Tin tức
20/12 2022

DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN "CÓ GỐC" VẪN "VỮNG VÀNG" TRƯỚC COVID-19

  • 232
  • 0/5 trong 0 Đánh giá

Bên cạnh đà suy giảm từ năm 2019, thị trường bất động sản lại chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khiến thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc. Dù thời gian khó khăn vừa qua là chưa dài, song thị trường đã chứng kiến sự thấm mệt của không ít doanh nghiệp địa ốc.
Theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý khách hàng. Giám đốc một doanh nghiệp phân phối bất động sản tại TP.HCM cho rằng, thời điểm cuối năm và đầu năm, dù thị trường còn khó khăn nhưng lác đác vẫn có khách hàng quan tâm và mua bất động sản, nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp hầu như không bán được sản phẩm nào.

“Trong khi đó, tiền lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng và nhiều loại phí khác doanh nghiệp vẫn phải lo, khiến chúng tôi thực sự bị đuối”, vị giám đốc này than thở và cho biết, giải pháp mà doanh nghiệp đang áp dụng là cho phép nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà, đưa ra 2 phương án: Một là nhân viên không nhận lương, phí hoa hồng môi giới tăng lên cao, hai là phí hoa hồng giữ nguyên và lương giảm xuống 50%.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, nếu ví thị trường bất động sản là một khu rừng, thì bản thân mỗi doanh nghiệp như một cái cây, tùy những loại cây khác nhau mà có sức đề kháng, chống chọi với thời tiết khác nhau. Song, khi nhiều loại cây mới mọc lên gặp phải vùng đất quá khô cằn hay giông bão, thì tất yếu khó trụ nổi.

“Chỉ có những cây có sức sống mãnh liệt, cổ thụ thì tồn tại, nhưng sẽ không nhiều”, ông Bảo so sánh, đồng thời đánh giá, thị trường bất động sản đã trải qua thời kỳ vàng son hơn 8 năm, từ năm 2012 đến nay và đây là giai đoạn thị trường bắt đầu có sự gạn lọc mạnh để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới.


Quả thực, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mặc dù thị trường bất động sản được xem là mảnh đất màu mỡ trong suốt nhiều năm qua, song nhìn đi ngó lại trên thực tế, số lượng doanh nghiệp được đánh giá là có nguồn lực, sự chuyên nghiệp để trở thành những nhà phát triển bất động sản thực thụ không nhiều. Phần lớn số doanh nghiệp địa ốc hoạt động theo kiểu chụp giật, phát triển manh mún như những thân cây yếu ớt không đủ sức chịu đựng được những trận gió to, chứ chưa nói đến bão giông.

Minh chứng cho thực tế là dù thị trường mới chỉ thực sự khó khăn từ đầu năm đến nay, song đã có đến hàng trăm doanh nghiệp bất động sản không còn đủ sức cầm cự, ngừng hoạt động và sa thải nhân viên hàng loạt.

Tại TP.HCM, các doanh nghiệp được xem là các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiêp hiện nay có thể kể đến như Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Novaland, Tập đoàn Danh Khôi, Him Lam, Thủ Đức House, Đất Xanh, Phúc Khang…

Dù các doanh nghiệp này không tránh khỏi ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song thay vì ngồi im, họ đã có những bước đi khá rõ ràng. Có doanh nghiệp đưa ra chiến lươc duy trì nguồn lực chờ qua thời dịch bệnh, cũng có doanh nghiệp thực hiện chiến lược nắm bắt cơ hội trong khủng hoảng.

Đòi hỏi của “cuộc chơi” chuyên nghiệp

Theo phân tích của giới chuyên môn, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay được xác định rõ nét, nhất là về diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã ảnh hưởng tới tâm lý của người mua, dẫn đến tính thanh khoản của thị trường giảm sút mạnh. Ngoài ra, thị trường còn chịu khó khăn nữa là nguồn cung sụt giảm và “khẩu vị” của khách hàng ngày càng khắt khe hơn.

Theo các chuyên gia, thị trường đã và đang bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ người mua nhà không chỉ quan tâm đến câu chuyện mua để ở, mà là mua để tìm kiếm những giá trị gia tăng, giá trị sống. Vì vậy, chất lượng dịch vụ và giá trị sống đã trở thành tiêu chí hàng đầu trong việc lựa chọn của người mua nhà, đồng thời là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp địa ốc chuyên nghiệp đang hướng đến.

Các CEO của một loạt doanh nghiệp bất động sản đều có nhận định chung rằng đợt khó khăn này khác hẳn với cuộc “khủng hoảng bất động sản” giai đoạn 2008-2013.

Cuộc khủng hoảng trước đây là do sự đầu tư àn trải, tình trạng đầu cơ ồ ạt không theo quy luật cung – cầu của thị trường và sự mất sự cân đối trong đòn bẩy tài chính.

Xem thêm tin tức bất động sản.

 

Đánh giá bài viết!

Tin tức liên quan