Bí quyết vay mua nhà để không phải lo nợ “đè đầu cưỡi cổ”
Làm thế nào để vay mua nhà một cách thông minh, không bị các khoản nợ ngân hàng đè nặng lại là cả một “nghệ thuật”.
Người Việt xưa nay đều quan niệm “an cư rồi mới lạc nghiệp”. Vì thế mà có được một ngôi nhà luôn là ước muốn của nhiều người, nhất là những cặp vợ chồng lập nghiệp ở thành thị. Nhưng đáng buồn là xét trên mặt bằng chung thu nhập và giá nhà hiện nay thì việc mua một căn nhà là chuyện vô cùng khó với nhiều gia đình trẻ.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện có nhiều phương án để người dân nếu chưa tích cóp đủ tiền để mua một ngôi nhà hay căn hộ vẫn có thể mua được, trong đó phổ biến nhất là việc vay ngân hàng mua nhà. Song làm thế nào để vay mua nhà một cách thông minh và không bị các khoản nợ ngân hàng đè nặng lại là cả một “nghệ thuật”. Dưới đây là những bí quyết vay mua nhà giúp bạn có thể dễ thở hơn, không phải lo làm được bao nhiêu dốc hết trả nợ hay có khi suốt đời là con nợ.
Đừng mua nhà kiểu “tay không bắt giặc”
Về lý thuyết, các ngân hàng có thể cho vay tới 70-80% giá trị căn nhà. Như vậy ít nhất bạn phải đang có sẵn 20-30% số tiền trong tay. Thế nhưng, hiện không ít người Việt sẵn sàng mua nhà khi trong tay chẳng có đồng nào.
Vợ chồng anh Nam (Thanh Xuân – Hà Nội) cưới nhau được hơn 1 năm rưỡi, số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng chỉ khoảng hơn 100 triệu đồng. Thế nhưng 2 anh chị vẫn liều lĩnh thế chấp sổ đỏ căn nhà của bố mẹ anh Nam trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng ở quận nội thành để vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng mua một miếng đất để sau này xây cất nhà. Để vay được mức này, vợ chồng anh Nam được nhân viên tín dụng ngân hàng tư vấn cách khai và chứng minh 2 vợ chồng có tổng thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng, trong khi thực tế thu nhập của 2 vợ chồng anh mỗi tháng chỉ khoảng 23-24 triệu đồng.
Cán bộ tín dụng một ngân hàng phân tích, không nên tự tin đi vay nếu chỉ có tài sản thế chấp tốt bởi quan trọng là phải có phương án trả nợ hiệu quả. Thực tế, sau chỉ 2 năm vay nợ, đẻ thêm một con, mỗi tháng phải trả cả lãi lẫn gốc khoảng 17-18 triệu đồng cho ngân hàng, vợ chồng anh Nam thực sự thấy đuối và căng bởi sau khi trừ tiền trả ngân hàng, cả 2 vợ chồng chỉ còn khoảng 5-7 triệu để chi tiêu. Vì lẽ đó, vợ chồng anh đã rao bán miếng đất để tính phương án thanh lý khoản vay với ngân hàng do không thể kham nổi, dù miếng đất đó rao bán thời điểm này không hề được giá.
Do đó, “tỷ lệ vàng” khi đi vay theo các chuyên gia tài chính là khoảng 30-40% giá trị ngôi nhà, nhằm đảm bảo bạn vẫn còn dư dả tiền sinh hoạt cũng như không rơi vào “bẫy lãi suất” khi đi vay. Nếu muốn vay quá 50% giá trị ngôi nhà, thu nhập của hai vợ chồng phải “mạnh”, miễn sao tổng chi phí trả lãi ngân hàng không chiếm quá 40% thu nhập tháng.
Vay mua rồi cho thuê lại chính căn nhà đó
Rất nhiều người đã áp dụng cách này để giảm áp lực trả nợ ngân hàng khi mua nhà nhưng chỉ dành cho ai may mắn có thể ở tạm nhà bố mẹ một thời gian hoặc mua căn nhà rộng với nhiều phòng trống.
Như trường hợp của Trường, một hướng dẫn viên du lịch 30 tuổi tại TP HCM. Do đặc thù công việc phải thường xuyên đi công tác, Trường vay ngân hàng mua một căn hộ ở Quận Tân Bình nhưng lại không ở mà vẫn cùng vợ và con gái sống tạm nhà bố mẹ trong 3 năm.
