lần lên 3 triệu đồng/m2, tương đương hàng tỷ đồng/sào.
Đất nông nghiệp xung quanh dự án sân bay Long Thành thời điểm đó được rao bán với giá thấp nhất khoảng 1,2 – 1,5 tỷ đồng/sào đối với vị trí 4; hơn 1,5 – 2 tỷ đồng đối với vị trí 3; hơn 2 – 3 tỷ đồng đối với vị trí 2 và hơn 3 tỷ đồng đối với vị trí 1 (mặt tiền đường Hương Lộ 10, đoạn qua xã Bình sơn, xã Suối Trầu cũ, xã Cẩm Đường cũ).
Ở Quảng Ninh, vào năm 2016, với thông tin xây dựng sân bay Vân Đồn, giá đất thổ cư, tái định cư khu vực có giá 350 triệu – 500 triệu đồng/lô 300 m2 (khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/m2). Năm 2021, giá đất đã tăng lên khoảng 17 – 18 triệu đồng/m2.
Ngay ở Hà Nội, phương án xây dựng sân bay Nội Bài thứ hai 720 ha từng kéo giá đất tại một số xã thuộc huyện Sóc Sơn tăng theo. Đất nền trong ngõ ở Tân Trại (xã Phú Cường) giữa năm 2018 ghi nhận 15 – 25 triệu/m2, trong khi trước đó chỉ có giá khoảng 10 triệu đồng/m2,.. Sau này, khi có đề xuất làm sân bay thứ hai ở Ứng Hòa, đất đai tại địa phương này không tránh khỏi những biến động.
Tại Cam Lâm, Khánh Hòa – địa phương từng nhiều lần xảy ra sốt đất cục bộ, gần đây cũng lại nóng lên trước thông tin quy hoạch thành đô thị sân bay, theo ghi nhận của batdongsan.com.vn.
Nhấp vào đây để đọc chi tiết về bài viết!
Xem thêm các tin tức bất động sản khác tại Times Pro dưới đây!
Bản tin bất động sản Times Pro – Times Pro
Đánh giá bài viết!