“Ở nhờ bố mẹ, vừa để những lúc tôi đi vắng, vợ con có chỗ nhờ cậy, vừa giải quyết bài toán kinh tế trả nợ ngân hàng. Mỗi tháng cho thuê lại căn hộ kia chúng tôi cũng có thêm gần 4 triệu để trả bớt nợ ngân hàng”, Trường chia sẻ.
Sau 3 năm, dù vẫn còn nợ ngân hàng nhưng vợ chồng Trường đã về căn nhà của mình sinh sống bởi số tiền lãi phải trả không còn nhiều do khoản vay tính theo dư nợ thực tế.
Ngay cả khi không may mắn được ở nhờ bố mẹ một vài năm, bạn vẫn có thể cho thuê lại một hoặc vài phòng trong căn hộ của mình để có thêm thu nhập, bớt gánh nặng trả nợ ngân hàng. Cách này bạn có thể tham khảo bởi khá nhiều người đã làm và thành công.
Cố gắng hết sức để tất toán trước hạn
Món nợ làm bạn mệt mỏi hơn, nhưng nó cũng là động lực giúp bạn cố gắng hơn trong công việc. Nó giúp bạn làm việc không ngừng, từ đó gặt hái những thành công ngoài mong đợi.
Bên cạnh đó, bạn nên nghiên cứu kỹ điều khoản tất toán trước hạn khi vay ngân hàng vì phần lớn khách hàng không cần sử dụng hết thời gian vay ban đầu để trả nợ. Chính nhờ những “thành công ngoài mong đợi” mà bạn nhận được trong quá trình cố gắng phấn đấu để trả nợ, đã giúp bạn có những khoản thu nhập phát sinh ngoài dự tính. Lời khuyên cho bạn là đừng tiếc chi phí trả nợ trước hạn (khoảng 2 – 4% tùy chính sách từng ngân hàng và thời gian trả trước hạn). Đừng nên gửi tiết kiệm khi bạn vẫn đang nợ vì lãi suất tiết kiệm bạn nhận được chỉ bằng một phần nhỏ khoản lãi bạn phải trả cho số nợ của mình. Hãy trả nợ càng sớm càng tốt.
Chọn các chương trình ưu đãi từ ngân hàng để quyết định vay
Các chương trình ưu đãi vay mua nhà của ngân hàng hiện nay đa phần tập trung vào lãi suất, kết hợp với các quà tặng, ưu đãi giảm giá của các dự án nhà cụ thể qua chương trình hợp tác giữa ngân hàng và chủ đầu tư. Việc lựa chọn các chương trình ưu đãi giúp khách hàng giảm bớt đáng kể các khoản phải trả.Soi kỹ hợp đồng vay vốn
Trước khi đặt bút ký hợp đồng vay mua nhà, phải luôn nhớ giới hạn mức độ tối đa mà khả năng tài chính và trả nợ của mình cho phép. Hãy lên kế hoạch thanh toán trong tương lai và cân nhắc điều chỉnh giữa thu nhập và nhu cầu tài chính sắp tới, đặc biệt lưu ý sự thay đổi lãi suất cho vay.
Rất nhiều người đã lâm vào cảnh khổ sở, chắt bóp chi tiêu khi lãi suất biến động mạnh hồi như năm 2012 khiến số tiền phải trả ngân hàng hàng tháng bỗng tăng vọt gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Thời điểm này, các ngân hàng đều khá linh hoạt cho khách hàng lựa chọn phương thức trả nợ như trả lãi + gốc hàng tháng, hoặc theo quý, song chỉ có ít ngân hàng đưa ra được giải pháp duy trì sự ổn định cho khách hàng. Khách mua nhà có thể chọn hình thức cố định số tiền phải trả hàng tháng dù lãi suất cho vay biến đổi. Điều này giúp khách hàng chủ động kế hoạch tài chính và tránh chịu những tác động không muốn trong trường hợp lãi suất biến động mạnh.
Tận dụng vay người thân, bạn bè
Nếu là một người uy tín, bạn có thể hỏi vay người thân, bạn bè để đỡ đần một phần thay vì vay tất cả từ ngân hàng bởi thông thường, những món nợ này có thể được cho vay lãi suất thấp hoặc thậm chí miễn phí. Tuy nhiên, khác với vay ngân hàng, vay người quen bạn sẽ gặp một áp lực vô hình khác về thời gian trả nợ. Bất cứ lúc nào người đó cũng có thể cần tiền và đòi bạn thanh toán gấp.
Đánh giá bài viết!